Ngày 1-3, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) đã tổ chức Hội nghị giao lưu trực tuyến với 63 tỉnh thành về lao động - việc làm và vấn đề gia đình với phụ nữ Việt Nam, tại 3 điểm cầu: Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ. Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ LĐTB-XH, Bộ NN-PTNT, Bộ VH-TT-DL đã trả lời nhiều vấn đề đang được chị em phụ nữ quan tâm.
Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”
Vấn đề được các đại biểu phụ nữ đặc biệt quan tâm là tình hình bạo lực gia đình đang có những diễn biến phức tạp, số vụ bạo lực nghiêm trọng chưa được can thiệp kịp thời vẫn gia tăng, mặc dù chúng ta đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, giáo dục gia đình đang có vấn đề và gây ra nhiều hệ lụy đối với trật tự xã hội. Đại diện Bộ VH-TT-DL thừa nhận mô hình gia đình Việt Nam đang bị yếu đi do những tác động của cơ chế thị trường, đòi hỏi các cấp bộ ngành phải vào cuộc.
Hiện Bộ VH-TT-DL đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng “Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030”. Về cuộc vận động xây dựng gia đình hạnh phúc “5 không - 3 sạch” của Hội LHPNVN, đại diện Bộ NN-PTNT cho rằng đây là một phong trào phù hợp với mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bao trùm 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đó là: không đói nghèo; không vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội; không sinh con thứ ba trở lên; không trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; không bạo lực gia đình; sạch nhà, sạch ngõ và sạch bếp.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện các hội phụ nữ đang rất khó khăn về kinh phí hoạt động. Các bộ, ngành chức năng chỉ tham gia phối hợp, chưa có kế hoạch bài bản. 3 năm nay Trung ương Hội LHPNVN vẫn đang phải tự túc làm các hoạt động về gia đình.
Bất bình đẳng giới trong đào tạo nghề và việc làm
Một trong những vấn đề bức xúc được đặt ra là hiện tỷ lệ phụ nữ được đào tạo nghề còn thấp so với nam giới, mới chỉ đạt 24,7%, đặc biệt, vùng Đông Nam bộ, tỷ lệ này chỉ là 9%. Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách giới trong hoạt động đào tạo nghề và việc làm? Trả lời câu hỏi này, đại diện Bộ LĐTB-XH cho rằng, một số đề án hỗ trợ học nghề, đào tạo nghề đang được áp đặt từ trên xuống, mang tính hình thức. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cùng với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng các đề án đào tạo nghề cho người lao động, nhất là đối tượng phụ nữ sẽ được khảo sát và xây dựng từ dưới lên...
Đại diện Bộ LĐTB-XH cũng cho biết, đang khảo sát, bổ sung vào danh mục nghề nghiệp đào tạo những nghề mới, phù hợp với nhu cầu xã hội đồng thời tạo thu nhập cao hơn cho lao động nữ, ví dụ nghề dịch vụ cắt tóc, gội đầu, dịch vụ giúp việc gia đình. Riêng với dịch vụ giúp việc gia đình, không chỉ trang bị những kiến thức cần thiết cho chị em, bộ còn đang nghiên cứu để có thể đào tạo ở những trình độ cao hơn, có thể là trung cấp hoặc cao đẳng.
Đại diện phụ nữ các địa phương cũng bày tỏ bức xúc về việc đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm đến nay chưa được triển khai. Đại diện Bộ LĐTB-XH cho biết, hiện Bộ Tài chính vẫn đang xây dựng thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng nguồn vốn của đề án này. Sau khi có thông tư hướng dẫn, đề án sẽ được triển khai nhanh về các địa phương. Như vậy, sắp tới chị em phụ nữ các địa phương sẽ có nhiều cơ hội đào tạo nghề và việc làm hơn.
Tại hội nghị, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thanh Hòa khẳng định, những vấn đề được đặt ra tại hội nghị trực tuyến này là những vấn đề cốt lõi. Giải quyết tốt những vấn đề này sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XI sẽ diễn ra vào ngày 12-3 tới đây tại Hà Nội.
Bích Quyên