Vườn quốc gia Yok Đôn đang chết

Thời gian qua, Báo SGGP liên tiếp phản ánh tình trạng xâm hại rừng Vườn quốc gia Yok Đôn (tỉnh Đắc Lắc). Nhiều cánh rừng gỗ quý bị chặt trắng, hàng chục hécta đất rừng bị tàn phá và rất nhiều loài động vật quý hiếm bị tàn sát không thương tiếc. Trong vai một doanh nhân ở tỉnh Đắc Lắc đi khảo sát tận thu gỗ, phóng viên Báo SGGP đã thâm nhập Vườn quốc gia Yok Đôn và ghi nhận cảnh tượng nhiều cánh rừng thuộc khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt bị phá trắng…
Vườn quốc gia Yok Đôn đang chết

Thời gian qua, Báo SGGP liên tiếp phản ánh tình trạng xâm hại rừng Vườn quốc gia Yok Đôn (tỉnh Đắc Lắc). Nhiều cánh rừng gỗ quý bị chặt trắng, hàng chục hécta đất rừng bị tàn phá và rất nhiều loài động vật quý hiếm bị tàn sát không thương tiếc. Trong vai một doanh nhân ở tỉnh Đắc Lắc đi khảo sát tận thu gỗ, phóng viên Báo SGGP đã thâm nhập Vườn quốc gia Yok Đôn và ghi nhận cảnh tượng nhiều cánh rừng thuộc khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt bị phá trắng…

Những khúc gỗ hương được xẻ thành từng hộp tại tiểu khu 507. Ảnh: HOÀI NAM

Những khúc gỗ hương được xẻ thành từng hộp tại tiểu khu 507. Ảnh: HOÀI NAM

Theo quy định, bất kể người dân nào muốn vào các vườn quốc gia đều phải xin phép và chịu sự giám sát nghiêm ngặt của cán bộ kiểm lâm vườn, để bảo đảm không một ngọn cỏ, cành cây, không một sinh vật nào có thể mang ra khỏi vườn. Thế nhưng, thực tế tại Vườn quốc gia Yok Đôn lại hoàn toàn khác. Hàng ngày có hàng trăm người dân tự do ra vào vườn bất kể giờ nào với đủ loại phương tiện từ xe gắn máy, xe đạp thồ đến voi... Hàng chục, thậm chí có thời điểm hàng trăm cây gỗ quý - có cây đường kính hơn 1m - mỗi ngày “vô tư” được chở ra khỏi rừng mà không bị một lực lượng chức năng nào kiểm tra, bắt giữ…

  • Chặt trắng nhiều cánh rừng gỗ quý

Trạm Kiểm lâm số 6 được coi là cửa rừng của Vườn quốc gia Yok Đôn cả ở trên bộ lẫn dưới sông (sông Sêrê Pốk). Mặc dù dưới sông có ca nô túc trực ngày đêm và trên đường có barie chắn ngang, thế nhưng bất kể người nào qua đây chỉ cần nói: “Cho mình vào rừng tí mà” - là được các nhân viên kiểm lâm gác trực gật đầu cho vào.

Đi hơn 5 cây số, chúng tôi đến Trạm Kiểm lâm số 4 nằm ngay đầu buôn Đrăng Phốk. Rẽ phải đi về hướng đường 14C hơn 1 cây số, chúng tôi dừng lại và đi theo người dẫn đường vào một cánh rừng thuộc tiểu khu 434. Chỉ cách đường hơn chục bước chân đã thấy gần chục gốc gỗ hương, cành và những bìa thân cây vứt ngổn ngang. Một số gốc còn tươi nguyên, trên bề mặt ghi các ký hiệu: T2, ĐKT, ngày 6-4, 8-4, 14-4…

Người dẫn đường tên Tiến giải thích: “T2 có nghĩa là Trạm Kiểm lâm số 2, ĐKT là đã kiểm tra. Các ngày ghi trên bề mặt gốc cây chứng tỏ lâm tặc “nằm vùng” nhiều ngày trong vườn, chặt hết cây này đến cây khác mà không bị phát hiện, mặc dù nhiều cây gỗ hương nằm sát đường và chỉ cách các trạm kiểm lâm trong khu vực vài trăm mét”.

Ngược dòng suối Két cạn khô hơn 100m, chúng tôi phát hiện thêm 8 cây gỗ hương bị đốn hạ lấy đi hết phần thân, chỉ còn trơ lại gốc và cành. Có 4 cây đường kính gần 1m bị đốt gốc, lửa khói còn âm ỉ cháy. Anh Tiến bảo: “Chỉ một cơn mưa ập xuống và vài ngày sau cỏ cây mọc lên coi như xóa sạch dấu vết”.

Trong khu vực khoảng 4,5ha dọc suối Két chúng tôi đếm được 37 cây gỗ hương đường kính từ 0,5 đến hơn 1m bị đốn hạ, trong đó có 5 cây bị đốt gốc không còn nhận ra những cây hương quý hàng trăm năm tuổi. Anh Tiến thốt lên và chỉ tay về hướng suối Két nói: “Đi thêm một đoạn nữa sẽ thấy cả trăm cây gỗ quý bị đốn hạ. Cánh rừng này toàn gỗ hương, trắc, căm xe… nhiều năm qua được bảo vệ rất kỹ, thế mà bây giờ trắng hết rồi”.

Một khúc gỗ hương đường kính hơn 1m bị lâm tặc đốn tại tiểu khu 507.

Một khúc gỗ hương đường kính hơn 1m bị lâm tặc đốn tại tiểu khu 507.

Theo cây cầu vượt sông Sêrê Pốk nối khu làm việc của Vườn với các tiểu khu 507, 552, 521… chúng tôi đi sâu vào rừng qua Trạm Kiểm lâm số 1 và số 2 mà không ai xét hỏi. Đi sâu vào hướng suối Cạn, chúng tôi đếm được có hơn chục cây gỗ hương bị đốn hạ. Đi thêm vài chục mét nữa lại thấy hơn 20 gốc gỗ hương đường kính gần 1m, nhiều đoạn thân cây được cắt thành hộp vuông vức nằm ngổn ngang dưới dòng suối cạn khô. “Mấy cây này mới cắt nên chúng chưa kịp lấy đi” - anh Tiến nói.

Bỗng có tiếng máy cày phía đầu đường vọng lại. “Có người” - anh Tiến vừa nói vừa kéo chúng tôi chạy ngược vào để tránh “đụng” mặt. Không kịp, 2 kiểm lâm lăm lăm khẩu AK nhìn chúng tôi một lượt không nói gì và đi về hướng có tiếng máy cày ra hiệu cho xe chạy xuống suối nơi có nhiều khúc gỗ hương còn vứt lại. “Mặc đồ kiểm lâm đấy nhưng chẳng biết lâm tặc hay kiểm lâm. Dứt khoát bọn này đi gom gỗ” - anh Tiến nói và giục chúng tôi đi nhanh ra đường để tránh gặp rắc rối.

Ra tới đường, lại thấy 2 kiểm lâm lăm lăm khẩu AK quát: “Đi đâu! Nhà báo vào quay phim chụp hình phải không? Ai cho vào, giấy đâu?”. Sau một hồi giằng co, chúng tôi được “tự do” khi nghe tiếng một kiểm lâm nói trong điện thoại: “Để chúng nó đi hả anh…”. “Thế là thoát. Bọn này nghi lắm, nếu có lệnh thu gom gỗ sẽ không đi bí mật như vậy”. Nói rồi, anh Tiến nhẩm tính, chỉ đi một đoạn mà có đến hơn 40 cây gỗ hương bị đốn hạ. Nếu đi sâu theo hướng vết xe máy cày, phải có đến hàng trăm cây gỗ quý bị chặt trắng…

  • Phá rừng làm rẫy giữa khu bảo vệ nghiêm ngặt

Chiều hôm sau, trở lại tiểu khu 434 theo đường từ Trạm Kiểm lâm số 9, chúng tôi phát hiện một cánh rừng nằm sát đường bị đốt trụi, lộ ra những vạt đất cháy đen, không còn nhận ra một cánh rừng nguyên sinh bên dòng suối trước kia. “Mới tuần trước đi ngang đây còn rừng mà” - anh Tiến bàng hoàng thốt lên trước cảnh hoang tàn của rừng chết.

Vượt qua đoạn suối được bắc vội vài nhánh cây rừng, chúng tôi đi xuyên qua vạt rừng còn cháy nham nhở thì bắt gặp hai vợ chồng người dân tộc đang sắp đặt đồ đạc sinh hoạt vừa chuyển đến được kê tạm dưới gốc cây duy nhất còn sót lại bên bờ suối. “Mình là Ma Droc ở buôn Đrăng Phốc đây mà. Chặt hết cây rồi thì phải để đất mình trồng cái rẫy chứ” - người đàn ông cất tiếng khi thấy chúng tôi đến gần.

Trước mắt chúng tôi là một vạt đất rộng gần 10 ha, lộ ra những vệt cháy đen chạy dọc theo bờ suối, ngược lên gò đất rồi vòng ra hướng đường trông như hình chữ u. “Chỉ vài ngày nữa là vạt rừng ven suối kia sẽ thành rẫy hết thôi” - anh Tiến ngao ngán nói. Lật giở tấm bản đồ Vườn quốc gia Yok Đôn, anh Tiến chỉ ngay vào điểm in đậm chạy theo tuyến đường tuần tra nói: “Đây là lõi vườn - khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt nhất mà còn vậy. Xót xa quá!”.

Vâng, bất cứ ai chứng kiến những cánh rừng của Vườn quốc gia Yok Đôn đang… chết sẽ không khỏi xót xa và bàng hoàng trước thái độ vô tâm, vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm đang được giao nhiệm vụ giữ rừng của quốc gia…

Hoài Nam


Bài 2: Trắng đêm trên con đường gỗ lậu

Tỉnh lộ 1 nối huyện biên giới Ea Soup với TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) dài hơn 70km - đoạn từ Khu du lịch Buôn Đôn qua khỏi phố huyện Buôn Đôn, từ lâu được ví là con đường… gỗ lậu. Cứ vào chập tối, khắp các đường ngang ngõ tắt dẫn ra tỉnh lộ 1 tấp nập các loại phương tiện “cõng” trên mình những khúc gỗ quý bị chặt hạ tại các cánh rừng của Vườn quốc gia Yok Đôn. Chúng tôi đã có một đêm “trắng” trên con đường gỗ lậu này để đi tìm câu trả lời “Vì sao Vườn quốc gia Yok Đôn đang… chết?”.

  • Gỗ lậu vô tư vượt trạm

19 giờ, chúng tôi xuất phát tại bến M’Tú trên sông Sêrê Pốk đi ra hướng tỉnh lộ 1. Người thanh niên chạy xe ôm kiêm dẫn đường tên Y Nhơn (ngụ xã Krông Ana) do một người quen trên phố huyện Buôn Đôn giới thiệu với chúng tôi cứ một mực ra điều kiện: “Mình chỉ đi đến 10 giờ thôi đấy”.

Đêm tối trên tỉnh lộ 1 nhiều đoạn không một bóng người, chỉ nghe tiếng máy cày vọng lên từ các bến sông. “Sắp có gỗ đi rồi đấy” – Y Nhơn nói và không đợi tôi ra “hiệu lệnh”, đã quay xe chạy ngược về hướng buôn Trí A. Từ xa ánh đèn pha của 3 xe máy cày dưới bến chiếu thẳng vào chúng tôi. Y Nhơn cho xe dừng lại, tấp vào một lùm cây ven đường để quan sát. Đợi cho 3 chiếc lên hẳn đường chạy về hướng phố huyện Buôn Đôn một đoạn, Y Nhơn mới cho xe bám theo.

Gần tới km 26 - nơi có Trạm kiểm soát liên ngành 12-08, xe chúng tôi vọt lên. Thật bất ngờ, chỉ còn 1 xe chở 3 khúc gỗ hương đang tiến về phía trạm. Tôi đưa máy ảnh lên chụp 3 kiểu. Phát hiện ánh đèn máy ảnh phát ra, một thanh niên ngồi trên thùng xe thúc người lái tăng tốc. Chiếc máy cày cứ thế phành phạch vượt qua trạm kiểm soát trước mặt một cán bộ kiểm lâm như không có gì xảy ra.

Trạm kiểm soát liên ngành 12-08 do UBND huyện Buôn Đôn lập ra tháng 12-2008 để kiểm soát việc vận chuyển lâm sản quý. Trạm được đặt tại km 26 tỉnh lộ 1 với đủ thành phần gồm: kiểm lâm, công an, quân đội, thuế… Theo quan sát của chúng tôi, trong trạm lúc nào cũng chỉ có 1 cán bộ kiểm lâm ngồi phía trước, thỉnh thoảng đưa tay đáp lại ám hiệu đèn pha của các xe tải, xe máy cày đi qua. Y Nhơn nói: “Xe gỗ qua đấy”. Chỉ trong khoảng 15 phút, chúng tôi đếm được có 5 xe tải nhỏ bịt kín được cán bộ kiểm lâm giơ tay làm ám hiệu cho qua, không một phương tiện nào được cán bộ kiểm lâm này yêu cầu dừng lại để kiểm tra.

22 giờ, trên các nẻo đường của tỉnh lộ 1 không một bóng xe qua lại. Thỉnh thoảng nghe tiếng phành phạch của xe máy cày dưới các bến sông vọng lên. Đảo một vòng từ cổng chính Vườn quốc gia Yok Đôn hướng về phố huyện Buôn Đôn hơn 3km, chúng tôi phát hiện phía trước có một xe máy cày chở đầy gỗ đã được xẻ thành từng tấm. Chạy sau chiếc máy cày này là một ô tô gắn biển số xanh.

Y Nhơn nói: “Xe của kiểm lâm huyện đi bắt gỗ lậu”. Gần tới trạm kiểm soát mà chiếc xe máy cày chở đầy gỗ vẫn phăm phăm lao về phía trước, trong khi chiếc xe biển số xanh quay ngược về buôn Trí A. Thấy vậy, Y Nhơn nói: “Xe dẫn đường qua trạm đấy”. Quay đầu đuổi theo chiếc xe biển số xanh một đoạn khá xa, chúng tôi bị “cắt đuôi”, đành đứng nhìn những chiếc xe tải bịt bạt kín mít “vô tư” vượt trạm.

  • Những bến gỗ bên dòng Sêrê Pốk

2 giờ 15, sau hơn 2 giờ ngả lưng dưới mái hiên một quán nước ven đường, tôi quyết định một mình thâm nhập các bến gỗ bên dòng Sêrê Pốk từ cổng chính Vườn quốc gia Yok Đôn xuôi về buôn Trí A, buôn Trí B (xã Krông Ana), vì đi bất kỳ phương tiện nào và từ 2 người trở lên sẽ dễ dàng bị phát hiện. Đêm rừng Buôn Đôn tĩnh lặng đến rợn người, chỉ có tỉnh lộ 1 là vẫn “thức” với tiếng động cơ của các phương tiện lao nhanh về phố huyện Buôn Đôn.

Đồng hồ trên tay tôi chỉ 3 giờ 30, rồi 4 giờ vẫn không thấy động tĩnh gì, mặc dù tôi đã vượt qua một đoạn đường dọc sông khá xa. Tới đầu buôn Trí A, nghe có tiếng người, tiếng thuyền máy dưới sông vọng lên. “Bến gỗ đây rồi” – tôi tự nhủ phải hết sức thận trọng khi tiếp cận, vì nếu để lâm tặc phát hiện ra là tôi không biết kêu cứu ai giữa đêm khuya này.

Ngược đến bến M’ Tú, cảnh tượng trên bến dưới thuyền thật sôi động. Tiếng gọi thuyền cập bến, tiếng thúc giục chuyển gỗ lên bến, hòa với tiếng động cơ máy cày phành phạch ở trên bờ làm huyên náo cả một khúc sông giữa đêm rừng thanh vắng. Đi ngược thêm một đoạn sông đã thấy trời nhờ nhờ sáng. Lúc này, tôi mới thấy hết lo và rảo bước nhanh qua đoạn đường chạy dọc Khu du lịch Buôn Đôn tiến về bến M’ Thông.

Khung cảnh tại đây nhộn nhịp hơn các bến gỗ ở buôn Trí A. Tôi quyết định lại gần để chụp cảnh lâm tặc đang bốc gỗ lên các xe tải và xe máy cày. Cây, cỏ dày che khuất không thể chụp ảnh được. Thấy cửa nhà rông buôn để ngỏ, tôi bước vào tiến lại phía sau đưa máy ảnh lên chụp thì bị một phụ nữ từ trong nhà M’ Thông đi ra phát hiện. Ngay lập tức, người phụ nữ này ra hiệu cho 2 “cảnh giới” chạy xuống bến báo động.

Trong lúc chạy về hướng cổng chính một đơn vị bộ đội biên phòng ngay phía trên bến gỗ, tôi đã kịp chụp được gần chục tấm ảnh 2 chiếc máy cày đang ì ạch chở những khúc gỗ to từ dưới bến lên đường cái. 2 lâm tặc, một đi xe máy, một chạy bộ cắt đám cỏ cây um tùm từ dưới bến gỗ lao lên. Vừa lúc đó, tôi đã kịp chạy lại chốt gác đơn vị biên phòng thoát thân. Tôi liền gọi điện thoại nhờ một cán bộ Vườn quốc gia Yok Đôn cho xe xuống giải vây.

Khi lực lượng kiểm lâm đến, bến M’ Thông vẫn nhộn nhịp như không có chuyện gì xảy ra. Xe chúng tôi chạy thẳng xuống bến, một cán bộ kiểm lâm nhảy xuống quát: “Làm gì ở đây”, hơn chục lâm tặc mặt đằng đằng mới dừng tay, chống nạnh thách thức. Thấy một chiếc thuyền máy chở 3 khúc gỗ to đang tấp vào, một lâm tặc lao đến ra hiệu: “Chạy luôn đi”.

Chúng tôi bất lực đứng nhìn chiếc thuyền máy chở những khúc gỗ quý từ trong rừng chạy ra. “Lên Trạm 6 xem sao” – một cán bộ vườn đề nghị. Xe chúng tôi chạy vòng qua Trạm Kiểm lâm số 6 – nơi chốt giữ cửa rừng dưới sông và tỉnh lộ 1. “Có thấy thuyền chở gỗ vừa qua không?” – chúng tôi hỏi. Người cán bộ kiểm lâm tên Sơn đáp lại: “Suốt đêm tới giờ không thấy chiếc thuyền nào qua”. Câu trả lời của người cán bộ kiểm lâm này cũng thay cho câu trả lời của chúng tôi: “Vì sao rừng Vườn quốc gia đang… chết”.

HOÀI NAM
 

Ra quân tấn công tội phạm xâm hại Vườn quốc gia Yok Đôn

Ngày 25-4, tại xã Krong Na, UBND huyện Buôn Đôn và các cơ quan chức năng của tỉnh Đắc Lắc đã ra quân tổng tấn công tội phạm xâm hại Vườn quốc gia Yok Đôn.

Theo Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Trần Văn Nhượng, ngoài việc kiểm tra, rà soát, thống kê lại toàn bộ thiệt hại mà lâm tặc đã chặt phá tại các cánh rừng gỗ quý như báo chí thời gian qua phản ánh, Ban chỉ đạo của huyện sẽ thành lập 3 đội kiểm tra cơ động chốt giữ và tuần tra các vị trí xung yếu mà các đối tượng phá rừng thường xâm nhập; đồng thời tổ chức cưỡng chế, thu hồi diện tích đất rừng bị phá trắng để làm nương rẫy trong khu vực lõi Vườn quốc gia.

Đợt ra quân lần này các cơ quan chức năng sẽ đấu tranh, triệt phá và đưa ra khởi tố những đối tượng đã móc nối với một số kiểm lâm tiêu cực trong đường dây phá Vườn quốc gia Yok Đôn vừa qua.

Cũng nguồn tin từ huyện Buôn Đôn, ngay sau lễ ra quân tấn công tội phạm, lâm tặc đã có hành động thách thức chính quyền khi chặt hạ 2 cây hương quý có đường kính hơn 1m chắn ngang đường tuần tra tại tiểu khu 507.

Tại các tiểu khu 434, 507, 421 hiện vẫn còn hàng trăm đối tượng phá rừng từ khắp nơi đổ về cố thủ trong vườn, quyết chống trả các lực lượng ra quân lập lại trật tự trên lĩnh vực bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Yok Đôn.

M.ĐỨC


Bài 3: Ai chịu trách nhiệm?

Trong những ngày đi thực tế tại Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn, chúng tôi may mắn được tiếp cận với ông Nguyễn Hữu Dũng, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Trưởng đoàn công tác của Tổng cục Lâm nghiệp đang đi kiểm tra tình trạng xâm hại rừng theo phản ánh của báo chí thời gian qua. Ông Dũng cũng thừa nhận, thực trạng rừng ở VQG Yok Đôn đang… chết là nguy cơ có thật. Thế nhưng, trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Ai chịu trách nhiệm?”, ông Dũng nói ngay: “Do chủ rừng”.

  • Có dấu hiệu tiếp tay lâm tặc

Đem câu chuyện rừng ở VQG Yok Đôn đang… chết trao đổi với ông Trần Văn Nhượng, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời giống như Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Dũng: “Để mất rừng, chủ rừng phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật”. Theo ông Nhượng, các trạm kiểm lâm của vườn được giao nhiệm vụ quản lý từng tiểu khu, từng khu vực cụ thể, khi để xảy ra tình trạng người và phương tiện vào rừng đốn hạ, vận chuyển các loại gỗ quý, hoặc săn bắn, đốt rừng lấy đất làm rẫy thì phải bị xem xét, xử lý trách nhiệm rõ ràng, không thể nói không biết và không có trách nhiệm được.

Ông Nhượng nói: “Hiện Hạt Kiểm lâm của vườn được biên chế 165 nhân viên kiểm lâm, bố trí thành 11 trạm và 2 đội kiểm lâm cơ động mà để xảy ra mất rừng trong nhiều năm qua, thì không thể đổ trách nhiệm cho ai khác được. VQG Yok Đôn thuộc cơ quan chủ quản là Bộ NN-PTNT. UBND huyện chúng tôi chỉ quản lý về mặt hành chính. Chúng tôi lên tiếng quá thì bị chủ vườn nói can thiệp quá sâu vào nội bộ. Tình trạng xâm hại rừng xảy ra nhiều năm qua nhưng thiếu sự phối hợp giữa địa phương và chủ rừng. Trong các cuộc họp giao ban hàng tháng, chúng tôi yêu cầu chủ rừng báo cáo, nhưng thú thực chúng tôi đều nhận được những báo cáo không đúng sự thật. Chủ rừng thường lấy lý do địa bàn rộng, dân cư sinh sống trong vùng đệm và vùng lõi đông, nên không thể quản lý nổi. Lý do dân tại chỗ phá rừng là không đúng. Thực chất, các vụ phá rừng nghiêm trọng thời gian qua đều do người từ nơi khác đến. Tôi khẳng định nội bộ VQG Yok Đôn có thể có tiêu cực, có dấu hiệu tiếp tay cho lâm tặc, rừng mới bị mất nhiều như thế”.

Đặt vấn đề về trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý hành chính trên địa bàn, ông Nhượng cho biết, hàng tháng, hàng quý Huyện ủy và UBND huyện Buôn Đôn đều có văn bản chỉ đạo rất sát. “Tôi về huyện nhận công tác hơn 1 năm qua cũng rất sốt ruột trước tình trạng mất rừng và đã nhiều lần đi thực tế nắm tình hình, nhưng thú thật không nắm hết được vụ việc và khẳng định một điều là nội bộ VQG Yok Đôn “có vấn đề”. Nhiều lần đi kiểm tra, nhưng chủ vườn báo cáo không đúng cũng chịu. Tôi không thể lãnh đạo thay cho cơ quan chủ quản được” – ông Nhượng bức xúc nói. “Huyện có lập Trạm kiểm tra liên ngành 12-08 trên tỉnh lộ 1, nhưng gỗ lậu vẫn “vô tư” về tới TP Buôn Ma Thuột?” – chúng tôi hỏi. Ông Nhượng ngập ngừng nói: “Tôi có nghe chuyện này. Phải kiểm tra lại để chấn chỉnh chứ không để như thế được (!?)”.

Đề cập đến các biện pháp ngăn chặn tình trạng xâm hại rừng ở VQG Yok Đôn đang báo động, ông Nhượng cho biết, lãnh đạo huyện đã thông qua kế hoạch mở đợt tấn công tội phạm xâm hại rừng. Huyện cũng đã chỉ đạo cho 3 xã trong vùng đệm cần tăng cường phối hợp với chủ rừng để ngăn chặn tình trạng phá rừng đang diễn ra hết sức phức tạp…

  • Càng lên tiếng, rừng càng mất nghiêm trọng

Cách nay gần 1 năm, Báo SGGP cũng đã có loạt bài điều tra “Thực trạng các VQG – Rừng chết”, phản ánh tình trạng xâm hại nghiêm trọng các VQG và khu bảo tồn thiên nhiên trên cả nước, trong đó có VQG Yok Đôn. Số liệu phân tích trong loạt bài này có nói đến việc mỗi năm Nhà nước phải bỏ ra hơn 40 tỷ đồng để quản lý, bảo vệ 115.000ha rừng của VQG Yok Đôn. Và số liệu phân tích giá trị của hàng ngàn mét khối gỗ quý tại đây bị mất đi hàng năm đã gấp 10 lần số tiền Nhà nước chi ra. Vậy mà rừng vẫn bị mất, và tới thời điểm hiện nay khi báo chí đồng loạt lên tiếng về tình trạng xâm hại rừng đến mức báo động, số lượng gỗ quý bị chặt hạ có thể đã lên đến hàng ngàn cây.

Có 2 vấn đề được đặt ra trong quá trình chúng tôi đi thực tế thực hiện loạt bài điều tra này là: Hàng năm, khi báo chí lên tiếng về tình trạng phá rừng tại VQG Yok Đôn, liền sau đó là huyện, tỉnh, rồi cơ quan chủ quản của bộ ngành Trung ương thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra thực tế và đưa ra các biện pháp chấn chỉnh, song rừng vẫn bị xâm hại một cách nghiêm trọng hơn, khốc liệt hơn.

Một vấn đề khác mà chúng tôi muốn được nêu ra đây, cứ sau mỗi đợt báo chí phát hiện rừng VQG Yok Đôn bị tàn phá, thì liền sau đó Bộ NN-PTNT và Chính phủ lại nhận được văn bản của lãnh đạo VQG này xin tận thu gốc, cành gãy đổ trong vườn (thực chất là gỗ và gốc, ngọn các cây gỗ quý lâm tặc chặt hạ và bỏ lại trong rừng).

Một nguồn tin cho biết, lãnh đạo Bộ NN-PTNT vừa nhận được văn bản của VQG này xin tận thu 2.000m³ gỗ được cho là gốc, cành gãy đổ từ đầu năm 2011 đến nay. Như vậy, đã có bao nhiêu cây gỗ quý bị đốn hạ trong thời gian ngắn qua tại VQG Yok Đôn? Ai phải chịu trách nhiệm về thực trạng đau lòng này? Chỉ khi nào câu hỏi trên được trả lời mới hy vọng ngăn chặn được tình trạng rừng ở VQG Yok Đôn đang… chết.

Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục