Những “nẻo đường” trốn thuế VAT. Bài 2: “Xơi” thuế của nhà nước bằng cách nào?

Trong vai người có vốn đi tìm đối tác hợp tác đầu tư kinh doanh, chúng tôi “rà” và bắt được “sóng” của một số “phù thủy” chuyên làm phép thuật biến hóa các báo cáo thuế ở một số công ty, siêu thị lớn trên địa bàn TPHCM. “Kẻ có của, người có công”, bằng giọng thận trọng của nhà đầu tư thứ thiệt, chúng tôi yêu cầu các “đối tác” “vẽ” ra dự án kinh doanh gì có lãi nhiều nhất. Thật bất ngờ, trong nhập nhòe hơi men, chúng tôi được “mách” một chiêu: kinh doanh “báo cáo thuế” lãi nhiều nhất!        Lợi nhuận từ... báo cáo thuế!
Những “nẻo đường” trốn thuế VAT. Bài 2: “Xơi” thuế của nhà nước bằng cách nào?

Trong vai người có vốn đi tìm đối tác hợp tác đầu tư kinh doanh, chúng tôi “rà” và bắt được “sóng” của một số “phù thủy” chuyên làm phép thuật biến hóa các báo cáo thuế ở một số công ty, siêu thị lớn trên địa bàn TPHCM. “Kẻ có của, người có công”, bằng giọng thận trọng của nhà đầu tư thứ thiệt, chúng tôi yêu cầu các “đối tác” “vẽ” ra dự án kinh doanh gì có lãi nhiều nhất. Thật bất ngờ, trong nhập nhòe hơi men, chúng tôi được “mách” một chiêu: kinh doanh “báo cáo thuế” lãi nhiều nhất!

        Lợi nhuận từ... báo cáo thuế!

Anh quả quyết: “Trong thương mại, làm ngành nào miễn bán được hàng là có lời, nhưng tiền lời không phải móc từ túi khách hàng mà phải vận dụng đến… kỹ xảo”. Thấy tôi vẫn chưa hiểu, anh L. (trưởng bộ phận kinh doanh một công ty điện máy) nói tiếp: “Nếu mình móc túi khách hàng, khách hàng bỏ mình đi thì lấy gì sống, do vậy, thậm chí còn khuyến mãi, khuyến mãi thật nhiều nữa là đằng khác, còn lời thì… lấy ở chỗ khác!”.

Sau khi tìm hiểu nhiều ngành nghề khác nhau, nào là ngành dịch vụ, tổ chức sự kiện, lời nhiều nhưng phải tốn nhiều công sức, vất vả; mở siêu thị thì lo hàng tươi sống không “đẩy đi” kịp…, cuối cùng chỉ có kinh doanh hàng điện tử, điện máy là “ngon” nhất. Không sợ hư thúi như trái cây, thịt cá, không vất vả như ngành dịch vụ, mà lại dễ trà trộn kiếm lời.

Anh dẫn chứng, nhìn kiểu bán hàng của các công ty hiện nay sẽ thấy, nếu đúng quy định thì bán cuốn sách cũng phải xuất hóa đơn, nhưng nhiều trung tâm điện máy bán hàng vài chục triệu đồng còn không phải xuất hóa đơn gì cả.

“Hàng hóa có đầu vào rõ ràng, đầu ra dù không xuất hóa đơn cho khách thì cũng phải báo cáo chứng minh đầu ra chứ?” - tôi thắc mắc. Anh Th., đã chục năm trong nghề kế toán, hiện giờ là kế toán của một công ty linh kiện máy tính khá lớn, cười nheo mắt nói: “Chuyện dễ ợt. Đầu ra tùy thuộc vào… báo cáo! Nào là hàng hư, lập biên bản hủy, rồi hàng lỗi phải bán lỗ, rồi những hàng nhỏ được đăng ký là tặng phẩm đính kèm cho mặt hàng khác, không phải tính chuyện đầu ra…”.

Đó là chưa kể hàng loạt mặt hàng linh tinh khác, đi theo đường “tiểu ngạch” vào cửa hàng. Mà đầu vào đã không rõ ràng thì làm gì phải chứng minh đầu ra. “Làm vậy nhỡ cơ quan thuế, quản lý thị trường kiểm tra thì sao?”. “Lo gì, hàng trưng bày là hàng có hóa đơn chứng từ đàng hoàng, còn hàng bán là hàng trong kho”. “Vậy nếu bị kiểm tra kho thì sao?”. “Kho nằm ở chỗ khác, thường thì các công ty chỉ để tại cửa hàng một lượng nhỏ hàng hóa đủ bán trong ngày, nếu có kiểm tra cũng chẳng đáng lo”. “Không có hàng tại kho, làm sao có hàng kịp để giao khi khách mua?”. “ Giao hàng tận nhà, đó là cách “đánh hàng lậu” dễ nhất, vì hàng nằm ở kho tại địa chỉ khác, chỉ nội bộ nhân viên mới biết, còn kho hàng ở đâu, xuất thế nào, chẳng ai biết được”.

“Đó là lý do vì sao có nhiều doanh nghiệp lớn nộp thuế còn ít hơn quán phở, cửa hàng thời trang” - anh Th. nói. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn báo cáo lỗ nhiều năm liền không phải đóng thuế nhưng vẫn tồn tại và còn mở rộng hoạt động kinh doanh. Vì đơn giản, kinh doanh cứ kinh doanh, còn báo cáo thuế làm sao, đầu vào lớn, đầu ra nhỏ, miễn “âm” là có lời từ… gian lận.

Chọn mua máy lạnh tại Trung tâm mua sắm Sài Gòn Nguyễn Kim, nơi Nhà nước đang... nợ 8 tỷ đồng. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Chọn mua máy lạnh tại Trung tâm mua sắm Sài Gòn Nguyễn Kim, nơi Nhà nước đang... nợ 8 tỷ đồng. Ảnh: ĐỨC TRÍ

        Lập công ty để “tự khai, tự... trốn!”

Nếu kinh doanh và nộp thuế theo hình thức thuế khoán thì người kinh doanh bị “ấn định” mức thuế có thời hạn ít nhất cũng từ 6 tháng đến 1 năm. Dù tháng mưa, buôn bán ế ẩm, người kinh doanh cũng phải cắn răng nộp đúng số thuế đã khoán. Muốn mức khoán “dễ thở” hơn, họ buộc phải kiến nghị và phải qua cả hội đồng (gồm cán bộ phường - xã cùng cán bộ quản lý thuế trên địa bàn) xem xét. Nếu không “biết điều”, cán bộ thuế kiểm tra và ấn doanh thu “sát nhíp” càng khổ hơn.

Do vậy, bài học là nhiều cửa hàng, nhà hàng, quán ăn (thực hiện thuế khoán) đã “tiến lên” thành lập công ty để được “tự tính, tự khai, tự nộp thuế”.

Anh Nguyễn H. T, chủ một nhà hàng, chỉ chúng tôi một “chiêu”, đừng nên thành lập công ty tại địa chỉ kinh doanh, như thế sẽ rất “rách việc”, vì chỉ cần không “khéo” sẽ bị cán bộ thuế “hành”. Doanh số đơn vị bán ra bao nhiêu, cán bộ biết được đề xuất xuống kiểm tra lên, kiểm tra xuống cũng mệt. Nhưng đến giờ anh đã tìm ra “thuốc” rồi. Nếu lỡ bị “tốc-kê” với cán bộ thuế và bị giám sát chặt thì… chuyển trụ sở công ty sang địa bàn quận khác, sau đó biến nhà hàng, cửa hàng kinh doanh thành đơn vị trực thuộc công ty.

Như vậy, hoạt động kinh doanh vẫn ở chỗ cũ, nhưng báo cáo thuế ở quận khác (nơi công ty đóng trụ sở). Vì thông thường, cán bộ thuế quận này rất ít đến quận khác kiểm tra. Thế mới có chuyện, nhiều doanh nghiệp đóng thuế ít một cách bất ngờ. Không ít cửa hàng lớn, bán hàng mỗi ngày doanh thu đến tiền tỷ nhưng đóng thuế rất ít. Điều đáng nói là, “ai cũng biết, chỉ mình cán bộ thuế không biết”, nên doanh nghiệp thở phào nhẹ nhõm.

        Sự thật kinh hoàng: các “đại gia” đều khai... âm (!?)

Nhìn số lượng hàng hóa bán ào ạt quanh năm với lượng khách tấp nập, hoạt động khuyến mãi hoành tráng, tràn ra đường như Công ty cổ phần Phong Vũ (góc đường Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai), ai cũng nghĩ nơi này sẽ đóng góp nhiều cho ngân sách. Thế nhưng, chúng tôi không thể tin được vì việc khai thuế VAT đến 30-6-2009 của công ty này “âm” (đầu vào lớn hơn đầu ra) gần 1 tỷ đồng.

Riêng trong tháng 6, số thuế VAT mà Phong Vũ khai báo đầu vào là 3,385 tỷ đồng và đầu ra là 3,514 tỷ đồng, do vậy, số thuế phải nộp chỉ vẻn vẹn… 129 triệu đồng nhưng cũng không phải nộp vì âm kỳ trước 1,054 tỷ đồng! Và tương tự với Công ty Máy tính Hoàn Long mua vào 67 tỷ đồng, bán ra 54 tỷ đồng, chênh lệch giữa doanh số bán ra và mua vào còn “đáng thương” hơn, đến cuối tháng 6, số tiền VAT được khai “âm” lên đến 2,2 tỷ đồng.

Điều khó tin hơn là ở Công ty CP TM Nguyễn Kim (Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, đường Trần Hưng Đạo), lúc nào cũng mua bán tấp nập, hàng khuyến mãi là xe hơi, nhưng luôn luôn khai thuế âm. Doanh số bán ra của đơn vị này rất lớn, đến gần 200 tỷ đồng/tháng. Vậy mà tính đến nay, tiền VAT mà nhà nước nợ Nguyễn Kim đến… 8 tỷ đồng.

Tò mò với số tiền lớn, chúng tôi tìm hiểu sâu vào vòng khai báo thuế của Nguyễn Kim, được biết như sau: Tháng 11-2008, khai báo thuế VAT âm 5,7 tỷ đồng; tháng 12 dương 11 tỷ đồng nhưng trừ phần âm của tháng trước nên chỉ nộp 5,3 tỷ đồng, tháng 1-2009 nộp 5,6 tỷ đồng và bắt đầu tháng 2 trở đi số thuế luôn luôn âm. Cụ thể, tháng 2 âm 4,6 tỷ đồng; tháng 3 âm 3 tỷ đồng (thành 7 tỷ đồng); tháng 4 âm tiếp 3 tỷ đồng (thành 10 tỷ đồng); chỉ tháng 5 và 6 dương được hơn 2 tỷ đồng. Sau khi cấn trừ với số âm trước, đến nay nhà nước nợ Nguyễn Kim đến… 8 tỷ đồng.

Chúng tôi cũng tìm hiểu nhiều đơn vị bán hàng không xuất hóa đơn khác thì tình hình khai thuế cũng tương tự: lỗ! (đầu vào lớn hơn đầu ra). Số thuế âm cao nhất có lẽ là Công ty Đệ Nhất Phan Khang (đường Hoàng Văn Thụ quận Tân Bình) với số tiền âm đến nay là trên 20 tỷ đồng. Vì sao số tiền âm lớn đến vậy? Chúng tôi chỉ nghiên cứu bản khai tháng 6 đã thấy đầu vào được khai là 62 tỷ đồng, nhưng đầu ra chỉ… 29 tỷ đồng.

Công ty Mạnh Hùng (quận Tân Bình) cũng thế, luôn khai âm, đến nay nhà nước phải nợ công ty này hơn 2 tỷ đồng, trong khi doanh số bán ra trong tháng khoảng chục tỷ đồng. Nhưng nếu so sánh số thuế VAT phải nộp giữa công ty và các cửa hàng bán nhỏ lẻ (thực hiện thuế khoán) thì có lẽ nhiều công ty đóng thuế VAT còn “khiêm tốn” hơn. Cụ thể, Công ty Vương Quỳnh Trinh, có một trung tâm bán điện lạnh, điện máy lớn tại 342 – 348 Hoàng Văn Thụ nhưng trong tháng 6 chỉ nộp hơn chục triệu đồng thuế VAT; nhà hàng Ngọc Lan (Cống Quỳnh quận 1) chỉ đóng 7 triệu đồng... 

HÀN NI 

Thông tin liên quan

>> Bài 1: Hàng chục tỷ đồng mỗi ngày đi về đâu? 
>> Bài 3: Chưa xử: Do bất cập hay tiêu cực? 

Tin cùng chuyên mục