Phớt lờ trách nhiệm?

Tổng cục TDTT vừa họp tổng kết SEA Games 26, thật đáng mừng là lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam đã nhìn thẳng vào thực tế hơn là tự khen nhau về việc vượt chỉ tiêu huy chương vàng. Dù đã tăng gần 30% so với chỉ tiêu huy chương đăng ký, nhưng một loạt môn thể thao thế mạnh lẫn cơ bản đã sa sút. Điền kinh đánh mất những thành công ở các cự ly tốc độ. Taekwondo, bóng chuyền, Karatedo, xe đạp, bóng bàn… không bảo đảm thành tích do thiếu thế hệ kế thừa. Một bài học được rút ra: ngay ở những môn dự kiến sẽ tập trung đầu tư trọng điểm, cung cách làm việc hay sự phối hợp giữa bộ môn và các liên đoàn, hiệp hội vẫn lỏng lẻo dẫn đến không đáp ứng được kỳ vọng.

Cũng chính vì điều đó mà ngay sau SEA Games 26, Ủy ban Olympic quốc gia buộc phải giảm chỉ tiêu đoạt vé dự Thế vận hội xuống 1/3, đồng thời cũng cảnh báo, dù có đoạt vé đi nữa thì năng lực thi đấu cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” chứ khó tạo nên kỳ tích cho thể thao Việt Nam. Dù không được như ý, nhưng giới hâm mộ vẫn chấp nhận cách đánh giá của lãnh đạo thể thao Việt Nam bởi cái chúng ta cần lúc này không phải số lượng mà là chất lượng của những chiến huy chương.

Trong xu hướng nhìn thẳng - nói thật đó, môn bóng đá dự kiến sẽ được làm việc riêng nhằm giải quyết các vấn đề mà dư luận đang bức xúc. Trong nhiều ngày qua, rộ lên tin đồn  Tổng cục TDTT đã can thiệp vào VFF và đề nghị một số lãnh đạo của tổ chức này từ chức. Tất nhiên, chuyện này không thể xảy ra trên thực tế, do cơ quan quản lý nhà nước không được phép can thiệp vào công việc VFF theo luật của FIFA, nhưng nó lại phản ảnh một sự thật là rất cần có nơi nào đó xem xét lại trách nhiệm của VFF trong thất bại tại SEA Games 26.

Theo quan điểm của chúng tôi, dù không thể can thiệp trực tiếp nhưng rõ ràng, với vai trò quản lý thể thao nói chung cũng như điều hành hoạt động thi đấu của SEA Games 26, Tổng cục TDTT vẫn phải có tiếng nói chính thức về trách nhiệm của VFF nhằm đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người hâm mộ. Lẽ ra đã không có chuyện này xảy ra nếu như VFF dám nhìn thẳng - nói thật nhưng chính họ còn cho rằng, mọi báo cáo đã gởi lên cơ quan cấp trên để chờ xem xét. Hay nói cách khác, chính VFF tự chối bỏ vai trò tự chủ của mình trong khi lẽ ra, nơi họ phải lắng nghe nhiều nhất chính là những phản biện xã hội.

Không khó để thấy xu hướng làm việc của VFF là “tránh để mắc lỗi” hơn là “cố gắng làm tốt”. Những giải thích của họ về thất bại tại SEA Games 26 không phải là không có lý, nhưng dư luận vẫn thắc mắc là tại sao VFF không nêu chính kiến của mình về thành tích ấy. Bản chất của sự việc không được nhìn thẳng. Thất bại ấy có hay không? Do cách điều hành hay do chất lượng của nền bóng đá? Cần lộ trình dài hay ngắn để thay đổi nó?

Tất nhiên, khi dư luận phải chọn hạ sách là dùng đến tin đồn để mong sự thay đổi của VFF thì rõ ràng, tổ chức này thật sự đáng lo ngại về uy tín. Trong bối cảnh chưa tìm ra giải pháp cho các vấn đề của đội tuyển quốc gia, trách nhiệm của HLV F.Goetz thì theo bản kế hoạch thi đấu suốt năm 2012, HLV F.Goetz “ăn không ngồi rồi” suốt 9 tháng trời trước khi mất khoảng hơn 2 tháng để tìm kiếm thành tích tại AFF Cup 2012. Đấy là lãng phí. Xin hãy nhớ là mỗi đợt tập trung đội tuyển quốc gia hay ký hợp đồng với HLV nước ngoài, ngân sách nhà nước phải chi từ 30%-50% chi phí. Không thể chấp nhận một sự lãng phí lớn như vậy nếu không biết được kết quả của quá trình thuê mướn HLV cũng như tập huấn ấy đến đâu.

Ở đây, chúng tôi xin nói thẳng: dù là tổ chức xã hội, VFF vẫn phải có trách nhiệm trả lời những đòi hỏi của xã hội bởi ai cũng biết, tổ chức này vẫn đang lệ thuộc không ít vào ngân sách và định hướng điều hành của nhà nước.

Tại sao các lĩnh vực trọng yếu hơn của xã hội đang được xã hội phán xét một cách cặn kẽ, còn VFF lại tự cho mình được quyền phớt lờ trách nhiệm?

Việt Tâm

Tin cùng chuyên mục