Những cung đường gỗ lậu

Những cung đường gỗ lậu

Gỗ lậu về xuôi

Không còn cảnh lén lút, né tránh kiểm lâm để tuồn gỗ lậu bằng đường mòn về xuôi tiêu thụ, gần đây, các đầu nậu gỗ lậu tại vùng giáp ranh giữa các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Thuận đã ngang nhiên dùng ô tô vượt trạm, qua mặt lực lượng bảo vệ rừng. Hết ngày lại đêm, những phách gỗ từ vùng rừng núi Đạ Huoai, Tánh Linh cứ thế đổ về các xưởng cưa “đen” ở mạn dưới.

  • Rừng chảy máu

Để tìm hiểu rõ ngọn ngành, nguồn gốc của những phách gỗ lậu, chúng tôi tìm cách đột nhập “điểm nóng” phá rừng ở khu vực xây dựng thủy điện Đạm B’ri (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng). Con đường từ ngã 3 Hà Lâm (quốc lộ 20) vào tận bìa rừng dài chừng 40km có phân nửa được trải nhựa, còn lại đường lầy lội, bùn đất lút nửa bánh xe gắn máy.

Hai bên đường, cứ vài chục mét lại có một lối mòn dẫn vào rừng, người dân địa phương gọi đó là đường be để đưa gỗ từ rừng ra. Tuấn, người dẫn đường cho tôi, nói: Trước đây, khu vực này toàn rừng rậm, từ khi con đường mở ra để phục vụ xây dựng thủy điện thì rừng mất dần do vận chuyển thuận lợi hơn.

Qua khu vực thủy điện Đạm B’ri chừng 2km, chúng tôi lần theo theo một đường mòn dốc dựng đứng để vào rừng. Tuấn nhận định: “Chắc chắn khu vực này đang có lâm tặc hoạt động, vì dấu lăn gỗ còn mới tinh”.

Quả thật, vào sâu hơn trăm mét, chúng tôi phát hiện hai phách gỗ vừa mới xẻ nằm giữa đường mòn, quanh đó là hàng loạt gỗ bìa, mạt cưa còn mới rợi. Vào sâu chút nữa, cảnh tan hoang hiện ra với hàng loạt gốc cây to đến hai người ôm bị đốn hạ, nhiều cây vẫn chưa bị xẻ. Gỗ bìa, gỗ bị rỗng ruột hoặc cong lâm tặc “chê” bỏ lại ngổn ngang, cảnh tượng không khác gì ở một xưởng cưa. Sau khi ghi vội những suất hình quý giá, Tuấn bàn với chúng tôi rút lui vì không muốn “đụng hàng” (giáp mặt lâm tặc) ở chốn rừng rú xa xôi.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai, không chỉ khu vực nói trên mà tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn đều xảy ra tình trạng phá rừng. Trong đó, tập trung tại khu vực đường be 52 thuộc xã Phước Lộc, Đạ Tồn, khu vực đường Đạ Sị thuộc xã Đạ Ploa, khu vực Đá Bàn xã Đoàn Kết, khu vực đèo Bảo Lộc thuộc xã Đạm B’ri… Ngoài ra, lâm tặc còn khai thác phía huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) rồi tập kết sang các xã Đoàn Kết, Đạ Ploa để đưa về Đồng Nai tiêu thụ.

Gỗ bìa ngổn ngang trong rừng, không khác gì ở xưởng cưa.

Gỗ bìa ngổn ngang trong rừng, không khác gì ở xưởng cưa.

  • Trăm nẻo về xuôi

5 giờ chiều, con đường từ khu vực thủy điện Đạm B’ri (xã Đạm B’ri) đến xã Phước Lộc vẫn vang rát tiếng xe gắn máy quá đát chở gỗ lậu. Một người dân trong khu vực cho biết, trước đây, lâm tặc thường dùng xe gắn máy hoặc công nông chở gỗ từ rừng ra đến khu vực trung tâm xã Phước Lộc cất giấu. Từ khi có chốt bảo vệ rừng Phước Lộc, lâm tặc chỉ chở đến đoạn trước chốt, rồi tấp vào bờ sông Đạm B’ri đóng thành bè đi theo đường sông. Thường cứ khoảng 3 đến 4 ngày, lâm tặc đi bè một chuyến.

Nóng lòng muốn ghi hình cảnh bè gỗ trên sông, chúng tôi quyết định tấp vào một bến xuồng và gặp ngay hai nhóm đang đóng bè. Mỗi bè gồm 4 phách gỗ dái ngựa dài 2m, mặt 40cm và dày 25cm, được kết kẹp với nhau bằng những thanh tre, bên trên cột một chiếc săm ô tô làm phao nổi. Kết bè xong, mỗi người ngồi lên một bè chèo về hạ lưu. Hỏi chuyện, được biết họ đều là dân địa phương, vào khai thác gỗ khu vực thủy điện để bán cho các đầu nậu ngoài xã.

Trở lại quốc lộ 20, từ ngã 3 Hà Lâm xuôi về hướng TPHCM khoảng 7km là đến thôn B’Kẻ (thị trấn Madagui). Đường từ đầu thôn xuống bến sông Đạm B’ri rộng rãi và tấp nập khách du lịch (tham quan khu du lịch rừng Madagui). Cách bến sông khoảng 100m, chúng tôi bất ngờ gặp cảnh lâm tặc “tăng bo” gỗ từ bờ sông vào thôn một cách náo nhiệt.

Cảnh tượng không chỉ khiến chúng tôi mà cả những vị khách du lịch cũng phải ngỡ ngàng vì ngay ban ngày, ban mặt những phách gỗ lậu to đùng được vận chuyển ngang nhiên. Tôi định rút máy chụp hình thì Tuấn can: “Không nên mang máy ra, nếu thấy chụp hình họ sẽ vây, không ra khỏi thôn đâu!”. Được biết, số gỗ này do lâm tặc khai thác ở khu vực ngay phía sau khu du lịch rừng Madagui, bè qua sông, rồi chở lên thôn B’Kẻ cất giấu chờ đủ số lượng mới bán cho các đầu nậu.

Chiêu thức bè gỗ theo sông Đạ Huoai cũng được lâm tặc áp dụng vận chuyển gỗ từ Tánh Linh (Bình Thuận) về các xã Đạ Ploa, Đoàn Kết. Khu vực này đang nổi cộm vì còn nhiều gỗ xoan đào có giá trị cao, địa hình lại phức tạp, công tác kiểm tra, truy quét của kiểm lâm gặp nhiều khó khăn.

Lâm tặc đóng bè gỗ thả trôi trên sông Đạm B’ri về xã Phước Lộc, huyện Đạ Huai, tỉnh Lâm Đồng.

Lâm tặc đóng bè gỗ thả trôi trên sông Đạm B’ri về xã Phước Lộc, huyện Đạ Huai, tỉnh Lâm Đồng.

  • Ép xe, qua mặt kiểm lâm

Sau khi tập kết gỗ về cất giấu ở vị trí thuận lợi, các đầu nậu mang xe ô tô quá đát chở về bán cho các xưởng cưa “đen” tại huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai). Gần đây, chúng còn dùng cả xe tải 2,5 - 3,5 tấn, có cả xe mới (gắn nhiều biển số giả) để chở gỗ lậu. Một “chiêu” nữa là dùng sơn xịt thay đổi màu sơn xe hoặc xịt mờ biển số để qua mặt cơ quan chức năng. Nếu bị đuổi bắt, chúng chống đối quyết liệt, thậm chí lao thẳng vào xe kiểm lâm rồi “bỏ của chạy lấy người”.

9 giờ đêm, chiếc xe ô tô tuần tra của Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai và Ban quản lý rừng Nam Huoai rời trụ sở Hạt Kiểm lâm để thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát theo thông lệ. Ngay lập tức, 4 – 5 đối tượng ngồi trên xe gắn máy chờ sẵn phía bên kia đường nổ máy phóng theo.

Ông Vũ Xuân Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai, cho biết đó là những đối tượng được cắt cử túc trực thường xuyên để theo dõi hoạt động của cán bộ bảo vệ rừng. Bất cứ động tĩnh gì đều được chúng bấm điện thoại thông báo cho đồng bọn. Nếu thấy xe tuần tra xuất phát là chúng bám sát, đếm xem trên xe có mấy người, gồm những ai, đến đoạn nào có người xuống hoặc lên xe, chúng đều nắm rõ. Chính vì vậy, nhiều đợt lực lượng bảo vệ rừng tập trung truy quét tại các điểm khai thác và tập kết gỗ lậu nhưng đến nơi chỉ gặp “vườn không nhà trống”.

Nhiệm vụ chính của các đối tượng này là cản đường xe tuần tra. Bình thường chúng chạy bám theo nhưng lúc gặp xe chở gỗ lậu là chúng vượt lên chạy dàn hàng ngang ngay trước đầu xe kiểm lâm. Nhiều trường hợp còn chủ động quẹt vào xe kiểm lâm để cản đường. Chỉ cần chạy qua hết địa phận huyện Đạ Huoai vài cây số là coi như thoát, vì lực lượng bảo vệ rừng của Lâm Đồng khó “lấn sân” truy bắt lâm tặc phía Đồng Nai.

Gần 12 giờ đêm, chiếc xe gắn máy mang biển số 60N… vẫn pha đèn bám theo cho đến khi xe ô tô của tổ tuần tra về trạm.
 

NAM VIÊN


Gian nan cuộc chiến giữ rừng

Với lợi nhuận cao từ việc buôn bán gỗ lậu, các đầu nậu đã tuyển hàng chục “đàn em” để lập đường dây khép kín: từ tổ chức cho người dân khai thác, vận chuyển đi tiêu thụ, đến việc sẵn sàng ra tay chống trả lực lượng bảo vệ rừng. Cuộc chiến giữ rừng nơi vùng giáp ranh còn lắm gian nan và “máu rừng” vẫn chảy…

  • Điểm mặt đầu nậu

Sau nhiều ngày tiếp cận những điểm nóng khai thác gỗ trái phép tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Thuận, chúng tôi được biết, hầu hết gỗ lậu trong khu vực đều tập trung về một số đầu mối nhất định trước khi xuôi về Đồng Nai. Các đầu nậu cũng chia nhiều mắt xích. Thu mua gỗ bước một từ dân, có thể điểm mặt các đối tượng như: 3 anh em B., T., Ph.; K’Gi., K’L…. đều ở xã Phước Lộc (Đạ Huoai, Lâm Đồng).

Ở khu vực B’Sa có đối tượng V. Ở thị trấn Madagui có Q., Th. Nhưng cộm cán nhất, thâu tóm các đầu mối là đối tượng D. Ng. B. ở thị trấn Madagui. Trong vòng 2 năm qua, B. đã tuyển nhiều “đàn em”, mua sắm phương tiện để hoạt động buôn lậu gỗ quy mô khá lớn. Hầu hết các đối tượng tập trung trước cổng cơ quan Hạt Kiểm lâm và Công an huyện Đạ Huoai để theo dõi, cản trở xe tuần tra của cán bộ bảo vệ rừng đều là đàn em của B.

Một xe chở gỗ lậu bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ

Một xe chở gỗ lậu bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ

Bản thân những người trực tiếp vào cưa hạ cây rừng, xẻ gỗ cũng chỉ có thể bán gỗ ngoài bìa rừng với giá rẻ để “kiếm gạo” chứ không thể qua mặt các đầu nậu đưa trực tiếp gỗ về xuôi. Thường mức giá người dân bán tại bìa rừng cho các đầu nậu chỉ bằng một nửa so với giá bán lại cho các xưởng cưa tại Tân Phú.

Chẳng hạn, gỗ xoan đào bán tại bìa rừng khoảng 3 triệu đồng/m³, trong khi bán cho xưởng cưa có thể lên đến 6 triệu đồng/m3; gỗ dái ngựa tại bìa rừng 1 – 1,5 triệu đồng/m³, tại xưởng cưa là 3 triệu đồng. Lãi gấp đôi nhưng các đầu nậu cũng chịu “rủi ro” cao vì sau khi bốc gỗ lên ô tô, đầu nậu phải thanh toán xong tiền cho người khai thác gỗ, nếu bị bắt trên đường vận chuyển về xuôi thì đầu nậu sẽ mất trắng.

  • Cuộc chiến gian nan

Trong chuyến phối hợp tuần tra đêm theo đường rừng băng từ thị trấn Madagui về Tân Phú (Đồng Nai), Tánh Linh (Bình Thuận) rồi trở về khu vực chân đèo Bảo Lộc, Trưởng ban quản lý rừng Nam Huoai Võ Đức Trí tâm sự với tôi rằng, cuộc chiến giữ rừng ở vùng giáp ranh này mỗi ngày càng lắm gian nan. Trước đây, lâm tặc thấy cán bộ bảo vệ rừng là bỏ chạy nhưng khoảng 2 năm nay, chúng ra mặt chống đối quyết liệt. Khi bị lực lượng bảo vệ rừng truy bắt, lâm tặc dùng dao, rựa, cưa máy xông thẳng vào tấn công.

Còn chuyện dùng gậy gộc hoặc ném đá là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhiều anh em trong đơn vị đã đổ máu và mang thương tích. Không những thế, lâm tặc còn kéo đến nhà đập phá tài sản và đe dọa vợ con của cán bộ bảo vệ rừng.

Trong rừng đã vậy, khi bị truy đuổi trên đường vận chuyển gỗ đi tiêu thụ, các đối tượng vi phạm càng chống đối quyết liệt hơn. Cùng với việc dùng xe gắn máy (và cả xe tải) lạng lách để cản đường, khi rơi vào thế bí, bọn chúng còn liều mình tông thẳng xe chở gỗ lậu vào xe của kiểm lâm.

Theo Ban chỉ huy Bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng huyện Đạ Huoai, trong 6 tháng đầu năm 2011 đã xảy ra hàng loạt vụ lâm tặc chống người thi hành công vụ. Chỉ riêng thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua đã liên tiếp xảy ra 3 vụ các đối tượng chở gỗ lậu trên quốc lộ 20 tông xe vào xe tuần tra và tấn công gây thương tích cho cán bộ kiểm lâm.

  • Xử lý chưa nghiêm

Đã hơn nửa năm trôi qua nhưng anh Võ Trường Chinh, Tổ trưởng Tổ cơ động của Ban quản lý rừng Nam Huoai vẫn còn ám ảnh về vụ truy quét lâm tặc tại khu vực Suối Bạc (thị trấn Đạm B’ri) vào ngày 4-1-2011.

Sau khi phát hiện, vây bắt được một đối tượng đang cưa xẻ gỗ trái phép, tổ tuần tra phát hiện thêm 3 đối tượng khác đang cưa xẻ gỗ gần đó. Nhưng 3 lâm tặc (trong đó có một đối tượng cầm dao tên Nguyễn Quang Vượng) không hề sợ sệt, chạy trốn mà còn xông vào tấn công quyết liệt cán bộ bảo vệ rừng.

Trong lúc giằng co với Vượng, súng bắn đạn hơi cay của anh Chinh cướp cò khiến Vượng bị thương, lúc đó cả 3 đối tượng này mới rút lui. Trên đường áp giải đối tượng bị bắt về trạm, tổ tuần tra đã bị hàng chục đối tượng tập trung bao vây, dùng đá và gậy gộc tấn công khiến anh Nguyễn Đắc Thắng bị nhiều vết thương, phải chuyển đi cấp cứu.

Điều đáng nói là sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo huyện Đạ Huoai đã chỉ đạo ngành chức năng vào cuộc nhưng đến nay các đối tượng tấn công cán bộ bảo vệ rừng vẫn chưa bị xử lý. Trớ trêu hơn, anh Võ Trường Chinh còn bị gây sức ép, phải hỗ trợ cho Nguyễn Quang Vượng 12 triệu đồng tiền thuốc!

Ông Võ Đức Trí, Trưởng ban quản lý rừng Nam Huoai, bức xúc: “Cách xử lý như vụ việc vừa qua khiến tinh thần của anh em cán bộ giảm sút, không yên tâm công tác. Các đối tượng chống người thi hành công vụ cần phải xử lý nghiêm để răn đe, nếu không chúng sẽ lờn mặt, càng gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng”.

Còn ông Vũ Xuân Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai, trăn trở: “Một vấn đề bức xúc đối với chúng tôi hiện nay là hành vi cản đường xe kiểm lâm đang diễn ra thường xuyên, khiến việc tuần tra, truy bắt xe chở gỗ lậu gặp nhiều khó khăn. Nếu không có sự vào cuộc phối hợp tích cực và thường xuyên hơn của lực lượng công an thì khó có thể xử lý được”.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục