Nếu tính trên giá trị sản xuất, chưa có vật nuôi nào vượt qua con cá tra, khi với hơn 5.400ha mặt nước đã tạo ra giá trị xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD. Ngay cả với con tôm, để mang về 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2014 phải cần diện tích nuôi hơn 660.000ha mặt nước. Từ năm 2003 đến năm 2008 là giai đoạn phát triển “chóng mặt” của ngành hàng này khi kim ngạch từ hơn 100 triệu USD tăng lên 1,5 tỷ USD/năm. Sự phát triển “nóng” làm diện tích và sản lượng nuôi cá tra tăng tự phát quá nhanh, vượt xa nhu cầu thị trường.
Sự mất cân đối cung cầu gây ra cuộc khủng hoảng từ sau năm 2008 khi sản lượng nuôi giảm, giá cả trồi sụt, người nuôi phải “treo ao”, vướng nợ và không ít doanh nghiệp (DN) lao đao, kể cả phá sản. 2014 là năm thứ 3 liên tiếp giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá tra đi ngang ở mức 1,7 tỷ USD, nhưng lợi nhuận đạt thấp nhất những năm qua.
Việc tổ chức lại sản xuất, chế biến và xuất khẩu ngành hàng này sao cho hài hòa quyền lợi giữa các khâu trong chuỗi là điều nên làm và được sự đồng thuận của cả người nuôi, nhà chế biến xuất khẩu. Chấp nhận hy sinh tăng trưởng “nóng” đổi lấy sự bền vững. Năm 2014 ghi nhận những chuyển đổi căn bản khi ngành hàng này được tái cơ cấu lại với Nghị định 36 về cá tra được Thủ tướng Chính phủ ban hành, cùng với việc trước đó là Quyết định 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng trước những khó khăn chung của con cá tra và con tôm. Năm 2014, dù vẫn còn bộn bề công việc, nhưng lần đầu tiên giữa cung và cầu mặt hàng cá tra về nguyên liệu và thị trường khá cân bằng.
Tuy nhiên, vì cách nhìn nhận vấn đề giữa nhà quản lý và DN chưa có sự đồng nhất nên dẫn đến nhiều cuộc đối thoại bất thành. Vấn đề là sự khác biệt về cách nhìn về thị trường cá tra. Quan điểm cho rằng cá tra Việt Nam “một mình một chợ” trên thị trường thế giới, khi chiếm tới 99% sản phẩm giao dịch là chưa chuẩn xác. Sản phẩm cá tra nằm chung thị trường cá thịt trắng như cá tuyết, cá Minh Thái Alaska… là cá biển tự nhiên hay cá rô phi, cá nheo là cá nuôi. Thị trường này vốn định hình ở châu Âu và Bắc Mỹ. Khi việc khai thác cá thịt trắng tự nhiên gặp khó khăn người tiêu dùng mới sử dụng cá nuôi.
Có thể vì quá nóng vội, nhà quản lý muốn nhanh chóng nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra để có giá bán cao hơn nên đã có những quy định sâu vào chuyên môn như tỷ lệ mạ băng (phần nước đá quanh miếng phi lê cá tra đông lạnh) 10% thay vì 20%, và độ ẩm (hàm lượng nước) tối đa khi rã đông là 83% so với 84% như thị trường đã hình thành từ bao lâu nay.
Nhiều DN cho rằng, nếu có sự đồng cảm của nhà quản lý sẽ giúp DN giảm bớt gánh nặng khi khó khăn về thị trường khiến DN luôn phải lo toan, nhưng ở đây như cuộc đấu trí, xem ai chịu đựng giỏi hơn. Nghị định 36 xuất phát từ động cơ tốt, nhưng không thể áp đặt thị trường chỉ với sản phẩm cao cấp nhưng không cho người tiêu dùng sự lựa chọn. Nếu quy định này áp dụng, nguy cơ mất vài chục phần trăm thị trường vào các loại cá thị trắng khác là điều có thể xảy ra ngay năm 2015. Làm sản phẩm chất lượng cao trước hết phải có người mua đặt hàng.
Theo các DN, điều này chẳng khác một người chưa biết gì về thị trường, không trực tiếp sản xuất hay chế biến lại đưa ra quy định buộc DN phải tuân theo, trong khi nhu cầu phải có quá trình để người tiêu dùng chấp nhận. Chúng ta có thể sản xuất ra sản phẩm theo quy chuẩn này nhưng với điều kiện có hệ thống bán lẻ riêng để chào hàng, trong khi sản phẩm cá tra vẫn phải qua tay nhà nhập khẩu rồi mới đưa vào các siêu thị.
Do vậy, việc Chính phủ đồng ý dời thời hạn áp dụng về quản lý cá tra, cụ thể là 2 điểm tranh cãi trên đây đến hết năm 2015 để các bên có những điều chỉnh, bổ sung đã được các DN ví như đến phút 90+1 mới có kết quả sau cuộc đấu trí căng thẳng. Hiện cộng đồng DN đang cần là sự đồng hành và chính sách cụ thể, chứ không phải là những lời nói hay sự vô cảm.
ĐĂNG LÃM