Bài 1: Thủy điện gây lũ kép

Bài 1: Thủy điện gây lũ kép

Bất an với thủy điện

Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều động thái chấn chỉnh tình trạng thủy điện xả lũ, kể cả ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên các sông; tuy nhiên, nhiều thủy điện vẫn phớt lờ, xem thường tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ lưu.

Đối với miền Trung, hệ thống thủy điện trên lưu vực các sông được quy hoạch xây dựng dày đặc trong thời gian qua cộng với việc thiếu quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng đã biến nhiều hồ, đập thủy điện thành những “bom nước”, treo lơ lửng trên đầu hàng vạn hộ dân, nhất là vào mùa mưa lũ.

Các tỉnh Bắc miền Trung gánh chịu những đợt lũ lịch sử hồi tháng 10 vừa qua, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Lũ một phần do lượng mưa quá lớn kéo dài 2-3 ngày liền nhưng bên cạnh đó, việc hồ thủy điện ở thượng nguồn xả lũ với lưu lượng lớn (đặc biệt là thủy điện Hố Hô) nhưng không thông báo kịp thời đã khiến cho chính quyền và người dân bị động trong việc triển khai các biện pháp phòng chống. Điều đáng nói, tình trạng này đã từng diễn ra ở nhiều nơi và lặp lại nhiều lần.

Thủy điện Hố Hô xả nước gây lũ kép ở vùng hạ du

Xả lũ bất ngờ

Có mặt tại vùng rốn lũ huyện Hương Khê, Hà Tĩnh những ngày trong và sau trận lũ kép hồi tháng 10-2016, đến đâu cũng nghe người dân bức xúc về việc Nhà máy Thủy điện Hố Hô (thượng nguồn sông Ngàn Sâu) xả lũ với lưu lượng xấp xỉ gần 2.000m3/giây, lại đúng thời điểm mưa lớn đã gây ngập nặng và không thông báo kịp thời khiến người dân vùng hạ du không kịp trở tay. Tần ngần trước vườn bưởi, là nguồn thu nhập chính của gia đình, nay phần nhiều đã bị lũ cuốn trôi, số còn lại úa lá vì lũ ngâm lâu ngày thối gốc, ông Phan Kim Khôi (xã Hương Đô, huyện Hương Khê) cho biết, khoảng 18 giờ ngày 14-10, thủy điện Hố Hô xả lũ cộng mưa lớn, nước lũ nhấn chìm mọi thứ, cao tận nóc nhà nên mọi người trong xóm chỉ biết bồng bế con cái chạy thoát thân, còn toàn bộ tài sản bị cuốn trôi hết… “Mọi chi phí sinh hoạt của người dân Hương Đô chúng tôi đều bám vào vườn cam, bưởi Phúc Trạch, cây dó trầm nhưng giờ cây cối bị lũ cuốn trôi hoặc bật trốc gốc hết rồi, biết lấy chi mà sống!”, ông Khôi than vãn.

Theo thiết kế, thủy điện có nhiệm vụ cắt lũ? Ông Hà Thế Vịnh (Trưởng thôn Tân Dừa, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê) nói ngay: “Đó là lý thuyết. Chưa có thủy điện Hố Hô, lũ lớn nhất ở địa phương cũng chỉ cao xấp xỉ 2m và rút nhanh hơn. Nhưng giờ, lũ dâng đến hơn 3m. Thủy điện Hố Hô vẫn tồn tại thì Nhà nước phải quản lý chặt về quy trình tích nước, vận hành xả lũ. Ngoài ra, nhà máy cần xây dựng các cầu dân sinh ở vùng hạ du để giúp dân không bị chia cắt, cô lập khi xả lũ”.

Ngược về vùng hạ du sông Bồ (Thừa Thiên - Huế), người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại trận lũ “lạ đời” xảy ra vào đầu năm 2015 mà nguyên nhân là do thủy điện Hương Điền xả lũ ở thượng nguồn. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiến cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng: “Theo quy định, nhà máy thủy điện phải thông báo đến chính quyền và người dân vùng hạ du trước 6 giờ mới được xả lũ, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp. Nhưng ở đợt xả lũ ấy, chúng tôi chỉ nhận thông tin xả lũ từ chủ đầu tư hồ Hương Điền trước 2 giờ nên không kịp trở tay. Và trận xả lũ đó đã khiến nhiều người chết, thiệt hại hàng chục tỷ đồng”.

Giám sát chặt chẽ

Không chỉ gây lũ kép khi mưa lớn, còn nghịch lý dễ thấy nhất ở miền Trung là có nhiều thủy điện với hồ trữ nước rộng mênh mông, nhưng bên cạnh đó là những cánh đồng khô cằn phải bỏ hoang hoặc có canh tác thì cây cối cũng chết rụi vì thời tiết vừa trải qua đợt nắng nóng. Chưa dừng lại, ngay cả đời sống sinh hoạt của người dân vùng hạ lưu cũng bị đảo lộn vì thủy điện. Trong đó, sông Bồ là con sông dài thứ 2 ở Thừa Thiên - Huế chưa một lần cạn nước, nhưng khi thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn chặn dòng để tích nước và phát điện vào cuối năm 2010 đã khiến dòng sông này khô cạn đến mức xe tải đi được giữa lòng sông. Tiếp đó, vào cuối tháng 4-2014, UBND huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) phải có công văn gửi Công ty Thủy điện Sông Tranh 2, đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2, để “xin”… nước tổ chức đua thuyền truyền thống nhân dịp lễ 30-4 ở hạ du sông Thu Bồn. Nguyên nhân, vì nước cạn nên việc đua thuyền phải chia làm nhiều đoạn trên một khúc sông và rất nhiều ghe đua bị mắc cạn.

Tại diễn đàn “Thủy điện miền Trung, Tây Nguyên - Quan tâm của người dân và trách nhiệm các bên liên quan” tổ chức tại TP Huế mới đây, nhiều nhà khoa học có chung nhận xét: Các dự án thủy điện tại miền Trung - Tây Nguyên đã đóng góp gia tăng một phần năng lượng quốc gia và khu vực, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi, nhất là các hệ lụy tiêu cực về môi trường và xã hội. Trong đó, thủy điện tạo ra những trận lũ dữ bất thường, gây thiệt hại cho con người và tài sản, công trình… như trường hợp thủy điện A Vương (Quảng Nam) vào tháng 9-2009, thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) tháng 10-2013, thủy điện Đắk My 4 (Quảng Nam) năm 2012… Có rất nhiều lý giải cho các hệ lụy này, trong đó nổi bật là khâu khảo sát, thiết kế, đánh giá tác động môi trường và xã hội của các dự án thủy điện chưa chặt chẽ, đôi lúc rất hình thức. Chủ đầu tư không có nhiều chuyên môn và vận hành thủy điện hoặc đầu tư không đúng mức, nhiều cam kết trong đánh giá tác động môi trường đã không thực thi đúng mức, thiếu các biện pháp giám sát và chế tài.

Trở lại sự cố thủy điện Hố Hô, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định: “Đây là bài học lớn, phải rút kinh nghiệm không chỉ với Hố Hô mà còn với nhiều nhà máy thủy điện khác. Bộ sẽ chỉ đạo rà soát lại quy trình vận hành hồ chứa...”. Trong khi đó, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, cho rằng hiện Nhà máy Thủy điện Hố Hô chỉ có chức năng phát điện, vì vậy Bộ Công thương cần xem xét bổ sung thêm chức năng điều tiết lũ vào mùa mưa, đồng thời sửa đổi một số quy trình xả lũ, quản lý vận hành của nhà máy.

VĂN THẮNG - DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục