Bài 2: Nghị quyết “Ba chương trình”

Những năm cuối thập niên 1980, ông Ba Tín (Nguyễn Trung Tín) tham gia lãnh đạo tỉnh Long An với các cương vị Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND tỉnh. Nhưng dấu ấn để lại lâu nhất trong ông là những việc làm âm thầm của lãnh đạo tỉnh Long An cùng với lãnh đạo của TPHCM khi tham gia giải quyết nhiều vấn đề bức thiết về cái ăn, cái mặc cho hơn 3 triệu dân TP lúc bấy giờ…
Bài 2: Nghị quyết “Ba chương trình”

Thành phố Hồ Chí Minh - 30 năm đổi mới và phát triển

Những năm cuối thập niên 1980, ông Ba Tín (Nguyễn Trung Tín) tham gia lãnh đạo tỉnh Long An với các cương vị Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND tỉnh. Nhưng dấu ấn để lại lâu nhất trong ông là những việc làm âm thầm của lãnh đạo tỉnh Long An cùng với lãnh đạo của TPHCM khi tham gia giải quyết nhiều vấn đề bức thiết về cái ăn, cái mặc cho hơn 3 triệu dân TP lúc bấy giờ…

Bắt tay “xé rào”

“Nhờ làm thí điểm trước, báo cáo trung ương sau nên chúng tôi mới làm được biết bao nhiêu chuyện lo cho dân, chứ tình hình cái ăn, cái mặc ở TPHCM lúc đó căng lắm…” - ông Ba Tín mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy. Lấy ví dụ về năng suất lúa của tỉnh Long An sau những năm giải phóng, 1 năm chỉ sản xuất được hơn 265.000 tấn, sau tăng vọt lên 1 triệu, 2 triệu, rồi 2,8 triệu tấn nhờ mở kênh Hồng Ngự, làm thủy lợi đưa nước vô huyện Mộc Hóa tháo chua rửa mặn, biến vùng đất hoang hóa Mộc Hóa, Vĩnh Hưng thành vựa lúa của tỉnh Long An, ông nói: “Nằm sát TPHCM, trong khi Long An gạo dư thừa dân ăn không hết còn người dân TPHCM lại thiếu ăn do chính sách “ngăn sông cấm chợ” không sao mang lên được để cứu đói, tôi buồn hết sức, không biết làm sao. Một hôm nhân đi họp trên TPHCM, gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh, lúc đó đang làm Bí thư Thành ủy TPHCM, tụi tôi đề nghị: “Bây giờ thế này, ở trên này anh chủ động đổi mới vụ lương thực. Còn tôi ở dưới làm vụ giá - lương - tiền”. Đồng chí Nguyễn Văn Linh nghe vậy đồng ý ngay, liền chỉ thị cho các sở ngành cùng phụ lo với chị Ba Thi bên lương thực làm sao “vượt trạm” đưa gạo lên bán cho dân”.

Theo ông Ba Tín, thực ra trước đó trong Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Long An đã nhiều lần bàn vụ đưa gạo lên TP cứu đói cho dân, đầu tiên là chính quyền “bật đèn xanh” cho các địa phương vùng giáp ranh với TPHCM lâu lâu “xả trạm” để dân chở gạo, thịt ra chợ bán. Khi đã thống nhất thành chủ trương, tỉnh mới gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh mở lời bàn tính “xé rào” và được ông ủng hộ ngay. Phương thức tỉnh Long An tính toán là không bán lẻ, chỉ đưa lên “một cục” cho chị Ba Thi (tức Nguyễn Thị Ráo, Giám đốc Sở Lương thực TPHCM - PV) cần bao nhiêu giao bấy nhiêu, ới cái là có liền. “Lúc đó bất kỳ ai chở gạo đi đều phải có giấy phép của UBND tỉnh. Đi lẻ thì không cho chứ đi vài chục tấn đến vài trăm tấn là cấp tuốt, miễn là gạo đến được dân một cách sớm nhất. Thấy Long An làm, các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, rồi An Giang…, cũng “xé rào” đưa gạo lên tiếp sức cho lãnh đạo TP lo cho dân” - ông Ba Tín kể.

Sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại TPHCM trong những ngày đầu giải phóng.

Anh hùng Lao động Dương Tú Trinh trước khi làm Giám đốc Công ty Lương thực TPHCM có nhiều năm là kế toán trưởng Cửa hàng Lương thực quận 5. Bà Trinh kể: “Lúc có gạo của Long An đưa lên mừng lắm. Để gạo đến tận hộ dân theo tiêu chuẩn các mức 9kg, 13kg/đầu người/tháng, quận cho hình thành hệ thống hơn 2.000 đại lý tỏa đi khắp các khu phố. Nhờ nguồn cung đủ mà giá gạo giữ ổn định mức bán 4 hào, sau tăng lên 8 hào, rồi cao lắm là 1,2 đồng/kg. Dân có gạo ăn giá rẻ mừng lắm. Đặc thù của quận 5 lúc bấy giờ tập trung hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp, trung tâm thương mại, kinh tế, dịch vụ của TP, nên có gạo ăn là kéo luôn cả sản xuất, thương mại, dịch vụ… đi lên. Hàng hóa đổ ra thị trường cũng từ đây…”.

Thế nhưng, như ông Ba Tín nói, cách làm “xé rào” của Long An và TPHCM sau đó bị trung ương kiểm tra, phát hiện và “tuýt còi”. “Tụi này cũng giải trình, báo cáo nhưng đều nhận hết trách nhiệm về mình, cái chính là dân được no, sản xuất phát triển là được” - ông Ba Tín kể tiếp.

Để chấn chỉnh lại việc làm “xé rào”, tháng 3-1985 Thành ủy TPHCM ra Chỉ thị số 10/CT-TU về kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý ngành lương thực (Chỉ thị 10). Chỉ thị nêu: “Thu gọn tổ chức bộ máy Sở Lương thực thành bộ phận nhỏ làm chức năng tham mưu giúp UBND TP quản lý Nhà nước ngành lương thực. Thành lập Công ty Lương thực thành phố trực thuộc UBND TP; thực hiện thống nhất hai hệ thống bán lương thực cung cấp và bán lương thực theo giá bảo đảm kinh doanh vào một mối do Công ty Lương thực TP phụ trách…”.

Theo bà Dương Tú Trinh, Chỉ thị 10 là sự hợp thức hóa theo định hướng của cách làm táo bạo và sáng tạo đi từ thực tế của TPHCM. Cách làm này sau đó được trung ương chấp thuận và mở ra một lĩnh vực kinh doanh các mặt hàng lương thực, khuyến khích các địa phương đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm không chỉ đáp ứng cho tiêu dùng của hàng triệu người dân TP, mà còn xuất khẩu, đem về ngoại tệ để phát triển sản xuất.

Ba chương trình trụ cột

Còn nhớ, trước Chỉ thị 10, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TV về phát triển sản xuất hàng xuất khẩu (Chỉ thị 11). Chỉ thị 11 nhận định: “TPHCM có tiềm năng lớn về lao động, tay nghề, thiết bị máy móc, khoa học kỹ thuật, có vành đai nông nghiệp bao quanh rộng bằng một tỉnh trung bình và có hệ thống giao thông, thương cảng thuận lợi cho việc giao dịch với các tỉnh và nước ngoài. Nhưng lại thiếu nguyên liệu vật tư cho sản xuất, không đủ tư liệu tiêu dùng cho nhân dân thành phố mà hậu quả hiện nay là thất nghiệp ở thành phố còn nhiều, trật tự xã hội chưa vững chắc…”. Bức tranh của TPHCM trong giai đoạn của thập niên 1980 mà Chỉ thị 10 và 11 nêu phần nào nói lên tính cấp bách cần có một chủ trương và quyết sách táo bạo, quyết liệt hướng vào 3 trụ cột lớn của nền kinh tế lúc bấy giờ là lương thực, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Trước khi làm Bí thư Đảng ủy Khối Bộ Công nghiệp nhẹ, ông Bông Anh Dũng có nhiều năm làm Giám đốc Xí nghiệp Nhựa Bình Minh (Công ty CP Nhựa Bình Minh hiện nay). Ông Anh Dũng nói: “Những năm 1980, bình xịt thuốc trừ sâu được cho là mặt hàng quý hiếm do trong nước không sản xuất được. Nông dân các huyện ngoại thành và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thiếu bình xịt nghiêm trọng. Xí nghiệp nghiên cứu cho ra mẫu bình xịt, nhưng muốn có nguyên liệu và khuôn mẫu để sản xuất thì phải nhập, trong khi ngoại tệ không vay được ở đâu. Cuối cùng xí nghiệp áp dụng hình thức liên kết với các công ty xuất nhập khẩu dùng hàng đổi hàng, có hàng lại quy ra ngoại tệ nhập nguyên liệu về. Những năm sau này sản xuất phát triển, bình xịt thuốc trừ sâu của Nhựa Bình Minh không những đáp ứng được cho nông dân, mà còn là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của TPHCM…”.

Theo đồng chí Phan Diễn, từ thực tiễn cách làm sáng tạo của TPHCM đã đặt ra cho Đại hội VI của Đảng phải quyết định một vấn đề cơ bản theo hướng thay đổi toàn diện phương hướng về cơ cấu kinh tế, không thể vội vã công nghiệp hóa, công nghiệp nặng trong lúc đất nước đang còn thiếu thốn trăm bề, mà trước mắt phải tập trung lo 3 vấn đề mà TPHCM đã làm, đó là: lương thực, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Cả 3 chương trình này trở thành chủ trương của cả nước và được Đại hội VI đưa vào thành Nghị quyết thực hiện trong nhiều năm sau này, giúp đất nước ta nhanh chóng thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, trở thành nước xuất khẩu nhiều mặt hàng quan trọng, trong đó có lương thực - thứ hàng hóa thiết yếu mà trước đó người dân ở nhiều vùng còn thiếu đói.

“Vốn tin dân, trọng dân, luôn dựa vào dân như Bác Hồ đã dạy, lãnh đạo Thành ủy TPHCM đã tăng cường xuống cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, rồi đề ra những giải pháp, tháo gỡ khó khăn. Lãnh đạo thành phố mạnh dạn “phá rào”, thực hiện “cởi trói” về cơ chế để giúp sản xuất “bung ra”, cải tiến lĩnh vực lưu thông phân phối. Thế nhưng, đang thực hiện suôn sẻ thì Trung ương vào kiểm tra, có thời điểm một tháng có đến sáu đoàn kiểm tra. Thành phố bị phê phán gay gắt: “Vào đến sân bay Tân Sơn Nhất là nghe mùi tư bản”, do tự ý lập các công ty xuất nhập khẩu để có ngoại tệ mua nguyên liệu. Trong cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, Thành ủy TPHCM một mặt chấp nhận sự phê phán của Trung ương, một mặt vẫn bám sát thực tiễn, quyết tâm đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, lo cái ăn cho dân và lo nguyên liệu cho sản xuất”.

PGS-TS PHAN XUÂN BIÊN,
nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TPHCM

>> Bài 1: Nền kinh tế bù giá

Tin cùng chuyên mục