Tìm “giá” cho bóng đá nội địa

Kỳ 3: “Cuộc chạy trốn hàng loạt”sắp bắt đầu

LTS: Cái nền móng quá yếu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang có nguy cơ trở về thời kỳ cũ khi không có... tiền. Bóng đá chuyên nghiệp phải có tiền. Làm bóng đá chuyên nghiệp là để có thêm nhiều tiền nhưng cái lý thuyết ấy hoàn toàn chỉ là ước mơ khi chẳng ai chịu trạch nhiệm cho một đề án còn đang viết dang dở.

Và rồi, bắt đầu sẽ có những cuộc “tháo chạy hàng loạt”...

Hãy tưởng tượng: Một ngày đẹp trời nào đó, bỗng nhiên V-League chỉ còn lại những cái tên như Đà Nẵng, Long An, Bình Định, Khánh Hòa... y như hồi bao cấp. Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam “chết” ngay lập tức. Bây giờ mà nói chuyện ấy e rằng bị các nhà chuyên môn uyên bác của VFF bảo là... điên!

Nhưng cơn ác mộng ấy không phải không thể xảy ra.

Kỳ 3: “Cuộc chạy trốn hàng loạt”sắp bắt đầu ảnh 1

Gạch Đồng Tâm và Hoàng Anh, hai thương hiệu đã thành công khi đầu tư vào 2 đội bóng GĐT.LA và HAGL. Ảnh: Hoàng Vy.

Quá trình theo dõi bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam trong 6 năm qua cũng như hàng loạt cuộc tiếp xúc với những người đứng đầu các CLB chuyên nghiệp Việt Nam đã khiến chúng tôi nghĩ đến cái kết cục mà VFF đang cố tình lẫn tránh, không dám nghĩ đến.

Thật ra, giới quan sát không khó để nhận ra những biểu hiện bất thường của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong 2 năm trở lại đây: Khả năng quản lý cầu thủ của các CLB có giới hạn. Tiêu cực không có dấu hiệu sút giảm. Lương cầu thủ tăng lên không đi kèm với thu nhập từ tiền tài trợ. Số CLB do doanh nghiệp quản lý có xu hướng đứng lại và giảm đi. Các CLB có tên doanh nghiệp đứng trong tên đội bóng ngày càng “biến chất” từ doanh nghiệp tư nhân thành doanh nghiệp Nhà nước, tài trợ theo kiểu “hữu hảo”. V-League ngày càng khó kiếm nhà tài trợ. Tỷ suất xem truyền hình bóng đá nội giảm sút thê thảm và cuối cùng là số lượng khán giả đến sân hạn chế tới mức tối thiểu.

Nói cách khác, sau 6 năm làm chuyên nghiệp, lương cầu thủ thì tăng lên nhưng mọi thứ khác thì đi xuống, kể cả khán giả. Nếu nói bóng đá chuyên nghiệp là thứ bóng đá đem lại tiền thì việc sút giảm khán giả là thứ... mất tiền đầu tiên.

  • Chưa chạy trốn nhưng đã không... chạy tới

Đấy là một thực tế đáng báo động. Người ta tưởng rằng với sự xuất hiện của GĐT.LA và HA.GL, những công ty trong lĩnh vực tư nhân, đầu tư  vào bóng đá chuyên nghiệp ở những năm đầu thì sẽ có thêm những doanh nghiệp khác. Thế mà, chỉ mới có thêm Hòa Phát và Vạn Hoa gọi là dám đầu tư căn bản cho bóng đá. Kiểu như ACB chỉ là đầu tư nửa chừng còn các loại hình như Becamex, Khatoco... đều chỉ là những doanh nghiệp Nhà nước tham gia bóng đá kiểu đóng góp cho tỉnh nhà. Còn như Thép Miền Nam cũng chỉ là kiểu quảng bá hình ảnh của một Tổng công ty Nhà nước mà thôi.
Nếu như HA.GL và GĐT.LA dám đầu tư từ khi đội bóng Long An và Gia Lai còn ở hạng Nhất cũng như họ bỏ tiền để tạo ra các tuyến kế cận thì các đội bóng khác vẫn còn khá dè dặt trong việc đầu tư dài hạn, có chiều sâu. Sau trường hợp của Hòa Phát và Vạn Hoa năm 2005, suốt năm 2006, không có doanh nghiệp nào nhảy vào làm bóng đá nữa. Những thương hiệu hàng đầu Việt Nam đều chỉ đổ tiền theo kiểu làm quảng cáo một mùa, hai mùa cho vui. Thấy hiệu quả thì làm tiếp, không hiệu quả thì rút lui và đa phần đều tuyên bố: Tiền mất- tật mang.

Thế nên, chưa thấy ai... chạy tới với bóng đá hồ hởi và quyết tâm như kiểu của Gạch, của Gỗ. Cái kiểu tài trợ nửa mùa ở các đội bóng bây giờ có khác gì hồi bóng đá bao cấp, hoàn toàn không có căn cơ và “thể trạng” của các CLB chuyên nghiệp tại Việt Nam vẫn trông chờ khá nhiều vào “bầu sữa” Nhà nước cho dù nó được “núp” dưới nhiều kiểu tài trợ khác nhau.

Thế nên, cứ chuẩn bị cho mỗi mùa bóng là các CLB lại lo sốt vó: Tiền đâu mà thi đấu thay vì nghĩ năm nay thu được bao nhiêu tiền. Mọi thứ chỉ vừa chạy, vừa xếp hàng hết ngày này qua ngày nọ chứ chẳng có chút định hướng nào.

  • Thế thì làm sao có thể làm được bóng đá chuyên nghiệp ?

Có một chuyện khá khôi hài: Cứ mỗi khi chuẩn bị lên kế hoạch tài trợ là tưởng rằng các đội bóng đang kiểm tra nhân khẩu vậy. Như thế này: lên danh sách những doanh nhân có gốc gác ở tỉnh nhà hiện đang làm chức to tại những tổng công ty. Cứ nhắm vào đấy mà vận động “tình quê hương bản quán” để các vị ấy thuyết phục công ty đổ tiền cho đội bóng quê nhà.

Trường hợp của Nam Định hồi “kết duyên” với Sông Đà là ví dụ rất cụ thể: Khi ông Đinh La Thăng còn làm Tổng Giám đốc, Sông Đà hồ hởi rót đến 4 tỷ đồng mỗi mùa. Khi ông Thăng rời chức vụ thì Sông Đà cũng chia tay luôn. Nói chung, toàn chuyện quan hệ, “vận động” chờ sự ủng hộ cả chứ chẳng có chút gì gọi là chuyên nghiệp, thành ra ở nhiều đội bóng chẳng có lấy bóng dáng chuyên viên vận động tài trợ nào. Người đứng mũi chịu sào chuyện tiền nong chính là các vị giám đốc (phó giám đốc Sở) kiêm trưởng đoàn bóng đá.

  • Và cơn ác mộng

Những dấu hiệu cho sự sụp đổ của một nền bóng đá chuyên nghiệp nửa vời đã xuất hiện. Cho dù vẫn chưa thật sự khiến các doanh nghiệp hoàn toàn quay lưng nhưng theo diễn biến trong cách điều hành bóng đá chuyên nghiệp của VFF thì rõ ràng sự chờ đợi một ngày mai tươi sáng quá lâu sẽ khiến các doanh nghiệp nản.

Theo thông tin của chúng tôi có được thì bản thân các đội bóng hăng hái nhất trong chuyện làm bóng đá chuyên nghiệp cũng đang lên kế hoạch rút lui... có điều kiện. Theo những doanh nghiệp này thì nếu 1-2 năm tới, nếu không có thêm doanh nghiệp tư nhân nhảy vào thành lập các CLB chuyên nghiệp thì họ sẽ rút lui vì cảm thấy quá “cô độc’. Hơn nữa, nếu xem bóng đá chuyên nghiệp là nơi để kinh doanh thì việc chỉ có vài doanh nghiệp làm bóng đá sẽ làm cho môi trường làm ăn thiếu  đi nhiều cơ hội.

Mặt khác. Khi bóng đá chuyên nghiệp không thật sự đem lại tiền thì mục tiêu lớn nhất của các doanh nghiệp tư nhân làm bóng đá chính là thương hiệu. Cái đích của công việc này là chức vô địch nên nếu như trong một ngày đẹp trời, Gạch và Gỗ -những CLB đã 2 lần vô địch- rút lui khỏi bóng đá thì đấy chẳng phải là chuyện bất ngờ.

Thật đơn giản: Nếu làm bóng đá chỉ để tìm một vị trí thì sau 2 lần vô địch quốc gia, liệu còn gì để ham muốn khi càng làm bóng đá, càng... lỗ.

Không người muốn đến. Có người muốn đi. Cơn ác mộng sẽ đến?

Việt Quang

Kỳ 1: Bỏ của chạy lấy người

Kỳ 2: Chiến dịch “lấy mỡ nó rán nó” thất bại như thế nào ?

Đón xem kỳ 4:

“Người tình” Truyền hình và “bà đỡ” Ủy ban

Tất nhiên, cũng là chuyện tiền bạc cho bóng đá chuyên nghiệp nhưng khi nguồn tài chính đến từ quảng cáo trên sân cũng như tiền bán vé luôn ở mức hữu hạn thì tiền đâu để các đội bóng duy trì sự tồn tại.
Lúc ấy, người ta mới liếc nhìn sang Truyền hình như thể liếc một người tình...

Tin cùng chuyên mục