Phương pháp dạy học tích cực tại APC

Hệ thống Trường Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (APC) đang đẩy mạnh việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy và quản lý, nhằm phục vụ cho mục tiêu đào tạo học sinh thành những công dân toàn cầu.

Hệ thống Trường Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (APC) đang đẩy mạnh việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy và quản lý, nhằm phục vụ cho mục tiêu đào tạo học sinh thành những công dân toàn cầu.

Phương pháp dạy học tích cực là gì?

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, phương pháp dạy học tích cực được áp dụng tại nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới hiện nay là phương pháp giáo dục, dạy học theo hướng phát huy tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, trái với việc học thụ động. Đây là phương pháp hướng tới hoạt động hóa, chủ động hóa quá trình nhận thức của người học, chứ không phải tập trung vào phát huy tính chủ động của người dạy. Phương pháp này đòi hỏi người dạy (giáo viên) phải đầu tư công sức, nỗ lực rất nhiều so với phương pháp thụ động trước đây.

Một cách đơn giản hơn, dạy học tích cực xảy ra khi học sinh có cơ hội được tương tác với chủ đề của khóa học. Đó là tất cả những gì mà học sinh làm ngoài việc lắng nghe bài giảng một cách thụ động. Trong dạy học tích cực, học sinh cùng tạo ra bài học, kiến thức chứ không chỉ nhận kiến thức và giáo viên là người dẫn dắt chứ không phải người áp đặt học sinh.

Áp dụng tại APC

Tiến sĩ Trần Nam Dũng - Hiệu phó Hệ thống APC cho biết: giảng dạy chủ động luôn phải gắn liền với học tập chủ động để hình thành phương pháp dạy học tích cực (Active Learning). Giáo viên phải tạo được những cơ hội học tập cho học sinh thông qua hoạt động đa dạng, kích thích học sinh khám phá, áp dụng, phân tích và đánh giá ý tưởng, thay vì truyền đạt thông tin một chiều. Nhờ vậy, các em có cơ hội nêu những thắc mắc về vấn đề mà mình chưa hiểu biết, động não để tiến đến cách giải quyết vấn đề và tiếp cận sâu trong quá trình học tập.

Với phương pháp này, học sinh APC và thầy cô như hòa nhập vào nhau trong giờ học. Thầy, cô có tài làm cho học sinh phải chủ động bận rộn trong suốt 45 phút của tiết học. Các em tham gia bài giảng của thầy, cô hết sức tự nhiên và ngấm bài học một cách tự nhiên, vui vẻ. Cách giảng dạy như vậy khác hẳn với dạy học truyền thống làm cho học sinh bị áp lực, co cứng vào việc nhớ lời thầy để mà viết, chứ không phải tư duy để hiểu. Kết quả, phương pháp mới này mang lại hiệu quả cao trong quá trình đào tạo, đem lại tiến bộ và thích thú cho học sinh.

Sự việc này cũng phù hợp với Luật Giáo dục mà Điều 24 đã ghi rõ: “Phương pháp Giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú cho học sinh”.

Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu của một số chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Cải tiến phương pháp Dạy và Học (CEE) – Đại học Quốc gia TPHCM thì khả năng tiếp thu và vận dụng bài học của học sinh đã tăng lên khi học tập chủ động. Với phương pháp này, người học - đối tượng hoạt động dạy học, đồng thời là chủ thể của hoạt động học tập - được cuốn hút vào hoạt động học tập một cách chủ động do giáo viên tổ chức và hướng dẫn. Thông qua đó, học sinh tự lực khám phá điều mình chưa rõ, không phải thụ động tiếp thu kiến thức đã được giáo viên sắp đặt. Học sinh cũng đặt mình vào tình huống của đời sống thực tế, được trải nghiệm, trực tiếp quan sát, thảo luận, làm thí nghiệm, giải quyết vấn đề đặt ra theo hướng suy nghĩ của mình, vừa thông qua làm việc cá nhân, vừa phải theo nhóm, từ đó thu đạt được những kiến thức mới, phát huy tiềm năng sáng tạo.

Được biết, trong hai tuần lễ định hướng từ ngày 16-7 đến 28-7-2012, Hệ thống Trường Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương có tổ chức buổi đào tạo, thảo luận về phương pháp dạy học tích cực cho giáo viên và học sinh ở khắp cơ sở tại TPHCM, Nha Trang, Phan Thiết, Đồng Nai. Mục tiêu quan trọng được đặt ra cho các hoạt động này: Làm thế nào để dạy học tích cực được áp dụng mạnh mẽ và hiệu quả trong hoạt động dạy và học tại APC.

Ghi chú: Gameshow khoa học - vui học bổ ích tại APC

ANH TRINH

 Những giá trị của phương pháp dạy học tích cực

1/ Khuyến khích học sinh tư duy, không thụ động học thuộc lòng, thu hút học sinh vào quá trình học.

2/ Kết quả học tập được cải thiện nhờ khai thác được mối liên hệ giữa những điều cần học với kinh nghiệm của học sinh.

3/ Xây dựng được sự hiểu biết trong học sinh, tạo tính đa dạng trong suy nghĩ và cách nhìn khi học sinh học hỏi lẫn nhau.

4/ Phát triển cộng đồng các nhóm học tập (học theo nhóm). Khuyến khích học sinh tìm kiếm và chấp nhận sự giúp đỡ từ những người xung quanh.

5/ Cung cấp các phương pháp đa dạng để đánh giá quá trình học tập của học sinh.

6/ Phát triển kỹ năng giao tiếp thông qua các thảo luận trong lớp.

7/ Mô hình các kỹ thuật giải quyết vấn đề cho học sinh

8/ Gia tăng sự hấp dẫn và sự quan tâm của chính người dạy khi họ luôn học được những điều mới và phải đối mặt với nhiều thách thức trong mỗi buổi học.

9/ Thiết lập bầu không khí phù hợp để chuẩn bị cho học sinh bước vào công việc thực tế khi làm việc nhóm là “kỹ năng sống còn” để thành công.

10/ Khuyến khích học sinh nhận trách nhiệm về việc học của chính mình.

(Nguồn: APC)

Tin cùng chuyên mục