Nghĩa tình ở Lũng Làn

Nghĩa tình ở Lũng Làn

Mưa. Con đường nhỏ với hầu hết là những đoạn lầy lội, đá nham nhở ngoằn ngoèo như sợi chỉ vượt qua từng triền núi đá, qua sông Nho Quế rồi lại lên núi cao, nhiều đoạn như đi trong mây với bề ngang chỉ đủ một chiếc ô tô chạy và cũng nhiều đoạn chạy sát tuyến đường biên giới của nước bạn Trung Quốc với những cột mốc hiện rõ trong sương mù...

Phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới vào tới nơi cần đến, cho dù đoạn đường chỉ khoảng 50 km từ thị trấn Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) vào thôn Lũng Làn (xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc). Chúng tôi có mặt ở đó đúng ngày 2-3-2009, ngày mà Đồn biên phòng Lũng Làn và nhân dân xã Sơn Vĩ “mở hội” kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 20 năm ngày Biên phòng toàn dân.

Nghĩa tình ở Lũng Làn ảnh 1

Thượng úy quân y Nguyễn Công Hoan đang khám bệnh cho ông Giàng Mý Vừ trong chiều 2-3 ngay tại đồn Lũng Làn.

Đón chúng tôi ở cổng đồn, thiếu tá Trần Anh Tuấn – Đồn trưởng Đồn biên phòng Lũng Làn nói: chỉ sợ có mưa to, các anh không vào được, may mà mưa nhỏ. Hôm nay mà đi xe máy chắc phải mất hơn 4 tiếng mới vào đến đây được...

Cùng đi và vào sau chúng tôi còn có đội văn nghệ xung kích của huyện Mèo Vạc, đoàn công tác của huyện ủy, UBND, HĐND cùng nhiều cơ quan huyện Mèo Vạc.

Tất cả đều vào để giao lưu và chúc mừng anh em chiến sĩ ở đồn biên phòng được xem là xa xôi, cách trở nhất tỉnh Hà Giang này. Tất cả xe và và người đều bê bết bùn đất...

Chiều đó, người dân các thôn xóm ở Sơn Vĩ, không quản đường xa và mưa đều đã về Đồn biên phòng Lũng Làn. Các thầy cô giáo, học sinh trường nội trú dân nuôi sau buổi học cũng lên đồn. Cả đồn vang lên tiếng hát, tiếng cười dù ngoài trời đang mưa và lạnh với nhiệt độ khoảng 14 – 150C. Một bữa cơm đoàn kết quân dân, một đêm giao lưu văn nghệ đang sẵn sàng...

Tại phòng quân y của đồn, chúng tôi gặp và trò chuyện với ông Giàng Mý Vừ (48 tuổi, dân tộc Mông), ông nói: “Nhà tao ở xóm Cò Súng, hôm nay đi bộ hơn 1 tiếng để lên đồn, chúc mừng bộ đội. Lên đây, tao nhờ bộ đội khám cái ngực, vì mấy bữa nay thấy đau ở đó quá...”. Khám xong, ông Vừ kể chuyện: Bộ đội ở đây giúp bà con nhiều lắm.

Nào là động viên dân cho con em đi học; giúp bà con làm nương; cho bà con giống ngô lai và hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc ngô; giúp làm nhà; khám chữa bệnh cho bà con... “Bà con và bộ đội rất đoàn kết, thương nhau. Tết vừa rồi, ở xóm tao, mỗi nhà ủng hộ bộ đội 1 bó củi và 2 quả trứng để bộ đội ăn tết...” – ông Vừ nói.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư xã Sơn Vĩ Hoàng Thị Tương cho biết, dân ai cũng quý bộ đội và ngược lại, bộ đội cũng rất thương dân. Có việc gì nhờ, bộ đội cũng giúp, không ngại khó khăn, vất vả. Đặc biệt, bà con rất tin tưởng bộ đội, có nhiều chuyện khó khăn, không báo cáo với chính quyền xã, nhưng lại nói với bộ đội. “Tình cảm của quân và dân ở đây như chồng và vợ!...” - bà Tương, nói đi nói lại điều đó với chúng tôi đến mấy lần.

Thiếu tá đồn trưởng Trần Anh Tuấn cười và nói thêm: Đúng là bà con các dân tộc ở đây rất tin tưởng Bộ đội Biên phòng. Ngay như dân tộc Mông, vốn nổi tiếng là sống rất kín đáo trong chuyện gia đình, nhưng lỡ bị đói, vợ chồng khúc mắc nhau, con cái ốm đau... đều sẵn sàng chia sẻ với bộ đội. Nhiều chuyện cán bộ xã không biết, chỉ đến lúc anh em chiến sĩ xuống tận nơi tìm hiểu xã mới hay.

Đồn trưởng Tuấn cho biết thêm 2 năm nay, con đường từ Mèo Vạc vào Lũng Làn được mở rộng hơn và làm lại mặt đường nên mới dễ đi vậy, chứ ngày trước ra vào khó khăn lắm. Việc giao thông cách trở, vất vả khiến cuộc sống người dân ở Lũng Làn thêm phần khó khăn. Bà Hoàng Thị Tương tâm sự: Nhờ bộ đội giúp đỡ, nhờ sự quan tâm của huyện, đời sống bà con ở xã Sơn Vĩ mấy năm qua đã khá hơn trước.

Trước đây chỉ toàn mua, nhưng giờ bà con đã có ngô, đậu tương, bò, dê bán cho dân nước bạn Trung Quốc bên kia biên giới, rồi mua hàng tiêu dùng bên đó về. Trước đây không, nhưng giờ trong số 908 hộ (với 5.112 khẩu) đã có hơn 70 cái tivi. “Cũng còn thiếu nhiều nhưng được chừng đó là quý lắm rồi, chắc vài năm nữa, số hộ có tivi, nhà xây sẽ nhiều hơn...” – Bà Tương nói.

Tại Đồn biên phòng Lũng Làn, Thượng úy quân y Nguyễn Công Hoan là người có quê xa nhất. Quê anh ở tận Quỳnh Lưu (Nghệ An). Vợ anh làm ruộng ở quê, 2 đứa con, đứa lớn 13 tuổi, đứa bé 6 tuổi ở nhà với vợ. Trước đây anh từng ở đồn Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ, Hà Giang) 10 năm và 2004 thì lên công tác ở đồn Lũng Làn này. Anh cho biết, hồi ở Nghĩa Thuận vợ con có lên thăm 1 lần, còn từ hồi lên Lũng Làn thì chưa. “Mình đang định hè này, sẽ đưa vợ con lên đây chơi một chuyến cho biết.

Xa xôi cách trở, nhớ vợ, nhớ con lắm nhưng điều kiện công tác như vậy, phải chấp nhận thôi. Vợ ở nhà thì lo chăm sóc con để mình yên tâm công tác. Một năm ngoài 1 lần đi phép, cũng được đơn vị giải quyết cho 1 - 2 lần tranh thủ để về thăm nhà nữa là quý lắm rồi...”. Khác với anh Hoan, Trung úy Giàng Mý Dũng trong dịp này có vợ và con vào tận đồn thăm và động viên. Vợ anh là chị Giàng Thị Xay, vốn là giáo viên mầm non ở Lũng Làn này. Năm 2005, anh Dũng về đồn Lũng Làn công tác rồi họ quen nhau, tìm hiểu nhau.

Đến cuối 2006 thì cưới. Vợ là người Mèo Vạc, còn chồng là người ở thị xã Hà Giang. Giờ thì họ đã có 1 con trai vừa tròn 1 tuổi. Năm ngoái, vợ chuyển ra Mèo Vạc công tác, vợ chồng đành tạm xa nhau. “Mỗi tháng em và con đều vào thăm anh ấy cùng đồn ít nhất một lần. Tết thì mẹ con em vào đồn ăn tết luôn. Mấy hôm nay, em xin nghỉ 2 buổi dạy, đi nhờ xe vào thăm anh, cũng để chúc mừng đồn nhân ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng.

Con em vào suốt, nên nó cũng quen. Giờ cả đồn, ai bế đi chơi nó cũng cho cả. Mấy anh trong đồn bảo đó là con chung của cả đồn...” – cô giáo Xay tâm sự. Hỏi chuyện, từ cán bộ, chiến sĩ ai cũng bảo đôi đó đẹp. Yêu nhau ở đây, lấy nhau ở đây, giờ xa nhau tí, nhưng vẫn luôn được gặp. “Như cậu Dũng là nhất đồn Lũng Làn này đấy” – Phó Chính trị viên đồn, đại úy Nguyễn Văn Cương nói vậy.

Đồn biên phòng Lũng Làn đứng chân trên địa bàn xã biên giới Sơn Vĩ. Toàn xã có 9 xóm đường biên (cả xã có 19 xóm với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống) với 17,5 km. Theo Thiếu tá Trần Anh Tuấn, trên tuyến biên giới này có 29 cột mốc chính, 2 mốc phụ và 1 mốc đôi. Việc phân giới cắm mốc trên địa phận xã Sơn Vĩ hoàn thành vào tháng 11-2008. Tuyến biên giới của Sơn Vĩ ngoài việc giáp địa phận tỉnh Cao Bằng, còn là “ngã ba” đường phân giới 2 tỉnh bên Trung Quốc là Quảng Tây và Vân Nam.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục