Tìm “giá” cho bóng đá nội địa

Kỳ 1: Bỏ của chạy lấy người

Tài trợ V-League bao nhiêu tiền ?

LTS: Hết ngày này sang ngày nọ, VFF đi tìm tiền theo cách của một người đi trong bóng đêm quên mang theo đèn. Những nhà tài trợ thay nhau “bỏ của chạy lấy người” còn các bộ phận kiếm tiền của VFF thi thở vắn, than dài đổ lỗi cho... thời thế .

Chắc chắn thì bóng đá Việt Nam, cụ thể là giải V-League, đội tuyển quốc gia và giải hạng Nhất sẽ có nhà tài trợ nhưng... bao nhiêu thì chưa biết.

Vì sao?

Vì bóng đá Việt Nam chưa được “định giá” đúng nghĩa...

Kỳ 1: Bỏ của chạy lấy người ảnh 1

Number One, nhà tài trợ V- League 2005. Ảnh: Hoàng Hùng.

Mùa bóng 2006, lần đầu tiên kể từ khi “lên chuyên”, V-League không có nhà tài trợ chính thức suốt lượt đi. Công ty môi giới VFD đành phải bỏ tiền ra để gồng gánh khoản kinh phí 8 tỷ đồng mỗi năm mà họ phải chịu cho V-League.

Giữa mùa, Eurowindow “nhảy” vào với số tiền đoán chừng từ 3 tỷ đến 3,5 tỷ đồng để tài trợ “nửa mùa” cho V-League. Trong lễ ký kết tài trợ, theo ngôn ngữ kinh doanh, những người sản xuất cửa nhôm này hứa sẽ xem xét tài trợ dài hạn cho bóng đá Việt Nam nếu như có hiệu quả.

Cái chữ “nếu như” dẫn đến kết cục như ai cũng có thể dự báo: Eurowindow “đóng cửa” V-League để tìm đến kế hoạch tài trợ khác hiệu quả mà ít tốn chi phí hơn. Thật ra, điều này đã được thấy quá rõ ngay từ khi thương hiệu này chính thức xuất hiện tại các sân cỏ cả nước khi mà họ hầu như chẳng mấy quan tâm đến chuyện phủ kín các sân vận động bằng bảng quảng cáo của mình.

Mỗi sân, Eurowindow chỉ làm vài bảng quảng cáo tượng trưng cho sự “gắn kết” với bóng đá Việt Nam. Hoàn toàn không thấy một dấu hiệu “mặn nồng” nào của nhà tài trợ. Dân trong giới quảng cáo biết “tỏng tòng tong” rằng Eurowindow tham gia tài trợ chẳng qua vì là “mối” của VFD trong các hoạt động khác chứ về mặt chiến lược quảng cáo mà nói, những sản phẩm tương đối cao cấp, chỉ bán nhiều ở Hà Nội và TPHCM thì không tài trợ cho bóng đá làm gì khi đấy không phải là mục tiêu thị trường của họ.

Đấy là cái thua được biết trước của thương vụ “chữa cháy” cho V-League 2006 mà VFD phải làm.

Những nhãn hàng dành cho bóng đá đi đâu?

Giới kinh doanh quảng cáo trong thể thao cho biết, các thương hiệu tài trợ cho bóng đá thường là những nhãn hàng phục vụ tiêu dùng vốn có thị trường sản phẩm rộng, đa dạng và sản phẩm thường được sử dụng hằng ngày. Bóng đá vốn có sức “phát tán” tên tuổi nhanh, đi được mọi ngóc ngách của đời sống và cũng nhanh chóng được biết đến.

Thế nên, người ta đánh giá khá cao cách làm của nhà môi giới Đất Việt ở 3 năm trước khi VFD thay thế. Trong 3 năm bảo trợ với V-League, Đất Việt đem đến 3 nhà tài trợ khá phù hợp với bóng đá, lần lượt là Pepsi (nước uống), Kinh Đô (bánh kẹo) và Number One (nước uống). Thật ra, với kinh nghiệm lâu năm cũng như mối quan hệ tốt với truyền hình, Đất Việt hoàn thành công tác tài trợ khá xuất sắc và những nhãn hàng làm việc với họ cũng tương đối hài lòng với hiệu quả đem lại. Nói theo một cách nào đó thì có vẻ như chuyện tài trợ trong bóng đá Việt Nam đang được định hướng đúng, đặc biệt là khi Kinh Đô và Number One - những thương hiệu nội địa- tham gia tài trợ số tiền lớn. Một dấu hiệu tốt.

Nhưng cũng từ đó, cái yếu kém trong công tác “đón và đãi khách” của VFF mới bộc lộ ra. Sau vài mùa làm việc với Đất Việt, trong nội bộ VFF bắt đầu xì xào nghĩ đến chuyện “tẩy chay” đối tác quan trọng này. Những nhà “giỏi chuyên môn” của VFF không hiểu được hết các giá trị mà Đất Việt đem lại, đặc biệt là công ty này đã giúp VFF có được những “khách hàng mục tiêu” trong bóng đá. Những lời bán tán về chuyện tiền bạc quá ít bắt đầu vang lên, tạo nên một tác động tâm lý không tốt cho đối tác Đất Việt khiến công ty này bắt đầu nản và nghĩ đến chuyện chia tay.

Giới quan sát cho rằng VFF đã quên mất một điều quan trọng trong công tác kiếm tiền, đó là “thả con tép, bắt con tôm”. Cái thiếu thốn về mặt tiền bạc là cớ để VFF không “mặn nồng” lắm với Đất Việt và kết cục là con đường định hình tài trợ cho bóng đá Việt Nam bị đứt đoạn giữa chừng.

Bây giờ, VFD đang vất vả với cái hậu quả đó. Việc mời được Eurowindow (cho V-League) và thang máy Ajiphan (cho hạng Nhất) là một thành công nhưng chỉ là giải pháp ngắn hạn, mang tính chữa cháy là chính bởi cả 2 thương hiệu đó đều không thể là những sản phẩm có thể gắn bó lâu bền với bóng đá. Khi Eurowindow không muốn tiếp tục, VFD lại vất vả làm lại chiến lược tiếp thị và hiện nay vẫn chưa tìm được đối tác “mục tiêu” nào.

Có thể, bằng mối quan hệ và khả năng hoạt động lâu năm trong ngành quảng cáo, VFD sẽ có tiền cho bóng đá Việt Nam (cụ thể là V-League và giải hạng Nhất) nhưng nếu VFF không thay đổi được cách mà họ phải làm trong việc bảo vệ quyền lợi cho nhà tài trợ thì phải còn lâu nữa, những nhóm khách hàng thân thuộc của bóng đá mới trở lại.
Đấy mới là sự bền vững.

Việt Quang 

Tài trợ V-League bao nhiêu tiền ?

Giá trị được công bố từ phía VFF là khoảng 9 tỷ đồng cho mỗi mùa bóng. Đấy là con số được biết sau khi Strata rút khỏi hợp đồng. Lúc bắt đầu của bóng đá chuyên nghiệp, Strata ký hợp đồng có giá trị 2 triệu USD trong 3 năm, trong đó có lũy tiền gần 100.000 USD mỗi năm. Cứ theo con số đó thì rõ ràng giá trị của V-League đang ngày một đi lùi.

Từ “giá” trên 10 tỷ đồng của Strata rồi đến giá 9 tỷ của Đất Việt khi Kinh Đô tài trợ, rồi “rớt” xuống còn khoảng 7,5 tỷ dành cho Number One, đến nay, giá của V-League được “định” khoảng 6 tỷ đồng mà thôi. Ấy vậy mà chuyện tìm tài trợ của VFD vẫn chông gai lắm khi công ty này đã ký hợp đồng tài trợ có giá 8 tỷ đồng/năm với VFF dù có hay không thương hiệu nào tham gia.

VFD gặp khó vì họ nhận trách nhiệm theo kiểu “người nhà” phải gánh vác việc chung chứ bản thân họ chưa đủ thời gian để hoàn thiện chiến lược vận động tài trợ. Các nhãn hàng tài trợ cho V-League cũng như hạng Nhất mùa vừa qua chỉ là sự giúp đỡ làm ăn. Cũng may là V-League 2007 khai mạc khá trễ, tạo điều kiện cho VFD làm tốt hơn công tác của mình.

Tuy nhiên, cái khó là giá trị của V-League không còn cao như xưa. Mức giá 9 tỷ đồng giờ là viển vông khi mà sự đo lường độ hiệu quả của V-League không hoạt động tốt. Bây giờ, VFD phải làm sao chứng minh được những quyền lợi mà V-League đem lại trước khi nghĩ đến chuyện săn tìm khách hàng mục tiêu của môn bóng đá.

V.Q 

Đón xem kỳ 2:

CHIẾN DỊCH “LẤY MỠ NÓ RÁN NÓ” THẤT BẠI NHƯ THẾ NÀO?

Trong sự nhá nhem khi bước lên chuyên nghiệp, VFF tính đi “đường gần” để hy vọng có thể đẩy nhanh quá trình chuyên nghiệp của bóng đá nước nhà, nhưng họ đã không chuẩn bị kỹ công tác kiếm tiền dẫn đến một nguy cơ đổ vở cả hệ thống vốn được xây dựng khá công phu.
Đâu là nguyên nhân?

Tin cùng chuyên mục