Thụy Điển, tuyết và báo - Bài 1: Đi trong bão tuyết

Stockholm chìm trong tuyết
Thụy Điển, tuyết và báo - Bài 1: Đi trong bão tuyết

Hai ngày trước khi đoàn nhà báo Việt Nam lên đường sang Thụy Điển tham dự khóa đào tạo “Quản lý chiến lược phát triển báo chí”, do Đài phát thanh Thụy Điển và Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức, nhà báo Ingela - phụ trách khóa đào tạo - đã email cho chúng tôi: “Tôi đoán là các bạn đang nôn nóng đến Thụy Điển. Nhớ chuẩn bị đồ thật ấm nhé, nhiệt độ hiện là -2°C đấy”. Ingela còn gửi đính kèm một tấm ảnh tuyết bắt đầu rơi trước hiên nhà bà.

Đường phố Stockholm, mùa đông 2012.

Đường phố Stockholm, mùa đông 2012.

Stockholm chìm trong tuyết

Mới hôm trước tuyết còn rơi nhè nhẹ mà hôm sau tuyết đã bay vù vù, phủ trắng cả Stockholm. Đến đêm 4-12, nhiệt độ xuống -23°C, trời lạnh cóng. Buổi sáng 5-12, bão tuyết ào ạt. Truyền hình, phát thanh và các báo điện tử ở Thụy Điển liên tục cập nhật tin về bão tuyết. Sân bay Stockholm Arlanda chỉ vận hành một lượng hạn chế số chuyến bay đi và không tiếp nhận các chuyến bay đến. Giao thông bằng đường sắt trong nội đô bị tê liệt khoảng một tiếng.

Tòa soạn báo Aftonbladet

Tòa soạn báo Aftonbladet

Mùa đông ở Thụy Điển, màn tối là chủ đạo. Trước 9 giờ sáng và sau 3 giờ chiều trời tối om. Các xe cào tuyết và công nhân dọn tuyết làm việc không ngơi nghỉ để dọn đường. Giao thông công cộng luôn là lựa chọn số 1 ở Thụy Điển. Mọi người chỉ cần mua thẻ SL Tourist Card hoặc Stockholm Card là lên xe buýt, tàu điện, tàu điện ngầm đi thoải mái, ngắn hay dài cùng một giá cước. Hiện 77% lượng xe ra vào Stockholm là phương tiện giao thông công cộng. Trong đó 50% số xe buýt chạy bằng năng lượng tái tạo.

Đưởng phố Stockholm
Đưởng phố Stockholm

Tuyết ở thời điểm này khác hẳn với tấm ảnh mà bà Ingela gửi cho chúng tôi. Mặc bão tuyết, giá lạnh, đoàn chúng tôi ai nấy mặc 3-4 lớp áo quần, quyết di chuyển trong lớp tuyết dày, lang thang trên những con đường tuyệt đẹp ở trung tâm Stockholm. Tuyết bay vù vù, những tinh thể đá nhỏ bay áp vào mặt, vào mắt, buốt mà thích.

Khu phố cổ Gamla Stan đẹp như trong truyện cổ tích. Ở đây có những con đường nhỏ hẹp có từ thời Trung cổ, quanh co, uốn lượn theo từng dãy phố. Dưới chân chúng tôi là tuyết trắng, còn phía trên là những tòa tháp cổ kính, những lâu đài kiến trúc cổ Phục Hưng, những ngôi nhà nhỏ sơn màu đỏ sẫm, san sát kề nhau. Đây đó những cây thông phủ tuyết trắng lấp ló vài ngọn màu xanh, mấy cụ già lụ khụ chống gậy không biết đang đi đâu, những cặp tình nhân quàng vai nhau nồng nàn đi trong giá rét, lại còn thấy một nhóm hát rong biểu diễn trên vỉa hè.

Thụy Điển, tuyết và báo - Bài 1: Đi trong bão tuyết ảnh 4

Xe dọn tuyết

Đến chiều 7-12, Ingela tươi cười cho biết: “Tôi nghe dự báo thời tiết ngày mai sẽ hết bão tuyết, trời ấm hơn nhiều”. Đúng như vậy, sáng hôm sau trời ấm lên, nhiệt độ còn -7°C. Sáng hôm đó, ngồi trên xe buýt đến tham quan tòa soạn báo Người Lao động Thụy Điển, chúng tôi thấy TP Stockholm như một đại công trường dọn tuyết. Ở đâu cũng gặp xe, người và xẻng xúc tuyết. Những mặt đường được cào sạch tuyết lộ ra những hạt sỏi màu đỏ nâu điểm xuyết những hạt màu đen, trắng và vàng cát, tạo nên nét đặc trưng cho đường sá Stockholm. Đến trưa, đã nhìn thấy mặt trời. Nắng hắt vào tuyết làm cho những hạt tuyết lấp lánh ánh vàng tuyệt đẹp. Trong những lúc có nắng, cuộc sống sinh hoạt ở Stockholm thấy sôi động hơn.

Bảo tàng Bắc Âu ở Stockholm

Bảo tàng Bắc Âu ở Stockholm

Bên mộ Olof Palme

Tra trên mạng, Stockholm có thật nhiều điểm tham quan có lẽ đi vài tháng cũng không hết: Tòa thị chính, công trình kiến trúc đẹp nhất Thụy Điển, nơi hàng năm diễn ra lễ trao giải Nobel danh giá; Nhà thờ lớn - công trình kiến trúc cổ nhất thành phố; Cung điện Drottningholm, được xây dựng từ thế kỷ XVI theo lối kiến trúc Phục Hưng; cùng 84 viện bảo tàng, hàng trăm nhà thờ và các công viên, các hòn đảo xanh mát, các siêu thị lớn với các thương hiệu nổi tiếng của Thụy Điển như H&M, Ostermalm, Stadshuset... Nhưng điểm đầu tiên chúng tôi chọn tham quan là nhà thờ Adolf Fredrik, nằm ở trung tâm Stockholm, được xây dựng từ năm 1768 đến năm 1774. Nhà thờ được đặt theo tên của vua Adolf Fredrik, bên trong có công trình tưởng niệm triết gia Cartesius, và từ năm 1986, nhà thờ này còn nổi tiếng hơn vì là nơi chôn cố Thủ tướng Olof Palme.

Nhà thờ Adolf Fredrik

Nhà thờ Adolf Fredrik

Nơi yên nghỉ của cố Thủ tướng Olof Palme chỉ là một khoảnh đất rộng vài mét vuông nằm ở phía trái sân nhà thờ Adolf Fredrik, bên trên có một hòn đá sỏi cao chưa đầy 1m có viết tên ông, bên cạnh có cắm hai đóa hoa hồng. Bà Ingela cho biết, ngôi mộ được làm theo ý nguyện của ông, thể hiện lối sống hết sức giản dị của ông. Ngả mũ trước mộ ông, tôi nhớ tới câu danh ngôn: “Dưới mỗi nấm mồ là một pho lịch sử”. Còn ở đây, dưới ngôi mộ giản dị này là một pho sử bi hùng của Thụy Điển ở thế kỷ 20, có một nhà hoạt động chính trị kiệt xuất của thế giới.

Nơi yên nghỉ của cố Thủ tướng Olof Palme

Nơi yên nghỉ của cố Thủ tướng Olof Palme

Ông Olof Palme là người lãnh đạo Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển từ năm 1969 tới ngày bị ám sát năm 1986. Ông làm Thủ tướng Thụy Điển từ 1969 đến 1976 và từ 1982 đến 1986. Ông từng đích thân xuống đường lấy chữ ký phản đối Mỹ xâm chiếm Việt Nam. Ngày 23-12-1972, ông đọc diễn văn trên đài phát thanh quốc gia, so sánh hành động ném bom Hà Nội của Mỹ với những cuộc tàn sát nổi tiếng trong lịch sử.

Khắc Văn (từ Stockholm)

* Bài 2: Thay đổi cách làm báo

* Bài 3: báo chí 3.0

Tin cùng chuyên mục