Bài 3: Trong đỏ, vỏ xanh

Cán bộ nội tuyến phần lớn từ nông thôn đưa vào, tuy tạo được thế hợp pháp nhưng cách sinh hoạt dễ bị địch phát hiện. Sống trong lòng địch, để giữ được vỏ bọc, những cán bộ “trong đỏ, vỏ xanh” phải cẩn thận từng lời ăn tiếng nói. Mỹ - ngụy ngày càng phòng vận chặt chẽ, nếu nội tuyến có bất cứ một cử chỉ sơ suất, lập tức bị nhận diện...
Bài 3: Trong đỏ, vỏ xanh

Lặng lẽ binh vận

Cán bộ nội tuyến phần lớn từ nông thôn đưa vào, tuy tạo được thế hợp pháp nhưng cách sinh hoạt dễ bị địch phát hiện. Sống trong lòng địch, để giữ được vỏ bọc, những cán bộ “trong đỏ, vỏ xanh” phải cẩn thận từng lời ăn tiếng nói. Mỹ - ngụy ngày càng phòng vận chặt chẽ, nếu nội tuyến có bất cứ một cử chỉ sơ suất, lập tức bị nhận diện...

Chữa cháy

“Hết khôn dồn đến dại”, cựu binh nhì Tống Viết Hiền (quê Bến Tre, ngụ TPHCM) nhớ về hoạt động binh vận cách đây nửa thế kỷ bằng cái dại suýt phải trả bằng tính mạng của mình và đồng đội.

Theo hợp đồng tác chiến, đêm 27 rạng sáng 28-8-1963, lực lượng huyện Bình Tân (nay là huyện Bình Chánh và quận Bình Tân, TPHCM) phối hợp với cơ sở nội tuyến Tống Viết Hiền đánh tiêu diệt đồn Cả Đê. Đồn có đại đội trọng pháo, có nhiệm vụ trợ chiến Trung đoàn 11, Sư đoàn 7 ngụy, lấn chiếm vùng giải phóng và giữ vành đai cửa ngõ hướng Tây Sài Gòn. Vừa trở về từ Đức Hòa (vùng giải phóng, thuộc tỉnh Long An) sau khi bàn kế hoạch tiến công với các anh trong Ban chỉ huy lực lượng huyện Bình Tân, binh nhì Hiền liền cùng tất cả binh sĩ, hạ sĩ quan trong đồn Cả Đê tập hợp theo lệnh chỉ huy.

Cựu nội tuyến Huỳnh Chí Thiện và cán bộ mật giao Hai Huyết trong dịp gặp gỡ vào tháng 8-2014.

14 giờ ngày 27-8-1963, tên thượng sĩ nhất Nguyễn Văn Điều nói rành rọt: Việt cộng đánh ta có nhiều cách: Đánh vào trước, trong hoặc sau những ngày lễ; tổ chức nội tuyến bên trong hàng ngũ, đến giờ gác, bí mật đem lực lượng vào bất ngờ nổ súng, trong đánh ra, bên ngoài đánh vào; trinh sát Việt cộng theo dõi hành động lính gác, bí mật tiếp cận giết lính gác, rồi đưa quân vào đánh bất ngờ. Chốt xong 3 phương thức bị tấn công, tên Điều lưu ý tiếp: Canh 3 đêm rồi, có người chọi đất vào vọng gác 1. Đó là Việt cộng rình rập theo dõi hoặc ám hiệu quan hệ với nội tuyến trong chốt. Vì vậy phải tăng cường cảnh giác cả trong lẫn ngoài; lính gác không được biết trước giờ gác của mình; có bất cứ hiện tượng gì phải lập tức báo cáo…

Tan cuộc họp, anh Hiền thấy tình hình biến động đảo ngược, ngoài dự kiến của mình. Anh tự kiểm điểm, từ ngày nhận lệnh đến nay, mình có điều gì sơ hở? Rồi tự kiểm nhận, mình chưa có gì hớ hênh, mỗi lần đi về cứ họp đều có lý do hợp lý. Anh cũng đã gây được thiện cảm và niềm tin đối với bọn chỉ huy lẫn binh sĩ. Cơ sở anh gầy dựng là anh Nguyễn Văn Tài cũng ổn.

Anh Hiền báo bệnh, cốt che giấu nỗi bồn chồn, lo lắng trong lòng trong khi chờ đợi đến giờ gác của mình vào canh khuya sẽ hành động. Đưa liều thuốc bổ tim, nhờ y tá trong đồn tiêm giùm, rồi đi nghỉ. Thấy hành động kỳ lạ, tên y tá ngó vô phòng 3 lần liên tục, chú ý “người bệnh đột ngột”. “Mình báo bệnh, tiêm thuốc bổ tim vừa mua ở ngoài mà lại đi kêu tên y tá trong đồn tiêm giùm, quên không ra ngoài đồn tiêm. Nó nghi rồi”, anh Hiền nằm lim dim thầm day dứt.

Giờ G đang đến dần, anh lại bị ngờ vực, khó mà cứu vãn. Trong tình thế ấy, một mẹo nhỏ nảy ra. Tối đó, đến phiên, y tá kêu anh ra gác, anh giả vờ ngủ say mê. 3 - 4 lần y kêu đổi gác anh mới trở dậy, gật gù, uể oải vác nón đi như người vô tư không toan tính. Thấy vậy, y không nghi ngờ gì nữa. Đêm hôm đó, nội công ngoại kích đồn Cả Đê diễn ra như kế hoạch.

Ông Nguyễn Văn Thảnh (bí danh Chín Hoài, 81 tuổi; nguyên Bí thư Chi bộ đặc biệt trực thuộc Khu ủy Khu 9) nhớ lại, trong trận đánh chiếm bến phà Mỹ Thuận (bờ Bắc) đợt Tết Mậu Thân 1968, anh Chín Hoài lúc đó là cán bộ binh vận khu, được giao nhiệm vụ khống chế trung úy ngụy Nguyễn Văn Thường, chỉ huy khu vực này, để kêu gọi hàng hoặc khi đã nổ súng, vận động người này đứng lên binh biến, khởi nghĩa.

Lần thứ 2 tiếp xúc với trung úy Thường là tối 30 tháng Chạp năm Đinh Mùi 1967, cũng chính là lúc gia đình trung úy Thường tổ chức bữa tiệc tất niên với sự có mặt của nhiều sĩ quan, tình báo, an ninh quân đội. Anh Hoài - trong vai thương gia từ Sài Gòn xuống - ngợp trước mâm cỗ bày đủ món đồ ăn Tây. Chín Hoài tiết lộ: “Toàn món này món kia, lúc đó mình không biết phối đồ thế nào”. Được cái, Chín Hoài rất lẹ, nhìn người và học ngay trong bữa ăn nhậu để tránh lòi cái “dốt” của mình. Ăn thế nào, cầm ly thế nào, Chín Hoài cứ chậm một nhịp, nhìn người ta mà làm.

Nhưng công việc quá gấp, chỉ vài giờ nữa là nổ súng đêm giao thừa mà giờ này vẫn chưa nắm được con át chủ bài. Thời gian thúc sau lưng, Chín Hoài lấy cớ tửu lượng ít để dừng lại. Đồ ngọt được bày ra. “Chết cái này nữa”, Chín Hoài tủm tỉm cười nhớ lại. Lúc đó, anh không hề biết đồ ngọt dùng để tráng miệng. Anh xài chiêu cũ “chậm một nhịp”, cứ làm thinh không ăn. Tụi nó thấy thế kêu lên “ông bạn vẫn còn tửu lượng” và anh đành phải uống vài ly “dốt” nữa mới thoát được khỏi bàn nhậu, vào trong nhà vận động Hai Thường.

Đủ… tật xấu

Để sống trong lòng địch, cán bộ binh vận cũng phải ăn ở, nói năng, sinh hoạt… như họ. Các nội tuyến cho biết, ở những đơn vị biệt kích, pháo binh ngụy, lính được trang bị tận răng các loại vũ khí hiện đại, cán bộ binh vận nếu tinh thần không vững, chỉ nhìn đã ngợp rồi.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Nhật Quang kể: Trước Mậu Thân 1968, có lần một nữ mật giao vào trại Ba Xoài (huyện Tịnh Biên, An Giang) gặp anh, khi đó là trung úy, Chỉ huy phó trại. “Hậu cần tốt quá!”, chị thì thào. Anh phải nhắc nhở đồng đội cẩn thận, ở đây chúng gọi là “tiếp liệu”, chứ không phải là “hậu cần” như cán bộ mình hay nói. Còn hành quân cứ nói là “hành quân”, chứ lại kêu “đi càn”, tụi nó biết liền! Biết mình có khi ngủ mớ, trung úy Quang còn ngủ riêng một mình, phòng ngừa đêm lại… mơ về đồng đội là quân giải phóng đang chiến đấu. Lúc nhận thêm quân tiềm nhập là 10 bộ đội đặc công vô chuẩn bị đánh căn cứ Ba Chúc (thuộc cụm trại Ba Xoài), anh Quang còn nhắc nhở anh em đứng, ngồi cũng phải để ý kẻo lộ vết dép râu trước đây thường mang trong rừng.

“Uýnh bài cũng đủ cả. Tôi là một tay lão luyện về bài bạc đấy”, ông Tống Viết Hiền kể. Trước trận đánh đồn Cả Đê, lấy cớ bận đi đánh bài, anh Hiền đã cho một tên lính 500 đồng (1 tháng lương của anh Hiền lúc đó), nhằm đổi giờ gác sang canh khuya. Tên đổi gác chẳng mảy may nghi ngờ tay Hiền cờ bạc lại mang trong mình nhiệm vụ bí mật, chỉ chờ hành động vào đêm nay.

Trong giao tiếp, phải rộng rãi với chỉ huy và binh lính để lấy lòng chúng. Lương được bao nhiêu, binh nhì Hiền đều tiêu xài, bao chúng ăn uống hết chứ không giữ được đồng nào. Đạn pháo binh có phần đầu chụp bằng nhôm, khi bắn đạn thì thừa phần đầu chụp, bán ve chai ra tiền. Thay vì “ăn” cả, cơ sở nội tuyến là trung úy Huỳnh Chí Thiện, người chỉ huy trận địa pháo Tầm Phương (Trà Vinh) năm 1969, cho binh lính hết. Khoái tính rộng lượng, thuộc cấp chẳng ai dò xét, xoi mói ông trung úy tốt bụng.

Một di chứng từ hồi làm binh vận tiếp xúc với địch đến giờ nhiều khi vẫn còn ở ông Chín Hoài là… chửi thề. Nhiều lúc bị vợ bắt giò, ông đành dịu giọng chữa ngượng: “Nhờ chửi thề mà giờ mới sống đấy!”. Ông giải thích, trong kháng chiến, một trong những dấu hiệu để CIA và an ninh quân đội ngụy phát hiện ra Việt cộng là “không chửi thề”. Sau đó, cán bộ hợp pháp và nội tuyến được trên “gỡ vòng kim cô”. Anh em cơ sở sống trong lòng địch từ đó phải… tập chửi thề để qua mặt an ninh, tình báo của chúng.

ĐƯỜNG LOAN

>> Bài 9: Thế chấp mạng sống

>> Bài 8: Nở hoa trong lòng địch

>> Bài 7: “Vợ” của… nhiều người

>> Bài 6: Anh Dũng nhận ra anh hùng

>> Bài 5: Quân ta đối diện quân mình

>> Bài 4: Thoát chết gang tấc

>> Bài 2: Đơn thân trong lòng địch

>> Bài 1: Sống giữa hai làn đạn

Tin cùng chuyên mục