TNLĐ do không có phương án, biện pháp kỹ thuật an toàn
Trong vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra tại Khu công nghiệp Hòa Phú (tỉnh Vĩnh Long), bức tường đang xây bị sập đổ lúc người lao động đang thi công, làm chết 6 người và bị thương nặng nhiều người, là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các cơ quan, DN (đặc biệt là các DN xây dựng) còn lơ là, xem thường công tác phòng ngừa TNLĐ, thiếu các biện pháp kỹ thuật, phương án đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.
Việc sử dụng các loại chất liệu dùng tô trát, xây tường vào buổi sáng (vữa, xi măng) để tiếp tục làm việc vào buổi chiều cho thấy chất liệu đã không còn đảm bảo an toàn, không còn độ bám dính. Ngoài ra, còn do việc vừa xây dựng lại bờ tường, vừa lu lèn nền bằng thiết bị tạo ra độ rung ngầm mạnh mà thiếu phương án đảm bảo an toàn, biện pháp chống đỡ. Trong khi đó, người lao động thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết an toàn lao động (ATLĐ). Thế nên TNLĐ xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Về nguyên nhân của các vụ TNLĐ nghiêm trọng, có nhiều trường hợp là do cơ quan, DN không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo an toàn; không có các phương án làm việc đảm bảo tuyệt đối an toàn; hoặc thiết bị không đảm bảo an toàn; không huấn luyện ATLĐ cho công nhân, người lao động...
Việc xây dựng các phương án, biện pháp kỹ thuật để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong lao động sản xuất, trong thi công xây dựng công trình (như khảo sát, đánh giá tác động môi trường làm việc, các yếu tố, nguy cơ cao dễ gây ra TNLĐ) là một trong những quy định bắt buộc về mặt kỹ thuật cũng như về mặt pháp lý. Thế nhưng vì nhiều lý do, có nhiều cơ quan, DN vẫn có thái độ chủ quan hoặc xem thường, không tuân thủ, thực hiện. Do vậy, nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng đã xảy ra.
Thi công xây dựng công trình là ngành nghề có rất nhiều rủi ro, nguy cơ cao về TNLĐ. Vì vậy để phòng tránh TNLĐ, các đơn vị thi công xây dựng cần phải tuân thủ và quán triệt tuyệt đối công tác ATLĐ. Trước khi đi vào thi công một công trình, đều phải khảo sát, đánh giá toàn diện, đưa ra các ý kiến phản biện, các biện pháp kỹ thuật, phương án thi công để làm sao đảm bảo an toàn tuyệt đối, mới cho người lao động làm việc. Ngoài ra, người lao động, công nhân làm việc tại công trình đều phải học, huấn luyện về ATLĐ.
Xử lý nghiêm vi phạm ATLĐ
Việc xây dựng các quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn, phương án kỹ thuật an toàn trong lao động sản xuất, trong thi công xây dựng là quy định bắt buộc, nhằm phòng ngừa rủi ro TNLĐ xảy ra. Thế nhưng, trong số các vụ TNLĐ nghiêm trọng do thiếu các phương án, biện pháp phòng ngừa TNLĐ xảy ra trong năm 2018, chỉ có 15 vụ bị đề nghị khởi tố và mới chỉ có 3 vụ đã khởi tố. Thực tế đó cho thấy việc xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn lao động chưa nghiêm. Do vậy, các cơ quan, DN vẫn còn xem thường những quy định pháp luật trong công tác phòng ngừa, đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất.
Điều 16 Nghị định 95/2013 (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) quy định phạt tiền 5 - 10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không lập các phương án về các biện pháp đảm bảo ATLĐ, vệ sinh lao động nơi làm việc của người lao động khi xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo các công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, vệ sinh lao động. Ngoài ra các hành vi như không tổ chức huấn luyện định kỳ cho người lao động, không đăng ký kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, cũng bị xử phạt hành chính nặng.
Để đảm bảo tuyệt đối ATLĐ tại nơi làm việc, trong thi công xây dựng các công trình, cần thiết phải xử lý nghiêm, thậm chí là xử lý hình sự, đối với các đơn vị, DN không tuân thủ những quy định pháp luật về ATLĐ. Cần sửa đổi, bổ sung những quy định hiện hành theo hướng tăng nặng mức xử phạt hành vi đối với cơ quan, DN nếu không xây dựng biện pháp, phương án phòng ngừa TNLĐ.
Đối với các đơn vị, DN để xảy ra TNLĐ nghiêm trọng, làm chết nhiều người do thiếu các phương án, biện pháp kỹ thuật phòng ngừa TNLĐ, cần khởi tố, truy tố, bởi suy cho cùng đây là hành vi, thái độ xem thường pháp luật của DN; đồng thời, các tổ chức, hiệp hội ngành nghề cần có những chế tài mạnh mẽ, như không cho tham gia các hoạt động nghề nghiệp, không cho tham gia đấu thầu. Đó cũng là cách nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phòng ngừa TNLĐ, hạn chế đến mức thấp nhất TNLĐ nghiêm trọng xảy ra do chủ quan.