Bài 6: Anh Dũng nhận ra anh hùng

>>
Bài 6: Anh Dũng nhận ra anh hùng

Lặng lẽ binh vận

Hai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Nhật Quang (Tư Quang) và Nguyễn Văn Thôn (Hai Thôn) đều áy náy vì cả hai ông đã vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý, trong khi đồng đội, cấp trên của họ lại chưa được khen thưởng tương xứng. Người đồng đội ấy là cán bộ binh vận Đỗ Hữu Kỉnh (tức Đỗ Trung Dũng, Tư Dũng). Ba người đã phối hợp chặt chẽ trong trận đánh tiêu diệt căn cứ Ba Chúc (An Giang) 1968, đánh sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) 1972.

Cựu nội tuyến Đỗ Trung Dũng, người nhận ra, chọn lựa ông Nguyễn Văn Thôn (sau này là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thôn) nay trở thành một nhà nông. Người sát cánh cùng với ông Dũng trong kháng chiến và trong thời bình là vợ ông, cựu mật giao Phạm Thị Ánh.

Vừa là cấp trên, vừa là cấp dưới

Điều thú vị trên xảy ra ở cặp bài trùng nội tuyến Tư Quang (quê Bến Tre; ngụ quận 6, TPHCM) và Tư Dũng (quê Tiền Giang; ngụ quận 10, TPHCM). Đầu năm 1967, trung úy Tư Quang được địch điều động về làm chỉ huy phó trại Ba Xoài, kiêm chỉ huy trưởng cụm căn cứ Ba Chúc - thuộc trại Ba Xoài (huyện Tịnh Biên, An Giang). Cụm căn cứ Ba Chúc bố trí trên một diện rộng giữa khu dân cư, có đồn bót liên hoàn, hỏa lực mạnh để kiểm soát tuyến biên giới Việt - Campuchia dài trên 10km.

Phục vụ yêu cầu tác chiến, giữa năm 1967, lực lượng nội tuyến ở Ba Xoài được tăng cường thêm hai đảng viên Tư Dũng (lúc này lấy tên là Trần Văn Bảo và giả làm em bà con của Tư Quang) và Hai Thành. Cả hai ban đầu được trung úy Quang cất nhắc làm tiểu đội trưởng, cấp hàm hạ sĩ. Tổ nội tuyến gồm 3 đảng viên cộng với 1 mật giao là 4, được phép thành lập Chi bộ Đảng trong hàng ngũ địch. Tư Dũng được bầu làm Bí thư chi bộ. Sự phân công này đã tạo ra điều thú vị: trong hàng ngũ địch ở căn cứ Ba Chúc, trung úy Tư Quang là chỉ huy cao nhất, Tư Dũng là lính. Ngược lại, về phía ta, Tư Dũng lại là… bí thư chi bộ của Tư Quang. Trong công việc, Tư Quang đảm nhiệm việc điều hành chung. Còn thực hiện cụ thể kế hoạch, giữ liên lạc với tổ chức do Tư Dũng làm.

Giữa năm 1968, tình hình chiến sự sôi động. Nhân dịp này, Tư Dũng bàn với Tư Quang: “Ta lấy lý do tổ chức hành quân, cần vũ khí đánh phá công sự, hầm ngầm của Việt cộng để đề nghị Mỹ trang bị thêm vũ khí”, Tư Dũng gợi ý. Hai người cũng thống nhất xin thêm lực lượng của ta, phục vụ kế hoạch đánh chiếm cụm 6 đồn thuộc căn cứ Ba Chúc. 

Sáng 13-6-1968, Tư Dũng mang 10 bộ đồ lính biệt kích và giấy khống chỉ do Tư Quang cấp, ra Tịnh Biên đón 10 bộ đội đặc công do Tỉnh đội An Giang phái thêm. Về đến căn cứ, Tư Quang trang bị đặc biệt cho các đồng chí và bố trí vào những vị trí chủ yếu của 6 đồn. Tư Dũng truyền khẩu lệnh: “Khi súng nổ, các đồng chí cần sử dụng tối đa hỏa lực sẵn có để tiêu diệt địch.” Ngày N, giờ G ấn định là 24 giờ ngày 15-6-1968 nổ súng tấn công. Đột xuất vào lúc 14 giờ ngày 13-6-1968, thiếu tá Paul, Chỉ huy trưởng trại Ba Xoài kêu Chỉ huy phó Tư Quang về trực chỉ huy trại Ba Xoài thay y đi phép.

Chi bộ rà soát phải chăng đã bị lộ? Có ý kiến cho rằng Tư Quang không nên về trại Ba Xoài (cách khoảng 7km) mà ở lại căn cứ Ba Chúc để ngay tối hôm đó tổ chức tấn công. Tuy nhiên, lực lượng tiềm nhập quá mỏng, được bố trí trên một diện quá rộng, không thể giải quyết chiến trường rộng lớn như kế hoạch đã định. Tư Quang, Tư Dũng vắt óc tính toán: “Nếu bị lộ, tụi nó sẽ ào ạt đưa trực thăng đến đây xúc ta rồi chớ không để yên như thế này. Như vậy ta chưa bị lộ”. Tư Dũng nhất trí để Tư Quang về trại Ba Xoài.

Qua Ba Xoài, Tư Quang điện về cho biết là thiếu tá Paul đi Châu Đốc nên điều cấp phó về trực thay. Nhận định của chi bộ đã đúng, ta chưa bị lộ. Lúc bấy giờ, căn cứ Ba Chúc còn lại mình Tư Dũng với bài toán tìm cách báo cho Tỉnh đội An Giang biết để dời lại ngày N. Kế hoạch báo đình ngày N xong cũng là lúc tinh thần, tư tưởng anh em tiềm nhập không an tâm. Có tin xì xào Tư Dũng, Tư Quang phản vận. Tư Dũng đã đi đến các điểm động viên anh em an tâm ở lại chờ lệnh hành động.

Ba ngày sau, ngày 15-6-1968, Tư Quang trở lại Ba Chúc, mang theo nhiều loại vũ khí hiện đại cần cho tiêu diệt địch ở công sự kiên cố. Số vũ khí được phân phát cho anh em. Giờ N mới là 24 giờ ngày 18-6-1968, kế hoạch tác chiến như cũ. Đúng giờ N, từ căn cứ chính đến các đồn có bố trí quân tiềm nhập, ta đồng loạt nổ súng tấn công dồn dập, quyết liệt. Chỉ hơn 30 phút chiến đấu, ta tiêu diệt hoàn toàn cụm căn cứ Ba Chúc, làm chủ trận địa. “Không có đồng chí Tư Dũng, mình tôi không mần được khởi nghĩa Ba Chúc”, Tư Quang, người được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2011 từ chiến tích Ba Chúc, nhìn nhận.

Nhận ra anh hùng

Chúng tôi ghé nhà ông Tư Dũng vào một ngày cuối tháng 8-2014. Quần áo dính đầy nhựa cây, nước da bánh mật khỏe khoắn, mái tóc bạc phơ, ông Tư Dũng đang tất bật trông coi mấy công đất trồng cây trái và thả cá ở Long An. 

Nhớ lại thời trai trẻ với những tháng năm hoạt động binh vận, Tư Dũng cho biết: Sau trận Ba Chúc, Tư Dũng được phân công đi điều tra khai thác và xây dựng chiến sĩ nội tuyến đưa vào quân ngụy. Tư Dũng chọn lựa được 4 chiến sĩ vào không quân, trong đó có anh Nguyễn Văn Thôn (Hai Thôn), sau này là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hai Thôn đăng lính. Trải qua khóa huấn luyện, binh nhì Nguyễn Văn Thôn vào làm việc tại sân bay Biên Hòa, trong toán kỹ thuật không quân, chuyên lắp ráp, trang bị bom cho máy bay chiến đấu của địch. Theo lệnh Tư Dũng truyền đạt, Hai Thôn phải tạo vỏ bọc tốt, nằm im chờ lệnh. Cũng theo lời khuyên của Tư Dũng, Hai Thôn thuê một căn nhà nhỏ gần trước cổng sân bay, vừa là điểm ở, vừa là “điểm hẹn”. Chị Phạm Thị Ánh (Sáu Ánh, vợ Tư Dũng) cán bộ mật giao của Ban Binh vận R (Trung ương Cục miền Nam) giả làm chị bà con của Hai Thôn. Lâu lâu Chị Sáu Ánh ghé điểm hẹn, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tư Dũng tới Hai Thôn.

Phục vụ chiến dịch xuân 1972, Hai Thôn được Tư Dũng đánh giá “là cơ sở có tinh thần và có khả năng hành động gây hiệu quả lớn nhất: đánh nổ các ụ bom đạn cung cấp cho các loại máy bay chiến đấu ở sân bay Biên Hòa”. Tư Dũng và đồng chí Tư Cao lo trong, lo ngoài chuẩn bị cho Hai Thôn hành động. Tháng 5-1972, chị Sáu Ánh từ quê lên, mang biếu Hai Thôn giỏ trái cây quê, bên trong là hơn 1kg chất nổ C4. Tiếp đó, Tư Dũng đưa cho Hai Thôn gần chục kíp hẹn giờ nổ, mỗi kíp lớn bằng đầu cây bút bi. Suốt 3 tháng kế tiếp, Hai Thôn nhiều lần phải đổi lại ngày đánh. Việc hoãn đi hoãn lại làm cấp trên thắc mắc, thậm chí hoài nghi. “Hai Thôn chắc chắn hành động. Còn ngày giờ phải để Hai Thôn chủ động lựa chọn định đoạt, chỉ với điều kiện lựa lúc mà bom được đưa về ụ nhiều nhất”, Tư Dũng thuyết phục tổ chức.

Điều Hai Thôn định đoạt - như Tư Dũng tin tưởng - đã đến. Sáng 9-9-1972, khi ụ bom chứa hơn 1.000 trái bom 250kg và hàng ngàn hỏa tiễn, Hai Thôn đã vặn nắp trái bom, đặt vào đó ống kem đánh răng thuốc nổ kèm kíp nổ. Chỉ lúc sau, sân bay Biên Hòa tan nát trong tiếng nổ rung chuyển cả TP Biên Hòa.

ĐƯỜNG LOAN

>> Bài 9: Thế chấp mạng sống

>> Bài 8: Nở hoa trong lòng địch

>> Bài 7: “Vợ” của… nhiều người

>> Bài 5: Quân ta đối diện quân mình

>> Bài 4: Thoát chết gang tấc

- Bài 3: Trong đỏ, vỏ xanh

>> Bài 2: Đơn thân trong lòng địch

>> Bài 1: Sống giữa hai làn đạn

Tin cùng chuyên mục