Bài 2: Đơn thân trong lòng địch

Bài 2: Đơn thân trong lòng địch

Lặng lẽ binh vận

Cán bộ nội tuyến thường được ví là những anh hùng vô danh, những người mà áo gấm chỉ được mặc vào ban đêm. Trong nhiệm vụ âm thầm cao cả ấy, chỉ có mình và chỉ huy trực tiếp biết, cán bộ binh vận phải đối mặt với sự cô độc ngay trong gia đình, trong làng mạc quê mình.

Cựu nội tuyến Nguyễn Văn Ca với những vết thương ở khắp người.

Cô độc

Với hầu hết cán bộ nội tuyến, ngay cả gia đình, vợ con cũng không biết công tác họ đang làm. Xử lý xong vụ làm hỏng xe M113 để được ở lại đón bộ đội vào tiến công Chi đoàn 3/9 thuộc Thiết đoàn 9 Thiết giáp M113 ở căn cứ Cả Bảo (Cần Thơ), thượng sĩ Nguyễn Văn Kiêm thở phào nhẹ nhõm. Anh chuẩn bị làm ván bài với binh lính nhằm che bớt căng thẳng trong lòng.

Kim đồng hồ nhích dần, chỉ còn 1 giờ nữa đến 19 giờ, ngày 1-2-1968, giờ nổ súng. Vừa lúc ấy, điều không ngờ nữa lại đến, vợ anh Kiêm đang mang bầu 7 tháng, dắt 2 con tới căn cứ thăm chồng. Gặp vợ, thượng sĩ Kiêm chới với. Anh không còn lòng dạ nào mà nghĩ đến tình cảm riêng tư, cũng không biết an ủi vợ như thế nào vì bản thân anh cũng không biết chút nữa đây tình hình sẽ ra sao.

Cựu thượng sĩ Kiêm kể lại, ba mẹ, anh chị em, vợ con chỉ biết anh đi lính chứ không ai biết đi lính là nhiệm vụ cách mạng giao. Lúc gặp vợ, anh bần thần cân nhắc: nếu nói thật, liệu vợ con có bị tác động, bị “sốc” rồi rối chuyện không? Cuối cùng, anh Kiêm dằn cảm xúc, chỉ nói một nửa sự thật: “Theo nhu cầu của tổ chức, của Đảng, anh ở trong này hoạt động. Em cứ về đi. Tết này tình hình căng, anh còn chấp hành lệnh của tổ chức”. Vậy là anh giấu đi điều quan trọng nhất: kế hoạch 1 giờ nữa tới giờ nổ súng. Với anh, đây là cơ hội hiếm có, một thời điểm quyết định sau 3 năm dày công ẩn mình trong lòng địch. Lòng anh lúc bấy giờ đã xác định rõ, có thể mình hy sinh, song anh cũng không chia sẻ dự liệu ấy với vợ. Trước chuyện sinh tử, anh chỉ sợ vợ không chịu đựng nổi, “bù lu bù loa” lên sẽ… hỏng chuyện.

Cựu binh nhì Tống Viết Hiền (74 tuổi, quê Bến Tre, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) kể, cơ sở ông gầy dựng khi đang làm nội tuyến trong đồn cả Đê (Sài Gòn) là anh Nguyễn Văn Tài. Vài giờ trước khi diễn ra trận đánh phối hợp với bộ đội địa phương nhằm tiêu diệt đồn cả Đê vào năm 1963, vợ anh Tài từ Bến Tre lên thăm chồng. Anh Tài chỉ kịp đánh tháo: “Tôi có lệnh chiều nay đổi về miền Tây. Mình cứ về trước đi, chừng nào tôi về chỗ mới thì lên thăm”. Vợ anh Tài tưởng thiệt, yên tâm ra về.

Nhiều cán bộ nội tuyến như binh nhì Tống Viết Hiền, trung úy Huỳnh Chí Thiện, nội tuyến trận khởi nghĩa Tầm Phương ở Trà Vinh, lại chọn sống độc thân, tự hẹn ngày đất nước thống nhất mới lập gia đình. “Mình thấy xấu hổ với bà con. Nhiệm vụ của mình, ai biết. Nay sống, mai chết nên không nghĩ sẽ lập gia đình”, cựu binh nhì Tống Viết Hiền tâm sự.

Sống trong lòng địch, chịu sự cô độc, nhiều lúc chiến sĩ cũng không tránh khỏi tâm tư suy nghĩ. Cựu nội tuyến Trương Trung Truyền kể, nhiều lúc ông khóc thầm. Nhiệm vụ thì không thể tâm sự với ai, ngay cả gia đình, vợ con, đồng đội. Nguồn an ủi động viên với anh em cơ sở nội tuyến là lâu lâu được gặp mật giao, hoặc được điều về điểm hẹn gặp cấp trên trực tiếp. Những lần chạm mặt hiếm hoi như thế đã củng cố tư tưởng, tinh thần những chiến sĩ âm thầm chiến đấu trong lòng địch.

Miệng thế 

Bản thân cô độc, gia đình những chiến sĩ nội tuyến cũng chịu nhiều thua thiệt. Hai anh em Trương Trung Hiện (Chín Hiện) và Trương Trung Truyền (Mười Truyền) nửa đêm đón đò từ Trà Vinh dông tuốt về Cần Thơ rồi đăng lính đã khiến gia đình ông Biện Ân, từ chỗ là gia đình cách mạng chí cốt, thành nơi đón nhận sự cô lập, khinh rẻ của người dân vùng căn cứ.

Một buổi sáng, giặc đi càn, ông già Biện Ân tình nguyện dẫn đường cho lính. Dẫn được một đoạn, ông bỏ trốn. Trời xui đất khiến thế nào, ông lại trốn trúng xưởng làm vũ khí thô sơ của địa phương. Cái tiếng con đi lính, cha ở nhà dẫn lính bắt dân lan nhanh trong vùng. Đêm hôm đó, ông Biện Ân bị địa phương bắt.

Sự việc được tổ chức binh vận tìm hiểu, mới hay nguyên cớ là ông Biện Ân đang cùng nhiều trẻ con, phụ nữ ẩn nấp. Sợ đàn bà con gái bị hãm hiếp, ông Biện Ân tình nguyện dẫn đường cho lính nhằm đánh lạc hướng. Ai dè, chạy đâu không chạy lại vô tình lọt trúng xưởng làm vũ khí. “Vậy là rõ cơ sự. Hai anh em đừng suy nghĩ nhiều. Ngược lại nên an tâm vì chuyện cha bị bắt cũng là… thêm tình huống cho anh em có vỏ bọc tốt để hoạt động trong lòng địch, hạn chế sự nghi ngờ của chúng”, cán bộ mật giao động viên hai anh em Chín Hiện, Mười Truyền. Tuy nhiên, sự thật đó, ngoài gia đình, bà con lối xóm không ai hay biết.

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng số 89/16 Phạm Văn Chí, quận 6, TPHCM, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Nhật Quang (78 tuổi), chậm rãi, bình thản ôn lại những kỷ niệm hào hùng và cả đắng cay trong quá trình hoạt động binh vận. Giữa năm 1968, ngay trước trận đánh cụm căn cứ Ba Chúc (thuộc trại Ba Xoài, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), gia đình Trương Nhật Quang, một gia đình trung nông ở huyện Cái Bè (Tiền Giang), bị địa phương và nhân dân đấu tố, tịch thu ruộng đất vì “là gia đình sĩ quan ác ôn”. Đúng lúc mọi người trong gia đình phải chịu sự tủi hổ cùng cực vì có con là trung úy ngụy, là “cái thằng ác ôn” nắm quyền Chỉ huy phó trại Ba Xoài phụ trách căn cứ Ba Chúc thì tin tức về Trương Nhật Quang, Đỗ Trung Dũng, hai nội tuyến thực hiện khởi nghĩa ở căn cứ Ba Chúc bay đến. Bi kịch đang chực ập xuống một gia đình kịp được hóa giải. 

Cựu thượng sĩ Nguyễn Văn Ca (quê Quảng Nam, ngụ quận 11, TPHCM), từng có thời gian làm nội tuyến trong Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy cũng khổ tâm với sự rẻ khinh của bà con, bạn bè ở quê. Những câu nói mát, những ánh mắt lạnh lùng, những câu chuyện nhợt nhạt của mọi người chỉ được xóa đi bằng cái vỗ vai hả hê: “Thằng này thế mà được!” của người hàng xóm khi đất nước giải phóng, sau khi ông Ca đã nhiều năm trải qua địa ngục trần gian - tù Côn Đảo. “Nhưng có một người, mẹ tôi. Mẹ mất vào cuối năm 1962, khi tôi vẫn còn mặc đồ hải quân Việt Nam Cộng hòa. Mẹ nhắm mắt khi chưa kịp biết con mình trước sau đã có lý tưởng với cách mạng, với nhân dân. Mong mẹ dưới suối vàng sẽ hiểu và tha thứ cho tôi đã chưa kịp nói sự thật với mẹ”, ông Ca trầm tư.

ĐƯỜNG LOAN

>> Bài 9: Thế chấp mạng sống

>> Bài 8: Nở hoa trong lòng địch

>> Bài 7: “Vợ” của… nhiều người

>> Bài 6: Anh Dũng nhận ra anh hùng

>> Bài 5: Quân ta đối diện quân mình

>> Bài 4: Thoát chết gang tấc

>> Bài 3: Trong đỏ, vỏ xanh

>> Bài 1: Sống giữa hai làn đạn

Tin cùng chuyên mục