Trao đổi với Báo SGGP về nội dung trọng tâm của công tác thi đua, khen thưởng năm 2010, Chủ tịch UBND TPHCM - Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng TPHCM Lê Hoàng Quân khẳng định: “Suy tôn, bình chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua để kịp thời biểu dương, khen thưởng là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, thời gian tới, sẽ không để các đơn vị tự đánh giá thành tích của mình mà khen thưởng phải dựa trên kết quả thực chất của tập thể, cá nhân đó”.
Chống phô trương, hình thức
- PV: Phong trào thi đua yêu nước năm 2010 trên địa bàn TPHCM sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa đồng chí?
Đồng chí LÊ HOÀNG QUÂN: Trong năm 2010, các ban ngành, đoàn thể phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn và sự kiện trọng đại của đất nước. Trong đó, tập trung vào việc phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế, ngăn chặn lạm phát cao trở lại; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân; tiếp tục giữ vững ổn định chính trị xã hội, an ninh quốc phòng; tiếp tục thực hiện chủ đề “Năm 2010 - năm thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị”; đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến theo tinh thần Chỉ thị 39 - CT/TW của Bộ Chính trị.
Nội dung phong trào thi đua phải hướng đến những nhiệm vụ trọng tâm, những việc khó, chống các biểu hiện phô trương, hình thức trong thi đua để đưa phong trào phát triển liên tục, mang lại hiệu quả cao hơn. Đồng thời, từng cơ quan đơn vị phải lựa chọn một số công trình thiết thực đăng ký xây dựng thành các công trình tiêu biểu chào mừng các ngày lễ lớn và kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội…
- Như vậy e rằng phong trào sẽ dàn trải và hiệu quả không cao?
Không dàn trải, bởi việc tổ chức phong trào thi đua ở TPHCM luôn được các cấp, các ngành, các đơn vị xác định nội dung rất cụ thể, trong đó vẫn bám sát mục tiêu trong các chỉ thị, quy định của Thủ tướng và các bộ ngành. Đặc biệt, trước tình hình suy giảm kinh tế những năm gần đây, phong trào thi đua được phát động mạnh hơn trong từng ngành, từng cấp đã tập trung mọi nguồn lực và các giải pháp để ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Các nội dung thi đua cũng được cụ thể hóa thành những phong trào đặc trưng riêng của từng đơn vị, từng lĩnh vực, tập trung vào “chất” nhiều hơn.
Đảm bảo chính xác và kịp thời
- Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng việc khen thưởng vẫn còn hình thức, chưa đúng người đúng việc, đồng chí đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Những năm gần đây, Luật Thi đua, khen thưởng và những quy định của trung ương về công tác thi đua khen thưởng luôn được tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện. Việc khen thưởng phong trào ở TP thời gian qua nhìn chung bảo đảm chính xác, công bằng, kịp thời và công khai, qua đó đã động viên được phong trào.
Nhiều quận huyện, sở ngành, cơ quan, đơn vị khi phát hiện các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, xứng đáng được tôn vinh, khen thưởng đã chủ động đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét khen thưởng, nhất là những trường hợp khen thưởng đột xuất (khen nóng) để cổ vũ, động viên kịp thời. Như trường hợp khen thưởng em Nguyễn Ngọc Tiến (Trường THCS Thạch Mỹ Lợi, quận 2) dũng cảm cứu người; ông Hoàng Mạnh Tùng (quận 2) đương đầu với tiêu cực; “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Văn Minh Tiến…
Ngoài ra, việc trao tặng và tuyên dương những tấm gương điển hình tiên tiến là Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc và các điển hình được tặng thưởng huân chương bậc cao của Đảng và Nhà nước được tổ chức trang trọng, đã có tác dụng tích cực khuyến khích các tầng lớp nhân dân noi theo.
- Tuy nhiên, vẫn có một thực tế là phong trào thi đua tại một số đơn vị còn hình thức, chạy theo thành tích; việc khen thưởng vẫn còn thiếu công bằng, nể nang nhau?
Đúng là vẫn còn tồn tại những hạn chế trong việc tổ chức các phong trào thi đua và khen thưởng ở nơi này nơi kia. Hội đồng Thi đua khen thưởng TPHCM cũng đã thực hiện công tác thẩm định các trường nghi vấn trước khi xem xét khen thưởng. Theo tôi, nguyên nhân là do một số cấp ủy Đảng chưa quan tâm đúng mức đến tác dụng của phong trào thi đua và sự phối hợp tổ chức phong trào có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ. Một bộ phận cán bộ công chức chưa quan tâm đến công tác thi đua, làm việc còn cầm chừng. Chưa kể, đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng các cấp nhìn chung còn thiếu và yếu nên việc phát hiện nhân tố tích cực để đề xuất khen thưởng còn chưa kịp thời.
Những tồn tại, hạn chế này đã được chỉ rõ và đề ra biện pháp khắc phục trong Chỉ thị số 05/CT-UBND mà UBND TP vừa ban hành. Trong đó quy trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân trong việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước ở đơn vị. Thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn TP sẽ ngày càng hiệu quả, thực chất và lan tỏa hơn.
- Cảm ơn đồng chí!
V.Anh - H.Hiệp