Kiêu hãnh Trường Sa - Bài 2: Pháo đài giữa biển khơi

Khẳng định chủ quyền, bảo vệ từng tấc đất, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc là nhiệm vụ của người lính. Trên quần đảo Trường Sa - mỗi đảo chìm, đảo nổi là một chốt tiền tiêu, canh giữ biển trời. Đó là những pháo đài sừng sững giữa biển cả mênh mông, được dựng lên từ lòng quả cảm và ý chí của những người lính hôm nay, vượt qua bao khó khăn, thử thách, ngày đêm cảnh giác, súng chắc trong tay…
Kiêu hãnh Trường Sa - Bài 2: Pháo đài giữa biển khơi

Khẳng định chủ quyền, bảo vệ từng tấc đất, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc là nhiệm vụ của người lính. Trên quần đảo Trường Sa - mỗi đảo chìm, đảo nổi là một chốt tiền tiêu, canh giữ biển trời. Đó là những pháo đài sừng sững giữa biển cả mênh mông, được dựng lên từ lòng quả cảm và ý chí của những người lính hôm nay, vượt qua bao khó khăn, thử thách, ngày đêm cảnh giác, súng chắc trong tay…

Lời thề giữ biển

Đúng vào ngày kỷ niệm 59 năm thành lập Quân chủng Hải quân nhân dân anh hùng, ngày 7-5-2014, tàu HQ561 có mặt tại khu vực các đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa đã được tổ chức trang trọng, đầy cảm xúc. Giữa lung linh mây trời, từng tràng hoa cúc vàng được thành kính gửi vào lòng biển, gửi tới các anh hùng liệt sĩ lòng tri ân sâu sắc, cầu mong các anh linh thiêng tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ hôm nay và mai sau mãi giữ yên biển trời Việt Nam, giữ vững Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

Trực sẵn sàng chiến đấu ở đảo Đá Lớn B.

Trực sẵn sàng chiến đấu ở đảo Đá Lớn B.

Sự kiện ngày 14-3-1988 tại vùng biển đảo trên với cuộc chiến bi hùng của 64 liệt sĩ bảo vệ đảo như được tái hiện trước mắt. Ngày đó, Trung Quốc đã ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta. Trong cuộc chiến đấu không cân sức, CB-CS hải quân các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc xẻng, xà beng và súng bộ binh, đã không hề khiếp sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm ngoan cường chiến đấu với lực lượng tàu chiến hùng hậu, có trang bị vũ khí hiện đại của địch. Lớp trước ngã xuống, lớp sau xông lên, các anh đã anh dũng hy sinh, bảo vệ biển đảo đến hơi thở cuối cùng. Anh hùng thuyền trưởng thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm đảo Cô Lin, để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm. Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, Phó chỉ huy đảo Gạc Ma, trước sự tấn công điên cuồng của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh, Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, hô to động viên đồng đội: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng Hải quân nhân dân anh hùng”. Các anh đã ra đi trong khí phách sáng ngời niềm tin quyết thắng, với lời thề giữ biển còn vang vọng cho đến hôm nay và mãi mai sau.

Đứng trên đảo Cô Lin, bằng mắt thường có thể nhìn thấy các tàu bè, cần cẩu quanh bãi đá Gạc Ma - bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép sau trận chiến kể trên. Vào thời điểm hiện tại, những kẻ chiếm giữ tiếp tục ngang nhiên thi công xây dựng, biến bãi đá thành đảo nổi. Những người lính trên đảo Cô Lin hiển nhiên đang ngày đêm canh dõi mọi động thái từ bên kia với mức độ cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Sự bình tĩnh, tự tin toát ra thật rõ trong tư thế của họ. Sĩ quan cơ yếu Nguyễn Bá Thành, quê Thanh Hóa cho biết, anh đã ở Cô Lin 10 tháng. Anh chưa kịp biết mặt cháu thứ hai, là con gái, nay được 8 tháng tuổi. Mắt ánh lên niềm vui, Thành bảo: “Dù vậy, tôi đã kịp nhắn và thống nhất với bà xã đặt tên con là Nguyễn Ngọc Khánh Thy để nhớ về căn cứ Cam Ranh - Khánh Hòa, nơi gia đình tôi sinh sống”.

Ngời ngời chất thép

Đảo Phan Vinh B với 3 điểm chốt gần kề nhau được nối liền bằng kè bê tông, có hình dáng như một chiếc mỏ neo cắm thẳng xuống lòng biển. Vượt cao trên sóng tới 3 tầng, “nhà - pháo đài” trông thật vững chãi trước sóng biển ầm ào. Các điểm đóng quân trên đảo chìm đều có dáng vẻ kiêu hãnh như thế để có thể chống chọi với bão tố phong ba và cũng là công sự phòng thủ kiên cố chống lại kẻ thù xâm phạm. Trên các đảo nổi có hệ thống công sự, giao thông hào chiến đấu liên hoàn, chỉ nhìn qua thôi cũng thấy biết bao công sức, mồ hôi của lính công binh hải quân đã đổ ra tạo thành. Không ngại gian nan nơi thao trường nắng gió, tinh thông nghiệp vụ chuyên ngành, sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí, nhuần nhuyễn tất cả các bài giả định chiến đấu trong mọi tình huống và còn sáng tạo ra nhiều phương thức huấn luyện độc đáo, phù hợp với thực tế… là những “chất liệu” rèn nên người lính canh giữ pháo đài trên biển.

Chính trị viên đảo Sơn Ca, trung tá Bùi Xuân Lệ, 50 tuổi đời, 31 tuổi quân, từng “tăng” qua các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Phan Vinh, Sinh Tồn Đông và nay là Sơn Ca. Đằng đẵng xa nhà, xa quê, ông có thể nhẩm tính được số thời gian ít ỏi được gần vợ, con. Vợ ông làm nông, sống ở quê (xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, Thái Bình). Điều thú vị bất chợt đến với chúng tôi khi nghe nói ông có người con trai cũng đang là lính ở đảo Đá Lớn, nơi đoàn mới thăm bữa qua. Đó là thiếu úy thông tin Bùi Trọng Luật, sinh năm 1983. Vợ con Luật cũng đang sống ở quê cùng nhà chồng.

Chúng tôi mường tượng cảnh 2 người phụ nữ trong một mái nhà cùng ngóng chồng nơi đảo xa giữa trùng khơi cách biệt mà thấy nao nao, trào lên cảm xúc trân quý. Trung tá Bùi Xuân Lệ cho biết, kể từ khi con trai Bùi Trọng Luật vào quân ngũ cách nay 10 năm, cha con chỉ gặp mặt được 4 lần. Hai đảo cách nhau khoảng 50 hải lý nhưng cha con chưa có cơ hội gặp lại, chỉ liên lạc qua điện thoại, hỏi thăm và động viên nhau. Người chính trị viên ấy nói như tâm tình: “Xa cách lâu càng nhớ thương nhiều. Cả gia đình chồng vợ con cái đều xác định nghĩa vụ người lính và cảm thấy vinh dự tự hào góp sức cho Trường Sa”. Nói về gia đình nhẹ nhõm như vậy, nhưng giọng trung tá Lệ chợt đanh lại, khẳng định ý chí chiến đấu của toàn thể CB-CS trên đảo, sẵn sàng đối mặt với mọi hiểm nguy, thử thách, chấp nhận hy sinh vì từng tấc đất, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Thông tin về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải nước ta bằng việc hạ đặt giàn khoan trái phép, càng sôi sục thêm tinh thần sẵn sàng chiến đấu tại Trường Sa. Chúng tôi cảm nhận rất rõ điều này ở tất cả các điểm đến. Chứng kiến bước chân rầm rập của đoàn quân duyệt đội ngũ từ Sơn Ca, Nam Yết tới Trường Sa Lớn; ngắm dáng vẻ hiên ngang của những người lính biển đứng gác bên các cột mốc chủ quyền; nghe vang vọng 10 lời thề danh dự giữa thinh không bát ngát biển trời, càng thấy dâng lên cảm xúc tin yêu vô bờ đối với người lính hải quân. Cùng họ, những pháo đài canh giữ biển trời Tổ quốc còn sừng sững mãi giữa biển Đông.

THƯ NAM

- Bài 1: Làng quê hiền hòa

Tin cùng chuyên mục