Chương trình giáo dục hiện nay gây nhiều áp lực cho trẻ. Có thể nói chương trình lớp 1 và 2 khá nhẹ nhàng, từ lớp 3 trở đi bắt đầu nhiều lên, không chỉ nhiều môn mà còn nặng nề ở kiến thức, không chỉ ở những môn chính mà còn ở môn phụ, không chỉ trong học tập, bài kiểm tra mà còn trong thi cử, nhất là các kỳ thi có tính quyết định (thi tuyển sinh đầu vào, thi học sinh giỏi/năng khiếu, thi tốt nghiệp…).
Chẳng hạn, ở môn toán lớp 3, học sinh phải học đủ bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia, trong phạm vi 10.000…; ở môn tiếng Việt, trẻ phải vừa học đọc, viết, tập làm văn, viết chính tả…; ngay cả môn thủ công, dù không được tính vào điểm học tập chung nhưng có một số bài ngay cả người lớn cũng vất vả khi thực hiện.
Học sinh một trường tiểu học ở TPHCM trong giờ thi học kỳ. Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: MAI HẢI
Lên cấp II, học sinh còn phải học nhiều môn hơn, kiến thức vừa sâu vừa rộng hơn; ngay cả môn thể dục cũng không những không tạo ra được sự hào hứng để các em vận động mà có khi còn gây ra ám ảnh.
Ở cấp III, học sinh còn phải đối mặt với việc chuẩn bị vào đời, xác định ngành học, thi cử thế nào…, trong khi phần nhiều kiến thức học được chỉ là lý thuyết, gắn rất ít với thực tiễn cuộc sống.
Không chỉ vậy, trẻ đi học còn phải chịu áp lực về việc ứng xử của giáo viên, giám thị…, như lo bị phạt, lo bị đối xử không công bằng, kỷ luật, kể cả việc ăn uống, đi vệ sinh trong nhà trường… Trẻ còn phải chịu áp lực về vị trí, thứ bậc trong lớp, áp lực thành tích, điểm số để làm đẹp lòng cha mẹ, không xấu hổ với bạn bè… Trẻ còn chịu áp lực từ các mối quan hệ bạn bè, sợ làm phật ý bạn, sợ bị cô lập, sợ bị trả thù, sợ bị đánh hội đồng…
Làm cha mẹ nên hiểu được những áp lực đó của con cái để chia sẻ, động viên, giúp đỡ. Liệu các bậc cha mẹ có thường xuyên ngồi nghe con than thở chuyện trên lớp hay vừa nghe một đôi câu đã gạt ngang và bắt con cố gắng? Liệu cha mẹ có thường xuyên nghĩ cách giúp con thư giãn sau thời gian học tập căng thẳng hay vẫn luôn câu “rất bận”? Liệu cha mẹ có hay xem việc cho tiền con coi như đã giải quyết yêu cầu của con hay thực sự hiểu các nhu cầu khác của con mà tiền không phải là vấn đề chủ yếu?...
Cha mẹ nên quan tâm trò chuyện với trẻ để tìm hiểu trẻ có niềm vui, có khó khăn, có nỗi buồn, có điều gì cần giúp đỡ… Những điều đó nên được thực hiện thường xuyên, tế nhị, thể hiện sự yêu thương và chia sẻ.
TRÚC GIANG