Những chuyến đò chở ước mơ

Những chuyến đò chở ước mơ

Ngày khai trường năm học mới, bến đò của Cà Mau xôn xao với những tiếng cười nói râm ran của lũ học trò nhỏ gọi nhau xuống đò về nhà. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tuấn Khanh nắm tay những học trò nhỏ đưa xuống đò về nhà. Sự tiếp sức đúng lúc của những người có trách nhiệm đã nhận được sự đồng cảm của những trái tim nhân ái khắp nơi, tạo ra một mùa khai trường tưng bừng nhất, vui vẻ nhất tại Cà Mau. Nắng lên ngang cây dừa, những chuyến đò đưa học sinh đi học chiều đã bắt đầu đi ngang nhà Đạt. Những tiếng gọi nhau í ới vui cả một khoảng sông dài. Một năm học mới bắt đầu bằng những chuyến đò đang chở theo ước mơ của hàng chục ngàn học sinh nghèo đi tìm tương lai ở bến bờ mới…

Những chuyện kể bên mép nước

Ngày khai giảng năm học mới, các mạnh thường quân như Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Him Lam, Ban Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam,… đã mang đến Cà Mau niềm vui lớn, đó là món tiền 21,6 tỷ đồng giúp cho chương trình “Tiền đò đến trường của Cà Mau”. Đến dự lễ khai giảng năm học mới tại Cà Mau, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã rất xúc động khi ông nghe lời nói mộc mạc của một phụ huynh có con năm học mới này được hỗ trợ tiền đò đến trường: “Chúng tôi nói cảm ơn nhiều lần vẫn không đủ bày tỏ hết sự xúc động và vui mừng của những người cha mẹ nghèo được nhìn con mình vui vẻ đến trường mà không phải quẹt nước mắt nhìn con mình đứng bên bờ sông nhìn bạn đi học bởi không tiền đi đò”. Phó Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của lãnh đạo Cà Mau trong cách thực hiện một phần Di chúc Bác Hồ bằng hành động thực tiễn – giúp học sinh nghèo được đến trường.

Cô bé Kiều Thị Diễn, học lớp 5 thì cố níu chiếc áo hở bụng vì quá chật đã nói với tôi bằng giọng vẫn còn nguyên sự hồi hộp sau khi nhận chiếc balô phao và thẻ đi đò miễn phí từ tay Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Võ Văn Thưởng: “Con… và nội con nữa… chắc sẽ hết sợ vì không có tiền trả nợ tiền đò. Con sẽ cố học giỏi để làm cô giáo dạy cho học sinh nghèo như con…”. Cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ vì tai nạn giao thông đã bật khóc.

Trần Tấn Lực, anh thanh niên lái đò ở đầm Thị Tường, xã Hòa Mỹ, được tỉnh chọn là người đưa đò của chương trình nghĩa tình này cũng bồn chồn khi đứng chờ đám học trò trong xóm tan trường. Anh tâm sự: “Nhà tui cũng nghèo, ngày xưa đi học chạy bộ cả 7-8 cây số tới trường vì không tiền đi đò. Chân cẳng chảy máu hoài vì sợ đứt quai nên không dám mang dép chạy. Học hết lớp 9 chịu không nổi phải nghỉ học đi làm mướn. Mấy đứa thiếu tiền đò, tui cũng phải nhắc vì cũng thiếu tiền xăng người ta, nhưng cũng xót ruột lắm vì nghĩ tới phận mình ngày xưa. Bây giờ tui chạy đò sẽ vui hơn vì không phải đòi nợ mấy đứa học trò nghèo nữa”. Trần Văn Hổ, cũng được chọn là người chở học sinh trong chương trình này cười hinh hích nói: “Nghe nói nhà nước cho tụi nhỏ nghèo tiền đò cả năm tui cũng nể phục lắm. Đảng, Nhà nước làm được như vậy, Đảng nói gì bà con cũng tin, khỏi phát loa khơi khơi”. Chị Hóa, chị Năm, hai chủ đò vừa sửa tấm bảng trên ghe vừa nói giọng mừng rỡ: “Mỗi khi đếm lại trên đò thiếu một vài đứa nghỉ học vì nghèo, tụi tui cũng thương, nhưng mình cũng nghèo, lấy gì giúp. Nghe nói ngoài trung ương cùng với tỉnh tặng tiền đò cho học sinh nghèo, tụi tui mừng lắm. Học sinh Cà Mau gặp may rồi”.

Nhiều phụ huynh đã kéo áo chùi nước mắt khi tận mắt thấy con mình nhận phiếu đi đò miễn phí nói trệu trạo: “Thiệt, cầm thẻ đi đò trong tay rồi mà tưởng nằm mơ… Ơn nhà nước thiệt đó chế (chị)”. Một thầy giáo trẻ đứng bên bến đò nói: “Năm trước, lớp tôi mấy học sinh nghèo phải nghỉ học để trốn nợ tiền đò”. Nghe vậy, Bí thư Nguyễn Tuấn Khanh quay sang hỏi: “Có cách nào gọi các cháu ấy đi học lại không?”.

Em Trần Thị Hoa Cát, học sinh lớp 7A5 Trường Trung học cơ sở Trần Phán đã nghỉ học hơn một tuần lại được đến trường nhờ chương trình hỗ trợ tiền đò của tỉnh Cà Mau. Nhà Hoa Cát có 4 anh chị em đi học, nhà không đất, cha mẹ Cát vừa đặt lú ngoài sông vừa làm thuê kiếm sống. Anh lớn của Hoa Cát học lớp 11, anh kế học lớp 9 và em út của Hoa Cát học lớp 5. Anh em Hoa Cát ai cũng có ít nhất một lần phải bỏ học vì thiếu nợ tiền đò. Nhưng cha Cát quyết tâm làm ngày làm đêm để giúp con mình được đến trường. Ông năn nỉ chủ đò cho mấy đứa con lớn được thiếu nợ đến trường. Con bé Huế, ngày học lớp 2, không tiền đi đò cha Cát đã cõng em chạy bộ 5 cây số để con đi học. Bây giờ, với thẻ đi đò miễn phí vừa được cấp thì cả 4 anh chị em Hoa Cát đều rất yên tâm “học tới nơi tới chốn” theo nguyện vọng của cha. Hoa Cát ước mơ mình sẽ là kỹ sư nông nghiệp để giúp người dân xóm nghèo nuôi tôm, làm lúa trúng mùa. Hoa Cát hỏi tôi: “Cô ơi, bạn Khanh học lớp kế bên nghỉ học vì thiếu nợ tiền đò mấy tháng nay rồi, bây giờ có được nhà nước cho tiền đi học lại không cô? Bạn học khá lắm nhưng cha có tật mẹ lại bệnh liên miên nên nhà nghèo lắm”.

Nhiều phụ huynh nghe nói có chương trình hỗ trợ tiền đò cho học trò nghèo đã tự đến trường, đến xã đăng ký xin cho con mình đi học. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nói: “Càng đông học sinh bỏ học trở lại trường chúng tôi càng vui. Tiền bây giờ không còn là nỗi lo lắng lớn nhất của chúng tôi nữa mà nỗi ưu tư lớn nhất của chúng tôi là làm sao tất cả các học sinh có nguy cơ nghỉ học hoặc đã nghỉ học vì không tiền đi đò sẽ được đến trường”. Ưu tư của những người có trách nhiệm nối lại những chuyến đò đứt nhịp chèo của nhiều học sinh vừa bỏ học vì không tiền đi đò đến trường không chỉ là ngăn chặn nguy cơ bỏ học mà còn đưa trở lại lớp học những học sinh nghèo đã phải nghỉ học trước đây vì không tiền đi đò.

Chuyện trên những chuyến đò

Chiếc canô của Huyện ủy huyện Đầm Dơi chở chúng tôi vừa cặp mé nhà của Kim Thành Đạt, cậu học sinh người Khmer đang học lớp 9A3 Trường Trung học cơ sở Trần Phán đã nghe tiếng mẹ Đạt nói với từ sau nhà: “Chờ chút, có liền”. Người phụ nữ gốc Hoa nắm xấp tiền lẻ trong tay chạy vội ra bờ nhà rồi chợt sững người khi thấy Đạt cười toe toét nói: “Không trả tiền đò đâu”. Thiếu nợ tiền đò không chỉ là nỗi ám ảnh với cậu học trò nhỏ người dân tộc Khmer mà là sự ray rứt của cha mẹ Đạt về phận nghèo.

Những chuyến đò miễn phí cho học sinh nghèo ở Cà Mau năm học mới

Những chuyến đò miễn phí cho học sinh nghèo ở Cà Mau năm học mới

Nhà Đạt có 3 chị em, đi học mỗi ngày tốn 21.000 đồng tiền đò nhưng mỗi ngày lặn hụp dưới sông để đặt lú cha mẹ Đạt chỉ kiếm nổi 20.000 đồng. Thương hai chị, để giảm nỗi lo cho cha mẹ, Đạt thường bơi ngang con sông trước nhà rồi chạy bộ 5km đến trường. Có những ngày nước ròng chảy xiết quá cha mẹ Đạt sợ con bị nước cuốn trôi đã vay mượn tiền cho Đạt đi đò. Nhiều lần Đạt bị chủ đò mắng và đuổi lên bờ vì thiếu tiền đò mấy ngày chưa trả. Khi tôi hỏi, Đạt cúi đầu nói lí nhí: “Chủ đò đuổi nhưng em cố làm thinh cúi mặt ngồi lì chứ lên bờ, đói lắm, bơi về nhà không nổi”. Thường xuyên nhịn đói, Đạt vẫn cố bơi ngang con sông rộng trước nhà để chạy bộ đến trường, cậu bé người dân tộc Khmer này vẫn ấp ủ giấc mơ làm bác sĩ. Nhưng thiếu nợ nhiều quá nên giấc mơ làm bác sĩ của em đành trôi theo dòng nước.

Thiếu nợ tiền đò năm cũ chưa trả được nên năm học mới đành “nghỉ học để trốn nợ”, ngày khai giảng, Đạt lặng lẽ đứng nhìn những chiếc đò chở các bạn đến trường mà xót xa phận nghèo. “Đi học không Đạt?”, “Không tiền đi đò mà học làm chi”, chủ đò nói giọng cay đắng. Đạt lẳng lặng nhảy ùm xuống con sông trước nhà. Mẹ Đạt nhìn con hụp nhanh xuống dòng nước đục để giấu nỗi buồn, bà thấy xót xa. “Biết sao giờ chế (chị), nhà nghèo phải chịu…”, chị Út, mẹ Đạt nói giọng buồn bã.

Khai giảng được hai ngày thì cán bộ xã và nhà trường đến nhà lập danh sách để Đạt được hỗ trợ tiền đò đi học. Cha mẹ Đạt ngỡ ngàng, lính quýnh hỏi tới hỏi lui mấy lần: “Ông Đảng với Nhà nước giúp tiền đò đi học cho thằng nhỏ thiệt ha mấy chú?”. Đạt núp sau vách lá nghe mẹ hỏi đưa đôi mắt chờ đợi. Một thầy giáo bên Phòng Giáo dục nói chắc nịch: “Thiệt chớ giỡn gì, không phải mình em Đạt mà lãnh đạo tỉnh còn giúp cả vạn học sinh tiền đi đò đến trường nữa kìa”. Nghe đến đây Đạt quên mắc cỡ, mặc nguyên cái quần đùi ướt nhẹp chảy nước tong tong bước ra hỏi lại: “Thiệt há thầy?”. “Thiệt, lo học cho giỏi để không phụ lòng người giúp đỡ mình đó”. Đạt “dạ” thật to và nhảy ùm xuống dòng sông trước nhà hét lên: “Mai tao lại được đi học nè Út ơi”. Gia đình của Đạt thuộc diện nghèo vừa nhận được tiền trợ giúp trong Chương trình 134 của Chính phủ nên cất được căn nhà tôn bên mép nước.

Để nối lại những chuyến đò chở chữ cho những học sinh, tỉnh Cà Mau cần 20 tỷ đồng cho chương trình hỗ trợ tiền đò đến trường cho gần 10.000 học sinh nghèo đang có nguy cơ phải nghỉ học.

Chỉ còn ba tuần lễ đến ngày khai giảng năm học 2009 - 2010, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh Cà Mau như ngồi trên đống lửa bởi chi phí tiền đò cho học sinh nghèo vẫn chưa đủ để hỗ trợ 3 tháng. Nhưng may mắn thay, thời gian ấy Cà Mau được đón những lãnh đạo cấp cao của Trung ương đến thăm và làm việc. Câu chuyện về hàng ngàn học sinh nghèo phải ngậm ngùi nghỉ học chỉ vì không tiền đi đò đã làm lỡ nhịp đập nhiều trái tim nhân ái, làm nhói lòng nhiều cán bộ lãnh đạo. “Đó là món nợ trách nhiệm của chúng tôi với thế hệ trẻ”, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nói thế khi chúng tôi đi khảo sát về vấn đề này để viết bài, trước đó. Món nợ trách nhiệm ấy đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng Trương Tấn Sang chia sẻ bằng nhiều cách và cả 3 đồng chí trong lần đến Cà Mau làm việc đều chỉ đạo: “Bằng mọi giá chúng ta không được để học sinh phải nghỉ học vì không tiền đi đò đến trường”. Cà Mau không xem đó là lời chỉ đạo mà đó còn mệnh lệnh từ trái tim những người cộng sản. 

PHẠM THỤC

Tin cùng chuyên mục