Phượt đang bị biến tướng

Phong trào đi phượt bằng mô tô, xe máy trong giới trẻ ở nước ta ngày càng trở nên phổ biến. Hiện nay, phong trào này bắt đầu có những biến tướng, do vậy, trong các chuyến phượt đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông cùng những câu chuyện tiêu cực khiến nhiều người bức xúc.

Những phong trào như “tour điên”, “phượt bạo lực”, “phượt thử thách bản thân”, thậm chí đem mạng sống của mình ra đánh cược, được quảng bá thường xuyên trên các diễn đàn, hội nhóm phượt thủ. Năm ngoái, một nữ phượt thủ nhận lời cá cược hoàn thành chặng đường chạy xe máy từ Đà Lạt về TPHCM trong thời gian 4 giờ 30 phút, nếu hoàn thành cung đường đó trong thời gian cá cược thì sẽ nhận được số tiền 10 triệu đồng. Và rồi với thời gian 4 giờ 15 phút từ Đà Lạt về TPHCM, nữ phượt thủ này đã thắng cược, nhận được tiền và khoe lên mạng xã hội.

Từ đó, trào lưu phượt mạo hiểm, phượt bạo lực hay chỉ để khoe chiến tích trên mạng xã hội bắt đầu nở rộ. Nhiều bạn trẻ đi chỉ để thể hiện, chụp vài tấm ảnh, đăng trên Facebook cho bằng bạn bè. Cứ như thế, phượt trở thành phương tiện để đánh bóng bản thân, để khoe mẽ và cho thiên hạ thấy rằng mình bắt kịp xu hướng.

Nhiều bạn trẻ cứ “lên xe là phóng”, chạy với tốc độ “bàn thờ” trên những cung đường, bật đèn xi nhan, bấm còi inh ỏi giành đường, không cần biết hiểm họa luôn rình rập. Mới đây, các thành viên trong đoàn phượt hơn 200 người, khi đi qua ngã tư đường Hùng Vương - Lê Hồng Phong (TP Nam Định) đã có hành vi tự tiện chặn các phương tiện giao thông khác, giành đường để đoàn phượt đi qua. Rất nhiều người bức xúc lên tiếng với hành động ngông nghênh của các bạn trẻ này.

Không biết từ bao giờ, cứ nhắc đến phượt, người ta sẽ ngay lập tức tỏ thái độ thiếu thiện cảm, lên tiếng phản đối. Bởi cứ sau mỗi chuyến đi, nhiều đoàn phượt để lại ấn tượng xấu, như vô tư xả rác bừa bãi, tàn phá thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và hái trộm nông sản của người dân bản địa.

Nắm được tâm lý của các bạn trẻ mong muốn được đi nhiều nơi để trải nghiệm khám phá, khoảng vài năm trở lại đây đã xuất hiện một số người tự xưng là leader (người chỉ huy một tập thể), thường xuyên tuyển thành viên để tổ chức các chuyến đi phượt ngắn ngày. Lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm của những người lần đầu đi phượt, họ lên lịch trình, thực đơn, rồi thu tiền nhằm ăn chênh lệch tiền chi phí trong toàn bộ chuyến đi.

Bạn Tuấn Hiếu (sinh viên Trường Đại học Hutech) ấm ức kể lại: “Vào tháng 1 vừa qua, mình và các bạn tham gia vào nhóm phượt để đi cung đường TPHCM đến núi Bà Đen (Tây Ninh). Các thành viên phải đóng 500.000 đồng cho leader để lo chi phí ăn uống và tiền thuê lều, nhưng rồi trong chuyến hành trình cả nhóm chỉ được ăn một dĩa cơm bụi và một tô mì gói, và thay vì 2 người được ngủ 1 lều thì đoàn bị nhét 4 người/lều”.

Những vụ tai nạn giao thông xảy ra trong các chuyến phượt gần đây là lời cảnh tỉnh cho những bạn trẻ đam mê phượt. Phải luôn cẩn trọng trên suốt hành trình, quan tâm đến sự an toàn của bản thân và những người xung quanh. Không nên chỉ vì mong muốn đánh bóng bản thân mà có thể đánh đổi cả mạng sống của mình.

Tin cùng chuyên mục