Liên kết vùng và vai trò “nhạc trưởng”

Liên kết vùng và vai trò “nhạc trưởng”

Thành phố Hồ Chí Minh - 30 năm đổi mới và phát triển

Với số dân chỉ bằng 1/10 nhưng quy mô kinh tế chiếm hơn 1/5, đóng góp trên 30% GDP, mức sống người dân gấp 2,5 lần bình quân của cả nước… Đó là bức tranh của TPHCM được các nhà khoa học đánh giá, minh họa cho khẳng định: “TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước trong những năm qua”.

Liên kết để phát triển

Tháng 9-1995, sau khi Chính phủ quyết định thành lập Tổng Công ty Lương thực miền Nam - đã điều ông Nguyễn Trung Tín, lúc đó đang làm Chủ tịch UBND tỉnh Long An, giữ chức vụ Tổng Giám đốc. Là người nắm khá rõ tình hình kinh tế, xã hội của TPHCM từ thời kỳ bắt tay nhau “xé rào” đưa gạo lên cứu đói cho dân, ông Tín chủ trương xây dựng các công ty lương thực, thực phẩm tại TPHCM đủ mạnh để làm đầu tàu kéo các đơn vị trong tổng công ty. Ngoài Công ty Lương thực TP giữ vai trò chủ đạo, hàng loạt công ty khác như: Bột mì Bình An, Bột mì Bình Đông, Lương thực cấp 1 Sài Gòn, Xay xát lúa gạo Bình Tây, Kinh doanh, chế biến mì màu, Kinh doanh, chế biến, xuất khẩu lương thực Hoàn Mỹ, Mì Bình Tây, Mì Miliket… được đầu tư nguồn lực, hoạt động chuyên sâu từng lĩnh vực theo thế mạnh của mình. Các đơn vị này đã tạo mối liên kết chặt chẽ với các công ty lương thực ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức thành hệ thống thu mua, kho chứa, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm lương thực, thực phẩm đi các nước trong khu vực và trên thế giới. Mối liên kết này, như ông Tín nói, đã nhanh chóng phát triển và trở thành mô hình mẫu, định hình cho các mối liên kết phát triển ở nhiều lĩnh vực khác, trong đó có thương mại giữa TPHCM với các địa phương trong vùng được đẩy mạnh những năm sau này.

Đầu tư nhà máy ở tỉnh Bình Dương của một công ty ở TPHCM (Công ty cổ phần nhựa Bình Minh). Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều năm giữ trọng trách Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phụ trách mảng kinh tế, đầu tư, ông Hồ Văn Niên (hiện đã nghỉ hưu) cho biết, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hiểu được thế mạnh của hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển liên hoàn giữa TPHCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, ba địa phương này đã hình thành rất sớm tam giác phát triển kinh tế với nhiều mô hình liên kết gắn với điều kiện thực tế của mỗi nơi. Trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường, tam giác phát triển này đã định hình một cơ chế mang tính đột phá, làm thay đổi nhiều chính sách kinh tế quan trọng của cả nước. Ông Hồ Văn Niên dẫn chứng: TPHCM có nguồn lực và tiềm lực, trong khi Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu có tài nguyên, đất đai, lao động…, nên đã bổ sung cho nhau, gắn chặt với nhau trong mối liên kết của các mô hình phát triển.

Để định hình hướng đi trong mối liên kết phát triển, ba địa phương trong tam giác kinh tế đã lấy công nghiệp làm mũi nhọn và bổ sung lẫn nhau ở những lĩnh vực còn thiếu. Ví dụ như với các ngành sản xuất, chế biến nông - lâm, thủy hải sản, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã hình thành nên những vùng nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp của TPHCM. Ngược lại, TPHCM cung cấp đội ngũ nhân lực kỹ thuật cao nghiên cứu, phát triển các loài, giống mới với năng suất, chất lượng cao để cung ứng đủ về số lượng và chất lượng cho các đơn vị sản xuất, chế biến và xuất khẩu theo yêu cầu của thị trường. Các lĩnh vực khác như hệ thống tài chính, ngân hàng, dịch vụ, vận tải, cảng biển, hàng không… cũng tạo mối liên kết rất chặt chẽ giữa các địa phương và hình thành nên các hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế xoay quanh các trục: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; công nghiệp, tài chính…

 

"Có thể nói TPHCM đã tạo dấu ấn rất nổi bật trong quá trình đổi mới và phát triển, là đầu tàu dẫn dắt kinh tế của khu vực và là đòn xeo để thúc đẩy kinh tế của cả nước đi lên…"

TS Lê Minh Nghĩa, Hội đồng Lý luận Trung ương

 

Theo ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, từ các mô hình liên kết phát triển giữa các địa phương trong khu vực và những bước chuyển từ vùng tam giác kinh tế ba địa phương (TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai đã nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng như: điện - điện tử; hóa chất, nhựa, cao su, công nghệ sinh học và ngành công nghiệp hỗ trợ. Hướng cơ cấu này có mối liên hệ rất chặt chẽ với cơ cấu kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để phát triển các ngành kinh tế biển như: công nghiệp dầu khí, sản xuất điện, đạm, cảng biển, du lịch và chế biến hải sản. Bao trùm lên cơ cấu phát triển này, TPHCM vẫn là địa phương giữ vai trò chủ đạo, chi phối mọi mối liên kết thông qua “Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế - TPHCM phát triển mối liên kết chặt chẽ các ngành, các tỉnh”. Trong đó, tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng điểm là cơ khí, điện tử; công nghệ thông tin; hóa, dược, cao su và chế biến lương thực, thực phẩm. Hướng cơ cấu chủ đạo này dẫn dắt và mở rộng ra nhiều địa phương khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, tạo thành một vùng động lực kinh tế phát triển năng động mang tên: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ 4 tỉnh thành hình thành ban đầu theo Quyết định 44/1998/QĐ-TTg ngày 23-2-1998 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương, đã phát triển lên thành 8 tỉnh thành, bổ sung thêm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang.

Vai trò “nhạc trưởng”

TS Trần Du Lịch, trước khi là đại biểu Quốc hội chuyên trách, giữ nhiệm vụ Phó đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã có nhiều năm giữ chức Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM. Trong nhiều đề tài nghiên cứu chuyên sâu về liên kết vùng phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông đặc biệt chú trọng vào định hình vai trò “nhạc trưởng” của TPHCM, để từng bước kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các chính sách pháp luật nhằm kích thích và tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các địa phương lân cận phát triển. Ông nói: “Do vị trí địa lý và quá trình lịch sử phát triển, TPHCM trở thành một điểm có sức hút tạo liên kết, một cửa ngõ để phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và cả Tây Nguyên. Mối liên kết kinh tế này đặt TPHCM vào vai trò “nhạc trưởng” dẫn dắt, điều phối các nguồn lực và hỗ trợ các địa phương phát triển các lĩnh vực có thế mạnh. Đầu tiên, đối với các địa phương lân cận, TPHCM là “hậu cần” để thu hút đầu tư phát triển. Ví dụ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển rất mạnh, thu hút vốn FDI thì TPHCM là nơi các chuyên gia chọn để ăn, ở, sinh hoạt, giải trí… rồi đến những vùng lân cận đó làm việc. Ngược lại, nhờ sự phát triển của các địa phương lân cận đã giúp giảm áp lực tăng dân số cho TPHCM. Bởi nếu Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu không phát triển thì áp lực về dân nhập cư vào TPHCM sẽ rất lớn”. Ngoài ra, sự liên kết này còn gắn với vấn đề bố trí hệ thống các khu công nghiệp. Chẳng hạn TPHCM tập trung các ngành nghề, trung tâm tài chính, dịch vụ cảng… còn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh cũng sẽ phát triển các khu công nghiệp. Liên kết quan trọng nhất là đào tạo nguồn nhân lực cho cả vùng. Những vấn đề này, cho đến nay TPHCM vẫn đóng vai trò hạt nhân, có tác động lan tỏa, quan hệ qua lại. Sự phát triển có phân công như vậy giúp cho TPHCM tạo nên thị trường ở nhiều lĩnh vực ngày càng mạnh để phát triển.

"TPHCM là nơi hội tụ được rất nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, ngoài Hà Nội ra, TPHCM cũng có nhiều trường đại học, các viện nghiên cứu, giới trí thức và nhiều học giả lớn đều ở đây. Làm sao kết nối được với cả nước để TPHCM trong sự nghiệp phát triển và hiện đại hóa có thể đóng một dấu ấn quan trọng về đột phá chất lượng nguồn nhân lực và đột phá các vấn đề khác của phát triển, thì mới đóng góp được vào cho sự nghiệp chung của Đảng và Nhà nước. Thí dụ như Bộ Chính trị có hai quy chế riêng đặc thù cho Hà Nội và TPHCM. Đây là hai thành phố sẽ phải đi đầu trong cải cách hành chính đô thị, nhất là TPHCM phải có một kiến giải và thực hiện để tạo căn cứ cho việc tổng kết chung của cả nước.

Làm thế nào để phát triển TPHCM đúng là hình mẫu của phát triển, bao gồm: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường… TPHCM phải vừa tự giải quyết vấn đề của mình, vừa góp phần giúp các địa phương trong vùng và cả nước tránh được hệ lụy phát triển xấu. Một mặt tốt của TPHCM là có hiệu ứng trong cả nước; mặt khác, một điểm chưa tốt của TPHCM cũng sẽ gây hiệu ứng cho cả nước
"

GS-TS HOÀNG CHÍ BẢO, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương

- Bài 12: Một cửa, một cửa liên thông

HOÀI NAM - ÁI CHÂN

>> Bài 10: Từ hợp tác hóa đến mô hình nông thôn mới

Tin cùng chuyên mục