Đài cứu nạn dân chài

Đài cứu nạn dân chài

Gần 20 năm qua, một người tự bỏ tiền tận tâm, tận lực với việc xây dựng hệ thống đài duyên hải ven biển, rồi cung cấp thông tin về dự báo thời tiết, cứu hộ, cứu nạn trên biển... cho bà con ngư dân. Với ngư dân ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương (Thanh Hóa), anh như “lá bùa hộ mệnh” mỗi khi ra khơi…

  • “Alô! Đài cứu nạn 02 Ngư Lộc đây!”

Giọng nói ấy được phát đi đều đặn, đến với những con tàu của ngư dân đánh bắt hải sản ở ngoài khơi xa, từ “Đài thông tin duyên hải cứu nạn” của anh Trần Văn Lưu (42 tuổi) ở thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Hàng ngày, anh vẫn thường liên lạc đến các đài Thông tin duyên hải từ Móng Cái đến Kiên Giang để nắm bắt thông tin về thời tiết rồi cung cấp “miễn phí” cho ngư dân trên tàu đi biển.

Đài cứu nạn dân chài ảnh 1
Anh Trần Văn Lưu đang trao đổi thông tin bằng máy bộ đàm với các tàu đánh cá đang hoạt động trên biển. Ảnh: THÁI DƯƠNG

Chúng tôi tìm về thôn Thắng Lộc. Trong căn nhà cấp bốn lụp xụp, rộng chừng hai chục mét vuông của anh Lưu, bày la liệt nào là ti vi, đồ điện tử, bộ đàm thoại, dây điện giăng như… “mạng nhện”, đầu máy thu phát sóng, máy ghi âm băng tần… Khi tôi bước vào nhà, anh gật đầu chào và dùng tay ra hiệu mời khách ngồi, vì anh đang có cuộc đàm thoại với Đài phát sóng Hòn Gai Radio ở Quảng Ninh để nắm thông tin thời tiết trên vịnh Bắc bộ cho gần 40 chiếc tàu đánh cá của ngư dân Ngư Lộc chuẩn bị nhổ neo. Sau khi nghe Đài Hòn Gai Radio thông báo thời tiết bình thường, anh vui vẻ cảm ơn đài bạn và quay ra bắt tay tôi nói như phân trần: “Chú thông cảm nhé, tôi phải hỏi rõ thời tiết trên vùng vịnh Bắc bộ để bà con ra khơi cho an toàn”.

Trong câu chuyện thân tình, anh Lưu kể cho tôi nghe cái “duyên” gắn bó với công việc này. Gia đình anh có mấy đời bốc thuốc Nam, bố anh là ông Trần Quốc Khánh, cũng đi biển, nhưng mỗi lần đi ông vừa đánh cá vừa chữa bệnh cho anh em dân chài ốm đau trên các tàu. Chỉ một mình anh say sưa với cái việc mà lúc đầu nhiều người cho rằng anh là một gã khùng. Anh kể: “Học xong cấp III năm 1987, tôi thi vào Trường Đại học Y Hà Nội bị thiếu nửa điểm. Nhà nghèo không có điều kiện thi tiếp, tôi xin đi bộ đội. Rời quân ngũ, tôi về quê học nghề sửa chữa điện tử dân dụng, điện tử hàng hải. Một buổi trưa cuối tháng 6-1989, hàng chục tàu, thuyền của xã Ngư Lộc đang đánh cá trên biển Đông thì gặp bão.

Nhiều ngư dân của xã đã bị thiệt mạng ngoài biển trong vụ tai nạn này. Cả buổi chiều hôm ấy, gia đình tôi ra bờ biển chờ tin cha. Đến gần tối, một số tàu, thuyền cập bến. Tôi lao ra biển gặp lại cha mình đang kiệt sức. Nhìn thấy tôi, giọng ông gần như đứt quãng: “Bà con mình chết và bị thương nhiều quá con ơi! Tất cả chỉ vì ngư dân chúng ta thiếu thông tin từ đất liền...”. Từ ấn tượng này, anh Lưu đã lặn lội khắp nơi tìm mua một hệ thống đài phát sóng băng tần thấp. Sau nhiều tháng mày mò, nghiên cứu lắp ráp, cuối tháng 9-1989, hệ thống thông tin liên lạc băng tần thấp (loại một băng) gồm một máy phát hiệu TUBOR 2400 MKII, công suất 3W của anh Lưu đã đi vào hoạt động.

Bán kính phát sóng của hệ thống này khoảng 5 km - từ bờ biển Ngư Lộc ra đến đảo hòn Nẹ. Hôm anh Lưu phát sóng điện đàm thành công, nhiều tàu của Ngư Lộc đánh bắt hải sản quanh đảo hòn Nẹ thu được tín hiệu, bà con trên tàu vui mừng hét lớn: “Tuyệt vời quá! Từ nay chúng ta liên lạc được với đất liền bằng “đài anh Lưu” rồi!”. Cũng từ đó, nhà anh Lưu luôn là nơi bà con ngư dân và thân nhân của họ ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa... gửi gắm niềm tin. Lúc thì chuyển thông tin từ các tàu, thuyền đang đánh bắt hải sản bị trục trặc máy, cần tàu bạn ứng cứu. Lúc thì báo tin bố mẹ của ngư dân nào đó bị ốm nặng. Lúc thì thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới... Tất cả đều được anh Lưu chuyển tải nhanh chóng, kịp thời.

Vừa qua, anh Lưu mua được một hệ thống đài thông tin mới, tương đối hiện đại gồm: một máy ICOM IC 710 (do Nhật Bản sản xuất) có công suất 150W, một bộ đàm, anten cao 10m, cục nguồn, ắc quy, loa phóng thanh. Tổng số tiền đầu tư cho hệ thống đài này gần 30 triệu đồng. Hiện đài thông tin của anh Lưu đã được Cục Tần số vô tuyến điện (thuộc Bộ Bưu chính - Viễn thông) cấp giấy phép hoạt động trên các tần số sau: 7903,0000 kHz; 7906,0000 kHz và 7960,0000 kHz. Các tàu, thuyền đánh cá ở khu vực Bạch Long Vĩ, đảo Cát Bà (Hải Phòng) đều có thể thu được tín hiệu từ đài thông tin của anh Lưu thông qua các tần số trên. Đây là các tần số phục vụ công tác cứu nạn; phòng, chống tội phạm trên biển; thông tin giữa các tàu, thuyền; chuyển tải bản tin dự báo thời tiết... mà các tàu, thuyền đánh cá của Thanh Hóa, Nam Định thường xuyên sử dụng.

  • “Đài tôi chỉ cứu nạn cho bà con ngư dân”

Ở tấm bảng treo trên tường nhà anh Lưu, tôi đọc được một dòng chữ do chính tay anh viết: “Không liên lạc bất cứ vụ lợi hay tiếp tay cho thông tin bất chính”. Anh Lưu cho biết - dòng chữ ấy là một nguyên tắc làm việc của anh. Vì nhiều hôm, có các tàu từ ngoài khơi gọi vào hỏi anh những thông tin mang tính chất buôn bán, trao đổi, thậm chí có tính chất vi phạm pháp luật, anh đã thẳng thắn trả lời: “Đài tôi chỉ làm việc cứu nạn cho bà con xóm chài”. Chị Trần Thị Xuân, vợ anh Lưu năm nay 37 tuổi, kể cho tôi nghe về nỗi vất vả, cực nhọc trong công việc của anh Lưu. Nhiều hôm, chị Xuân phải thức trắng đêm theo chồng vì trời mưa bão, hay có cơn áp thấp nhiệt đới. Còn anh thì hì hục gọi hết đài này đến đài khác suốt tới sáng vì chưa thấy tin tức của một số tàu thuyền ngoài khơi báo về.

Chị Xuân kể: “Có lần, khi anh Lưu liên lạc được với chiếc tàu bị nạn do vỡ bánh lái ở ngoài khơi, anh ấy vội vùng chạy bộ trong đêm đi tìm gia đình chủ tàu để báo tin cho họ. Vì tôi không biết, nên cứ tưởng anh ấy bị ảnh hưởng thần kinh do nhiễm điện từ trường, nên cũng chạy theo, tới nơi, mới biết anh ấy đi báo cho gia đình người bị nạn biết người trên tàu còn sống”. Tôi hỏi chị Xuân xem đã có lúc nào anh Lưu định bỏ công việc của mình chưa? Chị Xuân khẳng định: “Gần 20 năm rồi đấy, anh ấy cứ vậy thôi, yêu “nó” còn hơn yêu tôi. Không bao giờ lấy một đồng của ai sất, có hôm mải làm đến quên cả ăn cơm...”.

Trong cuốn sổ ghi chép hàng ngày của anh Lưu, tôi đọc được rất nhiều vụ tàu bị nạn trên biển được anh gọi cứu nạn. Ví dụ như: Ngày 25-10-2005, thông tin cho các tàu đến cứu nạn tàu của ông Nguyễn Văn Khanh (thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc) khi tàu này bị hỏng bánh lái. Ngày 5-11-2005, cứu nạn tàu của ông Nguyễn Văn Thu (thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc) khi bị hỏng chân vịt. Ngày 10-11-2005, cứu nạn tàu ông Mai Văn Lộc (ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc), khi tàu này có một ngư dân bị rơi xuống biển. Tối 26-1-2006, tàu TH 0098 của anh Nguyễn Văn Cường (thôn Minh Thắng, xã Minh Lộc) đang ở ngoài khơi phát tín hiệu kêu cứu, anh Lưu đã thông tin cho năm tàu gần đấy đến ứng cứu kịp thời, cứu sống 11 ngư dân đang kiệt sức vì phải gồng mình chống chọi với từng đợt sóng ngầm chực xẻ đôi con tàu đã bị chết máy. Và chi chít những lời cảm ơn của các chủ tàu được anh Lưu cứu.

  • Giúp người không nghĩ lấy công

Trước việc làm ân nghĩa của anh Lưu, nhiều ngư dân đi biển đã quyên góp mỗi người vài trăm ngàn để hỗ trợ anh Lưu chi phí trong công việc, nhưng anh khẳng khái nói với mọi người: “Tôi không cần tiền của bà con, tôi chỉ mong mọi người bình an và không mất đi tài sản của mình một cách oan uổng. Bà con mất người, mất của thì Nhà nước cũng mất đi hàng tỷ đồng cho việc khắc phục, hỗ trợ cuộc sống cho bà con…”.

Trao đổi với chúng tôi về việc làm của anh Lưu trong những năm qua, ông Nguyễn Trọng Dưỡng, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: “Anh Lưu là người có công rất lớn trong việc liên lạc bằng sóng vô tuyến điện từ đất liền với các tàu, thuyền hoạt động trên biển. Mỗi năm, anh ấy đã truyền đi hàng ngàn thông tin cần thiết cho thân nhân các gia đình có người đi biển; thông tin kịp thời về các cơn bão, áp thấp nhiệt đới để tàu, thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc của anh Lưu đã tham gia tích cực vào việc cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đến nay, dù chưa có chế độ, chính sách gì, nhưng anh Lưu vẫn miệt mài với công việc của mình”.

Lúc chia tay, anh Lưu bộc lộ với tôi rằng, hiện nay, anh đang lo không còn đủ sức khỏe để làm việc này nữa, vì thần kinh của anh bị ảnh hưởng do nhiễm sóng điện từ. Vừa rồi, anh phải đi chữa bệnh ở Viện 108 Hà Nội mất mấy ngày. Nhưng điều anh lo nhất là, đầu tháng 2-2007 tới, giá trị của tờ giấy phép “Sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện” do Cục Tần số Vô tuyến điện của Bộ Bưu chính - Viễn thông cấp sẽ hết hạn. Thủ tục hành chính xin cấp lại rất phiền hà.

Tôi nghĩ, việc đầu tư một phần kinh phí cho cái “Đài thông tin anh Lưu”, giúp đỡ anh về mặt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho một người bỏ tiền, bỏ sức ra làm công không, giúp ích cho ngư dân vùng biển trong suốt gần 20 năm qua - điều đó, không phải là khó khăn gì đối với ngành thủy sản và các ban, ngành có liên quan. 

THÁI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục