Hy Lạp - Biết ra sao ngày sau?

Cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp ngày 5-7 có tính chất quyết định một phần về tương lai của nền tài chính Hy Lạp. Bất luận kết quả thế nào, việc trả nợ của Hy Lạp cho các chủ nợ như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC) vẫn phải được tính tới, nếu không, Hy Lạp sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone). Khi đó, hậu quả sẽ không chỉ là tài chính.
Hy Lạp - Biết ra sao ngày sau?

Cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp ngày 5-7 có tính chất quyết định một phần về tương lai của nền tài chính Hy Lạp. Bất luận kết quả thế nào, việc trả nợ của Hy Lạp cho các chủ nợ như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC) vẫn phải được tính tới, nếu không, Hy Lạp sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone). Khi đó, hậu quả sẽ không chỉ là tài chính.

Hy Lạp - Biết ra sao ngày sau? ảnh 1

Người dân Hy Lạp ủng hộ Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras không chấp nhận các điều kiện thắt lưng buộc bụng của IMF/ECB/EC.

Lịch sử các vụ vỡ nợ

Với việc không trả nợ đúng hạn 1,6 tỷ EUR cho IMF vào ngày 30-6, Hy Lạp đã gia nhập các nước đang bị IMF “đối xử đặc biệt”, thậm chí bị phong tỏa gồm Somalia, Sudan và Zimbabwe. Đến nay, đã có hàng chục nước từng bị IMF ngừng quan hệ do vấn đề nợ như  Ai Cập (1966 - 1968),  Nicaragua (1983 - 1985), Guyana (1983 - 1990), Sierra Leone (1984), Liberia (2008), Honduras (1988), Panama (1992), Iraq (1990 - 2004), Nam Tư (1992 - 2000)…

Lật lại lịch sử, cú sốc giảm giá dầu những năm 1980 gây ra tình trạng vỡ nợ dây chuyền lan rộng ở Nam Mỹ, các ngân hàng  và cổ phiếu các nước bị phong tỏa. Trước đó, do giá dầu tăng vọt những năm đầu thập kỷ 70 đã tạo cú đột phá cho các nước xuất khẩu hàng hóa ở Nam Mỹ. Một số chính phủ đã tận dụng thời cơ đi vay số tiền lớn thị trường tài chính quốc tế nhằm tài trợ cho công nghiệp và cơ sở hạ tầng. Cú sốc giá dầu năm 1981 dẫn đến việc tăng mạnh lãi suất ở Mỹ và châu Âu, đẩy các khoản nợ của các nước Nam Mỹ thành khổng lồ. Kết quả là các nước này, cũng như các ngân hàng thương mại của họ bị buộc phải gánh các khoản nợ xấu.  Nhiều nước Nam Mỹ bị thị trường tín dụng quốc tế cắt đứt quan hệ, dẫn đến đồng tiền mất giá mạnh, thâm hụt ngân sách tăng cao và lạm phát nhảy vọt. Tuy nhiên, sau đó không lâu, vào đầu những năm 1990, nhiều nước Nam Mỹ đã tăng trưởng trở lại một phần do hưởng lợi xuất khẩu vì giá trị đồng tiền thấp.

Không giống như các nước tại Nam Mỹ, Hy Lạp  không có được chọn lựa phá giá đồng tiền riêng của mình vì họ thuộc Eurozone. Phá giá đồng tiền đã giúp nhiều nước từng rơi vào cảnh nợ nần có hàng hóa và dịch vụ cạnh tranh hơn để vượt khó. Nói cách khác, Hy Lạp là trường hợp vỡ nợ đặc biệt gần với vỡ nợ ngoại tệ mà thiếu công cụ giải quyết trừ khi họ rời Eurozone và trở lại sử dụng đồng tiền riêng drachma.

Ngày càng có nhiều người Hy Lạp rơi vào cảnh vô gia cư do khủng hoảng nợ của nước này.

Hệ lụy

Theo The Economist, 5 năm sau khi lún vào cuộc khủng hoảng nợ, đất nước Hy Lạp đã phải chịu tổn thất 25% GDP và tăng trưởng còi cọc, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp nhảy vọt trên 50%. Nếu sắp tới, Hy Lạp không thể thanh toán 3,5 tỷ EUR cho ECB vào ngày 20-7, khả năng Hy Lạp rời khỏi Eurozone và có thể là EU ngày càng lớn, đặc biệt trong bối cảnh khi cử tri Hy Lạp nói “Không” với các chính sách thắt lưng buộc bụng.

IMF sẽ không cho phép bất cứ nước nào tiếp cận nguồn vốn của mình trong khi vẫn còn trong tình trạng vỡ nợ (hay nợ quá hạn). Đối với IMF, để được tham gia vào bất kỳ gói hỗ trợ mới nào trong tương lai, đầu tiên, nước đi vay phải thanh toán nợ quá hạn. Điều này làm cho Hy Lạp thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn tài trợ của EU để trả nợ cho IMF.

Sắp tới, IMF có thể ra thêm các điều kiện khắc nghiệt hơn với Hy Lạp. Nếu không có giải pháp nhanh chóng sau cuộc trưng cầu dân ý về gói cứu trợ Hy Lạp, IMF phải phản ứng mạnh mẽ để bảo vệ uy tín của mình trước sự chỉ trích của các cổ đông. IMF sẽ thúc ép Chính phủ Hy Lạp thay đổi chính sách để đảm bảo trả nợ đúng hạn trước khi đàm phán gói cứu trợ có thể tiếp tục. Về lâu dài, nếu Hy Lạp vẫn không thể trả nợ IMF, IMF có thể đình chỉ tư cách thành viên của Hy Lạp, điều đó càng làm cho Hy Lạp mất uy tín trong cộng đồng tài chính quốc tế như trường hợp của Zimbabwe.

Lúc này, đã có nhiều tiếng nói chỉ trích chính sách của Eurozone. Cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh, ông William Hague, cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu đã phải trả giá vì cho phép một Hy Lạp chưa chuẩn bị kỹ gia nhập Eurozone năm 2001. Khi lãi suất trái phiếu tăng đe dọa sẽ đẩy Hy Lạp đến vỡ nợ, các gói cứu trợ đầu tiên trong năm 2010 đến với Hy Lạp đã áp đặt quá nhiều chính sách khắc khổ. Các nhà lãnh đạo Hy Lạp chỉ còn cách cắt giảm thâm hụt ngân sách thay vì thúc đẩy tăng trưởng. Trong năm 2012, các nhà lãnh đạo châu Âu hứa hẹn xem xét lại tình trạng nợ của Hy Lạp để có biện pháp mới nhưng  hầu như tình trạng nợ của Hy Lạp vẫn tăng nhanh lên mức 177% GDP.

Sẽ có nhiều hệ lụy khi Hy Lạp rời khỏi EU hay Eurozone. Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos từng cho biết nếu nền tài chính của Hy Lạp sụp đổ, Hy Lạp sẽ cấp giấy thông hành cho người nhập cư bất hợp pháp ồ ạt đổ vào châu Âu, họ có thể tự do đi lại ở toàn bộ khu vực Schengen, trong số những người này có thể bao gồm cả các phần tử cực đoan của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trong bài diễn thuyết chính sách trước Quốc hội đầu tháng 2, Thủ tướng Alexis Tsipras nói rằng Chính phủ Hy Lạp “có nghĩa vụ đạo đức” hối thúc Đức bồi thường sau chiến tranh. Theo tính toán của Chính phủ Hy Lạp, Đức phải bồi thường cho Hy Lạp tổn thất chiến tranh là 162 tỷ EUR, trong đó 108 tỷ EUR bồi thường cho cơ sở hạ tầng bị phá hủy và 54 tỷ EUR đã cho vay. Số tiền này tương đương với một nửa tổng số tiền nợ hiện tại của Hy Lạp. Trước yêu cầu bồi thường liên tục tăng lên của Hy Lạp, lập trường chính thức của Đức là: vấn đề này đã được giải quyết từ góc độ chính trị và pháp lý, Đức sẽ không bồi thường cho Hy Lạp.

Theo Business Insider, năm 2015 được xem là năm khó khăn đối với các nước bị gánh nặng nợ nần. Ngoài Hy Lạp còn có Ukraine. Tình hình kinh tế Ukraine ảm đạm từ trước khi xảy ra xung đột và cuộc xung đột càng làm cho nền kinh tế nước này tồi tệ hơn - đe dọa nước này cũng sẽ thành nạn nhân của IMF sắp tới. Lịch sử gần đây cho thấy rằng chỉ bằng cách thắt lưng buộc bụng và các chương trình cải cách cơ cấu không đủ để giúp các nước bị khủng hoảng nợ nặng như Hy Lạp và Ukraine trở lại quỹ đạo tài chính bền vững.

2001: Hy Lạp gia nhập Eurozone

2004: Hy Lạp tổ chức Olympic Athens: Giữa năm 2004, Hy Lạp chi tới 9 tỷ EUR để tổ chức Olympic, biến Thế vận hồi mùa hè 2004 đã trở thành kỳ Olympic “đắt đỏ nhất” tại thời điểm đó. Đây được coi là nguyên nhân trực tiếp đẩy Hy Lạp vào cuộc khủng hoảng nợ kéo dài. Lạm chi cho Olympic đã làm tăng nợ công và thâm hụt ngân sách của nước này.

2004: Hy Lạp thừa nhận thổi phồng số liệu. Cuối năm 2004, Chính phủ Hy Lạp thừa nhận đã thổi phồng các số liệu điều kiện để gia nhập Eurozone, đặc biệt là thâm hụt ngân sách giai đoạn 2000 - 2003.

Tháng 3-2010: Hy Lạp chấp nhận thắt lưng buộc bụng

2010: Hy Lạp nhận gói cứu trợ đầu tiên trị giá 110 tỷ EUR. Đến nay, nước này đã nhận 2 gói cứu trợ với tổng trị giá hơn 240 tỷ EUR.

2012: Hy Lạp bị coi là vỡ nợ sau khi các chủ nợ tư nhân đồng ý hoán đổi 85% nợ cho Hy Lạp, giúp cắt giảm khoảng 100 tỷ EUR khỏi nghĩa vụ nợ của quốc gia này.

Tháng 1-2015: Đảng Syriza phản đối cứu trợ, dẫn đầu bởi ông Alexis Tsipras thắng cử. Chính quyền mới cam kết gỡ bỏ các biện pháp thắt lưng buộc bụng đang đè nặng lên Hy Lạp.

Tháng 2-2015: Eurozone chấp thuận gia hạn gói giải cứu thêm 4 tháng cho Hy Lạp, sau khi chỉnh phủ mới của nước này nộp đề xuất cải tổ ngay trước hạn chót 30-6.

Tháng 6-2015: Hy Lạp tiếp tục đàm phán nợ nhưng đều không có kết quả.

Ngày 27-6: Thủ tướng Tsipras kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý về các biện pháp thắt lưng buộc bụng của nhóm chủ nợ. Lập tức, eurogroup từ chối bản kế hoạch gia hạn gói cứu trợ thêm một tháng mà Athens đề xuất.

1-7-2015: Hy Lạp bị tuyên bố vỡ nợ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một nền kinh tế phát triển như Hy Lạp bị IMF kết luận như vậy. Với tuyên bố này, Hy Lạp mặc nhiên không được quyền tiếp cận bất cứ khoản vay nào của quỹ cho tới khi thanh toán xong nghĩa vụ nợ cũ.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục