Tìm “giá” cho bóng đá nội địa

Kỳ 5: Bóng đá chuyên nghiệp bắt đầu ra sao ?

“V-League đang ở giai đoạn 2”

LTS: Không có chuyện gì mà chẳng có cái bắt đầu, nói gì đến sự bắt đầu của cả một nền bóng đá chuyên nghiệp. Thế nhưng, xung quanh cái sự ra đời đáng lẽ cực kỳ trọng đại, mang đầy tính lịch sử ấy là một bí ẩn không nhỏ…

Biết đâu, chính cái sự bắt đầu tương đối mơ hồ ấy là ngọn nguồn của một sự đổ vở trong tương lai?

Kỳ 5: Bóng đá chuyên nghiệp bắt đầu ra sao ? ảnh 1

CLB Hoàng Anh Gia Lai đăng quang chức vô địch V- League mùa bóng 2002-2003, biểu tượng thành công của bóng đá chuyên nghiệp. Ảnh: Hoàng Vy.

2000 - 2001, mùa giải có tính lịch sử với bóng đá nước nhà, với sự trợ giúp của ông Đoàn Thành Lâm, ông Phạm Ngọc Viễn -TKK VFF lúc đó - đã quyết định áp dụng mô hình bóng đá chuyên nghiệp vào hệ thống thi đấu đỉnh cao vủa VFF.  Giải VĐQG nghiễm nhiên được nâng tầm với tên gọi mới: V-League. Những năm dầu tiên được gọi là “bóng đá chuyên nghiệp thử nghiệm”

Trong kế hoạch xây dựng bóng đá chuyên nghiệp của ông Viễn, tiêu chí để đánh giá sự thành công của mô hình này: Trình độ quản lý của VFF, của các CLB, giá trị, ý thức nghề nghiệp của các cầu thủ, kinh phí thu được từ truyền hình, tài trợ, chất lượng giải đấu, lượng khán giả...

Căn cứ vào những tiêu chí ấy, 5 năm là quãng thời gian mà ông Viễn đề ra để V-League sẽ không còn phải ghép với hai chữ “thử nghiệm”.

Ý tưởng của ông Viễn là đáng hoan nghênh bởi lẽ nó phù hợp với yêu cầu phát triển, bóng đá Việt Nam không thể đi lên nếu tự thân nó không có sự chuyển biến về cung cách quản lý, hoạt động... Song khi ấy vẫn có không ít ý kiến phản đối với lý lẽ, bóng đá chuyên nghiệp không thể đơn giản là chỉ là thao tác chuyển hai cụm từ VĐQG sang chuyên nghiệp là xong. Sự ra đời của BĐCN cần có sự đồng bộ từ gốc rễ, tức là các CLB và quá trình ấy cần có thêm thời gian.

Dù có những ý kiến trái chiều nhưng V-League vẫn ra đời với sự tham dự của 10 đội bóng ở mùa đầu tiên (2000 - 2001). Cũng phải nói thêm rằng, không ít CLB vẫn chưa được định hướng gì về V-League, họ bước vào cuộc chơi hồn nhiên chẳng khác gì các giải VĐQG trước đây. Ở đây, người ta đã không thấy được sự định hướng về mô hình, phương thức hoạt động cho các CLB, công việc mà VFF phải làm trước khi V-League ra đời.

Ở năm đầu tiên này, người ta không thấy được đâu là dấu ấn của BĐCN. Cả 10 đội bóng tham dự đều là những cái tên đã quen mặt dưới sự quản lý của các Sở địa phương và các ngành. Cũng chưa xuất hiện được cuộc “cách mạng” nào về khán giả, thu nhập hay giá trị cầu thủ và đương nhiên năng lực quản lý, điều hành của VFF, của các CLB vẫn như cũ. V-League 2002 cũng vậy, có tìm mỏi mắt người ta vẫn chưa thấy chữ chuyên nghiệp nó nằm ở đâu ngoại trừ trong cái biên bản tổng kết của BTC giải và cái chữ V-League trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có chăng sự thay đổi đó là số tiền rất lớn mà Strata bỏ ra để “mua trọn  gói” thương quyền…rồi thua lỗ.

Phải đến năm thứ 3, V-League mới đón chào một xu thế mới: sự đổ bộ của các doanh nghiệp với những cái tên như GĐT.LA, HAGL, Hàng không Việt Nam, Ngân hàng Đông Á. Sự có mặt của các doanh nghiệp đã đẩy V-League đến những cuộc “cách mạng” về lương, thưởng, giá trị cầu thủ tăng vọt qua các phi vụ chuyển nhượng và sự đăng quang của HAGL khi đó được coi là biểu tượng thành công của bóng đá chuyên nghiệp.

V-League 2004, 2005 và 2006 vừa kết thúc cũng vậy, thành công của HAGL, GĐT.LA tiếp tục được nhìn nhận như là sự thắng thế của bóng đá doanh nghiệp - mô hình cần phải có trong bóng đá chuyên nghiệp.

Người ta tung hô sự thành công của V-League, về chất lượng, về mức thu nhập của các cầu thủ mà quên mất rằng, Gạch hay Gỗ chỉ là bề nổi của các một giải đấu. Ít ai chịu để ý rằng, V-League đang ngày càng mất giá cũng với sự biến mất của những cái tên như Hàng Không Việt Nam, Sông Đà, Thép Việt-Úc, Strata, Kinh Đô, Sting, Number One... những doanh nghiệp từng được tung hô khi họ góp mặt.

Những vụ scandal của trọng tài, của cầu thủ, thành tích kém cỏi của ĐTQG, những tắc trách từ cấp điều hành, quản lý cao nhất là VFF và cả các CLB vẫn còn nhan nhản. Giá trị của các cầu thủ bị đẩy lên quá mức, V-League chỉ có thể kiếm được số tiền tài trợ bèo bọt từ Eurowindow từ giai đoạn 2 V-League 2006, ĐTQG cho đến nay mới chỉ có duy nhất sự bảo trợ của Lining về trang phục...Lượng khán giả cũng là vấn đề đáng quan tâm. Chẳng phải V-League 2006 vừa kết thúc với với số lượng khán giả thuộc loại thấp nhất trong vài năm qua trong khi theo lẽ ra, đúng như cái được chờ đợi thì ở mùa thứ 5, V-League phải lập kỷ lục về khán giả mới đúng. Với một V-League đang ngày càng báo động thì vấn đề khai thác bản quyền từ truyền hình cũng chỉ là chiếu lệ. Số tiền trung bình 30 triệu đồng/trận truyền hình trực tiếp là quá bèo bọt so với những gì người ta chờ đợi.

V-League đang đứng ở đâu?

V-League đã kết thúc 5 năm thử nghiệm và từ mùa tới, nó sẽ đúng nghĩa với từ chuyên nghiệp. Vậy nhưng trước mắt giải đấu này là cả một núi thách thức. VFF dù đã có một bộ máy mới nhưng tựu trung lại vẫn vậy, vẫn chưa thấy cái mới, chưa thấy được một chiến lược dài hơi bảo đảm sự phát triển liền mạch cho V-League. Ngay trước khi mùa bóng 2006 khai diễn, BCH của VFF nhiệm kỳ mới đã “nhanh chóng” cho “biến mất” từ “chuyên nghiệp” trong tên tiếng Việt của giải vô địch quốc gia.

Với các CLB thì sao? Gạch, Gỗ với sự đầu tư có chiều sâu, có chiến lược sẽ vẫn là những địa chỉ “Vàng” cho BTC nhắc đến trong các buổi họp tổng kết. Bình Dương, Khánh Hòa, Đà Nẵng vẫn sẽ sống khỏe nhờ “bầu sữa” của các doanh nghiệp Nhà nước hoặc ngân sách địa phương. Nhưng còn Hoà Phát Hà Nội, Hà Nội ACB, Pjico Sông Lam Nghệ An, Mikado Nam Định, Halida Thanh Hóa, Huda Huế, Pisico Bình Định… lấy gì làm đảm bảo họ sẽ giữ nguyên cái tên ấy nếu như các doanh nghiệp nhận ra được những mặt trái của V-League. Ai dám đảm bảo những Pjico, Huda, Halida... sẽ không “tháo chạy” khi họ vẫn đến với V-League bằng một sự dè dặt, lưỡng lự kiểu “chân trong chân ngoài”. Nếu các doanh nghiệp rút lui, các CLB sẽ lại dở khóc dở cười khi mà giá trị cầu thủ, mức lương đang tăng quá nhanh so với thu nhập. Nếu một cuộc tháo chạy tập thể diễn ra, những giá trị vốn ít ỏi mà V-League có được có thể tan vỡ.

Cũng vậy là nỗi lo về lực lượng, lấy đâu ra nguồn kế cận khi thiếu sự đầu tư đồng bộ, thiếu chiều sâu? Có vẻ như V-League đang thụt lùi so với chính mình... Tính ổn định, nguyên tắc để duy trì sự phát triển tịnh tiến đã không tìm thấy ở V-League. Đến bây giờ, không ít người cho rằng việc V-League mất giá chẳng qua chỉ là hậu quả của sự đốt cháy giai đoạn của sự chuyển đổi từ một nền bóng đá bao cấp sang chuyên nghiệp!

Ông Phạm Ngọc Viễn, “cha đẻ” của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam:
“V-League đang ở giai đoạn 2”

“5 năm thử nghiệm V-League đã phát triển khá nhanh về trình độ quản lý của VFF, của các CLB. Các cầu thủ đã coi bóng đá là một “nghề” thực sự nhưng vẫn chưa thể gọi V-League là một giải đấu chuyên nghiệp thực sự. Chính xác hơn, V-League mới qua giai đoạn thử nghiệm (5 năm) và bây giờ, chúng ta đang bước vào giai đoạn 2 của bóng đá chuyên nghiệp. 5 năm qua là giai đoạn thử nghiệm. Đến giai đoạn 2 này, VFF và các CLB sẽ cùng nhau khai thác thương quyền V-League. Ở giai đoạn tiếp theo, các CLB sẽ tự khai thách hình ảnh của mình và mỗi năm sẽ nộp cho VFF một số tiền để cấp quản lý, điều hành cao nhất này đứng ra tổ chức giải. Ở giai đoạn cuối cùng, các CLB sẽ trở thành những công ty được quản lý dưới những doanh nghiệp lớn, mỗi CLB có thể coi là một công ty và giá trị của họ sẽ được thể hiện trên sàn giao dịch giống như những công ty cổ phần hóa. Quãng đường để đi đến giai đoạn cuối cùng này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và chưa thể biết chính xác khi nào chúng ta sẽ tiến tới cái đích cuối cùng này...”.

T.K (ghi) 

Tường Khôi

Đón xem kỳ 6:

NGỌN VÀ GỐC

Bất cứ lý thuyết nào cũng phải bắt nguồn từ thực tế sống động. Bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam là một thứ lý thuyết không hề khởi nguồn từ thực tế. Từ chuyện hời hợt trong việc triển khai đề án đến việc triển khai một cách tủn mủn và thiếu căn cơ. Sau 5 năm thử nghiệm, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã vội vàng thay đổi bản chất để lại bắt đầu cho một cuộc “thử nghiệm” mới mà rủi ro không hề giảm chút nào.

Tin cùng chuyên mục