Chung tay xây dựng văn minh đô thị: Kinh nghiệm từ Singapore

Chung tay xây dựng văn minh đô thị: Kinh nghiệm từ Singapore

Việc đánh giá các TP văn minh dựa trên 10 tiêu chí như cơ sở hạ tầng, chính trị, xã hội... trong đó, yếu tố không thể thiếu trong thời “biến đổi khí hậu” đó là môi trường. Theo đó TP Singapore (Singapore) được công nhận tiếp tục đứng đầu bảng tổng sắp các TP có chất lượng sống tốt nhất châu Á.

Chính sách quản lý nghiêm ngặt

Nhắc đến Singapore là người ta nhắc đến một quốc gia có môi trường xanh - sạch - đẹp. Bất kỳ nơi nào ở đảo quốc này từ sân bay, cầu vượt, các tòa nhà, thậm chí cả nhà vệ sinh công cộng cũng có cây xanh. Có được “thiên đường nơi hạ giới” như vậy phải kể đến quyết tâm không nhỏ của chính phủ Singapore thể hiện qua các chính sách quản lý, giám sát môi trường. Đầu năm 2010, dưới sự hỗ trợ của Bộ Phát triển kinh tế Singapore, công ty CarbonNeutral, một trong những nhà cung cấp các giải pháp giảm phát thải khí CO2 hàng đầu thế giới, đã cho thử nghiệm một trang web quản lý CO2 - một dự án thuộc Chương trình giải pháp cho đô thị Singapore.

Singapore - đô thị sinh thái hàng đầu thế giới. Ảnh: TRƯỜNG PHẠM

Singapore - đô thị sinh thái hàng đầu thế giới. Ảnh: TRƯỜNG PHẠM

Trong dự án thử nghiệm này, 6 tổ chức tham gia chương trình gồm City Developments Limited, WongPartnership LLP, Jebsen & Jessen (SEA) Pte Ltd, Pan-United Concrete Pte Ltd, Drydocks World - Singapore Pte Lt và Đại học quốc gia Singapore. 6 tổ chức này sẽ tính toán và quản lý trực tuyến nguồn phát thải CO2 của mình để dựa vào đó phát triển các chương trình cắt giảm khí CO2. Chương trình này lại một lần nữa cho thấy chính phủ Singapore vẫn đang nghiêm túc thực hiện lời cam kết của mình nhằm cắt giảm thêm 16% lượng khí thải vào năm 2020.

Để có một bầu không khí trong lành tại Singapore, Cơ quan môi trường quốc gia Singapore (NEA) đã đặt ra và thực hiện rất nghiêm các quy định, tiêu chuẩn về môi trường xanh - sạch. Đơn cử như việc sử dụng các loại xe gắn máy cũng được quy định rất chặt chẽ tại điều 19 luật quản lý và bảo vệ môi trường. Điều luật này quy định bất kỳ người dân nào khi sử dụng các phương tiện giao thông gắn máy không được xả khói quá mức cho phép trên đường. Mỗi người dân phải thường xuyên kiểm tra chất lượng của phương tiện giao thông, đảm bảo các phương tiện di chuyển của mình luôn trong điều kiện đạt chuẩn an toàn cho môi trường khi tham gia giao thông.

Theo đó, các loại xe chở khách hoặc xe tải hạng nhẹ có trọng tải 3,5 tấn hoặc thấp hơn phải hội đủ tiêu chuẩn Euro II về phát thải khí CO2. Đối với xe chở khách sử dụng xăng thì mức CO cho phép là 2,2g/km; còn với dầu diesel là 1g/km. Với xe tải hạng nhẹ cấp I (1,25 tấn) dùng xăng, mức CO thải ra môi trường cho phép là 2,2 g/km còn với dầu diesel là 1g/km... Ngoài ra, còn có quy định chuẩn về tiếng ồn cho phép đối với các phương tiện giao thông, quy định về các loại xăng dầu được phép sử dụng... đều được đưa vào luật rất chặt chẽ, cụ thể. Nếu chủ phương tiện nào vi phạm những điều khoản này, mức xử phạt hành chính phụ thuộc vào từng lỗi vi phạm, thấp nhất là khoảng 2.000 USD.

Kiểm soát rác thải, bảo vệ môi trường

Để việc giảm lượng rác thải có hiệu quả, các cơ quan chức năng của Singapore thường xuyên khởi xướng các chiến dịch chống rác thải đầy ý nghĩa. Trước hết phải kể đến kế hoạch 3R của NEA: giảm (reduce), tái sử dụng (reuse) và tái chế (recycle). Các nhân viên của NEA đã tiếp cận các cá nhân, các hộ gia đình, trường học, công sở để tuyên truyền về kế hoạch trên. Tại các khu dân cư, cơ sở sản xuất, NEA cho triển khai các thùng rác in các ký hiệu phân loại rác rõ ràng, giúp người dân dễ dàng phân biệt, giúp việc tái chế rác được thuận tiện hơn.

Không chỉ có vậy, NEA còn phối hợp các công ty, tổ chức của Singapore như JTC Corporation, Singapore Manufacturers’ Federation và Hiệp hội tái chế và quản lý rác của Singapore cho xuất bản “Sách hướng dẫn về giảm thiểu rác thải cho các khu công nghiệp”, một cuốn sách được coi là cẩm nang hướng dẫn cách hạn chế rác thải không đáng có ở các công sở của Singapore.

Một góc công viên ở Singapore.

Một góc công viên ở Singapore.

Chiến dịch “Hãy mang túi của bạn mỗi ngày” (BYOBD) do Hội đồng môi trường Singapore (SEC) phát động lại nhắm vào đối tượng là những khách hàng thường xuyên ở các siêu thị, kêu gọi những người mua hàng thay vì sử dụng sử dụng túi ni lông sử dụng 1 lần thì hãy dùng loại túi vải bền đẹp, thân thiện với môi trường. Với sự hỗ trợ từ NEA, chiến dịch bắt đầu được triển khai từ 11-2-2006 và tiến thêm một bước quan trọng là tổ chức BYOBD hàng tháng (bắt đầu từ 18-4-2007) để mỗi ngày thứ 4 tuần là một ngày BYOBD.

Việc bảo vệ môi trường, quan tâm đến sức khỏe của người dân của chính phủ Singapore còn thấy rõ sau khi Luật cấm hút thuốc ở một số nơi quy định được đưa vào cuộc sống. Theo điều luật này, người dân không được phép hút thuốc ở những nơi có không gian kín như rạp hát, các khu thương mại, mua sắm và văn phòng, xe bus và các trạm chuyển xe bus... Bất kỳ công dân nào vi phạm sẽ bị phạt 200 USD và nếu có buộc tội từ tòa án, mức phạt cho hành vi này có thể lên đến 1.000 USD. Có thể thấy, môi trường của đảo quốc ở Đông Nam Á này đã được hưởng lợi rất nhiều từ những chính sách rõ ràng và cứng rắn của chính phủ Singapore.

Ý thức của người dân

Nhưng dù những chính sách của chính phủ có tuyệt vời đến đâu đi chăng nữa mà ý thức người dân, những người chịu sự điều chỉnh của pháp luật, không cao, không tự giác thì Singpore cũng không thể trở thành một quốc gia xanh - sạch như hiện nay. Ý thức của người dân Singapore trong việc bảo vệ môi trường là rất cao. Điều này được thấy rõ từ trong các trường học khi chương trình giáo dục về môi trường được đưa vào giảng dạy từ trường mẫu giáo.

Cùng với hệ thống các trường mẫu giáo, các nhà trẻ cùng với các công ty tái chế rác thải, NEA đã phát triển các tài liệu nâng cao sự nhận thức về 3R cho học sinh, hỗ trợ các giáo viên trong việc giảng dạy, truyền đạt các cách thức bảo vệ môi trường đến học sinh của mình từ cấp bậc đào tạo nhỏ nhất. Tại các hộ gia đình, người dân luôn chấp hành việc phân loại rác thải vào các túi rác đã được quy định để thuận tiện cho việc tái chế rác. Tiêu thụ năng lượng cũng “đóng góp” không nhỏ vào lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chính vì vậy, thói quen tắt thiết bị điện khi không có nhà đã trở thành văn hóa của người Singapore.

Người dân Singpore cũng không ngại chi tiền cho các thiết bị điện sử dụng năng lượng “xanh” như năng lượng mặt trời. Các bóng đèn sợt đốt giờ đã không còn xuất hiện trong các ngôi nhà ở Singapore và thay thế vào đó là những bóng đèn compact, halogen... Việc sử dụng điện năng hiệu quả, tiết kiệm còn được thấy rõ ở các khu công sở khi Singapore đang hướng đến mục tiêu mỗi công sở của Singapore là một vườn cây. Hiện đã xuất hiện rất nhiều các tòa nhà bê tông cốt thép sừng sững ở Singapore có nóc nhà được phủ kín bởi cây xanh, tạo ra không gian thoáng đãng giữa lòng TP.

VŨ MINH - ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục