Cầu Hoàng Hoa Thám (TPHCM): 103m, 10 năm và 155 tỷ đồng...

10 năm dang dở…
Cầu Hoàng Hoa Thám (TPHCM): 103m, 10 năm và 155 tỷ đồng...

(12G).- Dự án xây cầu Hoàng Hoa Thám (hay còn gọi cầu Bông 2-TP Hồ Chí Minh) được khởi công cách đây 10 năm nhưng đến nay vẫn chỉ hoàn thành được… 3 trụ cầu! Cây cầu dài 103m từ dự toán kinh phí ban đầu chỉ 19 tỷ đồng nhưng đến nay đã đội lên 155,5 tỷ đồng. Thế nhưng “số phận” cây cầu này cũng không biết “treo” đến bao giờ khi dự án vẫn còn “tắc” ở khâu giải phóng mặt bằng.

10 năm dang dở…

Cầu Hoàng Hoa Thám (HHT) bắc ngang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tổng kinh phí xây dựng ban đầu là 19 tỷ đồng, bao gồm kinh phí xây dựng và chi phí đền bù giải tỏa. Cây cầu này chỉ dài 103m nhưng nó có ý nghĩa quan trọng vì nối đường Hoàng Hoa Thám nối dài (quận Bình Thạnh) với đường Trần Quang Khải (quận 1), tạo thêm các trục giao thông kết nối để giảm áp lực lưu thông trên các tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng vốn dĩ đã quá tải...

Cầu Hoàng Hoa Thám (TPHCM): 103m, 10 năm và 155 tỷ đồng... ảnh 1

Sau 10 năm khởi công, cầu Hoàng Hoa Thám chỉ trơ trọi 3 trụ cầu giữa kênh (ảnh chụp lúc 17g ngày 29-7)

Được khởi công từ tháng 9-1998, theo kế hoạch, cầu sẽ được hoàn thành sau 16 tháng. Thế nhưng một năm sau, công trình cầu HHT đã gặp phải hàng loạt sự cố phát sinh: thiếu đường dân sinh đảm bảo hành lang an toàn cầu; tĩnh không của cầu quá thấp; thiếu quỹ nhà tái định cư cho các hộ bị giải tỏa; trong quá trình thi công, 6 cọc khoan nhồi trụ T2, T3 bị phát hiện chất lượng bê tông không đồng nhất, cường độ bê tông thấp hơn so với thiết kế... Sau gần 4 năm bổ sung thiết kế và trình phương án khắc phục các sự cố trên bằng khoan 8 cọc nhồi đường kính 1.000mm. Thế nhưng, dự án này lại bị “treo” cho đến nay.

Để đẩy nhanh tiến độ, năm 2006, UBND TPHCM đã giao công trình cầu về cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư (thay cho chủ đầu tư cũ là Công ty cổ phần Phát triển đô thị Bình Minh). Theo phương án điều chỉnh mới, tháng 3-2008, TP đã phê duyệt tổng mức đầu tư mới là 119 tỷ đồng, tăng khoảng 100 tỷ đồng. Theo lý giải của chủ đầu tư mới, kinh phí tăng là do tăng chi phí đền bù giải tỏa và chi phí xây lắp (điều chỉnh tĩnh không và làm đường dân sinh)...

Nói về tiến độ cây cầu “treo” này, chị Nguyễn Thị Thúy, ngụ tại quận Bình Thạnh, cho biết: “Cầu được khởi công xây dựng lúc tôi còn mang bầu đứa con đầu lòng giờ đây thằng nhỏ đã học xong lớp 3. Không biết đến khi thằng nhỏ học xong tiểu học, có xong nổi không? Tôi không học chuyên ngành về xây dựng hay giao thông, nhưng một cây cầu cỏn con bắc qua kênh mà 10 năm không xong, lãng phí cả trăm tỷ đồng thì không thể chấp nhận được”.

Tiếp tục treo?…

Theo đơn vị chủ đầu tư mới (Khu Quản lý GTĐT số 1), sở dĩ đến nay dự án chưa thể khởi động lại vì chưa có mặt bằng để thi công. Hiện còn trên 20 hộ dân nằm trong khu vực giải tỏa vẫn chưa bàn giao mặt bằng. Mặt khác, sau khi tiếp nhận lại dự án từ chủ đầu tư cũ phải chờ kết quả kiểm toán khối lượng công trình của chủ đầu tư cũ.

Trước đó, vào cuối tháng 3-2008, UBNDTP đã điều chỉnh dự toán lên 119 tỷ đồng, với tiến độ đề ra là sẽ hoàn thành vào tháng 11-2009 (sau 16 tháng thi công). Theo chủ đầu tư mới, số tiền tăng lên chủ yếu do đền bù giải tỏa tăng từ 5,5 tỷ đồng lên 78,5 tỷ đồng; chi phí xây lắp tăng 11 tỷ đồng lên 28 tỷ đồng vì điều chỉnh tĩnh không và làm đường dân sinh...

Thế nhưng đến nay đã cuối tháng 7 nhưng công trình cầu HHT vẫn chưa có dấu hiệu khởi động lại. Do tiếp tục “treo” và giá nguyên vật liệu, chi phí nhân công đều tăng nên mới đây TP lại phải tiếp tục điều chỉnh dự toán cầu HHT lên 155,5 tỷ đồng, tăng 136,5 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu và tăng 36,5 tỷ đồng so với quyết định điều chỉnh dự toán được duyệt cách đây 4 tháng.

Trao đổi, với SGGP 12 Giờ, ông Ngô Bá An, Phó Giám đốc Khu Quản lý GTĐT số 1 cho biết, hiện tại còn vướng 24 hộ thuộc địa bàn quận 1 vẫn chưa bàn giao mặt bằng nên không thể tiếp tục thi công, nếu phía quận 1 bàn giao mặt bằng thì chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành công trình cầu trong vòng 16 tháng.

“Trong khi giá nguyên vật liệu, sắt thép, nhân công tăng liên tục như hiện nay, nếu không được bàn giao mặt bằng đúng hạn để khởi công công trình cầu trong tháng 10-2008 dự toán đầu tư sẽ phải tiếp tục điều chỉnh”, ông An lo lắng.

Xin dẫn tâm tư của một người dân khu ở chung cư Miếu Nổi để thay cho lời kết bài viết này: “Cả chục năm nay những gì người dân thấy chỉ là vài trụ trơ trọi giữa lòng kênh trong khi hàng ngày xe cộ lại phải chen chúc qua cây cầu gỗ Trần Khánh Dư tạm bợ. Nghe nói sắp tới thành phố là phải chi thêm 15 tỷ đồng để xây dựng cầu tạm để thay thế cây cầu yếu này. Nếu cầu HHT được hoàn thành sớm thì thành phố sẽ không lãng phí hàng chục tỷ đồng như vậy. Ngoài việc phải sớm hoàn thành cây cầu trên, UBNDTP phải làm rõ trách nhiệm từng đơn vị liên quan để người dân đỡ bức xúc”.

Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục