Thủ đô kháng chiến ở miền Nam - Bài 5: Bệnh xá giữa rừng

“Sờ tay vào ngực anh, tôi thấy còn âm ấm. Không thể để mất anh, người đồng đội, đồng chí của mình. Phải có niềm tin là cứu được anh. Chỉ có vậy, chúng tôi nỗ lực và anh đã hồi sinh”. Đó là tâm sự của bà Đặng Thị Xới, nguyên y tá của Bệnh xá Trung ương Cục miền Nam, nơi chăm sóc sức khỏe cho anh em cán bộ chiến sĩ ở R. Chúng tôi đã gặp bà, trong một căn nhà nhỏ bình dị ở quận Tân Phú, TPHCM, nghe bà kể về những năm tháng gian khổ ấy.
Thủ đô kháng chiến ở miền Nam - Bài 5: Bệnh xá giữa rừng

“Sờ tay vào ngực anh, tôi thấy còn âm ấm. Không thể để mất anh, người đồng đội, đồng chí của mình. Phải có niềm tin là cứu được anh. Chỉ có vậy, chúng tôi nỗ lực và anh đã hồi sinh”. Đó là tâm sự của bà Đặng Thị Xới, nguyên y tá của Bệnh xá Trung ương Cục miền Nam, nơi chăm sóc sức khỏe cho anh em cán bộ chiến sĩ ở R. Chúng tôi đã gặp bà, trong một căn nhà nhỏ bình dị ở quận Tân Phú, TPHCM, nghe bà kể về những năm tháng gian khổ ấy.

  • Hồi sinh

Vào một ngày tháng 3-1972, ca trực tối ở bệnh xá có 3 người. Một ca bệnh sốt rét là anh Nam công tác tại C21 (bộ phận cơ yếu), bệnh đã trở nặng từ mấy hôm trước. Hôm nay, anh được xác nhận đã ngưng thở. Đồng đội của anh đang đào huyệt ở bìa rừng. Anh em đào xuống một đoạn đụng lớp đá hàn rất cứng nên đành ngưng tay cuốc, phần vì trời đã tối, chờ ngày mai tiếp tục đào.

Tối hôm đó, chúng tôi ra chỗ để thi thể anh Nam. Đụng vào chân tay anh, chúng tôi thấy lạnh ngắt. Nhưng đụng vào ngực anh lại có hơi ấm nhè nhẹ. Tôi xin ý kiến anh Trương Công Lệnh (Năm Lịnh - bệnh xá trưởng) cho phép sử dụng một củ sâm nghiền lấy nước cho anh uống, còn nước còn tát. Lúc đó là 22 giờ. Chúng tôi chưng cách thủy củ sâm chừng 1 giờ, rồi cạy miệng anh Nam đổ vào 1 muỗng cà phê nước sâm. Một nửa muỗng nước tràn ra ngoài, chỉ còn một nửa ở trong miệng. Gần 1 giờ sau, nước sâm ở miệng anh đã không còn, như vậy, anh đã có thể nuốt được ít nước. Cứ thế, chúng tôi đổ thêm một muỗng nữa và chờ thêm một khoảng thời gian, anh lại nuốt tiếp chỗ nước sâm quý giá ấy.

Từ đó, chúng tôi lại cạy miệng, đổ nước sâm cho anh. Đến khoảng 3 giờ sáng, đặt tay lên ngực anh, chúng tôi thấy gợn nhẹ nhịp. Tôi liền tiêm một mũi Adrenaline vào mõm tim, đồng thời sưởi ấm cho anh, dùng khăn nóng xoa bóp chân tay. Đến 4 giờ sáng, nhịp tim anh đập trở lại và kiểm tra mắt có phản xạ. Chúng tôi tiếp tục nỗ lực cứu sống anh. Đến 8 giờ sáng, anh Nam tỉnh hoàn toàn. Tất cả ca trực vỡ òa trong sung sướng, chúng tôi ôm lấy nhau khóc ròng… Hơn nửa tháng sau, anh Nam xuất viện, trở về đơn vị. Khi chia tay, anh siết chặt tay chúng tôi, nghẹn ngào: “Cảm ơn mọi người đã sinh ra tôi lần thứ hai”.

Các cháu bé được sinh ra tại Bệnh xá Trung ương Cục miền Nam trong những năm gian khó.

Các cháu bé được sinh ra tại Bệnh xá Trung ương Cục miền Nam trong những năm gian khó.

Năm 1967, trận càn Junction City ập vào căn cứ. Bệnh xá được chia làm hai cánh, sơ tán khỏi căn cứ. Nhóm chúng tôi gồm 7, 8 người, chịu trách nhiệm đưa một số thương bệnh binh qua biên giới Campuchia. Trong số bệnh nhân nặng có anh Biện, bị xơ gan cổ trướng nặng, vòng bụng lên tới 110cm, nặng 80, 90kg. Mấy giờ băng rừng, anh em chúng tôi thay phiên nhau khiêng cáng oằn vai. 4 người, mỗi đầu cáng 1 nam 1 nữ khiêng anh đến điểm hẹn an toàn. Chúng tôi ai cũng ê ẩm nhưng nhìn đồng đội của mình cầm cự được để băng rừng, ai cũng cảm động.

Về cứ, chúng tôi lập phác đồ điều trị mới cho anh. Chủ yếu là ăn uống kiêng khem, dùng thêm thuốc Nam để chữa trị. Đã nhiều lúc chúng tôi tưởng anh không qua khỏi, nhưng có lẽ tinh thần người cộng sản đã giúp anh trụ vững, bản thân anh cũng kiêng cữ rất nghiêm ngặt nên dần dần bệnh thuyên giảm. Ngày rời bệnh xá, anh còn nói vui với chúng tôi: “Ngày đất nước thống nhất, nếu tất cả chúng ta vẫn còn sống, anh chị em nào chưa có gia đình, tôi sẽ gả anh chị em của mình cho anh chị”. Chúng tôi cười râm ran, cùng hẹn ước dù không rõ, ngày ấy ai còn, ai mất.

  • Tải muối

18 tuổi, tôi đã vào R, vào làm ở bệnh xá. Trước khi đi học làm y sĩ, y tá, tôi làm chị nuôi, chăm lo bữa ăn cho anh em bệnh nhân và cán bộ bệnh xá. Trước đó, ở nhà, tôi chưa thạo việc, ăn uống, giặt giũ có má và các chị giúp. Nay vào R, phải tự tay mình làm tất cả. Gạo ẩm, khô mục, làm gì để có bữa cơm ngon cho bệnh nhân.

Thế là tôi đem khô ra suối rửa sạch rồi ướp với nhiều xả ớt đem chiên lên. Một phần đem kho với thật nhiều gia vị, ăn chung với bẹ chuối rừng. Anh em bệnh nhân ăn thử, ai cũng khen tôi khéo tay. Mỗi bữa, tôi phải nấu nhiều phần ăn cho từng đối tượng bệnh nhân, có cơm, cơm nhão, cháo, súp, hủ tíu nhưng món nào ra món đó.

Tháng 8-1966, tôi được phân công giữ kho thực phẩm của đơn vị. Hôm đó, khoảng 15 giờ, chị Hoa báo với tôi là chiều nay sẽ hết muối ăn. Lúc đó, mọi người đã đi công tác hết nên tôi quyết định thu xếp công việc, đi tải muối ngay để kịp buổi tối cả bệnh xá có muối ăn. Đường đi từ bệnh xá đến kho muối của C17 khoảng 25 phút đi bộ. Trời mưa tầm tã, lãnh muối xong, một số người khuyên tôi ở lại chờ sáng hôm sau về vì mưa lớn, đường trơn trượt. Nếu tôi ở lại, anh em cả tối nay sẽ ăn nhạt, với những thương bệnh binh, làm sao chịu nổi.

Nghĩ vậy, tôi quyết định đem muối về. Gần đơn vị có một con suối, nước chảy xiết trùm lên cả cây cầu khỉ. Tôi để bao muối 20kg và đôi dép râu vào tấm ni lông, cột chặt rồi đưa lên đầu đội. Tôi leo lên cây cầu trơn trượt, đi rón rén hàng ngang nhích từng chút một. Phía dưới dòng nước chảy xiết cứ chồm lên lặn xuống, muốn cuốn phăng cả cây cầu và tôi xuống dòng nước dữ. Tôi không dám nhìn xuống nữa, mải miết đi…

Qua cầu an toàn, tôi trở về đơn vị vừa kịp chuẩn bị bữa tối. Vừa bước vào bệnh xá, anh Năm Lịnh bắt gặp tôi ướt nhẹp cùng bao muối và đôi dép râu toòng teng trên đầu. Hỏi một hồi, tôi đành phải “khai” ra. Anh Năm nghe xong, thốt lên: “Trời, bay liều như vậy, nhỡ bị nước cuốn trôi thì sao, tao ăn nói sao với ông Mười Lù (chú của bà Xới - PV) bây giờ?”. Nghe tới đây, nước mắt tôi chảy ra giàn giụa, không dám ngước nhìn người đồng đội, người thủ trưởng của mình một phút nào.

  • Ở lại căn cứ

Đầu tháng 4-1970, bệnh xá có lệnh di chuyển gấp. Bệnh xá có lượng thuốc lớn không thể di chuyển một lần được nên phân công 4 anh chị em ở lại giữ kho thuốc và một số thực phẩm. Theo thông báo, sau một tuần, khi cơ quan ổn định, sẽ quay về đem thuốc và đón chúng tôi đi.

Chúng tôi ở lại, hàng ngày theo dõi chống mốc, chống ẩm cho thuốc và sắp xếp thuốc vào từng thùng cho xuống hầm, sẵn sàng chuyển đi khi cần. Chờ hết tuần này qua tuần khác, rồi cả tháng trôi qua mà không có một chút tin tức. Lương thực hết sạch. Chúng tôi ngâm trái lười ươi rồi thắng với đường uống. Hết đường, chúng tôi chuyển qua uống lười ươi với muối để cầm hơi.

Sáng một ngày tháng 5-1970, một bầy trực thăng đến quần thảo khu vực căn cứ rừng Buông. Lúc đầu chúng còn bay cao, về sau chúng quần sát ngọn cây, bắn hết đợt đại liên này đến đợt súng khác. Đến gần 15 giờ, chúng đổ gần cả tiểu đoàn ở ngoài trảng giữa C13, C17 và C18. Lúc đầu, cả 4 chúng tôi cùng ngồi chung một hầm, sau đó chia ra, mỗi người ngồi một hầm để lỡ người này hy sinh còn người khác sống để báo cáo đơn vị.

Điều kỳ diệu xảy ra khi dưới làn mưa đạn, bom B52, cả 4 người chúng tôi đều không hề hấn gì. Kể cả khi bọn địch đổ quân bố ráp, cách nơi trú ẩn của chúng tôi đến cả trăm mét. Mấy ngày liên tục, đợi đến khuya, chúng tôi lại đội hầm lên, kiếm nước uống để cầm cự. Chúng tôi phải bám trụ, vì còn kho thuốc. Người còn, thuốc còn, người mất thuốc mất. Ở rừng, thuốc quý giá vô cùng.

Sau đó mấy hôm, có Bệnh viện K71 chuyển thương bệnh binh đến C17 trú ẩn. Gặp anh chị em, chúng tôi mừng chảy nước mắt. Qua đó, chúng tôi bắt liên lạc với bệnh xá để chờ ngày chuyển thuốc đi. Nhưng sau đó chừng 3 - 4 ngày, các đồng chí ở K71 cho biết sắp có trận càn lớn vào căn cứ và đề nghị chúng tôi di tản theo đoàn. Vậy là chúng tôi nghi trang 2 hầm thuốc, theo đoàn thương binh ra khỏi căn cứ. Đúng như thông báo trước, địch tổ chức trận càn lớn ở căn cứ… Khi chúng tôi về đến đơn vị, đồng đội mừng trong nước mắt vì tưởng chúng tôi đã chết hết. Mọi người đang chuẩn bị làm lễ truy điệu và báo tin về gia đình…

Năm 2004, trong một lần trở lại Campuchia tìm hài cốt đồng đội, khi đang trên chiếc xe chuẩn bị rời phum vào rừng, bà Đặng Thị Xới chợt nhìn thấy một phụ nữ người bản địa cứ nhìn mình chằm chằm. Rồi người phụ nữ ấy rẽ đám đông, đến ôm cứng lấy vai bà khóc rưng rức.

Bà Xới không hiểu người phụ nữ đó là ai và nói gì. Đến giờ xe chuyển bánh, bà lên xe đi tiếp. Đến tối, trở về phum, bà Hoa, một đồng đội đi tìm hài cốt chung ở lại phum coi sóc chuyện cơm nước cho đoàn mới nói với bà: “Bộ mày không biết bà hồi sáng hả? Bả nói với tao là lúc trước, mày từng đỡ đẻ cho bả. Bả tưởng chết rồi, ai ngờ được bộ đội Việt Nam, trong đó có mày cứu sống, mẹ tròn con vuông”. Nghe tới đó, bà Xới nhớ ra.

Năm 1972, khi đang đóng quân ở Campuchia, một bữa, trạm xá được tin báo có một ca đẻ khó ở phum. Bà và đồng đội tìm ra. Đó là một thai nhi bị nhau quấn cổ hai vòng, sản phụ vỡ ối từ sáng sớm nhưng vẫn không đẻ được, tim thai đã yếu lắm rồi. Người dân địa phương chỉ biết bày lễ cúng mà không biết nên làm gì. Lanh trí, bà Xới tìm về trạm xá, lấy một chai nước biển. Bà dốc một nửa vào cửa mình sản phụ, phần còn lại, bà truyền dịch. Đứa bé được lôi ra dễ dàng nhưng tím tái, ngưng thở. Bà Xới liền kề miệng vào miệng đứa nhỏ, hút đờm dãi trong miệng bé ra. Đứa bé thở trở lại, ai cũng vui mừng khôn xiết.

A.CHÂN - L.NGỌC - M.HƯƠNG

Thủ đô kháng chiến ở miền Nam

Bài 1: Ngày đầu

Bài 2: Chuyện lạ ở R

Bài 3: Bí mật bạch chỉ

Bài 4: Hầm sống

Tin cùng chuyên mục