Tìm “giá” cho bóng đá nội địa

Kỳ 2: Chiến dịch “lấy mỡ nó rán nó” thất bại như thế nào ?

LTS: Hết ngày này sang ngày nọ, VFF đi tìm tiền theo cách của một người đi trong bóng đêm quên mang theo đèn. Những nhà tài trợ thay nhau “bỏ của chạy lấy người” còn các bộ phận kiếm tiền của VFF thi thở vắn, than dài đổ lỗi cho... thời thế .

LTS: Hết ngày này sang ngày nọ, VFF đi tìm tiền theo cách của một người đi trong bóng đêm quên mang theo đèn. Những nhà tài trợ thay nhau “bỏ của chạy lấy người” còn các bộ phận kiếm tiền của VFF thi thở vắn, than dài đổ lỗi cho... thời thế .

Chắc chắn thì bóng đá Việt Nam, cụ thể là giải V-League, đội tuyển quốc gia và giải hạng Nhất sẽ có nhà tài trợ nhưng... bao nhiêu thì chưa biết.

Vì sao?

Vì bóng đá Việt Nam chưa được “định giá” đúng nghĩa...

Kỳ 2: Chiến dịch “lấy mỡ nó rán nó” thất bại như thế nào ? ảnh 1

Từ mùa bóng 2004, các đội bóng được VFF cho khai thác quảng cáo: Thể Công có Viettel, Đồng Tháp có Delta ...Ảnh: Hoàng Vy.

Trong bản báo cáo tổng kết mùa bóng 2006 vừa qua, ở mục tài trợ, báo cáo “bình luận” khá bàng quang: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn bước đầu, được sự hợp tác chặt chẽ của công ty Cổ phần phát triển bóng đá Việt Nam (VFD), công tác tài trợ cho các giải đã khá ổn định và nhận được sự ủng hộ của một số công ty, doanh nghiệp, cả ba giải đã có nhà tài trợ”.

Về lý thuyết, đúng là mùa bóng 2006 cũng êm xuôi chuyện tài trợ nhưng bản thân báo cáo trên đã nói được 2 vấn đề lớn: VFF chưa đánh giá được hết tầm mức “ổn định” của việc tài trợ, kế đến, cách dùng từ “ủng hộ” đối với hoạt động tài trợ là không ổn chút nào.

Khi vẫn còn sử dụng ngôn từ như thời bao cấp nói trên nghĩa là phía VFF vẫn chưa thể định hình việc “kiếm tiền chuyên nghiệp” là như thế nào. Thế mà cách đây 4 năm, khi mới nhậm chức, ông Trưởng ban tài trợ Nguyễn Quốc Kỳ đã rất hùng hồn nói về việc chuyên nghiệp hóa công tác này (chúng tôi sẽ đề cập vấn đề này ở bài sau).

Thật ra, cách nghĩ khá “nghiệp dư” về mặt tài trợ là “sản phẩm” của một thời kỳ sai lầm trong các hoạt động của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Trở lại một chút với ngày đầu bóng đá chuyên nghiệp, khi Strata còn tài trợ. Quan điểm của VFF lúc đó là “lấy mỡ nó, rán nó”. Toàn bộ thương quyền của V-League được “bán” trọn cho Strata. Ý đồ của VFF là dùng số tiền trọn gói có được để thực hiện đề án chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cách làm này đã không thành công khi Strata quá bị động trong việc nâng cao hình ảnh của bóng đá Việt Nam nên không có nhiều nhà tài trợ hào hứng tham gia dài hạn.

Khi Strata rút đi, VFF trao quyền tự chủ lại cho các đội bóng chỉ giữ lại quyền quảng cáo tên giải cùng một số bảng quảng cáo trên sân. Các CLB tự khai thác quảng cáo với điều kiện tránh các nhóm mặt hàng độc quyền của VFF. Với cách làm này, một số CLB đang “sống khỏe” nhờ khả năng kiếm tiền tài trợ tốt nhưng VFF lại hoàn toàn bị động.

Cái bị động của VFF xuất phát từ việc họ chẳng chuẩn bị gì cho khả năng tự thân vận động khi vẫn cứ mang tư tưởng “lấy mỡ nó, rán nó” như trước. VFF hoàn toàn không có kế hoạch “kinh doanh” tên tuổi và giá trị của V-League, họ chỉ nghĩ khoản tiền tài trợ là một cách để bù lỗ các chi phí trong quá trình tổ chức giải, đâm ra gần như VFF khoán trắng cho các đối tác như Đất Việt và sau này là VFD.

Đấy hẳn nhiên là cách làm sai lầm bởi nếu trong thời điểm khó khăn lúc đầu, việc bán trọn cho Strata là biện pháp chữa cháy thì đáng lẽ sau khi rời khỏi “bầu sữa” Strata, VFF phải lo giữ gìn cho thương hiệu của V-League, đằng này họ vẫn tiếp tục bỏ lơ. Đối với bóng đá chuyên nghiệp mà nói, V-League cũng là một sản phẩm, cần phải được chăm chút và phát triển hình ảnh để trở thành một thứ bán được giá cao.

Thế mà mọi thứ ngược lại hoàn toàn: không có kế hoạch nào để phát triển hình ảnh V-League, kế hoạch bảo vệ trong giai đoạn tiêu cực tràn la càng không có nốt. Trách gì mà các nhà tài trợ cứ ỡm ờ chờ giá V-League hạ xuống đến mức nào hay mức đó.

Thật ra, hồi ông Nguyễn Quốc Kỳ còn làm trưởng ban cũng đã có ý muốn chuyên nghiệp hóa bộ phận kiếm tiền cho VFF nhưng chẳng hiểu sao cũng không thành. Sau thời ông Kỳ và đến bà Nguyên Hạnh, người vốn rất giỏi trong lĩnh vực này khi còn làm ở VTV, nhưng mới đây thì bà Hạnh cũng tự nguyện rút lui vì “bó tay”.

Đến đây, ai cũng có quyền đặt câu hỏi: tại sao một nền bóng đá đang tiến hành những bước đi chuyên nghiệp thì ở bộ phận cần phải chuyên nghiệp nhất cũng như dễ chuyên nghiệp nhất trong bộ máy chuyên nghiệp (vì ở Việt Nam ngành quảng cáo-tiếp thị phát triển mạnh từ lâu) thì lại luôn bị động một cách khó hiểu?

Cái dễ làm, cần làm (vì cần tiền) thì lại là nơi làm yếu nhất. Nếu nói bóng đá chuyên nghiệp phải dựa trên tiền thì chỉ qua hoạt động của bộ máy kiếm tiền đã thấy không thể lên chuyên nổi.

Vì vậy, kết cục của chiến dịch “lấy mỡ nó, rán nó” đã thất bại hoàn toàn. Việc VFD giờ đây ngụp lặn trong việc kiếm tiền khi trong tay không có nhiều cơ sở để tiếp thị hình ảnh, đủ cho thấy sự thất bại đó. Giống như sau bao năm, phải xóa hết làm lại.

Việt Quang

Kỳ 1: Bỏ của chạy lấy người

Đón xem kỳ 3:

CUỘC CHẠY TRỐN HÀNG LOẠT” SẮP BẮT ĐẦU

Cái nền móng quá yếu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang có nguy cơ trở về thời kỳ cũ khi không có... tiền. Bóng đá chuyên nghiệp phải có tiền. Làm bóng đá chuyên nghiệp là để có thêm nhiều tiền nhưng cái lý thuyết ấy hoàn toàn chỉ là ước mơ khi chẳng ai chịu trách nhiệm cho một đề án còn đang viết dang dở.

Và rồi, bắt đầu sẽ có những cuộc “tháo chạy hàng loạt”...

Tin cùng chuyên mục