Phương thức lỗi thời

Trước những phản ứng gay gắt của khán giả cũng như công luận, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã chính thức có ý kiến chỉ đạo liên quan đến bộ phim truyện hoạt hình "Everest - Người tuyết bé nhỏ".

Theo người đứng đầu ngành văn hóa, căn cứ kết quả báo cáo của Cục Điện ảnh về việc kiểm tra lại quá trình cấp phép phổ biến phim Everest - Người tuyết bé nhỏ, Cục Điện ảnh sẽ khẩn trương tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm những sai sót của cá nhân, tập thể liên quan trong quá trình thẩm định duyệt và cấp phép phổ biến phim này. Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cũng yêu cầu tham mưu kiện toàn Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, cũng như nghiên cứu thành lập bộ phận giúp việc hội đồng này bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Vẫn biết, sự xuất hiện của Hội đồng Kiểm duyệt phim quốc gia với tư cách “người gác cổng” là cần thiết tại thời điểm nền điện ảnh trong nước còn non trẻ, thị hiếu khán giả, trình độ dân trí chưa đồng đều. Tuy nhiên, tại thời điểm này, khi mà lượng phim nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước ngày một tăng nhanh, các lỗi vi phạm càng tinh vi và biến hóa khó lường thì đã đến lúc hội đồng này cần có sự thay đổi.

Việc bổ sung những người trẻ (am hiểu nhiều lĩnh vực, không chỉ chuyên môn điện ảnh), những người nhanh nhạy nắm bắt kịp thời sự phát triển của điện ảnh thế giới cũng cần được chú trọng. Khi ấy, hội đồng sẽ không chỉ là “người gác cổng” khó tính, lạc hậu cũ kỹ, mà còn là nhân tố góp phần thúc đẩy, đưa tinh hoa của nghệ thuật thứ bảy đến với khán giả và những người làm nghề, từ đó thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh nội địa. 

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, việc kiện toàn này cũng chỉ mang tính tình thế, về lâu dài cần xem xét lại quy trình cũng như phương thức thẩm định. Cụ thể, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý vào sửa đổi Luật Điện ảnh, cho rằng việc thẩm định phim qua hội đồng độc quyền rất tốn kém chi phí sẽ kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và cơ hội được xem phim của khán giả.

Nếu giả sử một hội đồng thẩm định làm việc 240 ngày mỗi năm, mỗi ngày thẩm định được 3 phim thì một năm chỉ có thể kiểm duyệt được tối đa 720 phim. Đây sẽ là những con số hạn chế khả năng sản xuất phim trong nước cũng như cơ hội tiếp cận các tác phẩm điện ảnh của thế giới. 

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo mạnh dạn đổi mới cơ chế kiểm duyệt phim theo hướng, tổ chức nào đủ điều kiện đều có thể đăng ký và được cấp phép hoạt động kiểm duyệt phim. Cơ quan nhà nước trong khi đưa ra các tiêu chí kiểm duyệt, tập huấn người làm kiểm duyệt sẽ đảm trách nhiệm vụ hậu kiểm nội dung phim đã được phổ biến và công tác kiểm duyệt của các tổ chức đã được cấp phép.

“Một cơ chế như vậy vừa bảo đảm quản lý tốt nội dung phim, vừa giúp tạo tính cạnh tranh trên thị trường và giúp nền điện ảnh phát triển không bị hạn chế”, VCCI kiến nghị.

Tại thời điểm này, để thay đổi ngay về tiêu chí cũng như quy trình thẩm định điện ảnh là việc không đơn giản, song nếu không làm ngay và đồng bộ thì sẽ còn nhiều kẽ hở có thể chui lọt cả con voi.

Tin cùng chuyên mục