Những Tổ Công nhân tự quản mà chúng tôi đã gặp dưới đây là minh chứng rõ nét cho chủ trương đầy nghĩa tình - chia sẻ khó khăn với công nhân - mà TPHCM đã thực hiện những năm qua…
Chị Hà Thị Ngọc Hạnh (Tổ trưởng Tổ Công nhân tự quản Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), xuất thân là một công nhân nên chị luôn thấu hiểu những khó khăn mà người lao động xa nhà phải đối mặt.
Hơn mười năm qua, 90 căn phòng của gia đình chị đã trở thành một tổ ấm lớn cho gần 200 công nhân các tỉnh đến sinh sống và làm việc. Để những công nhân ở trọ nơi đây cảm thấy ấm lòng, chị luôn đối xử với họ bằng tình cảm gia đình thân thiết. Khi có người đau ốm, chị chủ động hỏi han, giúp đỡ về vật chất, tinh thần. Có những tháng công nhân chưa kịp nhận lương, chị vui vẻ cho nợ tiền phòng trọ. Xóm trọ của chị luôn đầy ắp tiếng cười nói vào buổi tan tầm, tan ca. Chị còn tổ chức một quầy tạp hóa nhỏ, bán đúng giá tại nhà để công nhân mua nhu yếu phẩm thuận tiện hơn. Có những đôi vợ chồng công nhân đến ở xóm trọ từ lúc cả hai còn độc thân, nay họ kết hôn và đã có con học tiểu học. Những em bé chào đời tại khu trọ này đã lên đến gần 20 cháu trong vòng từ năm 2001 trở lại đây.
Cô Nguyễn Thị Thành, Tổ trưởng Tổ Công nhân tự quản số 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn được đông đảo công nhân đến trọ gọi bằng cái tên trìu mến “cô Tư” bởi tình cảm yêu thương và quý trọng của công nhân dành cho cô. Tại khu nhà trọ của mình, cô Tư đã dành hẳn một khu đất rộng để công nhân có chỗ chơi bóng sau giờ lao động mệt nhọc. Với nghĩa cử này, mọi người trong vùng trìu mến gọi đây là khu “phòng trọ nghĩa tình”.
Ở đây, công nhân không chỉ có chỗ ở với giá rẻ, lại còn có cả sân chơi và là “điểm sáng văn hóa” để họ tìm đến đọc báo, hát karaoke, hội họp, sinh hoạt cộng đồng… Cô Tư còn đứng ra làm chủ hôn cho những đôi lứa công nhân xa nhà nên vợ nên chồng. Khi họ sinh con, cô Tư được lên chức bà, hàng ngày chăm sóc con nhỏ cho công nhân để họ yên tâm đi làm. Những trường hợp quá túng thiếu, cô Tư cho gạo ăn, hoãn trả tiền thuê phòng, cho vay tiền...
| |
MINH YẾN