Phòng trà ca nhạc: Đầu tư lớn để đi đường dài

Giữa thời điểm nhu cầu thưởng thức văn nghệ của khán giả tại TPHCM ngày càng tăng cao, nhiều phòng trà đang nỗ lực đầu tư, thay đổi để hút khách, trở thành không gian thưởng thức âm nhạc chất lượng cao. Không ít nghệ sĩ nhận định, đây là thời điểm phòng trà được ưa chuộng trở lại. 
Một buổi biểu diễn văn nghệ ở sân khấu phòng trà Bến Thành, TPHCM
Một buổi biểu diễn văn nghệ ở sân khấu phòng trà Bến Thành, TPHCM

Sức hút trở lại

Tình trạng các phòng trà tại TPHCM bão hòa, bị thu hẹp hay “chết” sau dịch bệnh giờ đây đang được cải thiện dần. Các phòng trà Đồng Dao, Không Tên, Vừng, Chợ Gạo, Cooku Nest, We, Acoustic… và nhiều điểm hẹn âm nhạc lớn nhỏ khác đang tạo sức hút trở lại cho hình thức này. Mới đây, Phòng trà Bến Thành theo phong cách Sài Gòn xưa vừa ra mắt tại Nhà hát Bến Thành (quận 1) được nhiều nghệ sĩ, khán giả đón nhận. Quản lý các phòng trà cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực duy trì các tụ điểm, giữ lại thói quen nghe nhạc của khán giả. Không chỉ là nơi thực hiện các đêm nhạc, các phòng trà giờ còn là nơi tổ chức các mini show ca nhạc, họp báo ra mắt sản phẩm của nghệ sĩ. 

Nếu như sau dịch bệnh khoảng 2 tháng, một số quản lý phòng trà từng phải gồng gánh bằng sự kiên trì, lịch diễn èo uột, khách đến không nhiều, phải bù lỗ chi phí thuê ban nhạc, ca sĩ, quảng cáo, thì nay đã khác. Như Phòng trà Vừng (61 Trần Quốc Thảo, quận 3), hầu như lịch diễn kín các đêm. Fanpage phòng trà cập nhật liên tục các đêm nhạc để khách đặt chỗ. Ai không nhanh tay mất ngay chỗ ngồi ngon đêm nhạc mình yêu thích. Vừng, dù diện tích khá nhỏ nhưng trở thành chốn quen để các ca sĩ showbiz Việt biểu diễn. Đáng mừng, phòng trà này hoạt động gần như xuyên suốt trong tháng, mở cửa cả những ngày đầu tuần. Trong khi đó, Phòng trà Bến Thành vừa ra mắt, các đêm nhạc đầu tiên hầu như bán hết 300 vé. Lịch diễn các đêm nhạc đến giữa tháng 11 có sẵn. Chưa kể, danh sách ca sĩ biểu diễn hàng đêm vô cùng hùng hậu, từ dàn sao hạng A cho đến các giọng ca trẻ ăn khách hiện nay. Nhà văn Hà Thanh Phúc, chủ Phòng trà Bến Thành, cho biết, làm nghề nhiều năm, với anh, bán vé xem hát ở thành phố là khó nhất. “Bán đủ 100 chỗ ngồi xem ca nhạc phòng trà ở TPHCM là áp lực. Vì vậy, khi quyết định mở sân khấu 300 chỗ, tôi mất ăn mất ngủ. Thực sự giai đoạn này làm show vô cùng khó khăn. Mô hình phòng trà ngày càng bão hòa nhưng hy vọng có thể làm được một sân khấu chỉn chu cho nghệ sĩ, khán giả lui tới”, anh Phúc nói.

Với rất nhiều thế hệ người yêu nhạc, thói quen đi nghe ca nhạc phòng trà đã gắn với thời thanh xuân của họ. Hà khởi đầu là ca sĩ hát ở các phòng trà. Ngày xưa phòng trà chỉ dành cho các khán giả có kinh tế một chút. Bây giờ phòng trà mở ra nhiều và hướng đến các khán giả trẻ nhiều hơn, chi phí cho nghe nhạc cũng hợp lý. Các ca sĩ trẻ cũng vì vậy mà có nhiều cơ hội được hát và được gặp gỡ trò chuyện với khán giả nhiều hơn.


                                                    Ca sĩ NGUYÊN HÀ

Ca sĩ Thái Trinh cho biết: “Thực tế, ai cũng thấy hiện nay nghệ sĩ thiếu “đất”, thiếu sân khấu để thể hiện ca khúc của mình và phòng trà là nơi cho họ được có những khoảnh khắc gần gũi khán giả. Phòng trà có thời điểm vàng son, rất rộ và cũng có những lúc thoái trào. Với thời điểm hiện tại, chu kỳ thịnh hành đang trở lại”. 

Mở hướng đi mới

Nhu cầu giải trí của khán giả thay đổi từng ngày khiến hoạt động biểu diễn truyền thống trên thị trường thay đổi theo là điều tất yếu. Phòng trà ca nhạc, nét văn hóa đặc trưng của thành phố từng có lúc gần như không đủ sức hoạt động. Do đó, việc đầu tư, nâng chất để duy trì phòng trà là điều không dễ dàng. Như ông Đức Huy, chủ Phòng trà Không Tên, sau dịch, sẵn sàng bù lỗ mặt bằng, hỗ trợ nhân viên hàng tháng, đầu tư lại một số thiết bị. Quản lý Phòng trà Chợ Gạo từng cho biết để làm show hút khách, phải tìm ý tưởng mới, thay đổi “khẩu vị”, bên cạnh sân khấu cố định, còn thực hiện show diễn ngoài trời. Chưa kể, khi dàn dựng nội dung còn kết hợp âm nhạc và các buổi trò chuyện tâm lý.

Phòng trà ca nhạc: Đầu tư lớn để đi đường dài ảnh 1 Sân khấu Phòng trà Bến Thành được đầu tư âm thanh và ánh sáng hiện đại
Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này, Phòng trà Bến Thành đang tạo nên sự khác biệt khi theo đuổi phong cách “retro”, gắn liền hình ảnh Sài Gòn xưa. Đây cũng là phòng trà duy nhất tính đến thời điểm hiện tại theo đuổi hình ảnh và định hướng như trên. Anh Thanh Phúc chia sẻ mong muốn đưa phòng trà về sự nguyên bản, tìm một lối đi riêng, dù hướng đi này rất khó ở thời điểm hiện tại. Để trụ vững trước sự cạnh tranh với các phòng trà, anh Phúc cho rằng bên cạnh đầu tư marketing, phải chú trọng đầu tư vào chất lượng ban nhạc, âm thanh. Phòng trà của anh là nơi tiên phong áp dụng công nghệ hiện đại để khi khán giả yêu cầu là ban nhạc có thể chơi được liền, khách không phải đợi quá lâu.

Bà Vũ Thị Quỳnh Dao, cựu biên tập viên Sân khấu ca nhạc Cầu Vồng 126, đánh giá cao những nỗ lực hiện tại của các chủ phòng trà. Hiện nay, xu hướng hoài cổ rất được ưa chuộng, từ món ăn, áo quần đến cả thưởng thức nghệ thuật. Các phòng trà làm theo hướng này cũng có cái hay. Hiện tại một số phòng trà đã có cái vỏ, quan trọng là phần “ruột” cần được đầu tư, nâng cấp liên tục. Theo bà Quỳnh Dao, để phòng trà đi đường dài cần nhiều thứ. Tất cả phòng trà có sức hút đều phụ thuộc 3 yếu tố: ban nhạc, ca sĩ, không gian. Ban nhạc là linh hồn của phòng trà. Nghe khách khen - “ban nhạc ở đó chơi được lắm nha!” mới ổn. Thứ hai là ca sĩ và thứ ba là không gian phòng trà thiết kế phải theo chủ đề, tạo được cảm xúc, sự ấm cúng và trữ tình. Tất cả mới đẩy được cảm xúc của ban nhạc, ca sĩ, khán giả lên. Chưa kể, MC cũng cực kỳ quan trọng. 

“Để phòng trà sống dài hơi, luôn có khách, ngoài 3 yếu tố trên còn phải có gì đó thu hút, khác hẳn những nơi khác. Luôn có những chiêu thu hút nằm trong chương trình khuyến mãi, vé bán. Điều này khiến chủ nhân phòng trà phải nghĩ ra chiêu kéo khách. Phải có được những chương trình chủ đề. Một ca sĩ có thể một ngày hát 3-4 phòng trà nhưng khi đến phòng trà của mình, nhất định phải hát những bài nằm trong chủ đề mà mình chọn”, bà Quỳnh Dao tư vấn.

Tin cùng chuyên mục