Cô bé mồ côi và nỗi ám ảnh

LTS.
Cô bé mồ côi và nỗi ám ảnh

LTS. 13 tuổi, Trần Thị Oanh đã phải sống cô độc một mình trong căn nhà đổ nát, nơi mà trước đó có bố, mẹ và đứa em trai cùng sống. Oanh lủi thủi sống trong căn nhà nhỏ đổ nát dưới chân đồi Đức Thịnh sau khi đã chôn cất cha, mẹ và đứa em trai chết vì AIDS. Những người nhiễm HIV đã đi đến cuối cuộc đời của họ, chỉ còn lại Oanh, đứa con gái côi cút sống chơ vơ giữa sự kỳ thị của mọi người... Đã nhiều lần Oanh định bỏ học để đi thật xa với mong muốn không còn ai biết đến gia đình của cô bé đã từng đã tan tác vì AIDS. Xin hãy nghe tiếng nói của con chim non đang sống những tháng ngày khó khăn, khốn khổ và đau thương – Trần Thị Oanh - “Con chỉ muốn được đi thật xa với hy vọng sẽ có cuộc sống bình thường, không bị mọi người xa lánh, khinh bỉ”.

Với hoàn cảnh như thế nhưng cô bé vẫn cố gắng đi học và học đến lớp 8, quả là sức chịu đựng phi thường. Xin mọi người hãy giúp cho Oanh một tương lai mới, không có những ám ảnh giữa đêm vì tiếng kêu rên đau đớn của mẹ, cha và không phải chịu đựng sự kỳ thị, xa lánh của mọi người.

Thảm họa

Cô bé mồ côi và nỗi ám ảnh ảnh 1

Em Oanh trước ngôi nhà đổ nát của mình.

Năm 1995 anh Trần Văn Thuyết kết duyên với chị Nguyễn Thị Hợi người cùng làng. Cuối năm họ sinh bé gái Trần Thị Oanh. Cuộc sống với vài sào ruộng khoán tuy còn nhiều khó khăn nhưng hạnh phúc và tiếng cười luôn đầy ắp trong căn nhà nhỏ của họ.

Nhưng rồi cuộc sống của họ không bình yên khi phong trào thanh niên xóm Yên Vinh bỏ đồng ruộng vào Nam lập nghiệp. Anh Thuyết đã theo người bạn vào Nam làm thuê với hy vọng giúp vợ con đổi đời. Thỉnh thoảng anh Thuyết về quê với những món tiền nho nhỏ cho vợ, món quà bé bé cho con.

Làm việc được năm năm anh Thuyết “tự dưng” thấy hay mệt và phát ho khan nên anh trở về với mảnh ruộng cằn của quê nhà. Năm sau, vợ chồng anh sinh thêm đứa con trai. Càng ngày anh Thuyết càng yếu với nhiều chứng bệnh. Cuối cùng người anh lở loét và nằm liệt giường. Đưa anh đến nhà thương, bác sĩ bảo anh đã ở giai đoạn cuối của bệnh “ét” (AIDS). Bác sĩ giảng giải cho chị về căn bệnh thế kỷ AIDS, chị sợ lắm. Theo yêu cầu của bác sĩ, chị phải làm xét nghiệm cho cả gia đình. Chị Hợi rụng rời với kết quả xét nghiệm - chị và đứa con trai nhỏ cũng dương tính với HIV. Còn Oanh, theo đề nghị sẽ phải xét nghiệm thêm.

Cú sốc đó đã làm cho chị đột quỵ nằm liệt giường. Đã mấy lần chị nghĩ đến cái chết để giải thoát nhưng nghị lực và thiên chức của người mẹ đã giúp chị đứng vững chống chọi với bệnh tật để chăm chồng, nuôi con. Một mình chị chạy ngược, chạy xuôi làm lụng để kiếm tiền thuốc thang cơm cháo cho chồng con nhưng rồi những gánh củi bó rau của chị cũng chẳng ai mua vì họ sợ... Có nhiều lúc nhà không có lấy hột gạo, nhìn chồng nằm trên giường, hai đứa con đói cơm nheo nhóc, chị khóc không thành tiếng. Chị đi đến các xã xa làm thuê để trốn tránh sự kỳ thị của mọi người.

Ai thuê gì làm nấy, khi không ai thuê làm việc thì chị mua hoa quả vùng cao để đi đến những chợ vùng xa bán. Không thể hết nỗi cơ cực, vất vả, đắng cay tủi nhục của chị khi phải vừa nuôi chồng con bệnh tật vừa phải chịu đựng “án tử hình” và nỗi đau kinh khủng nhất là cả gia đình chị phải chịu cô lập, kỳ thị xa lánh của xóm làng. Chị lầm lũi đi thật sớm về thật trễ như một bóng ma của xã Yên Vinh. Hơn 8 tháng trời nằm dính chiếu, anh Thuyết từ giã cõi đời. Khi vành khăn tang trắng trên đầu chưa cởi xuống thì đứa con trai của chị chưa đầy 3 tuổi cũng theo cha về với đất. Nước mắt chị không còn để khóc nữa.

Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, tang thương nối tiếp tang thương, khổ cực và bệnh tật đè nặng lên vai người đàn bà tội nghiệp và cuối cùng, chị “đi” theo chồng con trong một đêm mưa gió tháng 8 năm 2007. Làng xóm chỉ biết chị Hợi đã chết khi tiếng gào khóc của bé Oanh như xé toạc màn đêm. Ba cái chết vì AIDS trong một gia đình đã làm náo động cả vùng quê Yên Vinh, vốn rất yên bình.

Tuổi thơ đầy nước mắt

Tại nhà em Oanh, không khí hoang tàn và lạnh lẽo bao trùm. Một cảnh tang thương bày ra trước mắt. Ngôi nhà bị sập hẳn gian phía Nam, gạch ngói vỡ tung, hai gian còn lại là bàn thờ. Mạng nhện giăng đầy, chân hương bị chuột húc đổ tung tóe. Bé Oanh bơ phờ, ngơ ngác đứng một chỗ từ nãy đến giờ mặc chúng tôi giúp em dọn dẹp lại các bàn thờ bỗng òa khóc. Qua lời em kể, lời của làng xóm và các thầy cô giáo chúng tôi chắp nối được cuộc sống đau thương của Oanh. Năm học lớp 2 bố mất, ở trường không bạn nào dám chơi chung với Oanh. Đi học về lỡ cùng đường với bạn thì bị bạn chửi là “đồ si đa” và ném đá. Con bé mới học lớp 2 đã hiểu mang máng rằng căn bệnh quái ác ấy lây lan kinh khủng và làm chết người (?!).

Mỗi giờ ra chơi nhìn bạn bè nô đùa Oanh chỉ biết ôm gốc cây, tủi thân, nước mắt đầm đìa. Oanh không muốn đi học mà cũng sợ ra đường vì không chịu đựng nổi sự dè bỉu, xa lánh của mọi người. Những câu chửi ác miệng của người đời như lưỡi dao cứa vào tuổi thơ em. Cô giáo Thùy chủ nhiệm lớp đã lên tiếng bênh vực em và coi em như con nên cô đến nhà động viên để Oanh tiếp tục đến trường. Người mẹ ngày càng đau nặng hơn và chị không làm gì được ngoài việc nằm trên giường nhìn đứa con gái tội nghiệp của chị bươn chải kiếm sống và chịu đựng sự khinh miệt, xa lánh của mọi người.

Ngoài giờ đi học, Oanh ra đồng mò cua, bắt ốc hay vào rừng kiếm củi để kiếm miếng ăn cho mẹ và cho mình. Mới 12 tuổi, Oanh đã trở thành lao động chính của gia đình. Làng xóm, họ hàng thương tình, đôi lúc người cho bơ gạo, củ khoai; nhưng họ cũng lẳng lặng đem bỏ trước cổng nhà Oanh rồi về. Cuối cùng người mẹ yêu thương của Oanh cũng đã đi xa mãi mãi. Oanh như con gà con lạc mẹ cứ ngồi thu lu một mình trong nhà ôm lấy di ảnh mẹ mà khóc, một mình.

Sự kỳ thị và xa lánh của làng xóm càng lớn hơn khi chỉ còn một mình Oanh trong “căn nhà ét”. Sự kỳ thị ấy còn khủng khiếp hơn cái đói, lạnh mà Oanh phải chịu đựng hàng ngày. Không chịu đựng nổi sự kỳ thị xa lánh của mọi người, đã vài lần Oanh bỏ xóm làng ra đi nhưng chỉ đến bến tàu rồi lại trở về vì trong túi không có tiền và Oanh cũng chẳng biết phải đi đâu!. Qua “cơn sợ hãi”, họ hàng của bé Oanh cũng thấy thương cháu nên đã hùn tiền lại đưa Oanh đi làm xét nghiệm ở bệnh viện tỉnh và trung ương. May mắn thay, tất cả các cuộc xét nghiệm của Oanh đều âm tính. Họ hàng chia nhau đón Oanh về nuôi nhưng cô bé sống khép kín với mọi người trong nhà vì nỗi ám ảnh sự xa lánh xưa vẫn vây quanh em.

Có một điều khiến chúng tôi ray rứt đó là sự thờ ơ, lãnh cảm của chính quyền địa phương với hoàn cảnh của gia đình cháu Oanh suốt bao năm qua. Trong lúc khó khăn, Oanh còn may mắn có được những thầy, cô giáo yêu thương nâng đỡ tinh thần em như cô Thùy, thầy Tồn. Gia đình tan tác, nhưng Oanh vẫn cố đi học để mong thoát được số phận.

Thầy giáo Trần Duy Tồn chủ nhiệm lớp 8D Trường PTCS Bảo Thành huyện Yên Thành, Nghệ An nói: “Em Oanh lúc nào cũng buồn rầu, tự ti và sống khép mình vì sự kỳ thị của bạn bè. Thương em lắm nhưng chúng tôi cũng chẳng làm gì khác được, chỉ vận động học sinh cùng lớp không kỳ thị bạn Oanh. Em Oanh là một học sinh có học lực khá, nếu có điều kiện chắc chắn em sẽ là một học sinh giỏi toàn diện”.

Tiến Dũng - Ngọc Khánh

Tin cùng chuyên mục