Ẩn giấu gì đằng sau những “đạo lạ”? - Bài 1: “Đạo” ra đời từ giấc chiêm bao

Ẩn giấu gì đằng sau những “đạo lạ”? - Bài 1: “Đạo” ra đời từ giấc chiêm bao
LTS: Năm 2009 - 2011, ở nước ta xuất hiện một vài “đạo lạ”, như “đạo Hà Mòn”, “đạo Vàng Chứ” với lời tuyên truyền hoang đường: vay nợ ngân hàng chỉ cần đọc kinh nhiều là tự nhiên được xóa nợ, bệnh không cần uống thuốc đọc kinh sẽ khỏi... (?!). Không dừng ở hoạt động mê tín dị đoan mà những kẻ giấu mặt còn lợi dụng tự do trong sinh hoạt tôn giáo để gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, tập hợp lực lượng, sử dụng vũ trang để thực hiện mưu đồ chính trị phản động với sự tiếp tay của những thế lực xấu từ bên ngoài. Trung tâm Phân tích chính sách công (Center for Public Policy Analysis), một tổ chức theo dõi nhân quyền có trụ sở ở Mỹ, dù không hề đặt chân đến Mường Nhé nhưng vẫn tung tin bịa đặt: có hơn 1.000 người Mông bị chính quyền bắt trong vụ Mường Nhé (?!). Đại diện Tổ chức NGO ở Mỹ cũng tung tin hàng trăm người dân tộc ở Tây Nguyên bị bắt vì “sinh hoạt tôn giáo”?! Ý đồ của họ là gì?

Loạt bài: Ẩn giấu gì đằng sau những “đạo lạ” sẽ lý giải câu hỏi này.


“Ai theo Đức Mẹ thì sẽ được xóa hết nợ ngân hàng, không phải sản xuất vất vả mà vẫn có ăn, có cuộc sống tự do”, “Ai ốm đau, bệnh tật đến với Đức Mẹ thì sẽ khỏi bệnh”… Dưới sự hấp dẫn của những lời rỉ tai, tuyên truyền như trên, không ít người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk nhẹ dạ cả tin đã bị các đối tượng xấu lôi kéo đi theo “đạo Hà Mòn”.

  • Linh thiêng từ nóc nhà

Y Gyin - còn có tên gọi khác là Y Ên, SN 1942, người dân tộc Bana Rơ Ngao - vốn là thầy mo sống ở làng Kơtu, xã Hơ Moong (thường gọi là Hà Mòn), huyện Đắc Hà, nay phân chia lại địa giới xã này nhập vào huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Năm 1999, sau một đêm ngủ dậy, bà Y Gyin cho gọi A Tách, A H’yum, Y Kách, A Níp, A Kuen (con trai của Y Gyin) đến để kể lại rằng bà ta đã mơ thấy Đức Mẹ hiển linh hiện trên mái nhà mình; đồng thời nói: “Đức Mẹ chọn ta là người đi truyền “Sứ điệp Đức Mẹ Maria” đến người dân tộc thiểu số”.

Từ đó bà Y Gyin tự cho mình là “trưởng đạo” của cái gọi là “đạo” dành riêng cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Do “đạo” được lập ra từ bà Y Gyin tại xã Hơ Moong (Hà Mòn) nên cũng thường được gọi là “đạo Hà Mòn”.

Vì tự nghĩ ra “đạo” nên bà Y Gyin tự cho mình quyền được đặt ra các “giáo luật” kỳ quái buộc người “theo đạo” phải nghe theo, nếu không sẽ bị “Đức Mẹ” phạt: trong gia đình nếu chồng hoặc vợ theo “đạo Hà Mòn” mà người kia không theo thì phải bỏ nhau; người theo đạo không được uống rượu, không sinh hoạt cồng chiêng, không tập trung đến nhà rông (thế là nhiều ghè rượu đẹp được lưu truyền trong gia tộc nhiều đời bị người theo “đạo” của bà Y Gyin đập nát, những bộ chiêng bị xếp vào xó nhà và không ai ra sinh hoạt cồng chiêng nữa).

Bà Y Gyin quy định, người theo “đạo Hà Mòn” không được tiếp xúc với người lạ, không đi học chữ, lấy nhau không cần làm đám cưới và không đăng ký kết hôn; không tham gia các sinh hoạt, hoạt động do chính quyền, đoàn thể tổ chức và không được nhận sự giúp đỡ của chính quyền. Bà Y Gyin còn tuyên truyền những điều ma mị: theo “đạo Hà Mòn” thì không làm cũng có ăn, bị bệnh không uống thuốc vẫn khỏi, thiếu nợ ngân hàng, nợ của nhà nước chỉ cần đọc nhiều kinh cầu nguyện sẽ được xóa nợ và ai đọc kinh càng nhiều thì sẽ được Đức Mẹ đón lên thiên đàng sớm”.

Nhiều người dân tộc thiểu số ở Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk do đời sống kinh tế khó khăn, nhận thức hạn chế nên tin theo giọng điệu hão huyền, ma mị rỉ tai ấy, rời bỏ đạo Thiên Chúa để theo “đạo Hà Mòn”. Tự nhận là “tôn giáo riêng” của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, nhưng “đạo Hà Mòn” không có nghi lễ, giáo lý riêng của mình. Nội dung, tài liệu tuyên truyền của “đạo” này thực chất là sao chép giáo lý, giáo luật, kinh thánh của đạo Thiên Chúa.

Để làm ra vẻ có sự khác biệt cho “đạo Hà Mòn”, bà Y Gyin tự soạn cái gọi là “Sứ điệp Đức Mẹ Maria” và “Thông điệp Đức Mẹ hiện hình” với lời lẽ hoang đường, xa lạ với giáo lý chính thống Thiên Chúa giáo. Trong thư mục vụ số 29/VT/10/Tgmkt ngày 11-2-2010 của Giám mục Hoàng Đức Oanh gửi tu sĩ và giáo dân trong giáo phận Kon Tum nêu rõ: Nội dung sứ điệp sao chép chỗ này chỗ khác, không thống nhất, lộn xộn, có nhiều điều sai trái với giáo huấn của Hội thánh.

Buôn Kon H’ring thuộc xã Êa H’Ding huyện Cư M’Gar tỉnh Đắk Lắk có 315 hộ, 100% theo Thiên Chúa giáo, nhưng từ khi có “đạo Hà Mòn” xâm nhập, một số gia đình tự nhiên trở nên sinh hoạt rất “bí mật”. 3 - 4 giờ sáng có những người lầm lũi đi trong ánh đèn pin nhập nhoạng đến điểm hẹn để tập trung đọc kinh. Đọc xong loạt kinh của “đạo Hà Mòn” mất gần 2 giờ, một số người lại ra nhà thờ giáo xứ Quảng Nhiêu đọc kinh tiếp.

Trao đổi với chúng tôi về sự xuất hiện của cái gọi là “đạo Hà Mòn” tại giáo xứ của mình quản nhiệm, linh mục Nguyễn Sơn, quản nhiệm giáo xứ Quảng Nhiêu ở huyện Cư M’gar cho biết: “Có nhiều người tuy theo “đạo” này nhưng vẫn đến nhà thờ rước lễ, nhìn là tôi có thể đoán được những ai đang theo “đạo Hà Mòn”. Gương mặt của họ mệt mỏi vì đọc kinh thâu đêm suốt sáng. Không lo lao động chỉ lo tập trung đọc kinh thì làm gì có sức khỏe mà làm việc, nên cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn hơn. Gọi là “đạo riêng” thì phải có giáo luật, giáo lý và kinh thánh riêng nhưng “đạo Hà Mòn” thì không có gì riêng”.

  • Niềm tin mù quáng

Những người theo “đạo Hà Mòn” đều chưa một lần được chứng kiến sự hiển linh của Đức Mẹ mà chỉ nghe qua lời kể của bà Y Gyin và những người “truyền đạo” của Gyin để rồi từ đó không lo làm ăn, bỏ bê gia đình chỉ lo tụ tập để đọc kinh.

Cái làng nhỏ ven bờ sông Sa Thầy - nôi của cái “đạo” này - vốn đã nghèo ngày càng xơ xác hơn. Những người theo “đạo Hà Mòn”, ngày nào cũng thế, từ sớm, đã lang thang khắp rừng để hái hoa, kết thành chuỗi rồi mang đến bờ sông Sa Thầy cầu nguyện, bỏ mặc lũ con nhỏ tự xoay xở tìm cái ăn từ rừng. Những ngày 10, 20, 30 hàng tháng họ tập trung đọc lâu gấp đôi thời gian đọc kinh hàng ngày. Những ngày lũ về, nước dâng cao liếm mép váy họ cũng kệ, cứ ngồi im mà cầu nguyện, chờ đợi sự hiển linh mơ hồ nào đó.

Vợ chồng Pe Luông và nụ cười ngày trở về đời thường của gia đình họ. Ảnh: P. TH.

Vợ chồng Pe Luông và nụ cười ngày trở về đời thường của gia đình họ. Ảnh: P. TH.

Ở cách xa làng Hơ Moong, nhưng A Kép, 30 tuổi, thường gọi là Pe Luông, sống tại buôn Kon H’Ring, xã Êa H’Ding huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk “được” chính bà Y Gyin chọn làm người “truyền giáo” khi bà ta đến buôn Kon H’Ding “giảng đạo”. Đây là người thân cận nhất của bà Y Gyin tại Đắk Lắk.

Chúng tôi đến nhà Pe Luông nhằm lúc trời chuyển mưa. Sấm sét đùng đoàng, vợ Pe Luông giật mình thon thót, tái mặt, ôm ngực ngồi thụp xuống nền nhà, thở dốc. “Mấy tháng nay cái tim mình đau nhiều hơn, hay ngất đi lắm. Nghe lời Y Gyin cả nhà mình đọc kinh nhiều hơn người ta mà bệnh không giảm lại cứ nặng thêm mãi. Uống nước thánh nhiều rồi đấy mà bệnh chỉ nặng hơn thôi”, vợ Pe Luông than vãn giọng mệt nhọc và xin phép đi nằm.

Với trái tim đập loạn nhịp thế mà hết ngày này qua tháng nọ vợ Pe Luông không được nghỉ ngơi mà phải ngồi tập trung mỗi ngày ngồi 3 - 4 giờ để đọc kinh, hỏi sao không kiệt sức?! Pe Luông nhìn vợ nằm thở dốc, cúi mặt thở dài, nói: “Mình đang nhờ cán bộ y tế giới thiệu vợ mình lên nhà thương tỉnh chữa bệnh tim đấy. Mình thấy sai rồi, mình đã đến xin lỗi cha Sơn (linh mục quản xứ) rồi, xin lỗi già làng rồi. Mình cũng nói trong cuộc họp làng mới đây là mọi người đừng theo “đạo của Y Gyin” nữa, Y Gyin lừa dối dân mình đấy. Đừng tin Y Gyin, đừng tin những gì tôi đã nói về “đạo Hà Mòn” nữa”.

Con đường đất đỏ mùa mưa trơn nhẫy như thoa mỡ khiến chúng tôi đi bộ đến nhà A Duich ở cuối làng rất khó khăn. Căn nhà to giữa khu vườn xác xơ vì “ông ấy bỏ nhà đi theo người ta sang Kon Rẫy ở mà”, vợ A Duich nói giọng hờn dỗi.

A Duich, 53 tuổi, vốn là đội trưởng đội công nhân của Lâm trường cao su Cư M’Gar, là đại biểu HĐND xã Êa H’Ding, ngồi thu lu trong cái ghế gỗ to, lí nhí kể: “Mình “bị” A Tách “chọn” làm người “truyền giáo” vì nó muốn mượn cái “sự uy tín” của mình để lôi kéo nhiều người bỏ đạo Thiên Chúa đi theo “đạo Hà Mòn”. A Tách và A H’yum bảo mình bỏ nhà sang Kon Rẫy ở tập trung để cầu nguyện cho “hiệu quả” hơn (?!). Mình nghe lời nó bỏ nhà cửa, nương rẫy đi sang làm rẫy tốt cho người ta. A Tách bảo ai đóng tiền nhiều thì được “Đức Mẹ” rước lên thiên đàng nhanh hơn, được khỏe mạnh nhiều hơn, mình tin lời, bảo vợ bán lúa, bán bò gửi tiền sang Kon Rẫy để nộp cho A Tách. Mình dại quá, mất hết rồi. Bây giờ mình buồn lắm”.

A Duich còn một cô em gái cũng bỏ nhà đi sang Kon Tum theo đám A Tách nay chưa trở về. Hỏi mãi vợ A Duich mới thì thầm với tôi: “Cô ấy nghe A Tách nói K’sor Kok sẽ cho người về đón người hoạt động theo “đạo Hà Mòn” “tích cực” sang Mỹ, nên nó cứ trốn mãi trong rừng để đợi đi Mỹ đấy”.

Phạm Thục - Ái Chân - Xuân Sơn

Tin cùng chuyên mục