A lô, đài Mỵ mù đây!

Anh bị mù bẩm sinh, sống trong căn nhà ọp ẹp úp trên cát. Miếng ăn lo chóng mặt nhưng vẫn cố vay cho được tiền xóa đói giảm nghèo mua máy truyền tin giúp người đi biển. Bất luận ngày hay đêm, lúc nào anh Nguyễn Văn Mỵ (Xuân Hòa, Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình) cũng trực canh bên chiếc máy đài tàu giúp ngư dân yên tâm đánh bắt. Lúc bão tố mưa sa, anh hướng dẫn tàu cá ở nhiều khu vực vào cửa sông gần nhất trú tránh. Hàng vạn tàu thuyền an toàn, hàng ngàn tính mạng ngư dân được anh Mỵ mù giúp đỡ để họ có ánh sáng bám biển cho cuộc mưu sinh phía trước.
A lô, đài Mỵ mù đây!

Anh bị mù bẩm sinh, sống trong căn nhà ọp ẹp úp trên cát. Miếng ăn lo chóng mặt nhưng vẫn cố vay cho được tiền xóa đói giảm nghèo mua máy truyền tin giúp người đi biển. Bất luận ngày hay đêm, lúc nào anh Nguyễn Văn Mỵ (Xuân Hòa, Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình) cũng trực canh bên chiếc máy đài tàu giúp ngư dân yên tâm đánh bắt. Lúc bão tố mưa sa, anh hướng dẫn tàu cá ở nhiều khu vực vào cửa sông gần nhất trú tránh. Hàng vạn tàu thuyền an toàn, hàng ngàn tính mạng ngư dân được anh Mỵ mù giúp đỡ để họ có ánh sáng bám biển cho cuộc mưu sinh phía trước.

Anh Nguyễn Văn Mỵ và đài giúp ngư dân bám biển.

Anh Nguyễn Văn Mỵ và đài giúp ngư dân bám biển.

Mắt tối, lòng sáng

Anh Mỵ ở làng cát Xuân Hòa nghèo nhất vùng. Nghèo lại rơi vào cảnh mù lòa nên thất chữ, không học. Lớn lên trong bóng tối cùng cực. Làng anh ngư dân đi biển, vùng cát chạy dọc dài mấy xã cũng lấy biển mưu sinh. Càng lớn, anh cứ nghe người làng kể nhiều về chuyện thương đau khi ngư dân chết biển. Anh mù, chẳng giúp gì được người bạc phận. Cái ăn với anh đã quá khó khăn huống hồ giúp đỡ ai. Nhưng trong lòng anh thì đau đáu phải làm cách gì đó giúp bà con. Những năm 90 của thế kỷ trước, nghe nhờ đài hàng xóm có đề cập đến máy incom mà ngư dân vẫn gọi là đài tàu, có cái đó, giúp được ngư dân trên biển rất nhiều. Làng anh lúc đó thuyền bè đi biển nhiều, cũng có incom trên tàu nhưng phía bờ chẳng ai đặt mua để liên lạc. Thức chong mấy đêm liền. Nghĩ, nếu có cái máy này, chắc chắn mưa bão giúp được bà con. Nhưng tiền lấy đâu ra, ngày ngày vợ anh vẫn phải xuống bến xin cá về đổi gạo ăn, chục ngàn cũng chẳng có huống hồ cả chục triệu đồng. Nghĩ mãi, anh mới nói vợ làm đơn vay vốn xóa đói giảm nghèo năm 1994. Đơn anh nhờ vợ viết vay 5 triệu đồng làm nghề thủ công. Vợ dắt anh lên huyện vay vốn. Đi mua máy, còn thiếu 5 triệu, anh tất tả khắp làng mượn thêm. Cả làng tưởng anh điên, có người thương, nói: “Thôi cho mi luôn mấy trăm, mượn mần chi”. Có người ra tiếng: “Mù kiếm ăn không ra, bày đặt. Thôi cho mấy đồng mua gạo nè”. Anh im lặng, ky cóp đủ rồi quyết định mua máy incom giữa lúc căn nhà mình đang xuống cấp, mưa dột tứ bề.

Cả nhà cứ tưởng anh làm việc lớn, để vợ con hết nghèo. Mỵ kể: “Vợ con tưởng tui đầu tư việc chi, hy vọng lắm, ai dè thấy tui vác về cái máy incom, cả nhà khóc như ri, nói ba ác, gạo trong nhà không có ăn, lại vay tiền lo chuyện bao đồng. Cả làng khối người giàu nứt vách có vứt tiền uổng như ba mi. Tui nói lại, gạo không có thì xin, chứ mạng người đi biển chênh vênh lắm. Rồi mạ mi với mấy đứa sẽ hiểu. Chừ không hiểu thì khóc lóc. Xóm làng cũng nói tui điên, thằng Mỵ nghèo mà vứt cả mấy triệu đồng bây ơi, giàu nhất vùng cũng chẳng dám, rứa mà thằng mù vẫn làm bây ơi!”. Nay gặp lại người đàn ông mù làng cát, anh nói: “Tui nghèo thì cũng phải giúp chi đó cho dân làng. Vì họ đi biển về hay cho vợ con tui cá mà nuôi sống cả nhà. Nghĩa tình đó tui mang ơn cả đời”.

Đài anh Mỵ ở tần số B40Hz

Ngày anh đưa máy về, lắp đặt xong, tự mày mò dò máy, nối liên lạc được với bao nhiêu thuyền của người làng đang đánh bắt trên biển. Nối được cả tàu cá của ngư dân Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, rồi cả tàu cá Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Nối được sóng, anh cứ trực canh mãi 24/24 giờ, việc lo cái ăn tựa hẳn vào vợ và mấy đứa con. Anh ưu tiên toàn phần vào thông tin thời tiết trên đài để cung cấp cho bà con ngư dân.

Mùa biển động năm 1995, 1997, 1999, rồi nhiều năm sau, có tàu cá của Bình Định, Phú Yên... vào Lạch Roòn trú bão, không ngờ vô gần bờ bị sóng đánh chìm. Trước khi chìm, các tàu bắt sóng được với anh Mỵ nói: “Anh Mỵ ơi, cứu cứu, tọa độ như ri, như ri nghe anh”. Giữa đêm, nhận tín hiệu xong, anh báo cho bộ đội biên phòng gần đó, các thuyền viên được cứu sống. Những người được cứu cứ hỏi nhà anh để đến trả ơn bằng mấy ký cá. Rồi tàu của ngư dân Quảng Ngãi, ra gặp gió chướng bất ngờ, chìm trước cửa Gianh mấy cây số, cũng gọi anh Mỵ, 20 thuyền viên được cứu cũng tìm đến nhà anh trả ơn bằng cá bắt lên từ biển. Người làng biển Xuân Hòa, mỗi chuyến ra khơi vào lộng đều chắt ra ít cá biếu gia đình anh có cơm ăn.

Hôm chúng tôi đến nhà, buổi trưa trời nắng, anh đang nghe Đài Tiếng nói Việt Nam rồi mở đài canh: “A lô, đài anh Mỵ mù ở tần số B40Hz, mấy eng (anh) nghe rọ (rõ) không?”. Từ ngoài biển, lần lượt các tàu cá của làng, của các ngư dân vùng khác bắt được sóng trả lời “rõ”. Anh lần lượt thông báo nhiệt độ trong ngày, thời tiết ngày mai và ba ngày tiếp theo rồi chào tạm biệt. Một hồi, có chị Thoán ở cuối làng chạy lên, nói: “Nhờ eng Mỵ thông báo cho anh Quyết là vợ đẻ rồi. Mạ (mẹ) tròn con vuông rồi. Cứ lo đánh bắt hết chuyến rồi về”. Anh Mỵ lại mở máy lên, dò sóng: “A lô, thuyền anh Quyết nghe rọ không?”. Đầu dây bên kia thông báo bắt được tín hiệu. Anh nói lại lời người nhà anh Quyết nhắn để mọi người trên tàu yên tâm.

Đã 20 năm, người mù làng biển Nguyễn Văn Mỵ canh trực bên đài icom thông báo bất cứ tin gì ngư dân cần. Từ tin trọng đại nhà cửa, đến sinh đẻ, buôn bán đến tin bão xa, bão gần, mưa to, mưa nhỏ, rồi gió mùa Đông Bắc. Anh cập nhật tin hàng giờ cho hàng ngàn lượt tàu bắt được sóng của anh và cũng đã có hàng ngàn thuyền viên nhờ đài của anh mà vào bờ an toàn.  

Không dừng lại đó, anh còn nhận tin từ các thuyền ngư dân báo có tàu Trung Quốc vào vùng gần bờ để báo cho cơ quan chức năng ra đẩy đuổi. Anh kể: “Nhiều bận nhận tin họ vô đánh trộm buổi đêm là tui báo ngay cho bộ đội biên phòng đuổi đi. Bắt trộm là xấu lắm. Nhà người ta mà vô bắt trộm là như trộm con trâu, con bò rồi. Rứa thì phải đuổi, biển của ta mà”. Phó Chủ tịch UBND xã Dương Minh Hợi nói: “Có đài anh Mỵ, ngư dân trong vùng và các tỉnh bạn về đánh bắt ở đây yên tâm lắm. Bất cứ khi nào liên lạc cũng được. Anh Mỵ bị mù nhưng không hề phế. Chúng tôi rất cảm ơn tấm lòng của anh Mỵ ở làng cát với hoàn cảnh còn khó khăn này”.

Vất vả mưu sinh

Hai mươi năm rồi, anh Mỵ vẫn chung thủy với công việc “bao đồng”. Xóm làng anh đã nhà cao cửa rộng nhiều lắm, riêng anh vẫn vào ra căn nhà cấp bốn úp trên cát, mùa nắng nóng như nung, mùa mưa dột tứ bề. Khi cái ăn túng bách, vợ anh phải xuống bến cá xin thêm rồi đổi gạo. Con cái lớn chút, chị dẫn chúng cùng đi xin để về có ngày ba bữa mà ăn. Nay, ngư dân khấm khá chút, họ vào bờ là nghĩ ngay đến anh Mỵ, người cho dăm con, người đưa vài lạng cá cũng đủ vợ anh ra chợ đổi đắp.

Nhưng cuộc đời với anh như trớ trêu. Anh có 3 người con, sinh ra bụ bẫm, chúng lớn lên bình thường, nhưng đến lúc 3 tuổi lại bị câm điếc. Chúng nói năng chẳng tròn tiếng. 3 đứa con gái lớn lên, cũng phổng phao. Nay buổi sáng, vợ anh mở bán nồi cháo làng biển trước hiên nhà. Người làng quê anh vào ủng hộ bát cháo, ăn miếng ram rán từ cá biển để góp sức cho nhà anh. Mỗi bát cháo quê chỉ 3.000 đồng, nhưng có thêm gạo để anh Mỵ và các con và cháu được sống để tiếp tục duy trì đài thông tin icom. Dù cuộc sống có khó khăn, anh vẫn vững vàng thông tin qua máy của mình. Cái tâm của anh vẫn mạnh hơn khốn khó vùi dập. Suy nghĩ của anh vẫn vượt vô biên sóng cả để giúp ngư dân hiểu được thông tin thời tiết. Nhắc lại anh lúc này là cũng để biết, bên bờ biển Đông có một người mù đang ngày đêm đồng hành với ngư dân trước sóng cả.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục