Bài 9: Thế chấp mạng sống

“Tình thế khẩn trương quá rồi. Chúng ta phải vừa chạy vừa sắp hàng mới kịp” - anh Nguyễn Văn Thảnh (tức Chín Hoài) nhớ lại lời của đồng chí lãnh đạo, sau khi phổ biến lệnh tổng công kích, tổng tấn công. Chín Hoài là cán bộ binh vận Khu 9, được tăng cường cho Vĩnh Long vào Mậu Thân 1968. Giờ đây, anh cảm thấy người phát sốt lên khi chỉ còn 24 giờ nữa là đến giờ nổ súng, vậy mà ở mặt trận bến phà Mỹ Thuận (mạn Bắc) vẫn chưa có một cơ sở binh vận nào “nặng ký” để tính toán cho trận đánh sắp tới.
Bài 9: Thế chấp mạng sống

Lặng lẽ binh vận

“Tình thế khẩn trương quá rồi. Chúng ta phải vừa chạy vừa sắp hàng mới kịp” - anh Nguyễn Văn Thảnh (tức Chín Hoài) nhớ lại lời của đồng chí lãnh đạo, sau khi phổ biến lệnh tổng công kích, tổng tấn công. Chín Hoài là cán bộ binh vận Khu 9, được tăng cường cho Vĩnh Long vào Mậu Thân 1968. Giờ đây, anh cảm thấy người phát sốt lên khi chỉ còn 24 giờ nữa là đến giờ nổ súng, vậy mà ở mặt trận bến phà Mỹ Thuận (mạn Bắc) vẫn chưa có một cơ sở binh vận nào “nặng ký” để tính toán cho trận đánh sắp tới.

 Tìm hiểu

Đêm 28 tết Mậu Thân, một chi tiết làm Chín Hoài đặc biệt chú ý. Anh Nguyễn Thế Xuân (Tư Xuân), Phó Bí thư chi bộ xã Tân Hòa (huyện Châu Thành, Vĩnh Long) vừa nói, cách đây trên 10 năm, Tư Xuân có gặp xã Thường một lần. Xã Thường, tức trung úy Nguyễn Văn Thường (Hai Thường), từng học bên Pháp, giờ đang trực tiếp chỉ huy ở bờ Bắc Mỹ Thuận, nơi ta chuẩn bị đánh chiếm.

Không còn thời gian chần chừ do dự, Chín Hoài quyết định sẽ trực tiếp gặp xã Thường, dẫu có thể hy sinh. 29 tết Mậu Thân, Tư Xuân biên thơ mời Hai Thường ra chơi tết. Chín Hoài sẵn mang theo giấy khống chỉ của Mặt trận khu Tây Nam Bộ nên bàn với Tư Xuân, gửi thêm lá thư thứ hai bằng giấy này. Thư hẹn gặp 11 giờ ngày 30 Tết tại một nhà dân ở rạch cầu Cây Da lớn, cách Quốc lộ 1 vài trăm mét; thời gian gặp mặt không quá 2 tiếng. Thư sau mang ý nghĩa đảm bảo sinh mạng cho trung úy Thường và gặp nhau chỉ để “tìm hiểu” chứ không bắt ép nhau.

30 tết, tiếng trống múa lân rộn rã. Chín Hoài và Tư Xuân ngồi chờ ở điểm hẹn tại một nhà cơ sở ở xã An Phú Thuận (huyện Châu Thành) trong tâm trạng hồi hộp khôn tả. Mé bên kia rạch, ta bố trí một trung đội đủ mạnh, ém sẵn đề phòng trung úy Thường có lòng phản trắc - cho bộ binh hoặc trực thăng đổ quân. Quá giờ hẹn một lát, tiếng máy vỏ lãi đến gần. Dưới vỏ lãi, trung úy Thường cao to, mặc đồ nhà binh ngụy, bước lên. Hai Thường xin lỗi đến trễ do còn cắt cử lính trực tết. Hai bên làm quen. Chẳng ngại ngần, trung úy Thường lập tức “phủ đầu”: mấy anh nói với danh nghĩa Mặt trận chứ tôi biết, các anh là Cộng sản độc tài. Thứ hai, các anh nói các anh mạnh nhưng không có căn cứ vững chắc.

Không hề nao núng, Chín Hoài chậm rãi giải đáp từng điểm. Suốt chặng đường dài, Đảng Cộng sản lãnh đạo đất nước chống Pháp và giờ là kháng chiến chống Mỹ; bao nhiêu năm qua, không có chính đảng nào đương đầu với điều đó, ngoài Đảng Cộng sản. “Đảng Cộng sản mang sứ mệnh với đất nước, vai trò lãnh đạo được lịch sử trao cho Đảng Cộng sản. Anh nói độc tài, tôi xin đính chính, đó là độc quyền lãnh đạo, không phải độc tài. Anh cứ ôn lại lịch sử thì biết” – Chín Hoài phân tích. “Về căn cứ - Chín Hoài nói tiếp, anh nói tụi tôi không có căn cứ theo cách hiểu của các anh là đúng. Chúng tôi hiện ăn ở cũng khó. Nhưng quan trọng nhất, chúng tôi vẫn tồn tại. Chỗ nào có dân là có cách mạng. Căn cứ cách mạng là trong lòng dân.” Mối quan hệ với Mỹ cũng được Chín Hoài phân tích cặn kẽ, thuyết phục.

Trầm ngâm ngồi nghe hết, Hai Thường đứng bật dậy, bắt tay Chín Hoài một cách đắc ý. 30 phút buổi sơ giao kết thúc. Lúc tiễn Hai Thường ra về, Chín Hoài buông thòng một câu: “Bữa nào chúng tôi ghé anh chơi, được không?”. Suy nghĩ hồi lâu, Hai Thường nói: “Chỉ e ngại lúc các anh đi đường, sợ không lọt được tụi nó - quân tôi ô hợp đủ thứ chứ không phải thuần như bộ đội các anh. Còn nếu các anh lọt được, đến nhà tôi, dù giá nào, tôi cũng đảm bảo tính mạng các anh được”.

Vào hang bắt cọp

Ngay sau cuộc gặp, Ban chỉ huy mặt trận họp lại, đánh giá xem sử dụng được xã Thường không. Dù chưa tranh thủ được gì ở xã Thường, chưa mở rộng và thăm dò thái độ chính trị của anh ta nhưng qua 30 phút tiếp xúc, từ cử chỉ, thái độ, Chín Hoài tin ở Hai Thường có dáng dấp của một nghĩa sĩ, nếu - ta - biết - cách - thu - phục.

Chỉ còn 9 tiếng nữa đến giờ nổ súng. Tình hình đúng là vừa chạy vừa sắp hàng. Trả lời câu hỏi có sử dụng được trung úy Thường trong đợt Tổng công kích này không, Ban chỉ huy mặt trận đưa ra hai khả năng để sử dụng: 1- khống chế Hai Thường để kêu gọi hàng; 2- khi đã nổ súng, vận động người này đứng lên binh biến, khởi nghĩa. Chín Hoài đề xuất mình sẽ gặp Hai Thường vào trước giờ nổ súng. Một đồng chí cảnh báo, do thái độ chính trị của Thường chưa rõ ràng nên đây là chuyện vào hang bắt cọp chứ không phải chơi, quá mạo hiểm! “Nếu thất bại thì chỉ mình tôi hy sinh. Còn nếu thành công thì tiết kiệm được rất nhiều xương máu của chiến sĩ, đồng bào” – Chín Hoài quyết tâm.

Không báo trước và cũng không có thời gian chuẩn bị, 19 giờ chiều 30 tết Mậu Thân, Chín Hoài một mình, trong bộ quần áo pijama vừa mượn được, ghé thẳng nhà Hai Thường. Nhờ biết tiếng Pháp, Chín Hoài qua mặt đám an ninh, tình báo đang nhậu tất niên ở nhà xã Thường.

Gần 23 giờ đêm, khi hai người vô nhà trong, Chín Hoài bỏ nhỏ với Hai Thường “tìm cách giải tán bữa tiệc, có việc quan trọng cần bàn”. Im lặng không một lời thắc mắc, Hai Thường trở ra sân, lấy cớ ngài Tỉnh trưởng vừa gọi, mời mọi người ra về, bữa khác gặp lại. Vừa vắng khách, Hai Thường kéo tay Chín Hoài lên sân thượng. Xã Thường hỏi: “Anh học tiếng Pháp ở đâu mà khá vậy?” “Tôi tự học là chính. Mấy năm nay, sống ở trong rừng, đâu có điều kiện trường lớp gì” – Chín Hoài trả lời câu hỏi mà mình khá bất ngờ nhận được.

Chín Hoài thầm nghĩ, đáng lẽ Hai Thường phải hỏi mình đến đây có chuyện gì mới đúng chứ, vì mới vừa gặp lần đầu vào 11 giờ trưa. Qua câu hỏi, Chín Hoài phán đoán Thường là có nét của người hảo hán, trọng danh dự cá nhân, coi thường sự sống chết. Và Chín Hoài đang rất cần một con người như vậy, trong thời khắc lịch sử này cũng như mãi mãi về sau. Thường nói tiếp, cắt dòng suy nghĩ của Chín Hoài: “Hồi trưa tôi đến thăm anh còn có phần dè dặt, anh thông cảm. Anh dám đến đây thăm tôi trong tình thế như vầy, quả là tôi còn kém anh”.

Cựu cán bộ binh vận Chín Hoài (bìa phải), người thế chấp mạng sống của mình để thu phục trung úy địch trong vòng 1 ngày

Vượt qua cái chết

Có câu nói này, Chín Hoài càng chắc chắn nhận xét của mình về Hai Thường. Chín Hoài quyết định dốc túi đánh một ván bài cuối cùng, được ăn cả, ngã về không. Anh móc khẩu súng ngắn ra, đặt vào lòng bàn tay Hai Thường, nói: “Tôi đã dám tới đây rồi thì không sợ gì khi phải chết trong tay anh”.

Chờ đợi. Điều không ngờ đã xảy ra. Hai Thường xúc động, dúi khẩu súng trả vào tay Chín Hoài: “Anh giữ lấy mà phòng thân, ở đây, tụi an ninh quân đội ưa ra vào”. Chín Hoài mừng phát khóc. Anh biết, mình vừa vượt qua cái chết. Từ giờ phút này, người cán bộ binh vận 37 tuổi cũng đã nắm được “con hùm xám” - cụm từ mà nhân dân hay gọi xã Thường, 52 tuổi.

Gần đến giờ nổ súng, Chín Hoài lại tiến một bước: “Đêm nay tôi muốn Sáu Vĩnh án binh bất động. Sáu Vĩnh đối với anh thế nào?” “Tuyệt đối trung thành.” - Hai Thường khẳng định. Sáu Vĩnh chỉ huy một đại đội cảnh sát dã chiến ở khu vực bờ Bắc bến phà Mỹ Thuận. Lần thứ hai cũng không một lời hỏi lại Chín Hoài lý do vì sao lại đưa ra yêu cầu vậy, Hai Thường im lặng viết thư, lệnh Sáu Vĩnh rút quân vô đồn, không hành động trừ khi có lệnh.

 

 Anh Sáu Vĩnh về vùng giải phóng ra mắt đại đội khởi nghĩa. Còn anh Hai Thường, trong đợt địch phản kích, Hai Thường kiên quyết cầm súng lập công và anh đã anh dũng hy sinh. Anh Hai Thường được Nhà nước công nhận là Liệt sĩ, cấp bậc trung úy.

 

Ngồi trên sân thượng dòm ra lộ, gần 24 giờ đêm 30 Tết, Chín Hoài thấy nhiều bóng người chạy bên dưới. Thế là anh em trinh sát đã di chuyển an toàn, không gặp sự kháng cự nào và đang áp sát mục tiêu. Lúc này, Chín Hoài mới tiết lộ mục đích cuộc thăm viếng: “Báo với anh, đêm nay là đêm tổng tấn công khắp cả miền Nam”. Vừa dứt lời, tiếng súng nổ rợp trời.

Trước tình hình chiến sự căng thẳng, Chín Hoài tiếp tục: “Tôi đến đây động viên anh cho anh em phối hợp khởi nghĩa. Đây là thời điểm lịch sử. Trong tích tắc, có khi đơn vị anh trở thành đơn vị khởi nghĩa, có khi đơn vị anh trở thành tù binh. Hơn nữa, nếu anh kéo dài, sự chết chóc ở khu vực này diễn ra. Đây không những là trách nhiệm của anh với binh lính mà còn là trách nhiệm của anh với lịch sử. Anh nghĩ sao?”.

Suy nghĩ một lát, Hai Thường bật đứng thẳng người, giơ tay thề: “Kể từ giờ phút này, tôi sẽ đứng về phía cách mạng để kết thúc cuộc chiến này.” Dứt lời, hai bên ôm chầm lấy nhau, cười mà nước mắt cứ chảy ra.

Sang ngày mồng 2 tết Mậu Thân, Hai Thường đọc lời kêu gọi binh sĩ quay súng trở về với nhân dân. Mặt trận Bắc Mỹ Thuận đã hoàn toàn thắng lợi mà ta không đổ một giọt máu. Sự chi viện của địch từ Sài Gòn cho tiểu khu Vĩnh Long bị cắt đứt.

Đường Loan

>> Bài 8: Nở hoa trong lòng địch

>> Bài 7: “Vợ” của… nhiều người

>> Bài 6: Anh Dũng nhận ra anh hùng

>> Bài 5: Quân ta đối diện quân mình

>> Bài 4: Thoát chết gang tấc

- Bài 3: Trong đỏ, vỏ xanh

>> Bài 2: Đơn thân trong lòng địch

>> Bài 1: Sống giữa hai làn đạn
 

Tin cùng chuyên mục