Tiếp sức Trường Sa - Bài 1: Công nghệ cao ra đảo

Nhà kính trên đảo nổi
Tiếp sức Trường Sa - Bài 1: Công nghệ cao ra đảo

Nhằm góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày để đảm bảo sức khỏe của cán bộ chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa trong công tác, huấn luyện, chiến đấu, từ tháng 1-2012, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (Bộ NN-PTNT) đã triển khai dự án “Sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng vật nuôi ở quần đảo Trường Sa” do tiến sĩ Ngô Quang Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách viện làm chủ nhiệm. Đến nay, quân dân trên đảo đã sản xuất được 50 - 60 tấn rau quả; 1 - 1,5 tấn thịt heo, 2 - 2,5 tấn thịt bò, hàng chục ngàn quả trứng vịt, gà góp phần bảo đảm sức khỏe cũng như tạo cảnh quan tại một số đảo ở Trường Sa.

Từ năm 2005, Bộ Tư lệnh Hải Quân đã giao Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga chi nhánh phía Nam nhiệm vụ nghiên cứu trồng rau cho bộ đội Trường Sa. Là đồng chủ nhiệm đề tài, TS Ngô Quang Vinh đã cùng đồng nghiệp nghiên cứu thành công nhà màng mini và 2 loại khay trồng rau, hướng dẫn bộ đội trồng rau trong nhà kính, dùng giá thể thay cho đất với hệ thống tưới tiết kiệm.

Trồng rau xanh quanh năm trong nhà kính tại đảo Song Tử Tây.

Trồng rau xanh quanh năm trong nhà kính tại đảo Song Tử Tây.

Nhà kính trên đảo nổi

TS Vinh tâm sự: Nói đến Trường Sa mỗi người Việt Nam đều muốn góp sức mình cùng xây dựng và bảo vệ. Ai cũng muốn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta ở đó có điều kiện sống và làm việc tốt nhất. Riêng về mặt trồng trọt, chăn nuôi trên đảo, góp phần đảm bảo bữa ăn có chất lượng tốt cho bộ đội, hơn ai hết ngành nông nghiệp có điều kiện, khả năng hơn cả. Vì vậy, một dự án nhằm phát triển cây trồng vật nuôi cho các đảo góp phần làm phong phú thêm đời sống vật chất và tinh thần cán bộ chiến sĩ nơi tuyến đầu Tổ quốc vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm của ngành đối với đảo nói riêng và đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Là chủ nhiệm dự án, TS Vinh đã trực tiếp ra Trường Sa 6 lần để nghiên cứu, tìm hiểu kỹ điều kiện tự nhiên, nhằm lựa chọn đưa giống cây con phù hợp, dễ thích nghi với môi trường biển đảo. Nhờ có những giải pháp đúng đắn, hợp lý nên ngay trong năm 2012 - năm đầu tiên của dự án, nhà kính tại đảo Trường Sa Lớn đã xây dựng xong, diện tích 252m², có hệ thống tưới phun và lưới giảm nhiệt. Việc trồng rau được tiến hành theo phương thức trồng cây không dùng đất. Giá thể có thành phần chính là mụn xơ dừa, than bùn, phân bò được cho vào các khay để trồng. Chỉ trong nửa cuối năm 2012, nhà kính cho thu hoạch 7 vụ, gồm 3.600kg rau ăn lá các loại. Năm 2013, dự án tiếp tục vận chuyển vật liệu, thiết bị ra đảo và xây dựng được 2 nhà kính với tổng diện tích 192m² tại đảo Song Tử Tây.

TS Vinh chia sẻ: Rút kinh nghiệm từ nhà kính năm 2012 tại Trường Sa Lớn, thay vì làm 1 nhà lớn chúng tôi làm 2 nhà nhỏ để lắp ráp nhanh hơn, phù hợp với mặt bằng và điều kiện khó khăn thiếu thiết bị xây lắp chuyên dùng ở đảo. Nhà có kết cấu vòm, có lưới che nắng, có khoảng hở thoát nhiệt trên đỉnh mái và hệ thống tưới phun sương giảm nhiệt. Các bồn trồng rau tại 2 nhà này cũng được cải tiến: xây bờ chắn, lót đáy và đổ đất (một phần đất từ trong đất liền đưa ra và một phần đất của vườn rau hiện hữu), thêm vào đó có mụn xơ dừa và phân bò. Nhờ cải tiến này, khi thiếu giá thể, bộ đội vẫn trồng được và ẩm độ đất được duy trì tốt hơn. Sau khi lắp ráp xong, ngày 10-8-2013, nhà kính đã được đưa vào sử dụng. Điểm đáng chú ý là từ lúc làm xong đến nay đã 5 - 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới tràn qua nhưng nhà kính vẫn vững vàng, chắc chắn.

Đến nay, từ nhà kính tại đảo Trường Sa Lớn, bộ đội đã trồng được 10 lứa rau, sản lượng đạt 5.615kg. Tại Song Tử Tây, từ tháng 8 đến tháng 12, trồng được 5 lứa với tổng sản lượng 2.795kg.

Qua thực tế có thể nhận thấy nhà kính có tác dụng rất tốt trong việc che chắn mưa và hơi muối mặn, đặc biệt giúp cây rau thời kỳ mới mọc mầm sinh trưởng tốt vì không bị gió mạnh làm khô lớp đất mặt dễ dẫn đến chết cây hoặc mưa dập làm cây chậm lớn như trồng bên ngoài nhà kính. Năng suất các loại rau thường cao hơn bên ngoài 15% - 20%. Theo TS Vinh, mô hình này không chỉ áp dụng tốt cho các đảo nổi mà còn có thể áp dụng cho diện tích lớn tại khu dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây để góp phần cung cấp rau xanh cho ngư dân bám biển.

Vòm che và khay nhựa ở đảo chìm

Ngoài 2 đảo nổi Trường Sa Lớn và Song Tử Tây, dự án còn triển khai tại các đảo chìm Đá Nam, Đá Lát, Cô Lin, Len Đao. Các đảo chìm đều là những bãi đá ngầm rộng lớn và trên đó được xây 1 - 2 nhà bê tông cốt thép. Xung quanh nhà, bộ đội cơi, nới và che chắn để trồng rau. Nói chung rau trồng trong các khay đất, đặt trên sàn hoặc ban công nhà, được quây che bằng ván hoặc tấm nhựa. Lượng rau bình quân thường đạt khoảng 10kg/tháng, trong điều kiện mùa mưa rất khan hiếm, chỉ đảm bảo khoảng 30% - 40% nhu cầu.

Năm 2012, dự án nghiên cứu thành công đưa vào sử dụng vòm lưới để trồng một số loại rau ăn lá tại các đảo chìm. Kết quả vòm “thế hệ đầu tiên - V1” đã hình thành. Vòm được tạo khung bằng sắt mạ kẽm nóng có chiều dài 120cm, rộng 80cm, cao 90cm, dùng che 4 khay rau. Tháng 4-2012, vòm được đưa đến các đảo Đá Nam, Đá Lát.

Năm 2013, trên cơ sở thành công của vòm thế hệ 1, vòm thế hệ 2 ra đời. Đây là loại vòm có khung cấu tạo chủ yếu bằng composit, tuổi thọ hàng chục năm. Một số chi tiết bằng sắt có thể thay thế dễ dàng sau vài năm sử dụng. Đặc biệt vòm có thể xếp gọn khi không dùng nhằm tiết kiệm không gian trong điều kiện đảo chìm. Các đảo đã sử dụng vòm lưới để trồng rau đều đánh giá cao tác dụng che chắn gió mưa và nắng gắt của đảo. Tại Đá Nam, Đá Lát, Colin và Len Đao, từ tháng 8 đến tháng 12-2013, sử dụng vòm lưới, mỗi đảo đã trồng được 140 - 150kg rau.

Trong chuyến công tác đầu năm 2014, khi đến đảo chìm Đá Nam, chúng tôi rất ngỡ ngàng với những khay rau xanh non mơn mởn, tràn đầy sức sống dưới cái nắng như đổ lửa của Trường Sa. Thượng úy Nguyễn Huy Hải, Chỉ huy trưởng đảo Đá Nam, cho biết: Trong điều kiện diện tích hạn hẹp, nắng nóng quanh năm và luôn phải hứng chịu sóng gió, khan hiếm nước ngọt tại đảo chìm, vòm lưới có tác dụng che chắn mưa giúp rau không bị dập nát. Trong mùa nắng, cây rau cũng đỡ bị nóng, nhất là giai đoạn cây con. Nhờ lưới che kín, cây trồng ít bị mất nước hoặc mưa dập và phát triển ổn định hơn ngoài trời, đồng thời tiết kiệm nước tưới.

Trước đây, trồng rau là công việc vất vả nhất ở đảo chìm vì ngày ngày anh em đều phải di chuyển các khay rau tránh sóng gió. Vòm che hạn chế bớt nỗi cực này. Bên cạnh đó, việc dùng khay nhựa có kích thước nhỏ hơn khay composit (do quân nhu cấp phát để trồng rau trên giá thể) cũng nhẹ nhàng, dễ di chuyển hơn. Các loại rau phát triển tốt gồm: rau muống, cải xanh, cải ngọt, cải ngồng, rau dền, húng quế, bầu đất, rau sam, ớt cay, làm phong phú bữa ăn và góp phần tăng cường sức khỏe cho bộ đội.

BẠCH LIỄU

Tin cùng chuyên mục