Một ngày ở "đại bản doanh" của đoàn thể thao Việt Nam

Kỳ 1: Dốc sức vì ngày mai

Bước qua khỏi cánh cổng sáng choang của Trung tâm HLTTQG 1 (Nhổn, Hà Nội), tấm biển báo "Tới SEA Games 24 còn 56 ngày" đập vào mắt chúng tôi, ngay bên dưới là hàng loạt chỉ tiêu về số HCV mà từng đội tuyển đề ra. Có tới nơi đây mới thấy phần nào sự vất vả của những tuyển thủ đang chuẩn bị cho một "trận đánh" lớn với những khó khăn muôn bề...

Bước qua khỏi cánh cổng sáng choang của Trung tâm HLTTQG 1 (Nhổn, Hà Nội), tấm biển báo "Tới SEA Games 24 còn 56 ngày" đập vào mắt chúng tôi, ngay bên dưới là hàng loạt chỉ tiêu về số HCV mà từng đội tuyển đề ra. Có tới nơi đây mới thấy phần nào sự vất vả của những tuyển thủ đang chuẩn bị cho một "trận đánh" lớn với những khó khăn muôn bề...
 
SÁNG TẬP
 
Nhà tập bóng chuyền được ngăn làm đôi bằng một tấm lưới, một bên giành cho đội tuyển nữ còn bên kia là của đội nam. Những ngày này, thời tiết đã khá dễ chịu, thế nhưng các VĐV vẫn ướt đẫm mồ hôi. Buổi tập bắt đầu từ 9 giờ sáng dưới sự dẫn dắt của chuyên gia Vương Quân và HLV Thái Thanh Tùng chủ yếu là thi đấu với bài đập bóng chéo sân cho các chủ công dưới sự điều phối của tay chuyền hai, còn các libero thì tập trung vào đỡ bóng. Đây chính là điểm nhấn mà chuyên gia Trung Quốc Vương Quân muốn các học trò cải thiện bởi từ sau khi ông chia tay đội tuyển ở SEA Games 2005 thì khâu bắt bước 1, chuyền 2 và tổ chức tấn công của đội tuyển nữ đã sa sút nhiều. Suốt hơn 2 giờ đồng hồ, mỗi VĐV đều phải nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ. Thỉnh thoảng, sau một pha bóng hỏng, chuyên gia Vương Quân lại thổi còi cắt ngang trận đấu phân tích rõ điểm sai của từng VĐV và được người phiên dịch Nguyễn Mạnh Sơn truyền đạt lại ngắn gọn nhưng rất dễ hiểu. Có chứng kiến một buổi tập như thế, với hàng nghìn cú đập bóng đến sái cả tay của các chủ công và phụ công cũng là hàng nghìn lần đỡ bóng của của các cầu thủ phía dưới mới thấy được phần nào sự vất vả của các VĐV.  

Kỳ 1: Dốc sức vì ngày mai ảnh 1
Đội tuyển bóng chuyền nam trong một buổi tập. Quang Thắng

SEA Games đã gần kề nhưng đúng hôm chúng tôi có mặt tại Nhổn, các VĐV mới được cấp phát viên đạm cao cấp Amino Gold để các VĐV có thêm calo hoạt động trong những ngày vất vả thế này. Với giá 435 nghìn đồng/hộp 250 viên, nếu đúng chỉ dẫn chỉ đủ cho VĐV dùng trong 1 tháng (ngày 3 lần, mỗi lần 3 viên) nhưng cả đội cũng chỉ được phát hơn chục hộp, chắc chắn không đủ, nhưng có lẽ có còn hơn không (!?). Hiện tại, các cầu thủ đội bóng chuyền nữ vẫn đang chờ đi tập huấn Trung Quốc nhưng xem ra với sự đóng băng về kinh phí như hiện nay, chuyến tập huấn này gần như sẽ không thể thực hiện. Vì thế, đối thủ của đội nữ để cọ xát vẫn chỉ là chính họ và mỗi tuần 1 đến hai lần thi đấu với đội nam mà thôi.
 
Rời khỏi nhà thi đấu bóng chuyền, chúng tôi có mặt ở sân điền kinh. Vừa từ Trung Quốc trở về, nhìn cơ thể các VĐV như sắt lại nhưng ánh mắt của họ sáng ngời. HLV kỳ cựu Bùi Lương cho biết: "Chuyến tập huấn vừa rồi các cháu ăn tốt, ngủ tốt nên rất chuyên tâm tập luyện". Mặc dù giải vô địch quốc gia đã cận kề, song hầu hết các VĐV đã xác định mục tiêu chính là SEA Games 24. Các HLV đội tuyển điền kinh cũng bắt đầu cho các học trò làm quen với giờ thi đấu tại Thái Lan vào giữa trưa.
 
11 giờ trưa, Trung tâm 1 yên ắng như chốn không người. Tiếng chim cu gáy vẳng từ giữa sân bóng đá khiến khung cảnh càng thêm vắng lặng. Tuy nhiên đó lại là lúc, nhà ăn của tại trung tâm ồn ào nhất, sau khi nâng chế độ lên 100 nghìn đồng/người/ngày, mặc dù đã có những cố gắng nhất định nhưng bữa ăn cho VĐV vẫn chưa được như mong đợi. Chúng tôi sẽ đề cập cụ thể trong số báo ra ngày mai.
 
CHIỀU LẠI... TẬP
 
Rời khu A, nơi tập luyện của gần 400 VĐV các đội bắn súng, điền kinh, cầu mây nam, bóng chuyền, boxing nam, vật nữ, bóng bàn... chúng tôi có mặt tại khu B cũng là nơi hơn 300 VĐV các đội tuyển judo, karatedo, vật nam, cử tạ, TDDC, pencak silat đang khổ luyện.
 
Tại nhà thi đấu karatedo, HLV Lê Công đang cùng các học trò tập trung vào kỹ thuật và chiến thuật thi đấu, một buổi tập mà có mấy võ sĩ phải ra ngoài để chườm đá và băng bó vì chấn thương. Tập luyện còn như thế khi thi đấu mức độ khốc liệt còn lớn hơn, nên việc chấn thương là điều khó tránh khỏi. Đấy chính là điểm các HLV sợ nhất, vì lo công sức tập luyện suốt hai năm trời rất có thể mất trắng. Do đó, khi đặt ra chỉ tiêu giành huy chương, các HLV luôn phải trừ bớt phần trăm "rủi ro".
 
Liền kề trong nhà tập võ, đội tuyển pencak silat đang "khớp" nốt những giai đoạn cuối của hơn nửa năm tập luyện để chuẩn bị lên đường đến Malaysia dự giải vô địch thế giới. Suốt từ SEA Games 23, đã 2 năm trôi qua, đội pencak silat không hề có đối thủ thi đấu quốc tế nên đợt tập huấn lần này BHL không khỏi đắn đo. Việc HLV Nguyễn Ngọc Anh thôi giữ chức HLV và chỉ còn làm Trưởng Bộ môn kiêm Vụ phó Thể thao thành tích cao 1, khiến BHL mới và khá nhiều võ sĩ trẻ đang thắp thỏm phải làm thế nào để chứng tỏ vị thế số 1 thế giới đã làm được cách đây 3 năm, nên buộc BHL và các VĐV phải tích cực hơn nhiều.
 
Sau nhiều năm luôn phải xa nhà đi tập huấn nước ngoài, lần đầu tiên đội tuyển thể dục dụng cụ đóng đại bản doanh tại khu B với sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc. Nhờ được về nhà nhiều hơn, "búp bê" Ngân Thương cho biết em đã biết nội trợ, điều mà những năm trước khi phải xa nhà đi tập huấn nước ngoài ít VĐV nghĩ tới. Vẫn là "búp bê" xinh xắn, nhưng Ngân Thương đã là người lớn (18 tuổi) trong đội tuyển. Cùng với đội bắn súng, TDDC cũng đã đề ra chỉ tiêu 5 HCV trong đại hội tới.
 
Một ngày ở Nhổn trôi qua khá nhanh, trải qua một ngày tập luyện cực nhọc, là lúc các VĐV cần được thư giãn, nghỉ ngơi. Đáng tiếc điều này vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên tình trạng thiếu thông tin, "đói" văn hóa đang xảy ra hàng ngày. 

PHƯƠNG HOA
 (Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục