Xử lý cán bộ tiếp tay phá rừng

Báo SGGP số ra ngày 16-5 đăng phóng sự “Tan nát rừng La Ngà”, phản ánh hàng trăm hécta rừng sản xuất của Nhà nước ở huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) bị người dân địa phương xâm hại, đốt phá, khai thác trái phép vô tội vạ nhiều năm liền. Thậm chí, ở xã Ngọc Định, lãnh đạo xã còn tiếp tay cho người thân phá rừng, khai thác đất rừng trái phép. Ngay sau khi báo đăng bài, các cơ quan chức năng ở huyện Định Quán đã vào cuộc xác minh, thanh - kiểm tra, làm rõ các vi phạm và tiến hành các biện pháp xử lý, ngăn chặn.
Xử lý cán bộ tiếp tay phá rừng

Phản hồi bài viết “Tan nát rừng La Ngà”

Báo SGGP số ra ngày 16-5 đăng phóng sự “Tan nát rừng La Ngà”, phản ánh hàng trăm hécta rừng sản xuất của Nhà nước ở huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) bị người dân địa phương xâm hại, đốt phá, khai thác trái phép vô tội vạ nhiều năm liền. Thậm chí, ở xã Ngọc Định, lãnh đạo xã còn tiếp tay cho người thân phá rừng, khai thác đất rừng trái phép. Ngay sau khi báo đăng bài, các cơ quan chức năng ở huyện Định Quán đã vào cuộc xác minh, thanh - kiểm tra, làm rõ các vi phạm và tiến hành các biện pháp xử lý, ngăn chặn.

Ngưng bố trí công việc Bí thư xã tiếp tay người nhà phá rừng

Ngày 28-5, ông Phạm Quý Ngọc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Định Quán (Đồng Nai), cho biết cơ quan này đã chỉ đạo UBND huyện, các Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng NN-PTNT và Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán khẩn trương phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà (Vinafor La Ngà) xác minh, rà soát các khu rừng sản xuất của Nhà nước bị xâm hại trên địa bàn, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị liên quan. “Huyện ủy cũng giao Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy và công an huyện vào cuộc điều tra, xác minh trường hợp ông Hồ Nam Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Định trước thông tin dư luận cho rằng cán bộ này tiếp tay cho người nhà phá rừng. Nếu phát hiện có vi phạm, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm khắc”, ông Ngọc nói.

PV Báo SGGP đã làm việc với ông Trịnh Văn Trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Định Quán, về kết quả xác minh, làm rõ các vi phạm đến thời điểm này, ông Trường cho hay: Hiện tại chưa có kết luận chính thức, nhưng đối với trường hợp ông Hồ Nam Thắng, bước đầu đoàn kiểm tra xác nhận cán bộ này có nhiều vi phạm về mặt Đảng khi để người thân vào xâm hại rừng sản xuất của Nhà nước. Cụ thể, các trường hợp: Bà Trần Thị Lan (chị vợ), Trần Thị Xa (chị họ phía vợ), Hồ Hoàng Hà (con ruột) đã có hành vi xâm hại rừng, mang các loại cây ăn trái (xoài, điều…) vào trồng trên đất rừng sản xuất đã xâm hại tại xã Ngọc Định. Riêng đối với bà Trần Thị Tình (vợ ông Thắng), tổ kiểm tra đang xem xét để làm rõ hành vi xâm hại rừng của trường hợp này, vì trong biên bản vi phạm do Đội 5 - Vinafor La Ngà lập lúc 14 giờ ngày 10-10-2014, bà Tình không ký tên.

“Kết quả xác minh bước đầu như trên cho thấy ông Thắng đã thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục, vận động người thân dẫn đến những người này vi phạm pháp luật. Là một đảng viên, Bí thư Đảng ủy xã nhưng không giáo dục, vận động được người thân, gia đình thì rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm trách. Hiện nay, Đại hội Đảng bộ xã Ngọc Định đã tổ chức xong, tuy nhiên Huyện ủy Định Quán vẫn chưa bố trí công việc mới cho nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Định. Trong vài ngày tới, Ủy ban Kiểm tra huyện ủy sẽ có kết luận chính thức đối với các vi phạm, khi đó mới có hình thức xử lý cụ thể đối với ông Thắng”, ông Trường nói.

Nhân viên bảo vệ rừng của Vinafor La Ngà tích cực dập lửa ở Tiểu khu rừng sản xuất 41 - xã Ngọc Định (Định Quán) do người dân xâm hại, đốt rừng vào tháng 3-2015.

Thêm chốt kiểm tra, xử lý

Trở lại những khu rừng sản xuất do Vinafor La Ngà quản lý ở các xã Ngọc Định, Thanh Sơn (huyện Định Quán) vào những ngày cuối tháng 5-2015, chúng tôi ghi nhận tình trạng người dân vào xâm hại, đốt phá rừng đã giảm đáng kể, riêng ở xã Ngọc Định không còn. Tuy nhiên, rất nhiều hécta cây ăn trái với đủ kích cỡ do người dân tự ý đem trồng trên đất rừng đã xâm hại trước đây hiện vẫn chưa bị địa phương và ngành chức năng xử lý (?!). Về việc này, ông Nguyễn Tham Lâm - Giám đốc Vinafor La Ngà, cho biết: Trong số nhiều hécta đất rừng trồng cây ăn trái (mít, xoài, điều…) còn lại hiện nay, có phần lớn diện tích do Vinafor La Ngà ký hợp đồng giao khoán vườn rừng trước năm 2012 - thời điểm Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam có chủ trương cho cán bộ công ty và người dân hợp đồng giao khoán vườn rừng để tăng gia sản xuất. Do có hợp đồng nên số diện tích rừng trồng cây ăn trái này công ty không xử lý.

“Đối với số diện tích rừng bị người dân xâm hại, chở cây ăn trái vào trồng gần đây, chúng tôi vẫn đang rà soát và phối hợp với kiểm lâm, công an, chính quyền địa phương để nhổ bỏ, xử lý kiên quyết”, ông Lâm nói. Giám đốc Vinafor La Ngà cũng cho biết, sau khi Báo SGGP có bài viết “Tan nát rừng La Ngà”, công ty đã lập thêm chốt, tăng cường lực lượng trực, xử lý ở tuyến đường dẫn vào các tiểu khu 40 và 41 (rừng sản xuất ở xã Ngọc Định) để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi đốt rừng, xâm hại rừng, khai thác rừng trái phép của người dân.

Về phía kiểm lâm địa phương, ông Nguyễn Hữu Tường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Định Quán, cho biết kết quả kiểm tra mới đây, tại xã Ngọc Định có hơn 15ha rừng sản xuất bị người vào phát dọn, đem các loại cây ăn trái vào trồng. Hạt đã yêu cầu Vinafor La Ngà sớm xử lý các vi phạm này để tránh phát sinh các vi phạm và hệ lụy. “Trách nhiệm để ngăn chặn việc này không chỉ ở kiểm lâm, Vinafor La Ngà, mà còn của công an, cả hệ thống chính quyền địa phương”, ông Tường khẳng định.

Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn huyện Định Quán, Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán (Đồng Nai) kiểm tra, phát hiện và xử lý 14 trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó tập trung chủ yếu ở các vi phạm: phá rừng trái pháp luật, khai thác rừng trái phép, cất giữ - vận chuyển lâm sản trái phép.

TUẤN VŨ

Thông tin liên quan:

>> Tan nát rừng La Ngà

Tin cùng chuyên mục