Phương Tây lên kế hoạch cấm vận Nga

Ukraine có “buông” Crimea?
Phương Tây lên kế hoạch cấm vận Nga

Theo kế hoạch, hôm nay 13-3, quan chức 10 nước (gồm Mỹ, Anh, Ý, Pháp, Ba Lan, Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada) dự kiến gặp nhau tại thủ đô London (Anh) để lập kế hoạch trừng phạt Nga vì cái gọi là “can thiệp vào Ukraine”. Sau đó, ngày 17-3, Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ họp tại Brussels (Bỉ) và theo giới quan sát không loại trừ khả năng EU sẽ hành động trước nếu các bên không thể bắt đầu cuộc đối thoại trong những ngày tới.

Hải quân Ukraine đóng trên tàu Ternopil tại cảng Sevastopol ở CH Crimea ngày 12-3.

Hải quân Ukraine đóng trên tàu Ternopil tại cảng Sevastopol ở CH Crimea ngày 12-3.

Ukraine có “buông” Crimea?

Trước thềm cuộc trưng cầu dân ý liên quan đến việc sáp nhập vào Liên bang Nga dự kiến diễn ra vào ngày 16-3, Quốc hội Ukraine cảnh báo Quốc hội Cộng hòa tự trị Crimea đối mặt với nguy cơ bị giải tán nếu không hủy cuộc trưng cầu dân ý này. Quốc hội Ukraine cũng thông qua nghị quyết đặt thời hạn chót ngày 12-3 cho Quốc hội Crimea phải hủy bỏ cuộc trưng cầu dân ý. Trước đó, với tỷ lệ 78/81 phiếu tán thành, ngày 11-3, Quốc hội Crimea tuyên bố độc lập khỏi Ukraine.

Bất chấp chính quyền Ukraine, OSCE và các nước phương Tây tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý là bất hợp pháp, chính quyền Cộng hòa tự trị Crimea cũng quyết định đóng cửa không phận đối với các chuyến bay dân sự từ Ukraine vài ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về việc Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga.

Trước tình hình này, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov tuyên bố Ukraine sẽ không cố gắng có hành động quân sự nhằm ngăn cản việc ly khai của bán đảo Crimea, qua đó tránh để biên giới phía Đông của nước này rơi vào tình thế nguy hiểm. Cùng ngày 12-3, Ukraine đã đệ trình lên các quốc gia bảo trợ của Thỏa thuận Budapest đơn thỉnh cầu trợ giúp để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nước này. Trong đơn thỉnh cầu được Quốc hội Ukraine thông qua, Kiev đã kêu gọi Mỹ và Anh áp dụng mọi biện pháp ngoại giao, chính trị, kinh tế và quân sự có thể để duy trì độc lập và chủ quyền của Ukraine.

Châu Âu đặt điều kiện với Nga

Ngày 12-3, các nhà lãnh đạo của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) đã khuyến cáo Nga ngừng mọi hoạt động liên quan tới cuộc trưng cầu dân ý tại bán đảo Crimea của Ukraine và “chấm dứt mọi nỗ lực nhằm thay đổi quy chế của Crimea”, nếu không Mátxcơva sẽ phải đối mặt với hành động đáp trả. Ngoài ra, G-7 còn khẳng định việc cuộc trưng cầu dân ý về việc Crimea sáp nhập vào Nga sẽ không có “hiệu lực pháp lý”. Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố muốn áp đặt lệnh cấm đi lại đối với “các nghị sĩ danh tiếng của Nga”. Cùng ngày, tờ Kommersant của Nga dẫn nguồn tin từ trụ sở Tổ chức NATO và Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết NATO sẽ kết nạp Gruzia vào tháng 9 tới nếu Crimea sáp nhập LB Nga.

Cùng ngày, Thủ tướng lâm thời của Ukraine, ông Arseniy Yatsenyuk, đã tới Washington và dự kiến có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. Giới chuyên gia nhận định, ông Yatsenyuk nhiều khả năng sẽ thảo luận chi tiết gói cứu trợ trị giá 35 tỷ USD mà ông nói là nền kinh tế bấp bênh của Ukraine cần để đứng vững trong 2 năm tới.

Trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang tại bán đảo Crimea, Nga và phương Tây đã tiến hành các cuộc tập trận. Ngày 12-3, hải quân Bulgaria thông báo cuộc tập trận hải quân chung giữa nước này với Mỹ và Romania đã bắt đầu trên Biển Đen. Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Truxtun, với khoảng 300 thủy thủ đoàn và một phần Hạm đội 6 của Mỹ đóng ở Italia, đã tham gia các nội dung diễn tập với khinh hạm Drazki của hải quân Bulgaria và 3 tàu Romania khác trên Biển Đen. Trước đó, ngày 11-3, NATO cũng bắt đầu các cuộc tập trận phòng không tại Ba Lan. Trong khi đó, ngày 11-3, Nga cũng bắt đầu các cuộc tập trận quân sự với sự tham gia của khoảng 4.000 lính nhảy dù, cuộc tập trận lớn nhất trong 20 năm qua.

HẠNH CHI (tổng hợp)

- Cộng hòa tự trị Crimea muốn đổi tên thành Cộng hòa Crimea

Tin cùng chuyên mục