Những “nẻo đường” trốn thuế VAT- Bài 3: Chưa xử: do bất cập hay tiêu cực?

Trốn thuế 50 triệu đồng là khởi tố hình sự: Tại sao chưa?
Những “nẻo đường” trốn thuế VAT- Bài 3: Chưa xử: do bất cập hay tiêu cực?

Không xuất hóa đơn, doanh nghiệp (DN) khai lỗ, trốn thuế. Không xuất hóa đơn, không xác định sản phẩm đầu ra – đầu vào, tạo điều kiện để hàng giả hoành hành trên thị trường. Không xuất hóa đơn, nơi bán giá có thuế, nơi bán giá không thuế, gây cạnh tranh không lành mạnh, chỉ cạnh tranh về giá có thuế, giá không thuế mà không cạnh tranh về chất lượng sản phẩm. Kết quả: DN “béo”, nhà nước thất thu, người tiêu dùng không được bảo vệ. Đến giờ vẫn chưa xử lý được, do đâu?

Doanh nghiệp đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Doanh nghiệp đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Trốn thuế 50 triệu đồng là khởi tố hình sự: Tại sao chưa?

Theo quy định của Luật Quản lý thuế và Luật Hình sự thì khi phát hiện hành vi trốn thuế trên 50 triệu đồng, cơ quan thuế phải chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra xử lý hình sự. Thế nhưng, với dấu hiệu trốn thuế hàng tỷ đồng của nhiều đơn vị, sao các cơ quan chức năng làm lơ? Việc bán hàng với giá không thuế là chiếm thuế của nhà nước, còn việc bán hàng không xuất hóa đơn đã là hành vi trốn thuế. Vậy nhiều công ty, siêu thị, trung tâm trốn thuế rành rành, ai cũng thấy, sao vẫn chưa có đơn vị nào bị xử lý? Hầu hết các đơn vị không xuất hóa đơn này đều khai báo thuế âm, hàng năm họ chỉ lời trong vài tháng tết, sau đó là khai báo lỗ, số tiền cộng dồn cả năm được cấn trừ cho mấy tháng tết là coi như xong, gần như chẳng nộp đồng VAT nào cho nhà nước cả.

Phải chăng bán hàng không xuất hóa đơn nên DN báo cáo sao, cơ quan thuế… biết vậy, mà không có cơ sở để đối chiếu đầu vào – đầu ra. Nếu vậy, việc cần làm trước tiên là kiểm tra việc thực hiện hóa đơn chứng từ. Bởi theo điều tra của chúng tôi, hầu hết DN bán hàng không xuất hóa đơn thì khai thuế rất ít, trong khi nơi xuất hóa đơn thì kê khai đầy đủ. Cụ thể, trong tháng 6, Công ty CP Thế giới di động, đơn vị bán hàng có xuất hóa đơn, khai doanh số bán ra đến 110 tỷ đồng/tháng, trong khi đó các đơn vị không xuất hóa đơn thì khai rất ít như: Phong Vũ 30 tỷ đồng, Hoàng Long 54 tỷ đồng, Phan Khang 29 tỷ đồng… Đến hoạt động kinh doanh của nhà hàng cũng thế, lượng khách của nhà hàng Lion so với nhà hàng Hoa Viên (Mạc Đĩnh Chi) tương đương nhau. Nhưng ở Lion xuất hóa đơn cho khách nên báo cáo doanh số tháng 6 là 4,6 tỷ đồng, trong khi Hoa Viên không xuất hóa đơn và bán hàng với giá không thuế nên doanh số bán ra chỉ khai 1,3 tỷ đồng, bằng 30% của Lion. Những bất hợp lý này sẽ được chúng tôi “đặt lên bàn” của các cơ quan chức năng.

Hậu kiểm: kém

Hiện nay, nhiều DN rất tinh vi trong việc giấu hàng và khai báo thuế. Nhiều kho hàng được đặt cách xa cửa hàng, do vậy, cơ quan thuế rất khó kiểm tra, đối chiếu lượng hàng giữa báo cáo và thực tế. Đã vậy, Luật Quản lý thuế còn quy định cán bộ thuế muốn kiểm tra DN phải thông báo trước ít nhất 3 ngày, với quy định này, các DN gian dối có đủ thời gian xoay xở để mọi việc đâu vào đấy. Còn kiểm tra trên giấy tờ thì báo cáo thuế tháng này đến tháng sau DN mới nộp, khi đó thì mọi việc đã xong rồi, lấy gì kiểm tra? Đó là cái lý mà các cán bộ thuế trả lời khi chúng tôi đặt vấn đề về việc “thả nổi” để cho các nhà bán lẻ không xuất hóa đơn cho khách hàng.

Nhưng điều đó không thuyết phục được dư luận, mà đó là do công tác hậu kiểm của cơ quan thuế yếu. Cán bộ thuế có thể đến tận nơi lập biên bản cửa hàng nào không thực hiện đúng hóa đơn chứng từ, sau 3 lần vi phạm là có cơ sở để đề xuất rút giấy phép kinh doanh. Sở dĩ luật mở rộng quyền “tự tính, tự khai, tự nộp thuế” cho các DN là để “đẩy” cho DN tự chịu trách nhiệm về lời khai của mình, giảm gánh nặng kiểm tra của cán bộ thuế, nhưng lại quy định tăng cường công tác hậu kiểm. Tuy nhiên, với việc hậu kiểm không đồng bộ, rộng rãi như hiện nay, đã tạo sự bất công giữa các DN, dễ bóp chết các đơn vị làm ăn nghiêm chỉnh và bị kiểm tra. Bởi vì, khi DN bị kiểm tra sẽ phải xuất hóa đơn đầy đủ, bán đúng giá có thuế VAT, như vậy sẽ đội giá bán lên, trong khi những đơn vị trốn thuế thì bán giá không thuế, không khai báo đầu vào đầy đủ và dễ dàng trà trộn hàng lậu kiếm lời.

Theo thống kê của chúng tôi, trong 6 tháng đầu năm 2009, cơ quan thuế chỉ mới kiểm tra được 3% số lượng DN, tức khoảng 2.500 DN trong tổng số 80.000 DN trên địa bàn TP, số tiền vi phạm thu được là 850 tỷ đồng. Về việc xử lý hình sự, cả năm 2008, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ 20 DN sang cơ quan công an điều tra để xử lý hình sự và 6 tháng đầu năm 2009, đã chuyển tiếp 2 vụ nữa. Nếu so với thực tế hiện nay thì số lượng đó quá ít để “làm sạch” thị trường, chống thất thu ngân sách và tạo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh.

Kiểm tra, phải từ nhiều mũi giáp công

Sau thời gian tìm hiểu, tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, chúng tôi đề xuất một số giải pháp chống thất thu ngân sách như sau: Để rõ ràng minh bạch trong công tác quản lý thuế của các cán bộ theo dõi địa bàn, các cơ quan thuế cần lập đội kiểm tra liên ngành kiểm tra chéo một cách đột xuất, có thể cán bộ thuế đóng làm khách hàng, đi mua hàng xem đơn vị có xuất hóa đơn hay không, rồi lấy chứng từ đó đối chiếu trong báo cáo thuế xem DN có khai báo sản phẩm hàng mình mua không. Cục Thuế TPHCM cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu thật đầy đủ, cập nhật các thông tin báo cáo của DN trên mạng, để từ đó kiểm tra con đường luân chuyển của từng nguồn hàng, chẳng hạn như lô hàng bán từ công ty A, sang B, sang C và bán ra như thế nào… Điều này sẽ chấm dứt các báo cáo sai sự thật, và sẽ hạn chế việc cán bộ quản lý thuế trên địa bàn “bảo kê” cho DN, bị dư luận phản đối lâu nay. Đối với các DN bán lẻ lớn, đề nghị Cục Thuế TP thực hiện phối hợp niêm phong máy tính tính tiền ở cửa hàng và nối mạng trực tuyến với cơ quan thuế, khi cửa hàng bán sản phẩm, in hóa đơn tính tiền cho khách thì cán bộ thuế ngồi ở cơ quan có thể thấy ngay được doanh số. Cách làm này đã được nhiều quốc gia thực hiện. Khi làm chặt chẽ quy trình này thì sẽ kiểm soát được việc trốn thuế của DN và dễ dàng phát hiện nguồn gốc hàng lậu.

Mặt khác, cơ quan thuế cần đề nghị tăng mức phạt thật nặng đối với những đơn vị vi phạm, vì mức phạt của chúng ta hiện nay cao nhất cũng chỉ gấp 3 lần số thuế trốn, như vậy chưa đủ sức răn đe. Ở Mỹ, chỉ cần quên khai doanh thu 1 tô phở 12 USD là sẽ bị phạt đến 10.000 USD, nếu tái phạm là phải đóng cửa.

Về phía người dân, bên cạnh việc kêu gọi, thuyết phục phải có ý thức lấy hóa đơn khi mua hàng. Đồng thời, để tạo được phong trào này, nên chăng Bộ Tài chính in hóa đơn có số sêri xổ số trúng thưởng, mỗi tháng xổ số một lần với giải thưởng thật lớn. Như vậy, sẽ kích thích và tạo thói quen cho người dân khi mua hàng phải nhận hóa đơn.

Các hành vi nghiêm cấm trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn: bán hàng không lập và giao hóa đơn hoặc lập và giao hóa đơn không hợp pháp cho khách hàng; không báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo đúng quy định; in hóa đơn giả; mua hóa đơn không phải từ cơ quan thuế; tự in hóa đơn chưa được sự chấp thuận của cơ quan thuế; sử dụng hóa đơn khống; lập hóa đơn chênh lệch giá trị giữa liên 1 và liên 2 cho khách hàng…

Hàn Ni

Liệu có “bảo kê”?

Sau khi Báo SGGP khởi đăng loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT” từ ngày 3-8, rất nhiều bạn đọc gởi thư, điện thoại thể hiện bức xúc trước tình trạng người dân bị lợi dụng trong nhiều năm qua khi các cửa hàng lớn vẫn không thực hiện đúng quy định xuất hóa đơn cho khách hàng. Bạn đọc cũng phản ánh tình trạng hàng lậu tràn lan thị trường, vẫn không bị xử lý… Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.

  • Bà Trịnh Thị Kim Nga, đường Phan Văn Trị, P.2, Q.5: Sai phạm kéo dài, liệu có “bảo kê”?

Đọc bài trên báo tôi mới biết, bán hàng 100.000 đồng phải xuất hóa đơn cho khách, thế mà nhiều công ty lớn vẫn không thực hiện. Sao tình trạng này lại kéo dài lâu như vậy, mà không ai bị xử, phải chăng có sự “bảo kê” nào đó? Chúng tôi rất bức xúc vì cơ quan thuế kiểm tra rất gắt gao đối với các cửa hàng nhỏ, hở ra là đòi phạt, vậy mà nhiều doanh nghiệp lớn vi phạm rành rành khắp nơi lại không bị xử lý. Qua báo chí, tôi thấy báo cáo thuế của các “đại gia” có vấn đề. Tôi không thể tin được doanh số đầu vào, đầu ra của Nguyễn Kim, Phong Vũ, Hoàn Long…, nó “hợp lý” đến độ làm cho người ta nghi ngờ. Nhưng quan trọng là cửa hàng lớn, bán hàng nhiều nhưng lại không có lời, không đóng thuế thì thật khó tin! Phải chăng do bán hàng không xuất hóa đơn nên các công ty đó muốn khai báo bao nhiêu cũng được?

  • Phạm Thành Trung, số 136/16 Nguyễn Tri Phương, Q.5: Hàng ở trung tâm lớn cũng... có vấn đề!

Đúng như báo SGGP phản ánh, tôi rất bức xúc việc hàng hóa ở các siêu thị lớn lại không được các cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ, nên người tiêu dùng bị lừa. Tôi vừa mua đầu đọc DVD tại Hoàn Long (đường Tôn Thất Tùng). Trên bảng báo giá ghi hiệu Samsung, nhưng có phải đó là hàng Samsung thì không biết được. Bởi Samsung là hàng có thương hiệu nhưng Hoàn Long lại bán hàng không nhãn mác, ngoài chiếc tem nhỏ tự in dán trực tiếp lên sản phẩm ghi chữ Samsung thì chẳng có gì khác để cho thấy đó là sản phẩm của Samsung. Thông thường, hàng chính hãng khi gắn thiết bị vào máy sẽ hiện lên tên sản phẩm, thế nhưng, chiếc DVD mà tôi mua ở Hoàn Long chẳng hề hiện ra chữ Samsung. Ngay các cửa hàng lớn của TP mà vẫn bán hàng không đảm bảo chất lượng, vậy người tiêu dùng biết tin vào ai?

  • Đỗ Như Hảo, Trưởng khoa CNTT, Trường TC KTCN Hùng Vương: Thiếu kiểm tra, hàng xách tay tràn lan thị trường

Chưa bao giờ thị trường hàng điện máy, điện tử trở nên “rối” như bây giờ. Hàng lậu, hàng xách tay cũng chui vào các trung tâm, cửa hàng lớn. Rất nhiều trung tâm điện máy, cửa hàng, công ty bán 2 loại hàng, hàng chính hãng và hàng xách tay, nhập lậu. Do hàng nhập lậu, không thuế, giá cả trôi nổi nên người mua dễ bị lừa. Và các mặt hàng lậu này được các công ty lớn tự dán tem, tự bảo hành, bán công khai. Còn chất lượng hàng hóa thì… vừa hết thời hạn bảo hành đã hư. Thật bức xúc khi hàng lậu tràn ngập thị trường, ai cũng thấy, người tiêu dùng bị thiệt mà cơ quan chức năng lại không kiểm tra, xử lý?

  • TS Đinh Sơn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm...

Nếu hàng bán ra có hóa đơn, chứng từ rõ ràng sẽ chống được hàng lậu, hàng gian. Sở dĩ thị trường tràn lan hàng giả là vì trước nay, cơ quan chức năng thích thì làm, không thích thì thôi nên mới thế. Việc kiểm tra không khó, chỉ tại cơ quan chức năng vì lý do “tế nhị” nào đó mà không chịu làm. Chứ luật đã rõ, nghiệp vụ cũng có, vậy mà các cơ quan thường kêu thiếu người, thiếu phương tiện để bao biện cho việc thiếu trách nhiệm của mình. Để hàng trôi nổi trên thị trường, trách nhiệm trước hết là các cơ quan quản lý nhà nước. Để người dân xài hàng kém chất lượng là có tội với dân. Dẫu đợi báo chí lên tiếng mới làm là đã muộn nhưng tôi nghĩ, cơ quan chức năng phải vào cuộc, không chỉ kiểm tra thuế mà phải kiểm tra chất lượng hàng hóa để bảo vệ người tiêu dùng, lấy lại niềm tin của nhân dân.

Hàn Ni

Thông tin liên quan

>> Bài 1: Hàng chục tỷ đồng mỗi ngày đi về đâu? 

>> Bài 2: “Xơi” thuế của nhà nước bằng cách nào?

Tin cùng chuyên mục