Các nền bóng đá lớn thay HLV như thế nào ?

Kỳ 1: Bất tài hay không gặp thời?

Đã có 8 đội thay HLV sau 3 đợt trận đầu tiên ở Champions League. Ở Premier League, 4 nhà cầm quân đã phải chia tay đội bóng. Serie A, Ligue 1, Bundesliga... đều đã có HLV từ chức hoặc bị sa thải. Tóm lại, đây chính là thời điểm sôi động nhất trong mùa bóng về chuyện thay HLV.

Không như đề tài chuyển nhượng cầu thủ thường là thú vị, đa số HLV chia tay đội bóng trong tâm trạng buồn. Nhưng điều đáng bàn ở đây là: có gì khác biệt trong cách thay HLV ở các nền bóng đá lớn?

Kỳ 1: Bất tài hay không gặp thời? ảnh 1

Alex Ferguson là HLV cầm quân lâu năm nhất hiện nay. Ông vừa kỷ niệm 21 năm dẫn dắt Manchester United hôm 6-11 vừa qua.

Trong khi báo chí chộn rộn mô tả tình trạng thay HLV đến “chóng mặt”trên khắp châu Âu thì tại Manchester United, Sir Alex Ferguson vừa kỷ niệm 21 năm dẫn dắt CLB nổi tiếng này. Ông dẫn dắt M.U khi Wayne Rooney chỉ mới... 1 tuổi. Tại Arsenal, Arsene Wenger cũng đã cầm quân hơn chục năm nay. Nói vậy để thấy các đội bóng Anh thật ra không quá khắt khe với HLV của họ.

Dù có đến 4 đội ở Premier League (Wigan, Bolton, Tottenham, Chelsea) đã thay nhà cầm quân - tính đến thời điểm này, đấy có thể vẫn là con số chưa nhiều nhặn gì. Quan hệ giữa Chelsea và HLV Jose Mourinho thật ra đã rạn nứt từ mùa bóng trước, còn trận hòa Rosenborg ở Stamford Bridge trong khuôn khổ Champions League thật ra chỉ là cái cớ để đội bóng và HLV dàn xếp về một cuộc chia tay có nhiều điều kiện đi kèm.

Ở một mức độ thấp hơn, Martin Jol cũng chia tay Tottenham chậm hơn dự kiến. Trên bề mặt, báo chí dùng các trận đấu quan trọng để gán cho Jol nhiệm vụ “không được phép thua”, nhưng Jol chỉ thật sự ra đi sau khi thua rất nhiều trận “cuối cùng” như thế. Còn sau hậu trường, giới thạo tin cho rằng, Jol đã biết ông phải ra đi để nhường chỗ cho Juande Ramos từ trước đó rất lâu.

Cách sa thải (hoặc chấp nhận cho HLV từ chức) của bóng đá Anh hiếm khi đột ngột như bóng đá Ý. Tại Serie A, người ta có thể thay HLV ở bất cứ thời điểm nào, không cần đồn đại, cũng chẳng cần có dấu hiệu báo trước.

Trong mùa bóng 2005-2006, đội Cagliari lần lượt dùng đến 4 nhà cầm quân khi tháng 11 còn chưa kết thúc (đại khái như từ đầu mùa đến nay ở mùa bóng hiện tại). Thống kê trong vòng 4 năm cho thấy, 30,6% các CLB tồn tại một cách ổn định ở Premier League và giải hạng Nhì nước Anh giữ nguyên HLV trưởng. Con số tương tự ở Serie A và Serie B chỉ là 10,3%.

Sở dĩ người Ý thay HLV nhanh hơn người Anh là vì, theo phân tích của Franco Ferrari ở học viện Coverciano Academy: người Ý nhìn vào kết quả chứ không quan tâm đến lối chơi hoặc trình độ thật sự của nhà cầm quân như người Anh. Giỏi mấy mặc kệ, hễ kết quả không như ý thì HLV phải ra đi!

Nhưng cũng trong vòng 4 năm theo cuộc nghiên cứu nêu trên, chỉ có 24 trong 97 HLV ở hai hạng đầu của bóng đá Anh được cầm quân ở hai đội bóng (24,7%) và 2 HLV dẫn dắt 3 đội khác nhau (2%). Tỷ lệ tương tự ở Ý là 50% HLV dẫn dắt 2 CLB; 9,6% HLV dẫn dắt 3 CLB.

Nghĩa là trong số các HLV thất bại, cơ hội tiếp tục hành nghề của HLV Ý cao hơn từ 2-4 lần đồng nghiệp của họ ở Anh. Thật ra, khác biệt trên thực tế còn cao hơn nữa, vì một HLV ở Anh có thể lập tức dẫn dắt CLB khác sau khi bị sa thải, còn HLV ở Ý không được dẫn dắt 2 đội trong 1 mùa bóng, theo quy định riêng của Calcio.

Tóm lại, người Ý phản ứng với thất bại của HLV nhanh hơn người Anh nhưng cũng mở rộng vòng tay với các HLV đã bị sa thải hơn người Anh. Đây có thể là vấn đề trường phái, cũng có thể là nét khác biệt thú vị về văn hóa bóng đá giữa 2 nền bóng đá nổi tiếng này. Khi thất bại ở Serie A, bạn coi như không gặp thời.

Nói cách khác, người ta đánh giá đấy là giai đoạn không thành công của bạn, là thất bại trong một giai đoạn nhất thời của bạn, hơn là chính bạn bất tài. Không ai dám nói Marcello Lippi bất tài bởi ông chính là người đã đưa Squadra Azzurri lên ngôi vô địch World Cup, chưa kể hàng chục danh hiệu khác ở tầm CLB. Nhưng Lippi từng bị sa thải, cũng từng phải từ chức ở Serie A.

Ngược lại, người Anh thường đánh giá HLV bị sa thải là kẻ bất tài hơn là nhìn nhận sự việc theo hướng ông ta không gặp thời.

Đấy cũng là vì giới bóng đá Anh thường chậm phản ứng trước các nhà cầm quân thất bại, dẫn đến hệ quả HLV ấy thật ra đã được cho thêm cơ hội. Như đã nêu trên, Martin Jol chỉ thật sự ra đi sau rất nhiều trận mà báo chí cho là trận cuối cùng, nếu thua.

Tổng quát hơn, xin trở lại với sự nghiệp vĩ đại của Ferguson trong 21 năm gắn bó với M.U. Suốt 4 năm đầu cầm quân, Ferguson hầu như chỉ biết thất bại. Ở Ý, một HLV như thế chắc chắn đã phải chia tay đội bóng. Nhưng M.U luôn kiên nhẫn với Ferguson và rút cuộc ông thành công lớn.

Cho nên, các HLV khi đã thật sự mất việc thì rất khó trở lại nắm đội bóng khác trong làng bóng Anh. Cảm nhận chung về mẫu HLV ấy: chẳng còn gì để kiểm chứng nữa! Theo Chủ tịch Nghiệp đoàn HLV chuyên nghiệp Anh John Barnwell, nghiệp đoàn này có khoảng 300 thành viên vào năm 1999.

Đến năm 2004, chỉ còn 28 gương mặt cũ trong danh sách hội viên. Có 71 người vẫn hành nghề bóng đá nhưng không còn là HLV nữa (được tuyển làm trợ lý, chuyên viên săn lùng cầu thủ...). Khoảng 200 cái tên còn lại hoàn toàn biến mất trong giới bóng đá!
(còn tiếp)
TRI KỶ

Tin cùng chuyên mục