Phú Yên: Thí điểm mô hình sản xuất cá ngừ theo chuỗi

Phú Yên: Thí điểm mô hình sản xuất cá ngừ theo chuỗi

(SGGP).- Theo ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, tỉnh đang xúc tiến việc vận động xây dựng mô hình liên kết sản xuất cá ngừ theo các khâu khai thác-bảo quản-thu mua-chế biến-xuất khẩu, nhằm mục đích nâng cao giá trị cá ngừ sau khi đánh bắt.

Đây là phương pháp sản xuất theo chuỗi, vừa được Bộ NN-PTNT triển khai tại 3 địa phương có nghề khai thác cá ngừ phát triển mạnh là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, trong đó Phú Yên là địa phương triển khai sớm mô hình này.

Nghề khai thác cá ngừ đại dương tại miền Trung cần bước chuyển mình.

Nghề khai thác cá ngừ đại dương tại miền Trung cần bước chuyển mình.

Tỉnh Phú Yên hiện có 6.146 tàu cá, trong đó 1.044 tàu cá công suất từ 90CV trở lên; có 103 tổ tàu thuyền an toàn với 919 tàu cá tham gia. Phú Yên là “cái nôi” của nghề đánh bắt cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, do nghề này chưa được chuyển đổi công nghệ đánh bắt, bảo quản sản phẩm nên tổn thất sau thu hoạch khá cao, từ 20% - 30% giá trị sản phẩm làm ra. Chính vì thế, hiệu quả từ nghề khai thác cá ngừ đại dương chưa cao, có thời điểm đi xuống.

VĂN NGỌC

Nhiều hệ lụy do rừng bị mất và suy thoái

(SGGP).- Ngày 18-7, tại Đà Lạt, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức diễn đàn “Phát triển rừng bền vững - thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”. Theo tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

6 tháng đầu năm 2014, cả nước trồng trên 75.000ha rừng, trong đó có gần 3.900ha rừng phòng hộ và đặc dụng, nâng tổng diện tích rừng cả nước lên 13,8 triệu ha, độ che phủ rừng đạt 39,7%. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên rừng đang dần bị suy thoái, tình trạng phá rừng, mất rừng ngày càng nghiêm trọng. Chỉ trong năm 2013, cả nước phát hiện 25.776 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có trên 2.000 vụ phá rừng trái phép. Mất rừng và suy thoái rừng đã gây nên hiện tượng sa mạc hóa, làm nghèo kiệt đất đai tại vùng đầu nguồn, gây hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng tại nhiều địa phương.

Tại diễn đàn, các nhà khoa học, nhà quản lý và nông dân đã trao đổi, chia sẻ thông tin về vai trò của rừng, về biến đổi khí hậu và áp dụng tiến bộ kỹ thuật góp phần nâng cao hiệu quả công tác trồng và bảo vệ rừng.

NAM VIÊN

Xây dựng 3 vùng nuôi bò sữa ở Hà Nam

(SGGP).- Công ty FrieslandCampina Việt Nam vừa khởi công xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa bền vững tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam thuộc dự án phát triển vùng chăn nuôi bò sữa bền vững ở Việt Nam. Đây là sự hợp tác của Tập đoàn FrieslandCampina, De Heus, Fresh Studio… cùng chính quyền tỉnh Hà Nam và Chính phủ Hà Lan trong khuôn khổ Chương trình Phát triển kinh doanh bền vững và an ninh lương thực (FDOV) giai đoạn 2014 - 2018. Mục tiêu là hình thành và phát triển vùng chăn nuôi bò sữa chuyên nghiệp và bền vững quy mô trang trại gia đình, tạo công ăn việc làm và góp phần giảm thiểu việc nhập khẩu sữa bột.

Dự kiến đến năm 2018, xây dựng được 3 vùng chăn nuôi bò sữa tập trung. Mỗi vùng khoảng 50 trang trại (50 đến 80 con), có đất trồng cỏ, bắp; sản xuất tối thiểu 7 triệu ký sữa/năm và tạo việc làm cho 345 lao động. Ngoài ra, dự án còn hướng đến mục tiêu xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn từ cơ bản đến nâng cao, xây dựng hệ thống nguồn cung cấp thức ăn cho bò sữa và tìm kiếm những dịch vụ tài chính phù hợp cho nông dân tham gia dự án.

CÔNG PHIÊN

Huy động thành công 5.000 tỷ đồng TPCP

(SGGP).- Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa tổ chức phiên đấu thầu 5.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành, với các kỳ hạn: 3 năm (2.000 tỷ đồng) và 5 năm (3.000 tỷ đồng). Kết quả, KBNN đã huy động thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu 3 năm với lãi suất trúng thầu 5,79%/năm và 3.000 tỷ đồng trái phiếu 5 năm với lãi suất trúng thầu 6,83%/năm. Như vậy, kể từ đầu năm, KBNN đã huy động được trên 131.600 tỷ đồng TPCP.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục