Thời gian gần đây, trong xã hội xảy ra nhiều câu chuyện về nạn bạo hành trong gia đình, mà trong đó, phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng bị bạo hành nhiều nhất. Phải làm gì để có thể giải quyết thấu đáo nạn bạo hành trong gia đình?
Trước hết cần làm cho mọi người hiểu rõ thế nào là bạo hành gia đình. Đó không chỉ là những cú đấm, đá gây tổn thương về thể xác mà đó còn là sự bạo hành tinh thần qua sự chửi bới, đe dọa, tạo áp lực hay việc ép quan hệ tình dục, tạo ra một khuôn mẫu bắt mọi thành viên trong gia đình răm rắp làm theo… Để người dân hiểu điều này, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xuất bản tài liệu, sách truyền bá đến với người dân, trang bị kiến thức cho trẻ em về bạo hành trong gia đình.
Trong thực tế, ở nước ta phần lớn những vụ bạo hành gia đình xảy ra ở những gia đình nghèo, kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa thấp hoặc lạm dụng rượu bia. Như vậy, muốn chấm dứt nạn bạo hành gia đình thì cần xây dựng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho những người nghèo, tổ chức nhiều lớp học về kỹ năng ứng xử trong gia đình. Từ cha, mẹ, con cái đều được đi học để hiểu về nạn bạo hành gia đình. Bên cạnh đó là việc quy định cấm bán rượu bia ở vào những giờ, lứa tuổi nhất định. Một thực tế thường thấy ở các làng quê là do nghèo, dẫn đến túng quẫn, tìm đến rượu nên mất kiểm soát và nạn bạo hành xảy ra, chủ yếu là bạo hành thể xác bằng đánh đập.
Phụ nữ cần được nâng cao nhận thức để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Ảnh: T.L.
Ở những gia đình khá giả thì lại thường xảy ra nạn bạo hành về tinh thần. Điều này cần giải quyết ở vấn đề bình đẳng giới. Nhiều gia đình có của ăn của để nhưng vẫn giữ những suy nghĩ cũ, còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ hoặc suy nghĩ phụ nữ phải theo tam tòng tứ đức. Thế nên, khi bị bạo hành gia đình họ vẫn cam chịu, vì nghĩ “đó là chuyện bình thường, nói ra sẽ xấu mặt…”. Đó là một phần của nguyên nhân sâu xa, để thoát khỏi tư tưởng ăn sâu bao đời nay như thế chỉ có một giải pháp là đi học những lớp về quyền, nghĩa vụ của một thành viên trong gia đình. Người phụ nữ cần hiểu quyền lợi của mình, người đàn ông cần biết trách nhiệm của họ.
Một thực tế hiện nay là truyền thông lại đưa tin quá nhiều về những chuyện xấu trong gia đình. Trong khi những gia đình hạnh phúc rất khó tìm kiếm trên mạng internet. Sự thiên lệch này khiến người dân mất dần niềm tin về những gia đình hạnh phúc đúng nghĩa. Vậy báo chí cần đi đầu trong chuyện này, chuyện xấu về bạo hành cần lên án, cần đưa tin nhưng những câu chuyện về những gia đình hạnh phúc cũng cần viết lên để người dân đọc.
Hơn bao giờ hết luật phòng chống bạo lực gia đình cần làm rõ hơn. Tuy đã có hiệu lực từ năm 2008 nhưng chỉ đến khi những vụ bạo hành gia đình gây hậu quả nghiệm trọng thì người ta mới nhớ đến luật, mới sợ luật. Nhiều vụ còn phạt quá nhẹ, gây tâm lý “lờn luật” và cứ thế nạn bạo hành tiếp diễn. Vậy nên, hãy để những người từng bị bạo hành gia đình, những người chưa bị bạo hành gia đình, những người sắp lập gia đình góp ý, nêu ý kiến về luật phòng chống bạo lực gia đình. Để làm được điều này trước hết cần mở một diễn đàn, mà báo chí có nghĩa vụ đi đầu để những người trên vào đóng góp tiếng nói.
Bạo hành gia đình mà phụ nữ là đối tượng đang bị tổn thương nhiều nhất cần được chấm dứt. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 chúng ta không cần những lời chúc mà cần hơn những việc làm thực tế, hiệu quả để phụ nữ được “giải thoát” khỏi nạn bạo hành.
|
PHẠM KHÁNH HƯNG
Các tin, bài viết khác
- Công nhân chưa được hưởng giá điện, nước ưu đãi
- Sinh hạ bé trai ở độ cao 10.000m
- Quy hoạch phát triển khu phố Tây theo cơ chế đặc thù
- Một năm hơn 7.600 vụ tai nạn lao động, 666 người chết
- Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ đang rất cần hỗ trợ
- 6 thuyền viên Việt Nam tại Hàn Quốc mất tích
- Miễn phí vé xe buýt hành khách 75 tuổi trở lên
- Công bố mẫu thẻ Nhà báo mới
- Rào cản từ kỹ năng ứng tuyển
- Phẫu thuật thẩm mỹ trong giới trẻ