Tìm “giá” cho bóng đá nội địa

Kỳ 6: Ngọn và gốc

Xong việc !

LTS: Bất cứ lý thuyết nào cũng phải bắt nguồn từ thực tế sống động. Bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam là một thứ lý thuyết không hề khởi nguồn từ thực tế. Từ chuyện hời hợt trong việc triển khai đề án đến việc triển khai một cách tủn mủn và thiếu căn cơ. Sau 5 năm thử nghiệm, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã vội vàng thay đổi bản chất để lại bắt đầu cho một cuộc “thử nghiệm” mới mà rủi ro không hề giảm chút nào ...

Kỳ 6: Ngọn và gốc ảnh 1

“Bộ tham mưu” của CLB chuyên nghiệp Gạch Đồng Tâm Long An: Chủ tịch CLB Võ Quốc Thắng (bìa phải), GĐĐH Phạm Phú Hòa và GĐKT Calisto. Ảnh: Hoàng Hùng.

Khi đề án bóng đá chuyên nghiệp được đưa ra, không khí đón nhận tất nhiên là rất hồ hởi. Sự thèm muốn được nhìn thấy bóng đá chuyên nghiệp khiến giới làm bóng đá Việt Nam bỏ qua sự ngờ vực ban đầu. Nói cách khác, ai cũng bảo: cứ đi hẳn sẽ thành đường.

Vấn đề là tất cả những đội bóng ở thời điểm ấy đều chẳng ai biết về bóng đá chuyên nghiệp. Cái đấy chính là vấn đề. Ấy thế mà vẫn chưa phải là trầm trọng nhất.

Cái khủng khiếp nhất trong chuyện này là những người lập đề án và điều hành cả nền bóng đá đều cũng chưa “sờ”, “nếm” cái gọi là “bóng đá chuyên nghiệp thực thụ”.

Đấy là chưa nói lý thuyết về một nền bóng đá chuyên nghiệp cũng được tiếp nhận khá sơ sài. Việc tìm hiểu về bóng đá chuyên nghiệp hình như chỉ là 2 chuyến tham quan Singapore và Malaysia. Tuy nhiên, ai cũng biết là hai nền bóng đá trên đều chỉ thực hiện bóng đá chuyên nghiệp trên lý thuyết. Hơn nữa, cái nền của 2 quốc gia ấy đều kém hơn bóng đá Việt Nam về độ đam mê của người hâm mộ.

Đấy là cái gọi là “gốc” của nền bóng đá chuyên nghiệp nước ta. Rất đơn giản! Quá đơn giản! Chắc chẳn trong thời điểm cách đây 5 năm, ai cũng hiểu điều đó và người ta cũng dư biết rằng sự bắt đầu như vậy chứa đựng quá nhiều rủi ro, khả năng thành công là quá ít nhưng nói như những người thực hiện đề án: Không làm thì sao biết được thành công hay thất bại.

  • Dũng cảm hay sự cẩu thả ?

Phần lớn mọi người xem bước đi chuyên nghiệp tại Việt Nam là một sự dũng cảm. Điều đó không phải là không có lý bởi trong giai đoạn mà nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ ấy, làm bóng đá chuyên nghiệp là sự tất yếu. Người ta nghĩ rằng trước sau gì cũng phải làm, vấn đề là vừa làm, vừa học và chấp nhận trả giá.

Nhưng có người cũng cho rằng, VFF quá cẩu thả khi thực hiện đề án chuyên nghiệp. Cái cẩu thả nằm ở chỗ: Chúng ta chưa hề chuẩn bị cho một cú “đại nhảy vọt” như vậy. Bóng đá Việt Nam làm chuyên nghiệp khi mô hình này đã quá phổ biến tại châu Âu, ấy thế mà việc học tập từ những cái đi trước ấy cũng không hề có chứ đừng nói gì lấy cái chuyên nghiệp thực thụ ấy áp dụng cho phù hợp với bóng đá Việt Nam. Người ta lý luận rằng không nên sao chép cái chuyên nghiệp của bóng đá châu Âu nhưng người ta cũng quên rằng nếu không hiểu biết được hết cái tinh hoa ấy thì lấy gì làm cơ sở để uyển chuyển cho bóng đá Việt Nam. Thế là việc mà VFF làm là đi học cái cách
làm của các quốc gia láng giềng với lý do: gần gũi với Việt Nam.

  • Đấy là điều hoàn toàn sai lầm.

Phải đến khi chứng kiến sự thành công của mô hình chuyên nghiệp tại GĐT.LA, người ta mới “vỡ” ra nhiều điều.

Từ cách nghĩ của một doanh nghiệp, trước khi quyết định làm bóng đá, ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch CLB- đã sang Bồ Đào Nha, Italia…để nghiên cứu thực tế đến 3 tuần lễ trong lần đầu tiên. Sau đó, ông Thắng còn nhiều chuyến nghiên cứu khác. Kỹ càng đến thế mà ông Thắng vẫn chưa yên tâm và cuối cùng là một quyết định chính xác: mời một người chuyên nghiệp thực sự để về điều hành tại CLB. Đó chính là chuyên gia Calisto, người đã ở cùng GĐT.LA 5 năm qua và vẫn còn tiếp tục ở lại đề hoàn thành sứ mạng xây dựng một CLB chuyên nghiệp hoàn chỉnh. Thành quả của nó chính là 2 chức vô địch quốc gia 2 năm liên tiếp cùng một hệ thống đào tạo đầy đủ nhất Việt Nam.

Cho đến thời điểm này, chính ông Thắng còn phải thừa nhận cách làm của ông vẫn chưa thật sự hoàn chỉnh và quá trình hoàn thiện CLB chuyên nghiệp của ông cũng chỉ mới là bắt đầu. Vì lý do đó mà ông Calisto tiếp tục ở lại.

Phần ngọn dang dở

Làm như thế mà GĐT.LA vẫn chưa hài lòng. Một CLB trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp tự mình tìm đường đi, làm một cách bài bản như GĐT.LA mà vẫn chưa xem mình thành công thì thử hỏi, cả một đề án có tầm ảnh hưởng đến một phần xã hội như đề án bóng đá chuyên nghiệp liệu đã khiến người hâm mộ an tâm không?

Bây giờ, nhìn lại cái bắt đầu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mà rùng mình. Bây giờ, người ta mới giật mình tự hỏi: liệu cái khó khăn trong việc tìm tài trợ, việc tiêu cực trên diện rộng, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong bóng đá phải chăng chính là kết quả của các bắt đầu “dũng cảm” nhưng hết sức cẩu thả ấy.

Trong định hướng của đề án bóng đá chuyên nghiệp, sau 5 năm thử nghiệm sẽ là giai đoạn 2 mà ở đó, các CLB sẽ có nhiều tiếng nói quan trọng trong sự nghiệp phát triển bóng đá chuyên nghiệp nhưng rõ ràng, 3/4 CLB chuyên nghiệp tại Việt Nam đang như những người đang đi trong bóng tối thì làm sao họ có thể vừa  đá bóng, vừa tự điều chỉnh được.

Dù đã bỏ cái chữ “chuyên nghiệp” trong cái tên tiếng Việt của V-League nhưng đến thời điểm này, không thấy ai đứng ra thừa nhận sự sai lầm của lúc khởi đầu cách đây 5 năm. Bây giờ mà “đá” quả bóng sang các CLB thì khác nào “khai tử” chính cái đề án tốt đẹp ấy.

Vấn đề nằm ở chỗ: Bản thân cái đề án chuyên nghiệp không được chuẩn bị và thực hiện tốt từng bước đi. Người ta chỉ bám víu vào những câu chữ lý thuyết mà chưa hề đưa nó vào thực tế. Mọi hoạt động đều nói rằng được bám sát theo đúng đề án chuyên nghiệp nhưng ai cũng biết, bản thân đề án vẫn chỉ đang là một quá trình hoàn thiện chứ chưa đúc kết một cách chính xác.

Cái buồn cười nằm ở chỗ: Hằng năm, Ban bóng đá chuyên nghiệp đều tổ chức 1-2 ngày hội thảo nhằm lấy ý kiến các CLB. Tất cả các đội bóng đều đi dự họp và đều …im lặng. Mỗi kỳ hội thảo như vậy, bên ngoài phòng họp chúng tôi đều chứng kiến vẻ mặt hết sức ngơ ngác của lãnh đạo các đội bóng. Họ đều có chung một thắc mắc: Tưởng là được VFF hướng dẫn cho cách làm bóng đá chuyên nghiệp, thế mà lại được mời đến để góp ý xây dựng một nền bóng đá chuyên nghiệp. Ai đời lẽ ra được chỉ dạy thì họ lại phải góp ý cho cái mà chính họ cũng không biết nó ra sao (!?).

Việt Quang 

Đón xem kỳ 7:

Đội bóng không có HLV trưởng

Bóng đá là trò chơi của tập thể. Những người làm bóng đá chắc chắn cũng là một tập thể hiểu biết về bóng đá nhưng không cứ phải hiểu bóng đá (hoặc biết đá bóng) là làm bóng đá giỏi, nhất là làm chuyên nghiệp.
Vì vậy, VFF theo cách nhìn của nhiều người là một đội bóng có nhiều “cầu thủ” tốt nhưng lại thiếu HLV trưởng... 

Xong việc !

Sau khi giải V-League 2006 không còn có chữ “chuyên nghiệp” trong tên gọi tiếng Việt, giới biết chuyện kháo nhau: vậy là xem như Ban bóng đá chuyên nghiệp đã hoàn thành xong sứ mạng lịch sử.

Thật thế. Mặc dù cái “đề án chuyên nghiệp” đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của cả một nền bóng đá và lại đang trực tiếp làm ra tiền cho cả nền bóng đá, thế mà ban bóng đá chuyên nghiệp ở nhiệm kỳ 5 đều là những người... chưa chuyên. Ban này đông nhất trong các ban của VFF với 7 thành viên nhưng tất cả đều là cán bộ Nhà nước. Trong số 7 người thì ngoài ông Dương Vũ Lâm thường xuyên có quan hệ quốc tế, 6 người còn lại đều là “dân trong nước”. Không biết làm sao ban này hoạt động tốt được khi họ cũng chẳng có “chức tước” gì trong bộ phận điều hành của VFF cũng như chính tại các CLB.

Vậy nên, cả mùa bóng 2005 và 2006 chẳng thấy ai nhắc đến hoạt động của ban này sau khi bản qui chế bóng đá chuyên nghiệp được hoàn thành (ngay cả việc in ra cuốn qui chế cũng hết sức vội vã phải làm phụ lục bổ sung).

Xem như phần của ban bóng đá chuyên nghiệp đã kết thúc. Sứ mạng lịch sử đã hoàn thành. 

Tin cùng chuyên mục