Mưu sinh ở tuổi... 100

Mưu sinh ở tuổi... 100

…Khi chia tay, cụ bà trăm tuổi cũng nói với theo: “Con tui thích ăn cà ri gà lắm”. Một câu nói cuối cùng, bà Diệp Thu cũng dành cho những đứa con. Chao ôi, tấm lòng người mẹ thật luôn mênh mông…

Mẹ già nuôi con “dại”

Mưu sinh ở tuổi... 100 ảnh 1

Căn nhà trên lầu 1 của khu chung cư tại số 88 Ký Hòa (P.11, Q.5, TPHCM) có một căn phòng cho thuê nhỏ, bề ngang 3m và dài 3,5m. Trong đó, cụ bà Diệp Thu ngồi thẫn thờ trên ghế, tóc không còn bao nhiêu sợi, bạc thếch. Hai đứa con - một trai, một gái - ngồi trong góc nhà, tóc họ cũng lấm tấm bạc rồi.

Người con trai đưa đôi tay khoèo ra cầm ly nước mời khách, miệng không nói tiếng nào, đầu nghiêng nghiêng và… trề môi ra, anh ta bị tâm thần nhẹ và chân đi cà nhắc, đã 55 tuổi, tên Diệp Tô Hà. Người con gái thì tỉnh táo hơn, lúng búng những câu gì đó bằng tiếng Quảng Đông, với tay chải tóc cho mẹ khi thấy khách chụp hình. Tóc chị cũng có “muối tiêu” vì đã bước qua ngưỡng 66 tuổi, chị tên Diệp Lan, con gái lớn của cụ bà Diệp Thu.

Ba mẹ con của họ đều đã già và sống lây lất bám víu vào nhau mà ví như một trong số đó bị vấp ngã, thì cả gia đình họ chắc cũng sẽ nát tan. Tôi xin phép được xem chứng minh nhân dân của cụ bà, trong ấy ghi: họ tên Diệp Thu, sinh 1908, nguyên quán Trung Quốc.

Anh bạn phóng viên Báo SGGP (Hoa Văn) đi cùng tên Kỳ Lân vừa làm nhiệm vụ dẫn đường, vừa phiên dịch, bảo với tôi bằng giọng nghẹn ngào: “Cụ Diệp Thu đã 100 tuổi nếu tính theo Dương lịch và vừa tròn 101 tuổi nếu tính theo Âm lịch. Ấy vậy mà cụ vẫn… bươn chải nuôi con, thật đáng khâm phục”.

Sống nhờ vé số

Mỗi sáng, chị Lan dìu bà Thu rời căn phòng trọ vào lúc 4g30. Hai mẹ con chia ra hai hướng, bà Thu đi dọc theo lề trái của đường Ký Hòa để bán vé số, còn chị Lan đi về phía ngược lại để sang ngôi chùa gần đó, xin đồ ăn thừa mà người ta để dành cho chị từ ngày hôm qua.

Trong sương sớm tù mù, hình ảnh một cụ bà trăm tuổi chống gậy đi rất chậm, tay cầm xấp vé số mỏng mời khách mới đau xót làm sao. Rồi thêm hình ảnh chị Lan xách cái gàu mên lạnh ngắt tất tả đem về nhà hâm lại cho nóng để mẹ và em trai ăn... Nhưng người đi đường không thể chứng kiến cả hai hình ảnh ấy cùng một lúc, bởi hai mẹ con họ, đi về hai hướng khác nhau.

Bà Thu, chị Lan chỉ gặp lại nhau vào giữa trưa, khi “sở hụi” 20.000đ (do lãi bán được 40 tờ vé số) đã có. Còn chị Lan thì sau khi dọn bát cơm thừa nhưng nóng sốt cho mẹ, mới tất tả chạy đi lấy thêm vé số mới, cho ngày mưu sinh hôm sau.

Công bằng mà nói thì tuy đã già, lại yếu sức nhưng hàng ngày, chị Lan vẫn phụ mẹ bán thêm được mươi, mười lăm tờ vé số nữa, kiếm thêm khoảng gần 10.000đ tiền lời. Còn anh Diệp Tô Hà thì do ngớ ngẩn nên chỉ bán trước cổng chùa, cũng kiếm được mỗi buổi 5.000đ.

Bà Diệp Thu khoe rằng do “làm ăn uy tín” nên bà được đại lý vé số ưu ái không bao giờ thu tiền trước, lại còn cho trả lại nếu như bán không hết vé. Số tiền kiếm được, mẹ con bà trả tiền thuê nhà cho người ta, để khỏi phải ngủ lê lết ngoài vỉa hè như những năm trước.

Chỉ thương con

Mẹ con họ thương nhau đến rơi nước mắt! Mỗi ngày đi làm về, chị Diệp Lan vẫn dành ít thời gian và tiền lẻ mua một cục than tổ ong để nấu nước nóng mà tắm cho mẹ. Chị lấy lược chải đi chải lại mái tóc lơ phơ của bà Diệp Thu, rồi là đấm bóp, rồi bón cơm bón cháo.

Bà Diệp Thu cũng vậy. Bà thương con nên nhường cả khẩu phần ngon nhất cho cậu con trai ăn, còn riêng mình chỉ mang theo chút bánh mì không “ăn đường”. Đoạn đường bà “đi làm”, tôi đếm độ dài ước chỉ khoảng 300m, tôi chạy xe máy chỉ 20 giây, mà bà đi từ đầu đến cuối đường, rồi vòng về nhà, mất 6 tiếng, để kiếm 20.000 - 30.000đ nuôi con.

Hai mươi năm nay, bà Thu sống được là nhờ khách quen uống cà phê mua vé số giúp và đa phần họ còn đãi bà ăn sáng, khi thì bánh bao, khi thì ly cà phê sữa nóng. Dịp năm ngoái, Báo SGGP (Hoa Văn) có viết một mẩu về bà Thu, thế là bạn đọc cũng có cho ít tiền, bà chẳng dám giữ trong người vì sợ mất, đành để lại tòa soạn cất hộ.

Qua hai, ba lần lên cơn đau bao tử do ăn uống thất thường, rồi lên huyết áp do bị… cướp vé số, bà Thu phải nhập viện và số tiền của Báo SGGP (Hoa Văn) giữ giùm cũng vơi đi. Đến cận tết năm này thì ngân quỹ đã cạn, động viên mãi bà Thu mới chịu nằm lại viện sau ca cấp cứu. Bà bảo để tiền đó cho con gái trị bệnh, chứ bà đã già rồi, chỉ tốn thêm mà có ích gì!

Tôi trực tiếp hỏi bà bằng một câu tiếng Hoa “A phò, nị trung xoẻn xịt dách dẹ?” (Bà ơi, bà thèm ăn món gì không?) thì nghe bà nói rằng (đại ý): “Ăn ngày hai bữa còn không đủ, tui không thèm gì, chỉ sợ chết bởi chết rồi ai lo mấy đứa nhỏ!”.

Dương Minh Anh

Tin cùng chuyên mục