Lao xao thị trường chuyển nhượng

Kỳ 1: Các ngoại binh đến Việt Nam bằng cách nào ?

Hình ảnh những "ông Tây" lần đầu xuất hiện trong màu áo các CLB vào đầu những năm 2000 đã tạo nhiều chú ý nơi người hâm mộ, đó cũng giai đoạn đầu bóng đá Việt Nam "mở cửa" khi chuyển sang mô hình chuyên nghiệp. 8 năm đã trôi qua, sự xuất hiện của các ngoại binh đã đóng góp không nhỏ cho giai đoạn chuyển mình của bóng đá Việt Nam. Đằng sau sự xuất hiện của họ cũng có không ít chuyện vui buồn cũng như hành trình đến Việt Nam. Dù từ nhiều cách thức khác nhau, nhưng đều tựu chung một điểm: mưu sinh!

Hình ảnh những "ông Tây" lần đầu xuất hiện trong màu áo các CLB vào đầu những năm 2000 đã tạo nhiều chú ý nơi người hâm mộ, đó cũng giai đoạn đầu bóng đá Việt Nam "mở cửa" khi chuyển sang mô hình chuyên nghiệp.

8 năm đã trôi qua, sự xuất hiện của các ngoại binh đã đóng góp không nhỏ cho giai đoạn chuyển mình của bóng đá Việt Nam. Đằng sau sự xuất hiện của họ cũng có không ít chuyện vui buồn cũng như hành trình đến Việt Nam. Dù từ nhiều cách thức khác nhau, nhưng đều tựu chung một điểm: mưu sinh!

CHÂU PHI KHỞI ĐẦU CHO "LÀN SÓNG" NGOẠI BINH  

Kỳ 1: Các ngoại binh đến Việt Nam bằng cách nào ? ảnh 1
Danh thủ Kiatisak lần đầu tiên đến với bóng đá Việt Nam đã gây xôn xao thị trường chuyển nhượng trong một thời gian dài. Nguyễn Hoàng

Một trong những nhà môi giới cầu thủ ngoại đầu tiên tại Việt Nam phải nói đến ông John Morris, người Australia đã gởi cầu thủ đến nhiều đội bóng V-League cũng như giải hạng Nhất. Lúc ấy, do thị trường tại Việt Nam còn mới mẻ và mức chi tiêu chưa thoát khỏi cơ chế bao cấp nên "hàng" của "cò John" chỉ đề nghị thu nhập vài trăm USD/tháng. Ngoài nguồn cầu thủ từ ông này, các đội bóng cũng tìm nguồn ngoại binh bằng nhiều cách như nhờ doanh nghiệp đóng trên địa bàn của mình. Bởi thế mà đội Khánh Hòa đã có bộ ba Hàn Quốc ở mùa bóng 2000-2001. Đà Nẵng thì khởi động bằng các cầu thủ đến từ châu Âu…
 
Tuy nhiên, đa số các đội khác vẫn chuộng nguồn cầu thủ từ châu Phi bởi thể hình cao to và mức lương đòi hỏi chấp nhận được. Đồng thời, các ngoại binh đến từ châu Phi đã sớm khẳng định trong mùa đầu góp mặt: Enock Kyember (Uganda) trở thành vua phá lưới V-League đầu tiên trong màu áo SLNA, Blessing (Nigeria) là người hùng trong việc giúp đội Bình Định thăng hạng chuyên nghiệp.
 
Sau giai đoạn đầu làm quen với việc trang bị cầu thủ ngoại, dần dần số lượng CLB tại Việt Nam sử dụng "hàng ngoại" nhiều hơn, đa dạng hơn và giá cả cũng tăng theo từng mùa bóng.
 
BƯỚC NGOẶT MỚI 
 

 "KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG RỒI MỚI TRẢ TIỀN VÉ MÁY BAY"
 
Sau nhiều năm "cọ xát" với những nhà môi giới, các CLB cũng rút được nhiều kinh nghiệm. Điều đầu tiên mà họ áp dụng với các nhà "cò" là thỏa thuận: "Khi đưa cầu thủ sang, nếu thử việc tốt thì mới thanh toán tiền vé máy bay". Sở dĩ có thỏa thuận trên bởi có đội nhận cả chục cầu thủ nhưng đều… trớt quớt và mất chi phí vé máy bay vô ích, có cầu thủ sau đó lại chạy sang thử việc ở đội khác dù sau đó đã nhận tiền vé máy bay khứ hồi. Việc đưa ra thỏa thuận này cũng để các nhà môi giới có trách nhiệm hơn khi đưa cầu thủ sang thử việc.
 H.G

Với cái "mác" đến từ Brazil, Argentina, thị trường cầu thủ ngoại dần được nâng lên cả chất lượng lẫn tiền lương. Từ mức lương 500-700 USD ở những mùa trước, lương cho cầu thủ ngoại dần được nâng lên qua con số 1.000 USD, thời điểm mà SLNA trả lương 1.200 USD cho cầu thủ ngoại đã làm không ít đội phải trố mắt. Thế nhưng, sự hiện diện của ĐT.LA và HA.GL đã bắt đầu khiến thị trường cầu thủ ngoại chuyển biến mạnh mẽ.
 
Đồng Tâm Long An đã đem về các ngoại binh từ Nam Mỹ cùng HLV người Bồ Đào Nha Calisto tại giải hạng Nhất 2002, sau đó trở thành một trong những "đại gia" của làng cầu Việt Nam cùng với cái tên HLV Calisto. Hoàng Anh Gia Lai có phần vất vả hơn ở mùa đầu tham dự giải hạng Nhất cùng các cầu thủ châu Phi, nhưng mùa bóng sau đó, khi Kiatisak xuất hiện tại V-League đã tạo nên một làn sóng mới trên các sân cỏ Việt Nam, từ chất lượng cho đến chi phí để tham dự cuộc chơi ở chuyên nghiệp.
 
Thị trường Đông Âu cũng được nhiều đội để mắt đến như "bầu" Kiên của ACB đã mời được cựu danh thủ người Hungari Detari sang nắm chức danh HLV trưởng. Bình Định chuyển hướng từ châu Phi sang Nga mà nguồn của họ nghe đâu được lấy từ con trai của ông Romantsev, HLV của đội tuyển Nga ở thời điểm ấy. NHĐÁ theo chân HA.GL sử dụng cầu thủ Thái Lan, còn Đà Nẵng cũng chuyển dần hướng ngắm từ châu Âu sang Nam Mỹ...
 
GIÁ BAO NHIÊU ĐỂ CÓ 1 NGOẠI BINH ?

 Nhiều người đã tiên đoán, để có được Kiatisak ắt hẳn ông Đoàn Nguyên Đức phải chi khối tiền mới "bứng" anh khỏi tay các đội bóng khác từ Thái Lan cũng như Singapore. Nhưng theo tiết lộ của "bầu" Đức, số tiền chuyển nhượng phải bỏ ra để có được Kiatisak chỉ vài ngàn USD bởi: "Chủ yếu là thu nhập của cầu thủ chứ không nằm ở số tiền chuyển nhượng như thị trường cầu thủ tại Việt Nam đang áp dụng".  

Kỳ 1: Các ngoại binh đến Việt Nam bằng cách nào ? ảnh 2
Kesley (trái) chơi rất ấn tượng trong màu áo Becamex Bình Dương ở V-League 2007. Hoàng Hùng

Quả vậy, ở thời điểm ấy, đánh hơi được Việt Nam là thị trường béo bở khi bước đầu vận hành bóng đá chuyên nghiệp, và nhiều doanh nghiệp xuất hiện tại sân chơi bóng đá cũng như chưa rành rẽ về giá cả, nhiều nhà "cò" cứ thế mà tha hồ hét giá trên trời.
 
Dĩ nhiên là "tiền nào của nấy", nhưng đã có đội phải thu về bài học bạc tỷ mà trường hợp NHĐÁ tậu về Chaiman được xem là phi vụ bị hố nhất của các đội chuyên nghiệp lúc bấy giờ. Điều mà NHĐÁ có được dù sao cũng là kinh doanh thương hiệu, nhưng về chất lượng ngoại binh thì Chaiman chỉ là một cái bóng mờ so với những gì anh này thể hiện ở CLB Bec Tero trước đó. Ngoài những trường hợp làm việc trực tiếp với các CLB nước ngoài như HA.GL, ĐT.LA, nhiều đội khác phải thông qua trung gian và dĩ nhiên mất một khoản tiền đáng kể cho những tay "cò" này. Thông thường, khi CLB có nhu cầu thì liên lạc đến một nhà môi giới, sau đó sẽ nhận được một bản danh sách cầu thủ theo đúng vị trí mà mình đề nghị và có nhiều khung giá khác nhau để lựa chọn, từ 1.000 đến 2.000 USD, 4.000 USD và kể cả cao hơn. Bên cạnh mức lương, dĩ nhiên còn khoản tiền chuyển nhượng, nếu cầu thủ ấy còn vướng hợp đồng với CLB thì giá khác còn đang tự do thì giá khác. Và cho dù là kiểu gì thì "cò" vẫn được hưởng lợi, có khi được cả ở hai phía.
 
Để cạnh tranh, thị trường cầu thủ nước ngoài tại Việt Nam dần được nâng cao về chất và dĩ nhiên đi kèm là số tiền chi ra cũng nâng lên gấp nhiều lần so với thuở ban đầu. Để có được Kesley, ngoài tiền lương hàng tháng tròm trèm chục ngàn USD, còn cả phí chuyển nhượng vài chục ngàn USD chỉ cho 1 mùa bóng mà lãnh đội HA.GL đã chi khá đậm để có được anh, nhưng rồi chân sút này chỉ là một cái bóng mờ nhạt ở V-League 2006 và sau đó lại trở về Bình Dương. Mới đây, nghe đâu nhà đại diện của De Jesus - chân sút số 1 của TMN.CSG cũng đã gởi thông điệp nâng giá tiền chuyển nhượng và lương của anh nếu Thép-Cảng có nhu cầu sử dụng tiếp.

 ĐA DẠNG "CÒ" CHUYỂN NHƯỢNG  

 "Ở ĐÂU MÀ LẮM TUYỂN THỦ QUỐC GIA THẾ ?"

 Lãnh đội của nhiều CLB có thời gian khá ngạc nhiên khi bản giới thiệu của nhiều cầu thủ đến từ châu Phi, nhất là từ Nigeria khi thấy có nhiều tuyển thủ quốc gia có nhu cầu sang chơi tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi kiểm tra chất lượng thấy thường quá hóa ra nghi ngờ, có lần người phụ trách cầu thủ ngoại của một đội hạng Nhất sau khi xem bản fax giới thiệu đã giật mình khi phát hiện ra số fax không được gởi đi từ LĐBĐ nước này mà từ một nơi nào đó, có thể là bưu điện tại Nigeria. Thế là họ "nghỉ chơi" luôn tay môi giới này.
 Q.C

Sau John Morris, thị trường Việt Nam lần lượt xuất hiện nhiều nhà môi giới khác như Nelson (người Argentina) đã tìm cách tiếp cận với HA.GL nhân dịp đội bóng này sang Indonesia tham dự Cúp C1 Đông Nam Á 2003. Sau đó, ông đến với bóng đá Việt Nam bằng cách thức mới mẻ hơn: gởi đĩa hình cùng thông tin các cầu thủ thật chi tiết đến các CLB đang có nhu cầu. Tuy nhiên, nguồn cầu thủ của Nelson ít nổi bật, nên hiện nay không còn thấy tên của "cò" Nelson này trong kế hoạch tuyển quân của nhiều đội. Ngoài ra, thị trường Việt Nam còn có thêm những "cò" khác như: Mauro (người Nhật Bản nhưng có nguồn "hàng" khá phong phú tại Nam Mỹ), CLB Matsubara, hay ông Toubin… Thời gian gần đây xuất hiện hai nhà môi giới tham gia thị trường này là ba Mei Mue (công ty Strata) và ông Trần Đại, cựu cầu thủ Bưu điện và chuyển sang lãnh vực này sau khi nghỉ thi đấu.
 
Một nguồn môi giới khác cũng hiệu quả không kém là các HLV ngoại qua uy tín của mình đã được nhiều đội đánh tiếng nhờ cậy như Calisto (ĐT.LA), Luciano (Bình Định), Arjharn (HA.GL), hoặc từ chính các cầu thủ giới thiệu bạn bè, đồng nghiệp cho CLB mình đang chơi như Bakare - cựu cầu thủ đội CSG - sau này cứ trước mỗi mùa bóng đã xuất hiện tại Trung tâm Thành Long, hay Trung tâm thể thao CA.TPHCM để giới thiệu một bảng danh sách ngoại binh. Đồng thời, những đội bóng đã có web site như Bình Định, Bình Dương, ĐT.LA cũng thường nhận được nhiều thư điện tử tự giới thiệu cầu thủ vào trang web.
 
Thị trường cầu thủ nước ngoài đang có những chuyển biến tích cực cả về chất lượng lẫn phí chuyển nhượng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa họ với các đồng nghiệp người Việt Nam đang được thu hẹp lại từ những "cú hích" trong thời gian qua bởi những Trung Kiên, Huy Hoàng, Minh Phương... 

QUỐC CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục