Phun sương cây cà phê

Hạn hán xảy ra ở Tây Nguyên đang càng ngày khốc liệt, cứ đến mùa khô là người dân nơi đây phải quay cuồng tìm nước tưới cho cây trồng. Để ‘’sống chung’’ với hạn hán, nhiều người dân đang tìm cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tiết kiệm nước tưới và chi phí đầu tư.
Phun sương cây cà phê

>> Đắp đập, dồn cát, trồng rau xanh

Hạn hán xảy ra ở Tây Nguyên đang càng ngày khốc liệt, cứ đến mùa khô là người dân nơi đây phải quay cuồng tìm nước tưới cho cây trồng. Để ‘’sống chung’’ với hạn hán, nhiều người dân đang tìm cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tiết kiệm nước tưới và chi phí đầu tư.

Vườn tiêu của anh Nguyễn Ngọc Long (ở huyện Chư Prông) sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm. Ảnh VÕ PHÚC

Thiếu nhưng lãng phí

Tây Nguyên hiện có hơn 40.000ha cà phê và 2.200ha hồ tiêu đang thiếu nước tưới, diện tích này sẽ còn tăng nếu thời gian tới không có mưa. Nhưng người dân nơi đây, đa số vẫn sử dụng phương pháp tưới truyền thống, nên lãng phí nguồn nước.

Tại Đắk Nông và Đắk Lắk, người dân thường tưới bằng phương pháp tưới dí từ 3-4 lần/năm, rất tốn tiền, tốn nước và công sức tưới.

Ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Một trong những thách thức để phát triển cây công nghiệp bền vững là vấn đề nước tưới và tưới nước như thế nào để đáp ứng yêu cầu cho cây sinh trưởng? Theo thói quen canh tác của nông dân, khi bước vào mùa khô thường áp dụng phương pháp tưới trực tiếp vào gốc cây hoặc tưới phun mưa với lượng từ 450 - 500 lít nước/cây/lần và trung bình tưới 4 lần cho mỗi mùa, như vậy 1ha tiêu tốn 1.800 - 2.000m3 nước/năm. Với 203.746ha cà phê, hàng năm tỉnh Đắk Lắk tiêu tốn gần 500 triệu mét khối nước. Trong khi đó, từ đầu tháng 4 đến nay, mực nước các sông suối trên địa bàn suy giảm nhanh, nguồn nước ngầm cũng vậy và hầu hết các hồ chứa nhỏ đã cạn khô hoặc dưới mực nước chết.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, dù đang thiếu nước nghiêm trọng nhưng nông dân vẫn áp dụng phương pháp tưới truyền thống, trong đó có hơn 70% diện tích áp dụng cách tưới gốc (lượng nước khoảng 600-800 lít/gốc/lần tưới), chỉ khoảng 10% diện tích áp dụng phương pháp tưới phun mưa.

Còn tại Kon Tum, hệ thống các công trình thủy lợi hiện chỉ đáp ứng được 21,3% nhu cầu tưới cà phê Robusta (khoảng trên 3.000ha), 67,3% lấy nước tưới từ các công trình nhỏ lẻ như giếng khoan, giếng đào hoặc bơm nước trực tiếp từ sông, suối (khoảng trên 9.500ha); còn lại trên 1.610ha (chiếm 11,4 %) cà phê không phải tưới nước, nhờ tiểu khí hậu (quanh năm ẩm ướt) tại các vùng Đông Trường Sơn của tỉnh Kon Tum.

Áp dụng khoa học

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường, việc tìm các giải pháp kỹ thuật nhằm tiết kiệm nguồn nước tưới, phân bón vô cùng quan trọng. Trước tình hình đó, nhiều người dân đã học cách tưới tiết kiệm nước, như: công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, công nghệ tưới phun mưa cục bộ của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) và mô hình tưới nhỏ giọt do các hộ dân tự chế, dựa trên các mô hình tưới trên. Gia đình anh Nguyễn Ngọc Long (thôn 1, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) có 6ha hồ tiêu. Cứ đến mùa tưới, gia đình lại chạy đôn chạy đáo thuê người kéo ống tưới. Thấy trên thị trường giới thiệu công nghệ tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước của Israel nhưng có giá tới 45 triệu đồng nên anh không mua và tự lên internet nghiên cứu, rồi độ “chế” lại bộ tưới nhỏ giọt mới. ‘’Bộ tưới nhỏ giọt “chế” lại cơ bản giống như công nghệ của Israel nhưng có thay đổi một số bộ phận. Bộ tưới có cấu tạo gồm: máy bơm, bộ lọc, đường ống chính, đường ống phụ, ống nhựa mềm… với tổng chi phí khoảng 30 triệu đồng. Thực tế cho thấy, công nghệ tưới này rất lợi nước và nhanh gấp 3 lần so với tưới ống thủ công. Công nghệ này cũng giúp bón phân tự động qua đường ống’’, anh Long chia sẻ.

Khi chúng tôi ghé thăm rẫy cà phê giống của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển nông lâm nghiệp Ea Kmát (thuộc WASI) vào cao điểm mùa hạn, nhưng trên rẫy tuyệt nhiên không thấy bóng dáng công nhân hay đường ống tưới nước nào, trong khi cây cà phê vẫn bung bông đều trắng muốt. Thấy chúng tôi thắc mắc, ông Bùi Đăng Khoa, Phó phòng Kinh doanh và chuyển giao công nghệ (WASI), giải thích: “Gần 3 năm nay, công ty đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng phương pháp ‘’phun sương cục bộ’’ nên việc tưới cà phê, bón phân rất nhàn hạ. Hệ thống tưới nước tiết kiệm hoạt động khá đơn giản, chỉ cần chôn một đường ống dẫn nước dọc theo đường lô của rẫy, từ đường ống này sẽ đấu nối thêm các đường ống ngang có lắp van khóa nổi trên mặt đất, từ van khóa tiếp tục lắp các ống dẫn nước loại mềm bằng ni lông (hoặc cao su) rồi kéo dọc các gốc cà phê, từ đường ống mềm này nối các ống béc nhỏ cắm đến từng gốc cà phê. Vào mùa tưới, nước sẽ được bơm lên bể xi măng hoặc bồn lớn đặt ngay cạnh rẫy, nước từ bể sẽ bơm vào hệ thống ống dẫn chính chôn dưới đất; khi cần tưới ở lô nào, chỉ mở khóa đấu nối trên mặt đất để tưới cho từng gốc cà phê ở đó”.

Mô hình cần nhân rộng

Ông Nguyễn Văn Gặp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), cho biết: ‘’Trên thực tế, có 3 loại công nghệ tưới tiết kiệm đang được dân sử dụng. Tưới tiết kiệm thì nước hay phân bón đều tưới nhỏ giọt vào gốc nên giúp thấm lâu, tránh thất thoát ra bên ngoài. Ước tính, sử dụng công nghệ này giúp tiết kiệm được khoảng 30% lượng nước tưới, 30% lượng phân bón, tiết kiệm được công tưới. Với những ưu điểm như vậy, địa phương khuyến khích áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nhưng do giá thành cao, nhiều người dân còn e dè nên thực tế số hộ sử dụng công nghệ tưới này còn hạn chế’’. Ngoài lý do trên, các hộ dân còn cho rằng, khi lắp đặt công nghệ tưới tiết kiệm, toàn bộ hệ thống như máy bơm, ống tưới đều phải lắp cố định ngoài vườn. Nếu khu vườn gần nhà thì còn trông coi được, chứ rẫy xa nhà rất khó quản lý, dễ mất cắp nên dân còn e dè trong việc lắp đặt công nghệ tưới này.

TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho hay: “Trong thời buổi hạn hán khốc liệt khiến nước ngầm sụt giảm như hiện nay, việc áp dụng các công nghệ tưới tiết kiệm sẽ giúp tiết kiệm nước, giảm xói mòn nên cần được nhân rộng. Để người dân sử dụng phổ biến công nghệ này, cần phải tháo gỡ những trở ngại về an ninh trật tự (sợ mất cắp) và vốn đầu tư. Cách tốt nhất là nên thành lập các hợp tác xã. Khi ấy các hộ dân sẽ thay nhau bảo vệ hệ thống tưới của mình khỏi bị mất trộm. Ngoài ra, về vốn đầu tư, nên có những gói tín dụng ưu đãi ban đầu để giúp người dân vay đầu tư hệ thống.

CÔNG HOAN - VÕ PHÚC

Tin cùng chuyên mục