Phức tạp thu thuế từ mạng xã hội

Trong thời đại kỹ thuật số, ngày càng xuất hiện rất nhiều cách kiếm tiền từ mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter, Instagram, Google… từ quảng cáo, kinh doanh đến việc thu hút người xem càng nhiều càng tốt để được trả tiền. Tuy nhiên, từ đây phát sinh vấn đề thuế thu nhập và các loại thuế khác, mà nếu truy thu sẽ mang lại con số khổng lồ cho các chính quyền. 

Kiếm tiền từ YouTube

Thói quen xem gì đang thay đổi nhanh chóng. Thay vì cả gia đình tập hợp xung quanh chiếc tivi  như những thập niên trước đây, giờ thanh thiếu niên có khuynh hướng xem video trên internet. Theo một cuộc khảo sát từ hãng truyền thông kỹ thuật số Defy Media, những người từ 13 - 24 tuổi xem trung bình 12,1 giờ video/tuần trên YouTube và mạng truyền thông xã hội, trở thành nhóm đối tượng sử dụng YouTube hàng đầu.

Có cầu ắt phải có cung. Chính vì vậy, việc sản xuất và đăng lên YouTube giờ đây đã trở thành trào lưu của giới trẻ. Clip nào trên YouTube mang tính chất trẻ trung, vui tươi sẽ thu hút được nhiều người xem và từ đó phát sinh cả các xu hướng tạo nội dung cực đoan, giật gân...

Phức tạp thu thuế từ mạng xã hội ảnh 1 Không dễ để thu thuế từ các mạng xã hội

Nếu các youtuber muốn thu hút càng nhiều người xem để được công ty Google (quản lý YouTube) trả tiền thì bản thân Goolge cũng sẽ có doanh thu quảng cáo được cài vào các clip này. Chỉ 1% những người đăng tải video clip được nhiều người xem nhất lên YouTube thu hút tới 42,1 triệu lượt xem/tháng trong năm 2016. Doanh thu của họ cũng sẽ theo cấp số nhân của lượt người xem. Điều này đã tạo ra một nhóm nhỏ triệu phú ở độ tuổi 20 - hoặc thậm chí còn trẻ hơn. Một cậu bé 6 tuổi mang tên Ryan đã kiếm được 11 triệu USD vào năm 2017 khi khoe đồ chơi trên kênh Ryan ToysReview của cậu.

Những người dùng YouTube (youtuber) này đôi khi vượt qua số lượt xem của những người nổi tiếng. Cần biết rằng, các youtuber trên toàn thế giới cứ mỗi phút tải lên các video clip với độ dài tổng cộng 400 giờ, nên họ cạnh tranh khốc liệt với nhau. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy, 3% kênh hàng đầu của YouTube có 90% lượng người xem. Thông thường, công ty Google sẽ thu thuế thu nhập của các youtuber. Nhưng việc các chính quyền địa phương thu thuế như thế nào với Google là một câu chuyện khác phức tạp hơn.

Theo Newsweek, một trong những youtuber nổi tiếng thế giới hiện nay là kênh PewDiePie với số lượng đăng ký là 64, 8 triệu người, tổng số lượt xem là gần 18,5 tỷ, chủ nhân là Felix Arvid Ulf Kjellberg, 28 tuổi, người Thụy Điển. Anh nổi tiếng với các phần video bình luận nhưng đôi khi lại mang tính chất phân biệt chủng tộc gây tranh cãi. Theo Forbes, thu nhập của Kjellberg là 12 triệu USD trong năm 2017. Hay như kênh HolaSoyGerman của youtuber nổi tiếng nhất thế giới người Chile Germán Garmendi với 34,2 triệu người đăng ký và 3,57 tỷ lượt xem. Ngoài việc sở hữu kênh YouTube đình đám, anh còn là chủ ban nhạc và là tác giả cuốn sách ChupaElPerro.

Về game, giới game thủ không thể không nhắc đến kênh YouTube mang tên ElrubiusOMG với số người đăng ký là 30,4 triệu và tổng số lượt xem 6,78 tỷ. Chủ nhân kênh này là youtuber 28 tuổi người Tây Ban Nha Rubén Doblas Gundersen, đã trở nên nổi tiếng bằng cách sản xuất một loạt các video game và vlog trên YouTube. Anh quảng bá lối sống lành mạnh, kêu gọi bỏ hút thuốc, bỏ uống rượu trong vlog và hợp tác với Pepsi và McDonald. Nhưng gần đây, anh đã thông báo sẽ nghỉ ngơi vì sức khỏe tâm thần có vấn đề.

Chuyện thu thuế

Ngoài YouTube, các mạng xã hội khác, trong đó có Facebook đang ngày càng phát huy sự tiện lợi trong kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề thu thuế với các nhà mạng này và với các cá nhân kinh doanh hay có thu nhập từ các mạng xã hội vẫn là vấn đề mới, gây tranh cãi ở nhiều nơi trên thế giới.

Tòa án Tối cao Bangladesh hồi tháng 4 đã ra lệnh cho chính quyền đánh thuế các giao dịch quảng cáo của Bangladesh được đăng trên Google, Facebook, YouTube và các trang web tương tự khác. Tòa án này đã đề cập cụ thể đến các công cụ tìm kiếm Google và Yahoo, nền tảng thương mại điện tử toàn cầu Amazon, trang web truyền thông xã hội Facebook và trang web chia sẻ video YouTube. Bên cạnh các quảng cáo, tất cả giao dịch khác như bán hàng hóa và dịch vụ, mua bán tên miền, chi phí giấy phép cũng sẽ chịu thuế.

Trước đó, ông Humayun Kabir Pallab, một trong những người khiếu kiện cho biết, các trang web và các mạng xã hội đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống hàng ngày ở Bangladesh. Các công ty nổi tiếng trên toàn cầu đang thu hút hàng triệu taka (đơn vị tiền tệ Bangladesh) từ các trang web này. Theo ông Pallab, “chính phủ đang thất thu trong khi Anh, Italy, Pháp và nhiều nước châu Âu khác đang thu thuế doanh thu khổng lồ từ các mạng xã hội”.

Còn theo Financial Times, Ủy ban châu Âu đang chuẩn bị đưa các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook và Apple vào chịu “thuế kỹ thuật số” tính trên doanh thu của họ. Khoản thuế này sẽ giúp EU thu về khoảng 5 tỷ EUR mỗi năm. Khoản tiền này dự kiến ở mức 3% - 5% doanh thu so với doanh thu quảng cáo do các công ty này điều hành. Ngoài ra, EU cũng sẽ thu thuế bán dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba. Theo bản dự thảo, mức thuế trên áp dụng với các công ty có doanh thu toàn cầu hàng năm hơn 750 triệu EUR và tổng doanh thu chịu thuế là 50 triệu EUR được tạo ra ở EU.

Các quan chức EU ước tính, các biện pháp thuế tạm thời sẽ ảnh hưởng đến khoảng 100 công ty kỹ thuật số. Kế hoạch chi tiết về thuế của Ủy ban châu Âu làm cho các công ty kỹ thuật số, nhất là từ Mỹ, giận dữ  vì cho là EU đối xử bất công với họ. Để trở thành luật, dự luật này cần 28 quốc gia thành viên của EU phê chuẩn. Chính phủ Anh cũng đã ám chỉ rằng, họ có thể xem xét áp thuế với doanh thu kỹ thuật số.

Trong vài năm qua, các công ty công nghệ và internet của Mỹ, như Amazon, Facebook, Apple và Google, đã bị chỉ trích nặng nề từ các chính trị gia EU vì họ không đóng đủ mức thuế so với thu nhập khủng. Trong năm 2016, Ủy ban châu Âu đã phán quyết yêu cầu Ireland thu 13 tỷ EUR tiền thuế từ công ty Apple.

Thuế người bán hàng trực tuyến

Tại Mỹ, gần đây đã xảy ra các cuộc tranh luận ở nhiều bang về việc thu thuế của những công ty bán hàng trực tuyến. Bang South Dakota đã thông qua một luật vào năm 2016 yêu cầu thu thuế các nhà bán lẻ ngoài tiểu bang giao dịch với cư dân trong tiểu bang. Tuy nhiên, nhiều công ty bán lẻ kiện khi cho rằng, họ không mở văn phòng đại diện ở bang nên không thể đánh thuế họ.

Theo trang web Marketplace, công ty chuyên bán hàng qua mạng Amazon thường không thu thuế bán hàng ở hầu hết các bang. Phân nửa doanh thu của Amazon gián tiếp thông qua các nhà cung cấp liên kết thị trường của họ và Amazon không yêu cầu các nhà cung cấp liên kết đó thu thuế bán hàng. Có thể nói, 30% doanh thu của Amazon vẫn không bị chịu thuế bán hàng. Ngay cả những ông trùm khác về bán lẻ như Wayfair, Overstock, Newegg đều là những nhà cung cấp khá lớn, doanh thu vài tỷ USD mỗi năm trên cả nước Mỹ nhưng vẫn tìm cách trốn nghĩa vụ thu thuế bán hàng ở hầu hết các bang. Khách hàng có xu hướng so sánh mức giá trên mạng với trên thị trường. Họ mua sản phẩm qua mạng vì thấy giá rẻ hơn và điều này gây hại cho nền kinh tế địa phương, công ăn việc làm, thu nhập của tiểu bang...

Dựa vào việc không đặt cơ sở hay văn phòng đại diện, Amazon nằm ở tiểu bang Washington và không bao giờ muốn hiện diện ở bang California vì họ không muốn thu thuế bán hàng cho bang California. Nhưng trong gần 7 năm qua, dưới sức ép của các bang, Amazon đã đạt được một loạt các thỏa thuận với chính quyền tiểu bang, dẫn đến Amazon thu thuế bán hàng.

Tin cùng chuyên mục